1. Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

 Công điện nêu rõ: Thời gian vừa qua Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đã được triển khai. Đến nay, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Thực tế nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.

P 47
Ảnh minh họa/Internet

Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

- Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng... đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu:

+ Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng;

+ Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương;

+ Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.

- Các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 05 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

- Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

- Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội.

- Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.

- Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên khen thưởng kịp thời, phù hợp.

- Về việc đảm bảo vắc-xin tiêm phòng dịch COVID-19:

+ Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vắc-xin còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vắc-xin này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.

+ Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 50, Nghị quyết số 21 của Chính phủ để rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại; tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vắc-xin và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.

+ Quản lý và sử dụng có hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính ngân sách đã được bố trí. Đồng thời có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp và người dân tích cực, chủ động tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua, bán, sử dụng vắc-xin.

- Bộ Y tế bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về nhập khẩu, sản xuất và tiêm vắc-xin, cập nhật tình hình trong và ngoài nước để chỉ đạo xây dựng Báo cáo và Tờ trình ngắn gọn xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5 năm 2021 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm COVID-19 để Bộ Y tế có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc-xin.

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo toàn diện các công việc liên quan đến phòng, chống dịch; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế phát huy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống dịch, nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện.

2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 01/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19

Trong Thông báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:

Tại Việt Nam, sau hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, ngày 29 tháng 4 năm 2021 đã ghi nhận chùm ca bệnh với 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam và khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.

Trong 01 tháng qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 (Điện ngày 27/4/2021 của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ; Công điện số 540/CĐ-TTg và số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 81/TB-VPCP ngày 26/4/2021 và số 82/TB-VPCP ngày 29/4/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam từ ngày 29/4/2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và thành quả to lớn rất ấn tượng về phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được thời gian qua của cả nước, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu như y tế, quân đội, công an...; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố liên quan đến chùm ca lây nhiễm bệnh vừa qua, khẩn trương, thần tốc truy vết nhanh, phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng gọn, điều trị tích cực; đồng thời kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đã trực tiếp gây ra ổ dịch bệnh ở Hà Nam, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết để bình tĩnh và sáng suốt, chủ động và sáng tạo, tích cực và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Đảm bảo các mục tiêu: (i) vừa phải phòng, chống dịch, khắc phục có hiệu quả, vừa phải phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn, an dân và ổn định chính trị, nhất là những nơi đang có dịch và có đường biên giới với các nước láng giềng; (ii) đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp ngày 23/5/2021; (iii) phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội giao.

- Kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyệt đối không được thỏa mãn với thành tích đã đạt được; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

- Các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh khẩn trương thực hiện:

+ Thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; kiên quyết không để dịch lây lan nhanh.

+ Chủ động, sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, quốc phòng, công an đảm bảo hoạt động phòng chống dịch khẩn trương, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn.

+ Phát huy vai trò của tổ phòng, chống Covid cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, ủng hộ và tham gia phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các giải pháp sau:

+ Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

+ Siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các đơn vị, cơ sở trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe, các địa điểm công cộng tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; khu du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở thờ tự của tôn giáo và các sự kiện tập trung đông người...

+ Tiếp tục thực hiện tầm soát chủ  động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

+ Chủ tịch UBND các cấp, căn cứ điều kiện của địa phương và tình hình dịch trên địa bàn chủ động, linh hoạt, sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của mình để quyết định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhất là trong phòng, chống và khắc phục có hiệu quả dịch COVID-19.

- Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố:

+ Phối hợp với các địa phương khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; chủ  động hỗ trợ điều phối, tổ chức thực hiện xét nghiệm trên diện rộng và kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác điều trị, đặc biệt với các trường hợp bệnh nặng hoặc vượt quá khả năng của địa phương.

+ Tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tổ chức mua, sản xuất, thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm độ bao phủ tiêm chủng trên địa bàn, không để xảy ra gián đoạn công tác tiêm chủng, nhanh chóng thực hiện tiêm chủng vắc xin có lộ trình khả thi, hiệu quả cho người dân.

+ Bộ Y tế tích cực tìm nguồn vaccine trên tinh thần chỉ đạo là: mạnh mẽ, chủ động, tích cực, kịp thời hơn nữa; tiếp cận với nhiều nguồn hơn nữa vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng và người dân. Nghiêm cấm không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tiêu cực,…

- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, UBND các tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương chỉ đạo:

+ Rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện cách ly y tế, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung và từ cơ sở cách ly lây nhiễm ra cộng đồng; tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở và những nơi vi phạm, không thực hiện theo quy định và không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

+ Chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả cơ sở cách ly, điều trị và thực hiện nghiêm quy trình bàn giao, tiếp nhận trường hợp hoàn thành cách ly về địa phương để thực hiện các quy định tiếp theo; chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của nơi cách ly và tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước nếu để xảy ra sự cố liên quan đến dịch bệnh.

+ Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép.

+ Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân không chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không để xuất hiện tình huống hoang mang trước diễn biến mới của dịch bệnh; khuyến khích thực hiện khai báo y tế tự nguyện, tiêm vắc xin phòng dịch, thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch.

- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ  Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chủ trì chỉ đạo; Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về nguy cơ, mức độ gây nhiễm, khi nào là có dịch và phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện, tình hình thực tế để quyết định các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

- Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hãy vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của Quốc gia, Dân tộc tự giác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống khắc phục hậu quả của dịch COVID-19.

