Đã gần 50 năm trôi qua nhưng những kỉ niệm về lần duy nhất trong đời được gặp Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong tâm trí Hoa Xuân Tứ. Đó cũng là lần duy nhất cậu bé không tay Hoa Xuân Tứ được tham dự Đại hội chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước.
Hoa Xuân Tứ và vợ
Bác dặn “phải cố gắng nhiều hơn”!
Chúng tôi tìm về nhà ông Hoa Xuân Tứ (SN 1950, trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) một ngày đầu năm 2013. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ, Hoa Xuân Tứ đang lăn trên giường để dỗ đứa cháu trai đang khóc vì ngái ngủ. Dưới nền nhà, lạc vỏ, lạc nhân vương vãi. Thấy có khách, ông bật dậy, cười: “Đang bóc lạc để chuẩn bị gieo thì thằng cháu dậy. Nhà chỉ còn tôi với đứa con gái tật nguyền ở nhà thôi. Bà nó và đứa con dâu đang ở ngoài đồng.”
Ông cúi xuống, đứa cháu chừng 3 tuổi vòng tay ôm lấy cổ. Hai ông cháu ra bàn ngồi, hai cánh tay bị cắt cụt để bả vai, chỉ còn hai chiếc ống tay áo lủng lẳng theo nhịp bước đi. Đó là hậu quả một vụ tai nạn khi ông còn là một đứa trẻ 4 tuổi. Lần đó, ông đi xem người ta ép mía bằng trục đá do trâu bò kéo. Một phút bất cẩn, cả phần thân trên của ông bị cuốn vào cái trục đá đó. Hai cánh tay bị nghiền nát bét lên tận bả vai, ngực cũng bị tổn thương nặng nề.
Dù không còn đôi tay nhưng Hoa Xuân Tứ vẫn lao động như một lão nông tri điền thực thụ
Sau một thời gian cứu chữa, bác sỹ buộc phải cắt trọn 2 cánh tay của Tứ. Dù mới 4 tuổi nhưng Tứ đã hiểu nỗi mất mát lớn lao của mình. Thế nhưng cái lòng ham học thì chẳng có trở ngại nào có thể ngăn cản được. Thấy bạn bè cắp sách tới trường, Tứ nằng nặc đòi đi theo. “Mi không có tay, viết chữ răng được mà đi hả con?”, bố mẹ của ông động viên.
Kệ, ông cứ để ngoài tai. Sáng sáng, khi các bạn ôm cặp tới trường cũng là khi ông lúc lắc thân hình không tay tới lớp. “Thấy tôi không có tay, các thầy cô giáo cũng không cho vào học vì nghĩ rằng tôi không thể viết được. Tôi đứng ngoài cửa, nhìn cô giáo dạy các bạn viết rồi về nhà, dùng que, dùng gạch, phấn kẹp vào ngón chân, tập viết ra sân. Không nói hết cái khổ cực của tập viết bằng chân mô, có khi chuột rút cho ngã ngửa ra sân, đau đến méo cả miệng.
Rồi tôi cũng viết được chữ, tuy không đẹp lắm. Lần này thì các thầy cô cho tôi vào học vì thương tôi đã khổ luyện. Tôi được ngồi riêng một bàn, chẳng cần ghế vì phải ngồi hẳn lên bàn mới viết được. Nhưng dần dần tôi thấy mình “bất lịch sự quá” nên cố gắng chuyển sang tập viết bằng cằm và cổ. Tôi cứ kẹp cái bút vào cổ, dùng vai và cằm điều khiển nó đi theo ý định của mình. Hồi đó còn viết bằng bút mực, mực loang lổ cả áo là chuyện thường. Sau 3-4 tháng khổ luyện, tôi không phải dùng chân để viết nữa”, Hoa Xuân Tứ nhớ lại.
Nhờ khổ luyện, ông có thể viết chữ bằng chân và bằng cằm, cổ
Không còn phải viết bằng chân nhưng đôi chân đã thay cho đôi bàn tay khi nó có thể giúp Tứ làm được mọi việc, từ chăn trâu, cuốc đất… Ngoài việc giúp đỡ bố mẹ việc nhà, việc đồng áng, dù không có tay nhưng Tứ vẫn giành được thành tích đáng nể trong học tập, nhiều năm liền giành được danh hiệu học sinh tiên tiến. Rồi Tứ vinh dự được tham dự Đại hội “2 giỏi” toàn tỉnh và được các nhà báo Hữu Thọ, Vũ Quang Huy, nhà văn Sơn Tùng biết tới. Những bài viết về nghị lực vươn lên của chú bé không tay Hoa Xuân Tứ đã được cả nước biết đến.
Năm 1966, Hoa Xuân Tứ được vinh dự tham gia Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. “Đại hội to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm đó chỉ có 6 thiếu nhi được tham dự thôi, gồm tôi, bạn Kiều Anh (Hà Nội), Đinh Thị Lê Kim (Hải Phòng), Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Thị Vệ (Thanh Hóa), Trần Ngọc Ý (Hà Tĩnh) vì đã có những cố gắng trong học tập và cuộc sống.
“Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi được gặp Bác Hồ. Sau khi gặp gỡ chung toàn Đại hội, chúng tôi được gặp riêng Bác. Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng bạn, thưởng kẹo. Bác đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và công tác tốt. Các cháu là những mầm non của đất nước, các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải cố gắng học hành giỏi giang để sau này trở thành người có ích cho đất nước, có ích cho xã hội”.
Biết hoàn cảnh của tôi, Bác đã chỉ thị cho bác sỹ Tôn Thất Tùng làm cho tôi cánh tay giả. Chiếc tay giả này có khớp, giúp tôi ăn cơm hay làm các việc nhẹ nhàng nhưng đã bị cuốn mất trong cơn lũ năm 1978”, ông Tứ kể tiếp.
Những lời căn dặn của Bác đã trở thành động lực để ông cố gắng mỗi khi vấp váp hay cảm thấy mình đuối sức trước những quăng quật của gánh nặng cơm áo gạo tiền. Cánh tay giả - món quà của Bác dành cho ông không còn nữa nhưng những tấm ảnh được chụp cùng Bác được ông cất giữ như báu vật, đóng khung nhôm đặt ngay ngắn trong tủ kính giữa nhà.
Ước mơ cuối đời của người đàn ông không tay
Học giỏi nhưng nhà nghèo, ông đi thi đại học cho lấy lệ rồi ở nhà luôn, cũng chẳng màng kết quả thi cử thế nào bởi nếu có đậu cũng không có điều kiện đi học. Học dở lớp 10 (tương đương với lớp 12 bây giờ), 20 tuổi, Tứ gặp và nên duyên vợ chồng với người phụ nữ hơn mình 6 tuổi. Đó là người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sau lần bị thương do bom đạn Mỹ gây ra khi bà đi dân công, nhà chồng sắp cưới hối hôn vì nghĩ rằng bà không còn khả năng sinh đẻ. Bởi vậy, dù Hoa Xuân Tứ không có tay, chấp nhận lấy ông là chấp nhận khó khăn và cơ cực nhưng bà vẫn vượt qua sự cấm đoán của gia đình để đến với ông.
Những tấm ảnh chụp cùng với Bác Hồ trong lần tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966 được ông cất giữ và treo trang trọng trong nhà
Nhà Tứ nghèo, bà Lê Thị Sự cũng nghèo, bởi vậy tài sản ra riêng của vợ chồng chỉ là căn nhà tranh rách nát. Lần lượt 5 đứa con ra đời, bà gần như phải làm trụ cột trong nhà. Thế nhưng, trời chẳng thương bà, cay cực, lam lũ nhưng đứa con gái thứ 3 sinh ra chẳng được lành lặn như những đứa con khác. Bao nhiêu năm, đứa con tội nghiệp ấy chỉ có thể nằm ngửa trên giường, ăn uống, vệ sinh đều phải phục vụ.
Nhìn cái cách ông Tứ bón cơm cho con mà trào nước mắt. Bố không tay, ngậm thìa vào miệng, xúc cơm bón cho đứa con gái đã hơn 30 tuổi. Đôi bàn tay ngọ nguậy liên tục, có khi khua cả vào mặt bố, cơm vung vãi ra. Bởi vậy, dù không muốn nhưng ông cũng phải trói tay con lại…
Nỗi khổ tâm lớn nhất của ông là cô con gái hơn 30 tuổi bị bại liệt, chỉ có thể nằm một chỗ
Cố lắm, ông bà cũng chỉ có thể cho con ăn học hết cấp 3. Giờ, 4 đứa con đã yên bề gia thất nhưng cuộc sống cũng hết sức khó khăn, chẳng giúp đỡ bố mẹ già được bao nhiêu. “Ước mơ của tôi là làm được căn nhà xây mái ngói. Năm ngoái, có nhà hảo tâm hỗ trợ một ít, hai vợ chồng vay mượn xây được phần thô là hết tiền nên đành phải để dỡ dang thế. Dù chưa có cửa giả gì nhưng mùa mưa lũ cũng không còn nơm nớp bố con bị nước cuốn đi nữa. Nhưng không biết đến bao giờ căn nhà của tôi mới được hoàn thiện…”, ông nói mà như khóc. Niềm mơ ước của người đàn ông là xây được căn nhà tử tế cho vợ con ở đối với ông sao mà khó đến thế?
Năm mới đến, ngoài mơ ước hoàn thiện được căn nhà, ông còn mơ ước được gặp lại những người bạn tham dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua cách đây hơn 40 năm. “Hồi đó, anh em chỉ gặp nhau mấy ngày Đại hội. Khâm phục các bạn lắm nhưng chia tay rồi, mỗi người một phương, không biết ai còn, ai mất. Cuối đời, tôi chỉ mong được gặp lại mọi người một lần để hàn huyên, tâm sự với nhau. Hy vọng tất cả mọi người đều có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc”, Hoa Xuân Tứ tâm sự.
Hoàng Lam
Theo dantri.com.vn
Kim Yến (st)