Phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Mục tiêu cuối cùng của Đảng là mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Thông điệp trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chính là mục tiêu, giá trị cốt lõi mà Đảng cộng sản Việt Nam phấn đấu thực hiện trong suốt 91 năm qua. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam nhất quán nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý hơn nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thành công của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là thực tiễn 35 năm đổi mới chính là minh chứng cho thấy Đảng đã phát huy nguồn lực nhân dân trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước để mang lại hạnh phúc, no ấm cho nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, gặp gỡ, chúc Tết các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Từ mục đích của Đảng, tiếp tục tinh thần của Chính cương vắn tắt của Đảng, trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, phát biểu ngày 03-3-1951 đăng trên báo Nhân dân, số 2, ngày 25-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mục đích của Đảng: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”; đồng thời, mục đích đó được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng: “Chính sách quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... của Đảng Lao động Việt Nam đã nói rõ trong bản Tuyên ngôn và Chính cương. Chính sách ấy có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Như vậy, làm cho nhân dân phú cường là một trong những quan điểm nhất quán của Đảng ta và 70 năm sau được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp thu và khẳng định lại.
Từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và từ yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân là bản chất và truyền thống của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của cá nhân anh hùng nào. Người có một quan niệm thật sự chuẩn xác về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947, Người khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng ta thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Theo Người, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân thuộc về bản chất của Đảng, nó không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng chân chính cách mạng, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, một trong những vấn đề cơ bản nhất trong công tác xây dựng Đảng, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng ở nước ta. Vì vậy, Người khẳng định, Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ mình vừa là người lãnh đạo, đồng thời là “đầy tớ” của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Người cho rằng, Đảng “phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định bị thất bại”.
Từ mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, Chỉ thị 01 Số 01-CT/TW ngày 9 tháng 3 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ảnh: TRỌNG HẢI
Xuất phát từ những mong muốn chưa đạt được về mang lại ấm no, hạnh phúc cao hơn nữa cho nhân dân thời gian qua, tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định: “kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược 2011 - 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra”. Hơn nữa, dự báo tình hình kinh tế - xã hội những năm tiếp theo, Đảng ta cho rằng: “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thành công thực tế của Đại hội nếu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta không có quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức Nghị quyết Đại hội XIII. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Chỉ số hạnh phúc - Thước đo thành công
Điều mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi - "Hạnh phúc của nhân dân" - tiếp tục được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII, cũng như trong phát biểu bế mạc Đại hội của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn PhúTrọng. Đó chính là khát vọng phát triển một đất nước phồn vinh, hạnh phúc và chính nhân dân là người được hưởng thành quả thắng lợi của công cuộc đổi mới.
Bày tỏ sự tâm đắc với những lưu ý rất gần gũi, thiết thực của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu, tầm nhìn, định hướng trong thời gian tới, trong những dấu mốc quan trọng của đất nước. Mọi quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng… đều hướng tới mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển đất nước.
“Hạnh phúc của nhân dân trước đây là có ăn, có mặc, được học hành. Đây là những yêu cầu tối thiểu khi Cách mạng Tháng Tám thành công mà Bác Hồ đã nói. Hạnh phúc là cả về đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng phải tốt nhiều hơn nữa so với thời gian trước đây để người dân cảm thấy được ấm no, hạnh phúc một cách trọn vẹn”, nhà báo Hà Đăng nói.
Tết đoàn viên của gia đình Việt Nam. Ảnh: GIA ĐỊNH
Theo nhà báo Hà Đăng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng. Quá trình thực hiện Nghị quyết, chúng ta cần bám sát vào những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược này, đó chính là cơ sở để chúng ta phát triển đất nước nhanh, mạnh mẽ, đạt được những mục tiêu ở những dấu mốc quan trọng là năm 2025, 2030, 2045 đã đề ra. Những mục tiêu, định hướng đó cuối cùng cũng đều vì lợi ích của nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, đất nước ta có thể bước tới đài vinh quang sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.