3. Bộ Y tế: Công điện số 583/CĐ-BYT ngày 02/5/2021 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các nội dung sau:

- Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm, ...); trường hợp tổ chức phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo đúng quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.

- Xem xét chỉ đạo dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết (quán bar, karaoke, vũ trường, game) có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.

- Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khử khuẩn, khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19.

- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các nơi công cộng để phòng chống dịch COVID-19; thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông: Công văn số 1324/BTTTT-THH ngày 29/4/2021 về việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19

Trong Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia láng giềng gần với Việt Nam, để giúp cả xã hội, người dân và doanh nghiệp duy trì trạng thái “bình thường mới” - vừa chung sống an toàn với bệnh dịch, vừa tiếp tục kinh doanh sản xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn bộ giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Đây là tài liệu hướng dẫn sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ của Việt Nam kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng và các biện pháp hành chính của chính quyền địa phương để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng dịch một cách chính xác, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh bình thường của xã hội. Bộ giải pháp công nghệ trong tài liệu hướng dẫn gồm có:

- Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone: Ứng dụng ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ để phục vụ cơ quan y tế sử dụng trong công tác truy vết, khoanh vùng các ca lây nhiễm, trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

- Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD: Việc khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng VHD là bắt buộc. Các thông tin khai báo sẽ giúp cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI: Cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình thông qua việc khai báo y tế tự nguyện. Các thông tin này giúp cho cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ có thể xảy đến với người dân khai báo y tế và kịp thời có nhưng biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

- Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code): Các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thông, các cơ sở lưu trú, nhà hàng... đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code và yêu cầu người dân cần khai báo y tế bằng cách quét mã QR code khi đến các địa điểm công cộng đó thông qua các Ứng dụng trên điện thoại thông minh (gồm có 3 ứng dụng: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone). Thông qua hệ thống, người dân sẽ được cảnh báo kịp thời và được hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh nêu dịch bệnh bùng phát có liên quan đến các địa điểm mà người đó đã từng đến. Công tác truy vết và khoanh vùng lây lan của cơ quan chức năng cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn nhờ dữ liệu ghi nhận được từ hệ thống.

- Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn COVID-19: Hệ thống thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế. Các đơn vị này hằng ngày kiểm tra và cam kết đã hoàn thành các tác vụ về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điểm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid trên điện thoại hàng ngày và thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn được thực hiện thường xuyên liên tục và minh bạch…

5. UBND Thành phố Hà Nội: Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 03/5/2021 về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà nội

Công điện nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua, đặc biệt Thành phố đã ghi nhận các ca mắc ngoài cộng đồng, có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 (có bản chụp gửi kèm) trên địa bàn, trong đơn vị quản lý; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.

- Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện: số 03/CĐ-UBND ngày 27/4/2021, số 04/CĐ-UBND ngày 29/4/2021 và số 05/CĐ-UBND ngày 02/5/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.

- Từ 17h00 ngày 03/5/2021:

+ Tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.

+ Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 01m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

6. Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Công văn số 1135/BHXH-TCKT ngày 29/4/2021 về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hàng tháng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19

Trong Công văn, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5, tháng 6 năm 2021 vào cùng một kỳ chi trả (xong trước ngày 20/5/2021).

BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh:

- Xây dựng phương án chi trả tháng 5, tháng 6 năm 2021 vào cùng một kỳ chi trả phù hợp với từng địa bàn tránh tập trung đông người đảm bảo an toàn cho người hưởng theo đúng Công điện, Thông báo của Thủ tướng Chính phủ.

+ Báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 về kế hoạch triển khai chi trả trên địa bàn. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

+ Thông báo cho người hưởng biết các nội dung thay đổi về phương thức chi trả, thời gian chi trả và địa điểm chi trả để người hưởng biết, thực hiện. Yêu cầu nhân viên chi trả, người hưởng phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn ... theo đúng quy định; chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, sát khuẩn miễn phí tại điểm chi trả để phục vụ nhân viên chi trả và người hưởng trong trường hợp người hưởng không có khẩu trang.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cho người hưởng, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm chi trả.

+ Kết hợp vận động khuyến khích người hưởng với giải pháp cụ thể thực hiện chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

- Giám đốc BHXH tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN; chủ động cập nhật tình hình tại địa phương, sẵn sàng thực hiện các phương án chi trả đáp ứng mọi tình huống, kịch bản của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương. (Trường hợp có khu vực phải cách ly, phong tỏa thì phương án, thời gian chi trả phải được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương).

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo bưu điện tỉnh các nội dung sau:

- Phối hợp với BHXH tỉnh đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 về Phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp tháng 5, tháng 6 năm 2021 và các tháng tiếp theo trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

- Phối hợp cơ quan BHXH xây dựng các phương án chi trả phù hợp từng địa phương, theo diễn biến của dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người hưởng và nhân viên chi trả, tránh tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường nhân viên chi trả, bố trí thêm bàn chi trả để giảm thời gian chờ đợi của người hưởng, tránh tụ tập đông người. Thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tiền mặt khi tổ chức chi trả cho người hưởng

- Thông báo cho người hưởng địa điểm, thời gian chi trả, các biện pháp phòng chống dịch tại điểm chi trả để người hưởng lựa chọn, bố trí thời gian đến nhận tiền phù hợp và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Công điện số 541/CĐ-TTg, Thông báo số 81/TB-VPCP tại các điểm chi trả; chịu trách nhiệm khi để xảy ra trường hợp lây nhiễm dịch trong quá trình chi trả do cơ quan bưu điện không thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm phòng, chống dịch.

 Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: