1. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021.
Nghị định này quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (gọi là biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản bảo đảm.
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ.
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Mô tả tài sản bảo đảm:
- Việc mô tả tài sản bảo đảm do bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận, phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, các Điều 12, 13, 18 và 19 Nghị định này.
- Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận.
- Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.
Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm được quy định:
- Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.
- Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 Điều 22 Nghị định này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.
- Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
- Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai:
- Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định này có hiệu lực đối với toàn bộ nghĩa vụ trong tương lai.
Trường hợp nghĩa vụ trong tương lai được hình thành mà các bên thỏa thuận xác lập hợp đồng bảo đảm mới, biện pháp bảo đảm mới đối với nghĩa vụ này thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh theo hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập mới.
- Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ trong tương lai, thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thời hạn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Quan hệ giữa hợp đồng bảo đảm với hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm:
- Hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm.
- Trường hợp hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì giải quyết như sau:
+ Các bên chưa thực hiện hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt.
+ Các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt. Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ hoàn trả của bên có nghĩa vụ đối với mình.
Việc cầm cố; thế chấp; đặt cọc, ký cược; ký quỹ; bảo lưu quyền sở hữu; bảo lãnh; tín chấp; cầm giữ tài sản; xử lý tài sản bảo đảm được quy định cụ thể trong Nghị định này.
2. Nghị định số 22/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ về khu kinh tế - quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2021.
Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng:
- Củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Tổ chức bố trí, sắp xếp dân cư tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong thế trận khu vực phòng thủ, hình thành các cụm, bản, làng, xã.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong Khu kinh tế - quốc phòng để từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trách nhiệm lập hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng được quy định:
- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan rà soát, lập hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này, gửi cơ quan tổ chức lập quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng.
- Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng lập, thẩm định hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng.
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tích hợp hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Căn cứ lập hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng:
- Nhiệm vụ lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Kế hoạch về nhu cầu quốc phòng, khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh.
- Quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và các quy hoạch khác có liên quan.
- Quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng kỳ trước.
Thẩm quyền tổ chức lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng:
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
- Quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng lựa chọn tổ chức tư vấn lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được giao quản lý.
- Đơn vị tư vấn lập kế hoạch phải đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng như sau:
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ và quản lý một hoặc nhiều Khu kinh tế - quốc phòng.
- Điều kiện thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng:
+ Quyết định mở mới Khu kinh tế - quốc phòng;
+ Quyết định vị trí đóng quân;
+ Quyết định về tổ chức biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng.
- Trình tự, thủ tục thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng:
+ Quân khu, quân chủng, binh đoàn lập tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng;
+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng với cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Căn cứ quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quân khu, quân chủng, binh đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất về quy mô, vị trí đóng quân của Đoàn kinh tế - quốc phòng.
Về cơ cấu tổ chức của Đoàn kinh tế - quốc phòng:
- Đoàn kinh tế - quốc phòng là đơn vị quân đội, do Bộ Quốc phòng quyết định thành lập để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định về tổ chức, biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng, đảm bảo phù hợp với tổ chức, biên chế của Quân đội.
Ngoài ra, các quy định khác về Khu kinh tế - quốc phòng cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.
3. Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021.
Nghị định này quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục), bao gồm: quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.
Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non, lớp mầm non độc lập công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với hoạt động tuyển sinh:
- Cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, yêu cầu phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh và địa bàn tuyển sinh.
Về tổ chức hoạt động giáo dục:
- Cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
- Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm việc tham gia của học sinh:
- Tham gia xây dựng các nội quy, quy định của tổ, lớp, các hoạt động Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong cơ sở giáo dục.
- Chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục do cơ sở giáo dục tổ chức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Trách nhiệm của gia đình:
- Tham gia góp ý mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
- Tham gia góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh; nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh để phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
- Phối hợp với cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh bảo đảm an toàn cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh và đảm bảo an toàn cho học sinh theo quy định của pháp luật.
- Giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
Trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục:
- Phối hợp với cơ sở giáo dục và gia đình học sinh trong việc tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Phối hợp quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hoá dành cho cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
- Giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
4. Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/5/2021.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP như sau:
- Sửa đổi điểm b khoản 2 và bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 4 như sau:
“b) Trường hợp thông tin về công dân được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì khi thu thập thông tin về công dân, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan hoặc công dân để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin;
c) Các thông tin về công dân đã được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được lưu trữ đầy đủ, thể hiện được quá trình lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại Điều 7 Nghị định này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.
2. Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
3. Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
4. Các tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin”.
Ảnh minh họa: Internet
- Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh
1. Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính, năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập lại.
4. Cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân đã được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân để cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 18 Nghị định này”.
Khánh Linh (tổng hợp)