1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 14/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp tập trung thực hiện các công việc sau:
- Mục tiêu cao nhất là tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23/5/2021 một cách an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là chống dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh họa/Internet
- Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị bầu cử; kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức ngày bầu cử.
- Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bầu cử và phòng chống dịch COVID-19 với các hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả; đồng thời kêu gọi cộng đồng và người dân không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để phát triển kinh tế.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tăng cường quân số kiểm soát biên giới, kiểm tra người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.
- Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể đối với trường hợp xảy ra dịch COVID-19 trước, trong và sau ngày bầu cử, nhất là tại các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp tại những địa bàn có dịch COVID-19 diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử thì kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định các phương án phù hợp, hiệu quả.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi thẩm quyền chủ động xây dựng kịch bản nhằm triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19.
- UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử; có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho công tác bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn nhất là đối với các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh. Chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp về tôn giáo; có phương án cụ thể phòng chống thiên tai, mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác bầu cử; chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tại các khu vực bỏ phiếu, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật.
- Chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất - kỹ thuật, đảm bảo kinh phí cho cuộc bầu cử.
- Giao Bộ Nội vụ có văn bản gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để kiến nghị với Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác bầu cử đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 như hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử (xem xét giảm số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tổ chức hội nghị trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử ...); phương án phân bổ hợp lý thời gian cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử theo khung giờ để tránh tập trung đông người; phương án thực hiện bỏ phiếu đối với cử tri làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp đang cách ly y tế, điều trị bệnh ...
- Các Bộ: Nội vụ, Y tế, Quốc phòng, Công an cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 để kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 14/5/2021 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, đặc biệt chú ý:
UBND cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo:
- Đối với các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp:
+ Thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn Covid, nếu không an toàn dừng hoạt động để chấn chỉnh, an toàn thì tiếp tục hoạt động.
+ Khi đã phát hiện trường hợp Fo, khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt,...), hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân.
+ Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong các khu công nghiệp phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định.
+ Chủ doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có trách nhiệm thông báo danh sách người lao động của đơn vị mình với UBND cấp tỉnh có khu công nghiệp để thông báo cho UBND cấp tỉnh nơi người lao động cư trú. Trong đó phân loại nhân lực theo mức độ, có thể cho nghỉ hoặc thay thế; ưu tiên những đối tượng nếu nghỉ thì không thể thay thế; Cơ quan y tế hai tỉnh thống nhất quy định cụ thể việc xét nghiệm các đối tượng này với tần suất và công nghệ thích hợp để bảo đảm an toàn.
- Đối với Chính quyền địa phương nơi có khu công nghiệp, doanh nghiệp đóng trú trên địa bàn, cần quyết liệt rà lại, chỉ đạo:
+ Thực hiện nghiêm 5k, đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách. Xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, đặc biệt là tại các nơi có tụ tập đông người như chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, bến tàu, đám cưới, đám tang, trên các phương tiện giao thông công cộng...; các nhà ăn tập thể phải bố trí ngồi giãn cách, có rào chắn...
+ Kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu công nhân khu công nghiệp thực hiện khai báo y tế hàng ngày. Người quản lý khu công nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, lỗ hổng, vi phạm, nhất là về việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý hình sự và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
+ Thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly đối với các khu ký túc xá, nhà trọ của công nhân, người lao động liên quan các ca Fo, F1 tại khu dân cư với phương châm gọn nhất có thể.
Các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Công thương, Giao thông vận tải chủ động, thường xuyên trao đổi với địa phương để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: tổ chức cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị người nhiễm COVID-19; bảo đảm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.
Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải,... tổng kết, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, biện pháp hay về phòng, chống dịch COVID-19 của một số địa phương, để phổ biến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước; Tiếp tục khẩn trương xem xét các loại sinh phẩm, phương pháp hiện đại hơn, thời gian xét nghiệm ngắn hơn, hiệu quả hơn để chỉ đạo thử nghiệm và hướng dẫn các địa phương thực hiện; Khẩn trương kiện toàn, kích hoạt lại tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban chỉ đạo Quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 06/5/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp về việc thực hiện quy định về an toàn Covid; định kỳ thực hiện việc sàng lọc Covid đối với người lao động; áp dụng các biện pháp cơ bản trong phòng, chống dịch (hạn chế dùng điều hòa; để môi trường làm việc, lao động thông thoáng,...).
Bộ Công an, chỉ đạo công an các địa phương tham mưu để Chính quyền tỉnh có văn bản thông báo đến các tỉnh có liên quan và các địa phương thuộc tỉnh danh sách các phương tiện đưa đón cán bộ, công chức, người lao động tham gia giao thông để không ách tắc trên các tuyến. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các bộ cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thiện quy trình giám sát các phương tiện tham gia giao thông theo yêu cầu phòng, chống dịch; khẩn trương hoàn thiện phần mềm theo dõi tình hình dịch, cập nhật lên bản đồ dịch.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động huấn luyện, tập huấn cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng phương pháp, kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi dịch bùng phát trên diện rộng, nhất là ở các khu công nghiệp có đông người lao động.
Bộ Y tế bổ sung quy định, hướng dẫn việc bắt buộc khai báo y tế và quét mã QR khi đến các địa điểm như bệnh viện, sân bay, nhà ga, bến tàu,...
Chủ tịch UBND cấp tỉnh tùy vào điều kiện cụ thể trên địa bàn quyết định việc bắt buộc khai báo y tế và quét mã QR khi đến các địa điểm khác.
3. Bộ Y tế: Công văn số 4006/BYT-DP ngày 17/5/2021 về việc rà soát các trường hợp nhập cảnh và các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19
Trong Công văn này, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:
- Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tất cả những người đã nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung về lưu trú, làm việc trên địa bàn quản lý từ ngày 04/4/2021 đến 5/5/2021 theo phương châm “rà từng ngõ, gõ từng nhà”.
- Tiếp tục đánh giá những khu vực, địa điểm có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn như: quán bar, karaoke, chợ đầu mối, bến xe, các cơ sở vui chơi giải trí tụ tập đông người; trên cơ sở đánh giá có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
- Thực hiện xét nghiệm phát hiện cả kháng nguyên và kháng thể kháng SARS-CoV-2 đối với các trường hợp trên (mục 1, 2). Nếu phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì xử lý như ca bệnh theo quy định.
- Tổng hợp số lượng người theo từng đối tượng đã được rà soát và kết quả xét nghiệm, gửi văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng)…
4. Bộ Y tế: Công điện số 668/CĐ-BYT ngày 16/5/2021 tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Cụ thể, để đảm bảo công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung sau:
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22/4/2021của Bộ Y tế về công tác y tế phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
- Tổ chức rà soát và thường xuyên cập nhật dự báo tình hình dịch của địa phương; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống phòng chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử.
- Trong quá trình triển khai thực hiện bầu cử có một số nội dung lưu ý sau:
+ Bổ sung phương án/kế hoạch bầu cử cho cử tri đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch, đang cách ly và đang điều trị bệnh.
+ Tại các địa phương đang phát hiện ca nhiễm, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly tại bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa: thực hiện khử khuẩn bề mặt hòm phiếu trước và sau khi kết thúc việc bỏ phiếu; sau khi kết thúc bỏ phiếu, hòm phiếu phải được để ở vị trí riêng và đánh dấu hoặc dán nhãn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm theo quy định. Thành viên Tổ bầu cử, người giám sát bầu cử, người vận chuyển hòm phiếu, người kiểm phiếu phải được trang bị, hướng dẫn mặc và cởi bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân (quần áo, kính đeo mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng...); thực hiện thu gom phương tiện phòng hộ cá nhân thải bỏ sau khi sử dụng như chất thải lây nhiễm. Đối với cử tri khi tham gia bỏ phiếu phải sử dụng bút, thước riêng (thải bỏ sau 01 lần sử dụng).
+ Các điểm tổ chức bầu cử đảm bảo: thông thoáng; cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời đảm bảo giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử. Không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tham gia Tổ bầu cử và hoạt động bầu cử.
5. Bộ Y tế: Quyết định 2422/QĐ-BYT ngày 15/5/2021 về việc bổ sung nội dung Điều 1 Quyết định số 1654/QĐ-BYT ngày 23/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Theo đó, bổ sung nội dung Điều 1 Quyết định số 1654/QĐ-BYT ngày 23/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như sau:
- Bổ sung nội dung Khoản 4 như sau: “- Hộp chứa 05 ống, mỗi ống chứa 01 liều 0,5ml”.
- Bổ sung nội dung Khoản 5 như sau: “- JSC Binnopharm - Liên Bang Nga. - CJSC Lekko - Liên Bang Nga. - OJSC Pharmstandart- UfaVITA - Liên Bang Nga. - JSC R-Pharm - Liên Bang Nga”.
Các nội dung tại Quyết định số 1654/QĐ-BYT ngày 23 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 giữ nguyên
6. Bộ Y tế: Công văn số 3978/BYT-MT ngày 14/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại CSSXKD, KCN
Trong Công văn, để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) tránh lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung sau:
- Đối với tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp:
+ Khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại CSSXKD thông qua quản lý ca làm việc, camera giám sát tại các vị trí công cộng, căng tin, khu vực nghỉ ngơi giữa ca làm việc… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
+ Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng hoặc có mặt trên cùng phương tiện chuyên chở người lao động với ca bệnh (F0) đều coi là tiếp xúc gần (F1).
+ Khẩn trương thực hiện cách ly y tế tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi được xác định là người tiếp xúc gần (F1). Các trường hợp tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) cách ly ngay tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
+ Lập danh sách và thông báo ngay cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin những người lao động có liên quan đang cư trú tại các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố khi nhận được thông tin về các trường hợp người lao động tiếp xúc gần (F1) đang cư trú trên địa bàn do Sở Y tế các tỉnh, thành phố khác gửi đến cần khẩn trương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ và thông báo kết quả xét nghiệm cho Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người lao động công tác để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
- Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ cao.
- Phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan: kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch tại nơi làm việc và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các CSSXKD có nguy cơ cao cần khắc phục ngay, nếu không khắc phục yêu cầu tạm ngừng sản xuất; các CSSXKD tự đánh giá nguy cơ và cập nhật lên trang web antoancovid.vn để cơ quan có thẩm quyền giám sát; hỗ trợ hướng dẫn cho các CSSXKD, khu công nghiệp về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ COVID-19; hướng dẫn CSSXKD sử dụng các chế phẩm sát khuẩn tay nhanh, chế phẩm sát khuẩn bề mặt theo quy định.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành và đơn vị liên quan triển khai việc điều tiết giao thông đi lại, tránh ùn tắc giờ cao điểm tại cổng các KCN, CSSXKD.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền tới người dân, người lao động về tình hình dịch bệnh và đề nghị thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu toàn bộ người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thực hiện khai báo y tế điện tử. Phát huy vai trò của tổ COVID cộng đồng và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch của người lao động tại các khu nhà trọ, ký túc xá cho người lao động.
7. Bộ Y tế: Công điện số 06/CT-BYT ngày 12/5/2021 về việc triển khai xét nghiệm SAR-CoV-2 trong tình hình mới
Trong Công điện, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
- Tiếp tục chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình”, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện. Tổ chức an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19.
+ Tổ chức thực hiện giãn cách trong bệnh viện; hạn chế tối đa người nhà vào thăm, chăm sóc người bệnh; đẩy mạnh công tác chăm sóc toàn diện người bệnh tại các bệnh viện.
+ Đẩy mạnh việc thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai báo y tế, quản lý truy vết người ra vào bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn và cập nhật các phác đồ điều trị COVID-19, xử lý cấp cứu sốc phản vệ. Yêu cầu các nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân khi điều trị, chăm sóc người bệnh và thực hiện khai báo y tế đầy đủ theo quy định.
+ Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, người bệnh và người chăm sóc người bệnh.
+Đảm bảo vật tư, thiết bị y tế, thuốc men (máy thở, ô xy, máy xét nghiệm...) phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống dịch bệnh.
- Đối với các cơ sở y tế dự phòng:
+ Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (lấy mẫu, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện); tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ.
+ Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng khẩn trương tổ chức khoanh vùng nhanh và gọn nhất có thể; thu hẹp phạm vi khoanh vùng một cách phù hợp, truy vết nhanh các đối tượng tiếp xúc gần, thực hiện cách ly theo quy định.
