Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” không phải đến nay Đảng ta mới chú trọng và đặt vấn đề này trở thành vấn đề được đưa lên hàng đầu trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Mà cán bộ và công tác cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chú trọng xây dựng và phát triển ngay từ những ngày đầu của công cuộc vận động và thành lập Đảng, đây là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào của Đảng.
Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “công việc gốc” của Đảng. Đảng muốn vững, cách mạng muốn thành công thì phải có đội ngũ cán bộ hội tụ đầy đủ tất cả các năng lực về trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có đầy đủ các yếu tố để có thể đảm nhận các trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Vì vậy, cán bộ và công tác cán bộ luôn là một nội dung được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ tốt, công tác cán bộ chuẩn mực thì sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc mới phồn vinh và thịnh vượng.
Đã có nhiều quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, Người quan niệm “cán bộ là gốc của mọi công việc” “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”1, đến quan điểm của Đảng ta đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”2.
Có thể thấy, công tác cán bộ là một công việc đặc biệt quan trọng, được Đảng quan tâm, đặt lên vị trí hàng đầu và đã xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về chiến lược xây dựng cán bộ qua các thời kỳ khác nhau, mỗi một giai đoạn, mỗi một thời kỳ thì những chủ trương, quan điểm đó ngày càng được hoàn thiện và nâng tầm lý luận. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã có bước đột phá về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”3. Đây là quan điểm nổi bật, mang tính đột phá chiến lược, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tâm đắc và đánh giá cao. Có thể khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh… đã khó mà xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung còn khó khăn và phức tạp gấp bội lần.
Có thể hiểu, đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung là đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, đôi khi là có sự khác biệt với tư duy chung của số đông, luôn luôn nhiệt huyết với công việc, dám làm theo suy nghĩ và định hướng của cá nhân, dám đi đầu, đổi mới, ứng dụng những công nghệ mới, suy nghĩ hiện đại, loại bỏ những quan điểm cũ kĩ, lạc hậu, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định cũng như hành động của mình.
Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ của Đảng không thiếu cán bộ giỏi, có trình độ, chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất chính trị và lối sống trong sạch, lành mạnh nhưng để nói đến đội ngũ cán bộ có năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn vì lợi ích chung… thì chắc chắn sẽ không nhiều, hoặc dù có nhưng đa số sẽ bị những lực cản vô hình nào đó trói buộc, cản trở năng lực đi đầu đổi mới, cản trở tư duy năng động, sáng tạo, khiến cho đội ngũ cán bộ đó không dám đề đạt ý kiến, không dám tranh luận thẳng thắn, không dám đấu tranh cho lợi ích chung, không dám đưa ra các ý tưởng mang tính chất đột phá… Thiết nghĩ, để xây dựng được đội ngũ cán bộ có đầy đủ các phẩm chất như vậy, chiến lược xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng phải cụ thể, có lộ trình để đảm bảo đầy đủ các mục tiêu về tính kế thừa, tính mới, tính động và mở… trong công tác cán bộ. Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới. Khi đảm bảo các yếu tố cần và đủ trong cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, thì đội ngũ cán bộ có năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn mới tự tin để thể hiện và đóng góp công sức, sự tâm huyết vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo quan điểm mang tính chất cá nhân trên cơ sở tổng hợp và nghiên cứu các quan điểm chung của Đảng về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, để xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, nhất thiết phải có những yếu tố cần và đủ sau:
Thứ nhất, phải có cơ chế rõ ràng, phù hợp để khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Đây chính là những chính sách về khuyến khích, động viên cán bộ “dám” làm và “dám” hành động, cơ chế để khuyến khích, động viên là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bao gồm chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, khen thưởng, sự kỳ vọng của tổ chức, sự khẳng định bản thân của cá nhân cán bộ…
Bên cạnh chính sách, cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ “dám” làm, “dám” hành động trong công việc cũng đồng thời phải có cơ chế hợp lý để bảo vệ cán bộ. Bảo vệ ở đây, có nghĩa là bảo vệ cán bộ trước những hành động đúng, “dám” hành động vì lợi ích chung trên cơ sở tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo vệ cán bộ về chuyên môn, về uy tín, danh dự, phẩm chất, bảo vệ cán bộ về chính trị, hành chính, pháp luật… đương nhiên chính sách bảo vệ cán bộ phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau và trong quy định của pháp luật và không nằm ngoài chuẩn mực của xã hội. Bởi, chỉ khi có cơ chế bảo vệ, khuyến khích, động viên thì đội ngũ cán bộ này mới dám thể hiện và dám hành động, tư tuy đổi mới mới được triển khai và ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, trong sự “dám” này, nhiều khi cũng không đưa lại kết quả như ý muốn thậm chs tiềm ẩn rủi ro, sai lầm, có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng khi đã có cơ chế bảo vệ đặc thù, cán bộ có chỗ dựa, niềm tin vững vàng cùng với cơ chế khuyến khích, động viên phù hợp thì các ý tưởng táo bạo, đột phá, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm mới được triển khai. Như vậy, khi đã có quan điểm nhất quán của Đảng, cơ chế cụ thể về vấn đề này, việc khai thông và phát triển nguồn lực sáng tạo vô tận của đội ngũ cán bộ mới có cơ hội để bộc lộ và hiện thực hóa.
Thứ hai, ranh giới giữa tư duy đột phá, hành động đột phá, sáng tạo với sự sai lầm, vấp váp, rủi ro của đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung… là khá nhạy cảm và mong manh. Vì thế, để phân biệt đội ngũ cán bộ có những đặc điểm này cũng đưa lại những phức tạp. Điều này, có thể căn cứ vào một quá trình dài công tác, phấn đấu; căn cứ vào tư tuy, hành động của đội ngũ cán bộ đó và sự kiểm tra, nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Tuy nhiên, đó phải là sự đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, phân minh, công bằng, phải thật sự có tâm và mong muốn đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ vì lợi ích chung, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết cũng cần có sự phân loại cụ thể đối với từng mức độ, loại hình và cấp quản lý cán bộ. Bởi một loại hình cán bộ, hay đối với từng cán bộ ở các cấp khác nhau, những suy nghĩ mang tính đột phá, hành động đột phá, sáng tạo, tư duy đổi mới… cũng có sự tác động khác nhau đến cơ chế, chính sách, tác động đến một lĩnh vực cụ thể nhanh hay chậm, tác động mang tính ngắn hạn hoặc lâu dài. Vì vậy, phân loại cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám hành động vì lợi ích chung là một yếu tố cần thiết trong chiến lược đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng hiện nay.
Tóm lại, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác cán bộ luôn là một công việc gốc của Đảng. Và quan điểm này luôn được Đảng ta hoàn thiện, nâng tầm lý luận qua các giai đoạn cách mạng khác nhau để xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, trong đó, với mong muốn đất nước phát triển bền vững, phồn vinh và thịnh vượng, Đảng ta đã đưa ra quan điểm mang tính chất đột phá và kỳ vọng xây dựng được một đội ngũ cán bộ trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Trên quan điểm gốc này, tin chắc rằng, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ còn có nhiều quan điểm, chính sách để xây dựng, phát huy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này, nhằm mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.
Giảng viên, ThS. Dương Quốc Thành
Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn,
Học viện An ninh nhân dân
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.5, tr. 309
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)
3. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, NXB Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187