“Tại sao mục tiêu của mấy chục năm tới là “một nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc”? Trước đây là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Còn đích đến bây giờ chính là “phồn vinh và hạnh phúc” - đồng chí Hà Đăng nói và lý giải, khi đã hiện thực hóa được mục tiêu đề ra, nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới, người dân thấy được chủ nghĩa xã hội thực sự là con đường đi tới hạnh phúc của mình. Có như vậy mới động viên toàn bộ sức mạnh của nhân dân, sức mạnh trong khối đoàn kết, thực hiện được mục tiêu phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.
“Điều quan trọng nhất là làm cho nhân dân được hạnh phúc - khi ấy, đất nước mới yên ấm được. Chỉ số hạnh phúc sẽ đánh giá thành công của Đại hội, của Đảng ta trong những năm sắp tới!” - Nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh.
“Đánh thức” khát vọng Việt Nam
Nhắc đến mục tiêu hạnh phúc - một điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu hạnh phúc đã được đề trong Quốc hiệu của Việt Nam” (Tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay) nhưng lần này có tên chính thức trong các văn kiện Đại hội của Đảng và được coi là mục tiêu phấn đấu.
1. Vũ Tiến Lộc cho rằng, thực ra trước nay, trong xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội không chỉ có mục tiêu tăng trưởng, mà bên cạnh đó, chúng ta còn đặt ra một loạt mục tiêu khác để giải quyết như: Thất nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, hay mục tiêu về y tế, về giáo dục, bảo vệ môi trường... Bây giờ chúng ta khái quát lên và đưa thành mục tiêu hạnh phúc của nhân dân.
“Điều này là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, bởi lẽ, suy cho cùng thì hướng tới một nền kinh tế bảo đảm cho hạnh phúc của con người tức là theo định hướng phát triển bền vững. Khi đã đưa ra yêu cầu về hạnh phúc thì trong điều hành kinh tế - xã hội sẽ theo hướng không phải kinh tế là tất cả, không đánh đổi môi trường cho lợi ích ngắn hạn trước mắt... Việc nhấn mạnh trong nghị quyết đại hội Đảng là rất quan trọng cho việc định hướng tư duy, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và trong hành động: Khi hoạch định đường lối, chính sách phải hướng đến sự hài lòng của người dân!” - TS. Vũ Tiến Lộc phân tích.
LLVT tỉnh Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HOÀNG ANH
Còn GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh đến quan điểm phải đề cao khát vọng Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện trình Đại hội XIII: “Tư tưởng khát vọng Việt Nam trong văn kiện lần này là rất mới. Đó chính là khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, và đó cũng là tâm nguyện cả đời của Bác Hồ. Khát vọng phát triển bền vững, khát vọng phát triển hội nhập quốc tế thành công là phát triển hiện đại hóa đất nước, xây dựng một quốc gia dân tộc Việt Nam đạt đến mức độ là giàu mạnh, cường thịnh” - GS. Hoàng Chí Bảo phân tích.
Do đó, để thực hiện được tâm nguyện của Bác Hồ là dân tộc Việt Nam sẽ có thể sánh vai được cùng các cường quốc năm châu thì theo GS Hoàng Chí Bảo, phải “đánh thức” khát vọng Việt Nam, thực hiện cho được mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra với ba mốc quan trọng: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu cụ thể của Đại hội Đảng XIII.
Muốn vậy, chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Xây dựng “cái gốc của mọi công việc”
Theo các chuyên gia, muốn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, cần phải coi trọng đội ngũ cán bộ các cấp. Thực tiễn cho thấy, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Ðảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Ðảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Bước vào thời kỳ cách mạng mới, nhất là thời kỳ hội nhập và cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể tạo sự đột phá cho đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, nhất thiết phải có một bộ máy đủ mạnh, gồm những con người vừa có đức, vừa có tài, hết lòng lo cho đất nước, cho nhân dân, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển vững mạnh, nâng tầm vị thế, cơ đồ của đất nước ta lên tầm cao mới, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Theo PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, để mỗi cán bộ có đạo đức chuẩn mực, bản lĩnh vững vàng, có uy tín và năng lực tổ chức thực tiễn đòi hỏi sự rèn giũa của cán bộ, từ cấp cơ sở (xã, phường) cho đến cán bộ cấp trên cơ sở (huyện, quận, tỉnh, thành phố) rồi các ngành, các cấp.