+ Tăng cường áp dụng triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, nhất là trong công tác báo cáo tình hình dịch, truy vết người nghi nhiễm và giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
- Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố, phát huy tinh thần chủ động, tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm; áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với các đơn vị hành chính; thực hiện giãn cách phù hợp khi có ca bệnh trên địa bàn, bảo đảm phạm vi áp dụng gọn, hẹp phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và xã hội.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung, nhất là tại các khu cách ly tập trung dân sự; giám sát, theo dõi việc bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú; phối hợp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép.
+ Phân công cán bộ đầu mối theo dõi; chỉ đạo các đơn vị quản lý trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá, cập nhật hoạt động phòng chống dịch lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).
+ Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể, nhất là các tình huống khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.
+ Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân phát huy tinh thần tự giác, nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp phòng chống dịch, đồng thời cùng các cơ quan chức năng tham gia giám sát, phát hiện, báo cáo các hành vi vi phạm quy định chống dịch.
+ Chủ động chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19; đặc biệt trong trường hợp toàn quốc có 30.000 người mắc…
8. Bộ Y tế: Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 về việc hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19
Công văn cho biết, để việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và xử lý kịp thời các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 như sau:
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ Hướng dẫn này chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc việc giám sát thường quy và giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và thông qua Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng cài đặt Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe, hướng dẫn người được tiêm cài đặt và sử dụng Ứng dụng này.
Trong Hướng dẫn này, việc giám sát thường qui sự cố bất lợi sau tiêm chủng được thực hiện như sau:
- Theo dõi sau tiêm:
+ Theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng.
+ Hướng dẫn gia đình hoặc người được tiêm theo dõi chặt chẽ, thường xuyên tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng và tiếp tục trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
+ Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), tím tái, khó thở... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm.
- Giám sát phát hiện phản ứng thông thường:
+ Khi triển khai tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng thực hiện theo dõi, ghi nhận các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm thông qua thông tin phản hồi từ người được tiêm hoặc gia đình người được tiêm, hoặc qua khai thác thông tin khi đối tượng tiêm đến cơ sở tiêm chủng. Thực hiện ghi chép thông tin về trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này).
+ Hướng dẫn người được tiêm hoặc người nhà khai báo thông tin thông qua Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe tại địa chỉ http://hssk.kcb.vn/#/survey (triển khai khi được cung cấp).
- Giám sát trường hợp tai biến nặng sau tiêm:
+ Theo dõi, phát hiện, xử trí và báo cáo tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, Điều 17, Điều 18 và Điều 20 Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
+ Điều tra tai biến nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 15 Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế. Riêng biểu mẫu điều tra thực hiện như tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Trong hồ sơ điều tra trường hợp tai biến nặng sau tiêm cần lưu ý ghi nhận đầy đủ thông tin về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng, tiền sử mắc COVID-19, tiền sử điều trị COVID-19 bằng huyết tương, tiền sử bệnh tật và dùng thuốc.
+ Đánh giá nguyên nhân và thông báo kết luận theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 16 Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
Đối với giám sát chủ động các sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19: Việc triển khai giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các sự cố bất lợi sau tiêm, đặc biệt là phản ứng thông thường và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng. Cán bộ y tế chủ động tiếp cận để ghi nhận, tổng hợp thông tin từ người được tiêm, cơ sở tiêm chủng.
9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 14/5/2021 về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Trong Công điện, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
- Rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp,... Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp. Báo cáo kết quả rà soát về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) trước ngày 25/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ và khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019 (Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh).
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động (hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động) và không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định của cơ quan y tế. Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.
10. Bộ Nội vụ: Công văn số 2135/BNV-CQĐP ngày 13/5/2021 về việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19
Cụ thể, để bảo đảm phòng chống dịch bệnh Covid- 19 trong quá trình tổ chức bầu cử, Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử. Một số nội dung bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình tổ chức bầu cử gồm:
- Những người tham gia công tác bầu cử (gồm cử tri và những người có liên quan, thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử) cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như sau:
+ Thực hiện khai báo y tế trực tiếp hoặc khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone, Ncovi... nếu dùng thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức có hỗ trợ các ứng dụng này.
+ Thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không khạc nhổ bừa bãi, phải che miệng mỗi khi ho và hắt hơi, bỏ rác thải đúng nơi quy định.
+ Thực hiện việc xếp hàng để vào bầu cử, giữ khoảng cách giữa người trước và người sau tối thiểu là 2 mét, di chuyển theo hướng một chiều; thực hiện theo hướng dẫn của ban tổ chức về tiến trình bầu cử và đảm bảo y tế cho công tác bầu cử.
+ Trường hợp thành viên Tổ bầu cử có tiếp xúc gần với người được xác định mắc COVID-19 (F1, F2) phải cách ly thì địa phương chủ động bổ sung, thay thế và tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với thành viên mới được bổ sung.
11. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 4198/BGTVT-VT ngày 13/5/2021 về việc tăng cường thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19
Theo đó, để bảo đảm thực hiện nghiêm, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
- Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định trong phòng, chống dịch COVID-19, thường xuyên giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang của người lái xe và hành khách khi đi trên xe. Kiên quyết từ chối phục vụ những hành khách không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đi xe, đồng thời đề nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm những hành khách vi phạm quy định phòng chống dịch.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định việc thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng như: bến xe, điểm đón trả khách trong khi đi trên phương tiện vận tải hành khách bằng xe ô tô.
12. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công văn số 1518/BVHTTDL-TCDL ngày 11/5/2021 về việc đề nghị đôn đốc thực hiện đánh giá an toàn COVID-19 của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc
Trong Công văn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện những nội dung sau:
- Yêu cầu tất cả cơ sở lưu trú du lịch đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL ngày 09 tháng 11 năm 2020. Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch tạm ngừng hoạt động, không kinh doanh vẫn phải đăng ký và đánh dấu vào mục “Cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động” trên hệ thống.
- Yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch công bố mã QR (Mã QR được tạo ra trong tài khoản của mỗi đơn vị sau khi đăng ký vào hệ thống an toàn COVID-19 thành công) tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ và giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở lưu trú du lịch không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền; chỉ cho phép những cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo an toàn COVID -19 được đón và phục vụ khách.
13. UBND Thành phố Hà Nội: Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 12/5/2021 tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh
Công điện nêu rõ, để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát từ các ca lây nhiễm từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh lân cận, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
- Đối với người lao động, chuyên gia hiện cư trú trên địa bàn Hà Nội, làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất thuộc các tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm
+Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội liên hệ ngay với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất các tỉnh lân cận để lập danh sách các đối tượng nêu trên (họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại); gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã để quản lý.
+ Giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an khu vực, tổ COVID cộng đồng rà soát, lập danh sách các đối tượng nêu trên (họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại) để chủ động giám sát khi xuất hiện các ca bệnh có liên quan.
+ Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa phải lập và lưu trữ danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm giao thương trong quá trình di chuyển đi và đến Hà Nội (đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển các đối tượng nêu trên), phải khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố.
- Yêu cầu toàn bộ người lao động, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động giao thương thường xuyên tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh/thành phố khác chủ động khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng CNTT hoặc khai báo y tế với Trạm Y tế tại địa phương, cài đặt ứng dụng Bluezone, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khác theo quy định.
- Đối các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công thương, UBND các quận, huyện, thị xã:
+ Chỉ đạo doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-Cov-2 (F0) theo quy định của Bộ Y tế.
+ Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
- Đối với người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở
+ Các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn Thành phố khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở,...phải lập danh sách (họ và tên, số điện thoại, chỗ ở hiện tại, thời gian đến mua thuốc) và thông báo ngay với Trạm Y tế trên địa bàn; giao Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện phòng khám tư nhân, nhà thuốc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố.
+ Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường bổ sung trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ, y bác sĩ và nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, tránh để xảy ra lây nhiễm. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc cán bộ, y bác sĩ và nhân viên tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, có nguy cơ cao. Thủ trưởng/giám đốc cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm.
+ Yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc rà soát các đối tượng đi từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K3 Tân Triều, các tỉnh/thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng và các vùng có dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế, đặc biệt đối với trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở; báo cáo, gửi Sở Y tế tổng hợp hàng ngày.
Thu Hiền (tổng hợp)