1. Chính phủ: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01/4/2021 Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 năm 2021

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2021, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội quý I năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48%. Sản xuất công nghiệp tăng 6,5%. Khu vực nông nghiệp tăng 3,16%, năng suất và giá lúa tăng. Thương mại, tiêu dùng phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1%. Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong quý I có trên 29 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký tăng 27,5%... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các quốc gia, đối tác lớn của ta; qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch...

P43
Ảnh minh họa/Internet

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm, hiệu quả yêu cầu "5K", quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước phòng dịch Covid-19; đồng thời nhập khẩu vắc-xin phục vụ tiêm phòng COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ cũng như có kế hoạch để tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng. Khẩn trương cùng các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế "hộ chiếu vắc-xin" tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; hoàn thiện quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Tiếp tục bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế; nâng cao năng lực, chất lượng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn. Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản, vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch COVID-19...

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng xem xét mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế. Cùng với Bộ Công an và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học tập trung tùy theo tình hình diễn biến dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng học trực tuyến, bảo đảm công bằng cho các học sinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trong nước gắn với bảo đảm an toàn chống dịch và nâng cao chất lượng phục vụ.

Bộ Quốc phòng chủ động theo dõi sát tình hình, có biện pháp ứng phó kịp thời để giữ vững chủ quyền quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh phía Nam bám chốt, duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển. Bộ Công an tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Ngoại giao sớm hoàn thành chương trình đối ngoại năm 2021 của lãnh đạo cấp cao; chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại, gắn với thực hiện mục tiêu kép và bảo hộ công dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai công tác truyền thông hiệu quả, đúng mức để người dân luôn đề phòng COVID-19. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng phần mềm truy vết Bluezone. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, tuyên truyền về những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân, các hoạt động thi đua lao động sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19, chống tin giả, lừa đảo trên mạng...; động viên toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021…

2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 về tạm cấp kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19cho tỉnh Hải Dương

Theo đó, tạm cấp 270 tỷ đồng (Hai trăm bảy mươi tỷ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch bệnh COVID-19như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 2404/BTC-NSNN ngày 10/3/2021. Bộ Tài chính xử lý cụ thể và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được tạm cấp bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương: (i) sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, các nguồn lực địa phương, nguồn huy động hợp pháp khác để kịp thời thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; (ii) kết thúc đợt chi trả, tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện chi phòng, chống dịch (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho tỉnh theo quy định.

3. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19

Theo Quyết định, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19gồm:

- Kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch COVID-19quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020.

- Kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch COVID-19quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ.

- Kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19trong 05 ngày tết Nguyên Đán năm Tân Sửu năm 2021 (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định;

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại:

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện;

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

- Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương hụt thu, sau khi đã điều chỉnh giảm một số khoản chi và sử dụng nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mà phần hụt thu ngân sách địa phương lớn hơn dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ dự phòng ngân sách trung ương. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương không vượt quá 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao.

4. Bộ Y tế: Công điện số 374/CĐ-BYT ngày 25/3/2021 Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong thời gian tổ chức các hoạt động bầu cử Quốc gia; Bộ Y tế điện Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

- Triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19.

- Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống của dịch COVID-19 để chủ động ứng phó hiệu quả bảo đảm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 và triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất. Tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng, đặc biệt đối với dịch COVID-19, ngoài ra cần chú ý đến các dịch bệnh lưu hành như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, tay chân miệng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Đẩy mạnh truyền thông thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, không tụ tập đông người; áp dụng xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và nơi công cộng; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các ban, ngành của địa phương để thường xuyên truyền thông khuyến cáo nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

- Tiếp tục chỉ đạo rà soát triệt để các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới; khi có ca bệnh phải thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm có chỉ định và yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện khai báo y tế tại các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

- Tổ chức tốt công tác phân tuyến thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn hiệu quả, đạt tỷ lệ tại các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 tại địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm ưu tiên quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, phương án tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và tiến hành tổ chức tiêm ngay khi có vắc xin phòng COVID-19 về đến địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong đó có dịch COVID-19, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn thực phẩm tại địa phương.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: