Bác nói, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu của mình. “… Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Khắc ghi lời dạy của Bác, mỗi người dân Việt Nam đang nô nức hướng đến ngày 23/5/2021 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2016.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II
ngày 8/5/1960.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do làm chủ nước nhà.
Từ cuộc bầu cử đầu tiên
Để tìm người hiền tài giúp dân, giúp nước, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14/SL/8-9-1945 về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội. Bản Sắc lệnh khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.
Nhằm kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết bài "Ý nghĩa Tổng tuyển cử" đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ngày 31/12/1945. Bài báo nêu rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết...".
Trước ngày bầu cử 01 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Bác khẳng định:
"Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
…
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
…
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".
Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969.
Năm cuối cùng Bác bầu cử trước khi qua đời.
Ngày 06/01/1946, báo Quốc hội ra số đặc biệt, trên trang nhất, trang trọng đăng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích của Người. Bác viết: "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01 đã thực sự trở thành ngày hội của mọi người dân, với hơn 90% cử tri tham gia bầu cử.
Riêng Bác, ngay từ 6 giờ sáng, ngày 06/01/1946, Bác đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với hơn 98% tổng số phiếu bầu. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Có thể nói, Cuộc tổng tuyển cử 06/01/1946 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và rất mẫu mực, rút ra nhiều bài học sâu sắc, bài học về tin dân, đại đoàn kết, bài học về dân chủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội Khóa XIV
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đã 75 năm trôi qua kể từ mùa xuân năm ấy nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào, điều ấy đã và đang được các thế hệ kế thừa và phát huy những thành quả mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã gây dựng lên.
Ngày 23 tháng 5 tới đây, toàn dân ta đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. Đây là ngày hội toàn dân thể hiện quyền làm chủ của mình - một trong những quyền thiêng liêng mà lúc sinh thời Hồ Chủ tịch kiên trì phấn đấu quên mình vì dân, vì nước để cho ai cũng được thực hiện quyền bầu cử. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các cử tri lựa chọn đại biểu đại diện cho nguyện vọng của mình.
Nhớ lời của Người, chúng ta lại càng phải có ý thức hơn, phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn đại biểu thật xứng đáng để ghi vào lá phiếu lịch sử của mình trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Mỗi cử tri phải thực hiện thật trọn vẹn nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bởi mọi sự lựa chọn của chúng ta ngày nay nó liên quan trực tiếp đến sự thịnh suy của đất nước. Tin tưởng rằng những đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm huyết, có bản lĩnh, luôn tận tình, hết lòng vì dân, bênh vực quyền lợi chính đáng của dân, phấn đấu cho lợi ích chung của đất nước.
Cử tri mong muốn và kỳ vọng vào những đại biểu được bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này sẽ phát huy tốt nhất vai trò là “những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước” mà cử tri đã tin tưởng trao cho, thực hiện được trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại thử thách, vượt qua thiên tai, dịch bệnh, từng bước phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong mỏi lúc sinh thời của Bác kính yêu./.
Thanh Huyền (tổng hợp)