Kết hợp kinh tế - xã hội (KT-XH) với quốc phòng, an ninh (QPAN); QPAN với KT-XH là luận điểm cơ bản, xuyên suốt trong đường lối phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa truyền thống dân tộc, những bài học kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, một trong những nội dung Đại hội XIII xác định trong nhiệm vụ trọng tâm thứ tư là: “Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố, tăng cường QPAN”1. Đây là luận điểm hết sức quan trọng, thể hiện quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lĩnh vực đời sống xã hội để tăng cường tiềm lực quốc gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần được các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng đề ra.
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã dự báo và nhận định tổng thể, toàn diện xu thế phát triển của thế giới, khu vực và đất nước, chỉ rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhiều mặt gay gắt hơn. Có rất nhiều vấn đề, nhưng nổi lên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn về địa - chiến lược, về thương mại ở khu vực ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, trực diện, chưa bao giờ tính chất và mức độ lại căng thẳng như hiện nay; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; các quốc gia vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh, nhằm chi phối quyền lực vì lợi ích quốc gia - dân tộc; các trào lưu “bất tuân dân sự nảy sinh”; an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp, nhất là thiên tai, dịch bệnh, thảm họa về môi trường, sinh thái; tình hình biển Đông... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn gia tăng chống phá cách mạng nước ta, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt... là những vấn đề không thể xem thường.
Từ những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới, cùng những nhận định xu hướng phát triển của thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới, Đại hội XIII xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải tạo ra một kết quả tốt hơn nữa trong kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN, nhằm tạo điều kiện, động lực cho nhau cùng phát triển; đồng thời cũng tạo ra thế bố trí chiến lược chung cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và QPAN trên địa bàn cả nước và từng địa phương. Theo chúng tôi, trong những năm tới, chúng ta cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thống nhất cao về mặt nhận thức của các cấp, các ngành, các lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân tính tất yếu kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường QPAN
Một trong những hạn chế mà văn kiện chỉ ra là “còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”[2]. Đó có thể coi là khuyết điểm căn bản làm giảm hiệu quả kết hợp. Có một thực tế, trước đây trong chiến tranh, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc được đặt lên hàng đầu, khi đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ QPAN luôn được các cấp, các ngành và toàn dân chú trọng, đề cao. Chiến tranh kết thúc và ngày càng lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), khát vọng phát triển kinh tế, phấn đấu có cuộc sống ấm no về mặt vật chất đã trở thành động lực chủ yếu của cả xã hội. Cùng với đó là ảnh hưởng của xu thế hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ cũng chi phối về mặt nhận thức coi nhẹ QPAN. Không những thế, vai trò của QPAN trong thành tố phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng ít được nhận thức rõ. Thời bình, nhiều quan điểm cho rằng cứ phát triển kinh tế mạnh ắt sẽ có QPAN mạnh... tất cả điều đó đã chi phối rất lớn đến ý thức gắn kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN. Những bài học rút ra từ thực tiễn chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác, xem nhẹ QPAN dẫn đến xung đột ở một số địa bàn của đất nước trong những thập kỷ qua đã chứng tỏ điều đó. Vì thế, thời gian tới, trên cơ sở thấu suốt quan điểm: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; củng cố QPAN là trọng yếu, thường xuyên; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”3, các cấp, các ngành cần tăng cường hiệu quả tuyên truyền, giáo dục để đi vào thực chất, mở rộng đối tượng, phạm vi và đa dạng hóa hình thức, cách thức thực hiện, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông và vai trò của lực lượng chuyên trách, trước hết tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các thành phần, lực lượng là biện pháp căn bản, hàng đầu để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động, làm tốt vấn đề này sẽ khắc phục được những nhận thức lệch lạc mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN
Cơ chế, chính sách là yếu tố rất quan trọng, là căn cứ để tổ chức thực hiện kết hợp. Những năm qua, việc bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách kết hợp luôn được chú trọng, vì thế đã tháo gỡ không ít những vướng mắc, khắc phục nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện, nhất là ở địa bàn trọng yếu, có tính chiến lược, biên giới, biển đảo, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, tình hình mới đang đặt ra rất nhiều nội dung cần phải bổ sung cho phù hợp thực tiễn đặt ra của cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và cả lĩnh vực QPAN. Thực hiện vấn đề này, cần phải quán triệt quan điểm của Đảng trong xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng minh bạch, tinh, gọn, tránh chồng chéo, rườm rà, nhưng lại phải hết sức chặt chẽ, đồng bộ và điều quan trọng là không làm cản trở, gây phức tạp, khó khăn cho sự kết hợp, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Để thực hiện điều này, cần phải có đội ngũ chuyên gia giỏi để nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
Thứ ba, xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể tăng cường QPAN gắn với phát triển KT-XH trong từng giai đoạn, từng địa bàn, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, chiến lược
Đây là vấn đề rất khó bởi những diễn biến nhanh chóng, khó lường của thực tiễn, đòi hỏi phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược, cách nhìn tổng thể giữa các mặt, các lĩnh vực, nhưng cần phải thực hiện trong giai đoạn tới để phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng, tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới4. Cùng với đó, các thành phần kinh tế của đất nước cũng đang có tốc độ phát triển rất nhanh cả về quy mô và chiều sâu. Về mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội XIII xác định rõ trong mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực và trên từng địa bàn. Vì thế, trên cơ sở này, việc tăng cường QPAN gắn với phát triển KT-XH trong từng giai đoạn, từng địa phương cũng cần được xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện. Đây cũng chính là thực hiện quan điểm của Đảng ta: “Mỗi bước phát triển KT-XH là một bước củng cố, tăng cường QPAN”. Điều này chỉ có thể thực hiện khi có nhận thức đúng, hành động đúng của tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân.
Thứ tư, phát huy vai trò nòng cốt của LLVT trong thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN, đối ngoại
Đại hội XIII đã có Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm, tầm nhìn 2045; Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định định hướng xây dựng quân đội giai đoạn 2021-2025, và từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Trước đó, rất nhiều các chiến lược về quân sự, quốc phòng đã được Bộ Chính trị ban hành; Quốc hội cũng đã thông qua một số luật và Chính phủ đã ra chương trình hành động. Do đó, trong thời gian tới, cần phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của LLVT, nhất là Quân đội nhân dân tương xứng với chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, nhằm phát huy tốt vai trò nòng cốt thực hiện gắn QPAN gắn với KT-XH, tham gia thẩm định, quản lý, sử dụng đất quốc phòng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trên phạm vi cả nước và từng địa bàn.
Việc định hướng phát triển KT-XH với tăng cường QPAN ở nước ta giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là sự cụ thể hóa chủ trương chiến lược về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Đây vừa là nhiệm vụ có tính cấp thiết trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra tiền đề và sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá Lê Hùng Sơn,
Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội-2021, tr.48.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội-2021, tr.88.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội-2021, tr. 33.
4. CPTPP, VPFTA, RCEP....