“Những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín và đặc biệt là tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, hội tụ khát vọng lớn về tinh thần cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như đời sống của người dân”, PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Dẫn chứng thành công trong cuộc chống thức “giặc vô hình” Covid -19 thời gian vừa qua là do tính xung phong, đi đầu trong gian khó, GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, tinh thần trách nhiệm của của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, những người có trọng trách, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp, các ngành cùng với phương pháp điều hành, chỉ đạo khẩn trương, kịp thời sẽ củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, khiến dân tin, dân theo, huy động được sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, hiện thực hóa khát vọng đã đề ra trong Nghị quyết.
Nhắc đến những “tinh hoa” của dân tộc, của Đảng, GS. Hoàng Chí Bảo phân tích, “một điều rất thiết thực là phải lấy sự hài lòng của người dân, đánh giá của người dân, với cán bộ, đảng viên, công chức làm chỉ số, thước đo về năng lực, hiệu quả công tác, về phẩm chất, trình độ chính trị, đạo đức của toàn Đảng, của từng người, từng tổ chức.
“Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện lời Bác là đầy tớ, công bộc của dân thì sẽ tạo ra một điều rất tốt đẹp, gửi đến toàn dân cũng như bạn bè quốc tế về quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đi lên xây dựng cho được một xã hội Việt Nam giàu mạnh, một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh, hiện đại, thực hiện cho được khát vọng to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu ra từ rất lâu rồi”, GS. Hoàng Chí Bảo kỳ vọng.
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Ảnh: LINH LAN
Hành động và hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kỳ vọng những chủ trương, quyết sách mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra thấm sâu vào cuộc sống, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển phồn vinh, hạnh phúc, nâng cao đời sống của người dân.
PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Bây giờ là đến lúc hành động, hành động và hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống!”
Kỳ vọng Nghị quyết XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống, ông Trịnh Thanh Phi, cán bộ hưu trí TP Hà Nội kỳ vọng, điều này sẽ tạo sự thay đổi về kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân: “Tôi kỳ vọng với những mục tiêu phát triển đất nước trong 5- 10 năm tới và tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 sẽ tạo sự phát triển cho con rồng Việt Nam, một sức bật hàng đầu của Châu Á. Tôi cũng mong muốn, nền kinh tế cho cân bằng giữa các tỉnh, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định; để không ai bị bỏ lại phía sau và đặc biệt Việt Nam không còn nghèo đói!”
Chị Vũ Thu Thủy (Vân Đồn, Quảng Ninh) chia sẻ: Qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta hiểu sâu sắc rằng, sự phát triển kinh tế cũng chưa quan trọng bằng sự bình yên, hạnh phúc của người dân. Theo tôi, đây là giá trị cốt lõi trong việc phát triển ổn định, lâu dài của đất nước.
Mong muốn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống, ông Hoàng Chương (Lê Chân, Hải Phòng) nhấn mạnh, điều này sẽ tạo nền tảng cho 5 năm bứt phá. Những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt vì dịch bệnh Covid-19, những thử thách đặt ra cho công cuộc chuyển đổi số, những khát vọng hùng cường sẽ được giải quyết, đưa đất nước tiếp tục phát triển phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo.
Kết thúc loạt bài viết, chúng tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh hành động trong thực hiện nghị quyết: "Toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, “với tinh thần như chúng tôi vẫn nói là năm sau phải phát triển tốt hơn năm trước. Lần này, đề nghị nhiệm kỳ khóa XIII phải làm tốt hơn nhiệm kỳ khóa XII”.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)