1. Chính phủ: Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K+vaccine”.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.
Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Ảnh minh họa/Internet
2. Bộ Y tế: Quyết định số 2454/QĐ-BYT ngày 18/5/2021 về việc thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh do Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt.
Bộ phận thường trực đặc biệt có nhiệm vụ chung là:
- Hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; tổ chức cách ly; công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, các địa phương lân cận có liên quan.
- Kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
- Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt tham gia các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Nhiệm vụ cụ thể của Bộ phận thường trực đặc biệt là:
- Về hoạt động điều tra, giám sát dịch: Hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, quản lý số liệu, truy vết, khoanh vùng ổ dịch, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
- Về công tác xét nghiệm: Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương việc tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm và áp dụng các loại xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp; hướng dẫn đảm bảo an toàn sinh học và quản lý số liệu xét nghiệm. Điều phối các đơn vị xét nghiệm có liên quan đảm bảo có kết quả nhanh, chính xác.
- Về Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế: Hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các hoạt động cách ly; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở cách ly; xử lý môi trường trong khu cách ly; phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng.
- Về công tác điều trị: Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong các lĩnh vực: thành lập các bệnh viện dã chiến; công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức khám, sàng lọc, phân loại, thu dung bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; xử lý ổ dịch trong các cơ sở điều trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
- Về hoạt động truyền thông: Đưa tin, hỗ trợ trong công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh, các địa phương lân cận; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
3. Bộ Y tế: Quyết định số 2428/QĐ-BYT ngày 16/5/2021 về việc giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương tiếp nhận người bệnh và người nhà người bệnh thuộc diện cách ly y tế của Bệnh viện K
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương tiếp nhận người bệnh và người nhà người bệnh thuộc diện cách ly y tế của Bệnh viện K chuyển về.
Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương có trách nhiệm đảm bảo công tác tiếp nhận và tổ chức chăm sóc điều trị cho người bệnh và người nhà người bệnh thuộc diện cách ly y tế của Bệnh viện K chuyển về bảo đảm an toàn, hiệu quả và kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.
Bệnh viện K phối hợp Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương lập kế hoạch bảo đảm công tác vận chuyển, công tác chuyên môn, an toàn người bệnh và hậu cần cho công tác cách ly, điều trị người bệnh và người nhà người bệnh.
Đề nghị Sở Y tế tỉnh Hải Dương phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp nhận và điều trị người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương chỉ đạo UBND thành phố Hải Dương, Công an thành phố Hải Dương tổ chức bảo đảm công tác an ninh trật tự cho Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế tỉnh Hải Dương trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Về kinh phí hoạt động: Từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế) và nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện K.
4. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1482/UBND-KGVX ngày 17/5/2021 về việc thực hiện nghiêm công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố
Trong Công văn này, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm nội dung sau:
- Rà soát, đôn đốc các Khu cách ly tập trung thực hiện nghiêm túc về việc tiếp nhận, quản lý, bàn giao người cách ly tập trung đúng quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại các Công điện: số 597/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021, số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 và Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt lưu ý về việc hạn chế tiếp xúc giữa những người cách ly và đảm bảo khoảng cách giữa các giường trong khu cách ly tránh lây nhiễm chéo trong Khu cách ly tập trung và lây nhiễm từ các Khu cách ly tập trung ra ngoài cộng đồng.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức phối hợp theo dõi bằng camera trong các Khu cách ly tập trung theo Công điện số 597/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
- Thực hiện nghiêm việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi cư trú theo đúng quy định tại văn bản số 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
5. UBND Thành phố Hà Nội: Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 15/5/2021 về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Công điện nêu rõ, Để khẩn trương, chủ động ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn bình yên cho Nhân dân, đồng thời tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt thực hiện triệt để một số biện pháp sau:
- Kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn Thành phố, đặc biệt các ổ dịch mới phát sinh
+ Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành việc rà soát, xét nghiệm và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với người từng đến thành phố Đà Nẵng: Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu tự theo dõi giám sát sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải hoàn thành, báo cáo UBND Thành phố chậm nhất ngày 17/5/2021.
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh biến động hàng ngày, Sở Y tế đánh giá mức độ, nguy cơ lây nhiễm từ các ổ dịch trên địa bàn các tỉnh lân cận và trong Thành phố, chủ động đề xuất xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên trong cộng đồng để đánh giá tình hình, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
+ Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Thành phố, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc lập danh sách với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ đạo tại Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 12/5/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố; hoàn thiện việc lập danh sách, gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã để quản lý trước ngày 17/5/2021. Đối với những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành nhưng cư trú và sinh sống trên địa bàn Hà Nội thì chính quyền địa phương phải quản lý chặt (có danh sách cụ thể) và yêu cầu những người này tự theo dõi giám sát sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
+ Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cấp cơ sở xã, phường, thị trấn/thôn, tổ dân phố, khu dân cu, các lực lượng chức năng đặc biệt là tổ COVID cộng đồng phối hợp Công an cơ sở tăng cường hơn nữa việc bám sát địa bàn, rà soát, nắm rõ từng nhân khẩu cư trú trên địa bàn quản lý; hàng ngày lập danh sách các nhóm đối tượng có nguy cơ, những người về từ những khu vực có bệnh nhân/ổ dịch theo thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, những người hết cách ly tập trung về cư trú trên địa bàn, danh sách công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận (có địa chỉ cụ thể, số điện thoại, nơi làm việc...) để sẵn sàng truy vết khi cần thiết. Gửi danh sách về Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn để trực tiếp quản lý, theo dõi thường xuyên.
Siết chặt việc quản lý các khu cách ly tập trung, đặc biệt là cách ly F1, đảm bảo tuân thủ các quy định về cách ly tập trung, trong đó lưu ý việc giãn cách nhằm không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Nếu để xảy ra việc lây nhiễm chéo đơn vị Thường trực quản lý khu cách ly phải chịu trách nhiệm.
+ Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, ghi chép và lưu trữ thông tin hành khách trên tất cả các phương tiện vận tải công cộng. Phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố; cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo công tác phòng chống dịch khi hoạt động giao thông vận tải.
+ Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố trong toàn bộ việc thực hiện, triển khai các biện pháp, các ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố.
- Tăng cường hoạt động các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương chuẩn bị tuyệt đối an toàn cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Toàn bộ hệ thống chính quyền các ngành, các cấp, các địa phương quán triệt sâu sắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, của Chủ tịch UBND Thành phố về các biện pháp phòng chống dịch trong phạm vi quản lý; thường xuyên đánh giá các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại cơ quan, công sở, đảm bảo không để lây nhiễm trong các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp.
Căn cứ tình hình dịch bệnh biến động hàng ngày; thường xuyên kiểm tra các kịch bản trong các tình huống, kịp thời điều chỉnh phương án nhân sự, quy trình phòng dịch, đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định sẵn sàng trong mọi tình huống, đặc biệt tại các Tổ bầu cử, lực lượng phục vụ bầu cử tại cơ sở.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tại các điểm bầu cử trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động liên quan công tác bầu cử.
6. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1477/UBND-KSTTHC ngày 17/5/2021 về việc thực hiện một số giải pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính để phòng, chống dịch COVID-19
Công văn nêu rõ, ngày 11/5/2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố, UBND thành phố giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo:
- Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm để yêu cầu giải quyết các TTHC, ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các TTHC trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc thực hiện TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích của thành phố.
- Chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ phân luồng, hướng dẫn người dân đến giao dịch; phân chia vị trí tiếp nhận, trả kết quả hợp lý, đảm bảo trong bộ phận “một cửa” bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong bộ phận “một cửa”, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Hướng dẫn và yêu cầu người dân khi đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch.
- Khai thác các kênh thông tin: Cổng thông tin điện tử của đơn vị; của thành phố và Chính phủ; tổng đài điện thoại; loa truyền thanh; sử dụng mạng xã hội hoặc các công cụ khác phù hợp với quy định để công dân đặt lịch hoặc xếp số thứ tự, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.
- Phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân qua hệ thống bưu chính đối với những TTHC không bắt buộc công dân phải đến nộp và nhận trực tiếp trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (trường hợp những thủ tục đã có kết quả giải quyết trước đó đơn vị liên hệ với công dân để chuyển trả kết quả qua hệ thống bưu chính) để hạn chế thấp nhất số lượng công dân đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.
Đồng thời, UBND Thành phố chỉ đạo Bưu điện thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì mở cửa các điểm giao dịch, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện việc chuyển phát hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và của thành phố.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và thành phố; tăng cường việc ứng dụng CNTT, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, giải quyết các TTHC; phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả, an toàn phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của đoàn viên, thanh niên trong hoạt động tiếp nhận, trả kết quả TTHC trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và yêu cầu phòng chống dịch.
Thu Hiền (tổng hợp)