1. Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP như sau:

- Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung:

“2. Nghị định này không điều chỉnh đối với các mục tiêu, đối tượng bảo vệ quy định tại Luật Cảnh vệ năm 2017 và các mục tiêu khác do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật.”

- Bổ sung khoản 2a Điều 5 như sau:

“2a. Đối với các mục tiêu thuộc Danh mục nhưng cố sự thay đổi về tên, loại, không còn có tầm quan trọng đặc biệt và không cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan có mục tiêu báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa mục tiêu ra khỏi Danh mục.”

- Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác bảo vệ mục tiêu

1. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về công tác bảo vệ mục tiêu đối với các mục tiêu thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

2. Đề xuất thay đổi, bổ sung mục tiêu thuộc thẩm quyền quản lý vào danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ; đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác bảo vệ mục tiêu.

4. Đối với mục tiêu trụ sở cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ thì ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn phải trực tiếp thực hiện trách nhiệm của cơ quan có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

5. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xác định mục tiêu trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, trụ sở cơ quan lãnh sự tại Việt Nam, trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam được Chính phủ cam kết bảo vệ an ninh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này.”

6. Bộ Quốc phòng cho trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan quản lý bảo vệ vùng trời quốc gia, quản lý điều hành các hoạt động bay; phối hợp bảo vệ mục tiêu, xử lý các hành vi xâm phạm mục tiêu từ trên không theo quy định của pháp luật.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc bố trí xây dựng, lắp đặt vọng gác, thiết bị phục vụ công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu; bố trí quỹ đất để xây dựng doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này; chỉ đạo công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại mục tiêu thuộc địa bàn quản lý.”

2. Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2021.

Thông tư này quy định quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.

Quy định về ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân:

- Cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân phải làm những việc sau đây:

+ Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.

+ Tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

+ Có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

+ Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

+ Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân không được làm những việc sau đây:

+ Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

+ Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

+ Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải làm những việc sau đây:

+ Khi tham gia Đoàn thanh tra về phòng, chống tham nhũng thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.

+ Tuân thủ các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

+ Cung cấp thông tin, báo cáo trung thực về công tác phòng, chống tham nhũng cho cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

+ Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, nhà báo, công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng... tham gia phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước không được làm những việc sau đây:

+ Khi tham gia Đoàn thanh tra phòng, chống tham nhũng thì không được làm những việc theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

+ Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, thông tin, tài liệu, báo cáo sai sự thật về phòng, chống tham nhũng.

+ Lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức.

+ Lợi dụng việc xác minh tài sản, thu nhập để gây khó khăn, phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của người được xác minh; tiết lộ thông tin về tài sản, thu nhập của người được xác minh trái pháp luật.

+ Bao che cho hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết các vụ việc tham nhũng.

+ Tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

+ Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết các vụ việc tham nhũng.

3. Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2021.

Theo Thông tư, các loại báo cáo bao gồm: Báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất.

Thời gian chốt số liệu, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo và thời hạn gửi báo cáo như sau:

Thời gian chốt số liệu:

a) Đối với báo cáo định kỳ:

- Báo cáo hằng Quý:

+ Báo cáo Quý I: Từ ngày 15/12 năm trước đến ngày 14/3 của năm báo cáo.

+ Báo cáo Quý II, Quý III, Quý IV: Từ ngày 15 của tháng cuối quý trước đến ngày 14 của tháng cuối quý báo cáo.

- Báo cáo 6 tháng: Từ ngày 15/12 năm trước đến ngày 14/6 của năm báo cáo.

- Báo cáo 9 tháng: Từ ngày 15/12 năm trước đến ngày 14/9 của năm báo cáo.

- Báo cáo hằng năm: Từ ngày 15/12 năm trước đến ngày 14/12 của năm báo cáo.

b) Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất

Thời gian chốt số liệu theo yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ.

Đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận Báo cáo, thời hạn gửi báo cáo:

a) Đối với báo cáo định kỳ:

- Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp huyện gửi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm nhất vào ngày 16 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp tỉnh gửi Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chậm nhất vào ngày 18 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

- Cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện gửi báo cáo cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh chậm nhất vào ngày 15 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo cơ quan được tổ chức theo ngành dọc cấp trung ương chậm nhất vào ngày 16 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ chậm nhất vào ngày 18 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.

Bộ, cơ quan ngang bộ tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh, cấp huyện đồng thời gửi báo cáo đến cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để phục vụ quản lý, Cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không tổng hợp nội dung báo cáo này vào báo cáo của mình.

- Trong trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về thời hạn gửi báo cáo cho từng cấp theo thẩm quyền quản lý nhưng đảm bảo thời hạn gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

b) Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất: Đối tượng thực hiện báo cáo, thời hạn gửi báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo được quy định như sau:

- Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp ký báo cáo thì thực hiện theo quy định về ký thừa ủy quyền.

- Báo cáo được gửi tới cơ quan nhận báo cáo bằng hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc một số phương thức sau:

+ Gửi qua phần mềm hệ thống thông tin báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

+ Gửi qua thư điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.

+ Gửi trực tiếp.

+ Gửi qua dịch vụ bưu chính.

+ Gửi qua Fax.

4. Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021.

Quyết định này quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm:

- Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 (gọi chung là người lao động).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

baohiemthatnghiep
Ảnh minh họa: Internet

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, mức hỗ trợ học nghề như sau:

- Mức hỗ trợ học nghề:

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

+ Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

- Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

- Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: