3. Phải tẩy sạch bệnh quan liêu
Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân.
Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về điểm đó.
Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh.
Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tòng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tòng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc.
Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:
- Luôn luôn gần gũi nhân dân.
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.
- Học hỏi nhân dân.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.
Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.
Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.
Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế.
Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.
Bệnh quan liêu là thế nào?
Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến.
Chứng bệnh ấy tỏ ra bằng màu vẻ:
Đối với người:
Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.
Đối với việc:
Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Đối với mình:
Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo.
Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.
Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình.
Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt "quan cách mạng".
Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu.
Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.
Thang thuốc chữa bệnh quan liêu :
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.
X.Y.Z.
Báo Sự Thật, số 140, ngày 2-9-1950
4. Tiết kiệm
Các cơ quan kinh tế tài chính Hoa Đông (Trung Quốc) đã làm cuộc vận động tiết kiệm và làm rất có kết quả. Đại khái, họ làm cách thế này:
Trước tiên giải thích cho mọi người trong các cơ quan hiểu rõ. Rồi khai Hội nghị toàn thể cán bộ để đặt kế hoạch chung và cử một Ủy ban tiết kiệm chung. Sau đó, cán bộ phụ trách mỗi cơ quan khai hội toàn thể nhân viên trong cơ quan mình, để bàn định kế hoạch riêng của cơ quan. Ban đầu, chỉ nhằm vào tiết kiệm 5 thứ: Nước, đèn điện, điện thoại, giấy mực, phí tổn các cuộc khai hội. Mọi người trong cơ quan đều kiểm tra, nghiên cứu, đề nghị, rồi định tiết kiệm 20 phần 100 ngân sách đã định, vào 60 phần 100 số chi phí bình quân trong 4 tháng vừa qua. Thí dụ: Giấy thì không in và không đánh máy thừa nhiều bản, không dùng giấy quá tốt, không làm hao, không để thừa, v.v…Chỉ một khoản ấy, mỗi tháng đã tiết kiệm được 380 vạn đồng nhân dân tệ. Theo kinh nghiệm đó, các bộ phận trong cwo quan, từ bộ trưởng đến người nấu bếp, đều thi đua.
Cách làm là: Gây tinh thần quý trọng của công, phản đối lãng phí; cán bộ cao cấp làm gương mẫu; đi đúng đường lối quần chúng.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 45, ngày 14-2-1952
5. Cần và kiệm
Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công.
Nếu chỉ Kiệm mà không Cần, thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả lại không hoàn không.
Cho nên Cần và Kiệm là như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một.
Đồng chí Vương Bích Quát, Đốc công xưởng giấy, đã biết Cần (cố gắng tìm tòi và bàn bạc với anh em), đã đạt được kết quả là Kiệm, là mỗi ngày giảm được 500 cân than, đáng giá 15 vạn đồng, lại do đó, anh chị em không vì thiếu than mà phải tạm ngừng sản xuất.
Đó là một việc đáng nêu làm gương mẫu.
Nếu các đốc công 100 nhà máy đều có sáng kiến như đồng chí Quát thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm cho công quỹ được 450 triệu đồng, mỗi năm 5400 triệu đồng, một số tiền khá to để dùng vào việc ích lợi khác cho dân, cho nước. Vì lẽ đó, mà Hồ Chủ tịch luôn luôn kêu gọi chúng ta thực hành Cần và Kiệm. Toàn thể anh em lao động ta học được kinh nghiệm của đồng chí Quát thì kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công.
Đ.X.
Báo Cứu Quốc, số 2024, ngày 29-2-1952
6. Bài nói tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm
Năm nay chúng ta cũng có một cuộc Hội nghị cán bộ chính quyền, nhưng năm nay Hội nghị có một ý nghĩa đặc biệt. Trước kia chúng ta đã cố gắng làm công tác sản xuất và tiết kiệm một cách có kế hoạch nhưng còn thiếu sót. Năm nay chúng ta có một kế hoạch sản xuất và tiết kiệm đầy đủ hợp lý hơn.
I- Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm
Vì ý nghĩa đặc biệt ấy nên có Quốc hội, Mặt trận, Chính phủ trung ương, có cán bộ từ Nam chí Bắc tham dự Hội nghị này. Do ý nghĩa đặc biệt ấy với sự giúp đỡ của Quốc hội, của Mặt trận, với sự cố gắng của Chính phủ, với sự thi đua thực hiện của bộ đội và nhân dân, kế hoạch sản xuất và tiết kiệm sẽ thành công.
Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, và địa phương căn cứ theo kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương mình, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người sẽ có kế hoạch riêng của mình, ăn khớp với kế hoạch chung.
Vì vậy từ khu đến tỉnh, huyện, cho đến xã phải làm thế nào cho kế hoạch đó thiết thực và nhất định phải làm cho kỳ được. Làm kế hoạch một cách dân chủ như vậy, chúng ta nhất định thành công.
Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm muốn thành công cần ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hoà, và nhân hoà là chính.
Nhân hoà gồm có 3 lực lượng:
- Đoàn thể và Chính phủ,
- Bộ đội và nhân dân,
- Cán bộ.
Kinh nghiệm đã tỏ rằng chính sách, phương châm của Chính phủ và Đoàn thể là đúng. Kinh nghiệm cũng đã tỏ rằng bộ đội và nhân dân bao giờ cũng sẵn sàng chịu đựng hy sinh, bất kỳ trong mọi việc lớn nhỏ.
Kinh nghiệm cũng tỏ rằng chúng ta có 2 hạng cán bộ:
Hạng thứ nhất là những cán bộ nắm vững chính sách, phương châm của Chính phủ và Đoàn thể, học tập kỹ càng và cố gắng làm cho đúng chính sách đó. Vì vậy họ thành công. Thành công vì cán bộ quân dân chính đã đoàn kết nhất trí, phân công rạch ròi, hợp tác chặt chẽ, đi đúng đường lối nhân dân, học hỏi nhân dân, bàn bạc mọi việc với nhân dân và cùng nhân dân quyết định.
Trái lại có hạng cán bộ không chịu khó học tập chính sách, phương châm của Chính phủ, của Đoàn thể, có khi tự tiện thay đổi châm chước chính sách và phương châm ấy. Vì quân, dân, chính không đoàn kết chặt chẽ, vì thiếu phối hợp công tác, vì không đi đúng đường lối nhân dân, không cùng nhân dân bàn bạc, quan liêu, mệnh lệnh đối với nhân dân, hoặc theo đuôi nhân dân. Hạng cán bộ này thất bại.
Vậy những cán bộ đã làm đúng thì cố gắng mà tiến tới mãi và cán bộ nào chưa làm đúng thì cố sửa chữa làm cho đúng.
II- Chống quan liêu, tham ô, lãng phí
Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí. Cho nên Chính phủ, Đoàn thể đề ra việc chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương tiến hành công tác này.
Nói đến tham ô, có người chỉ nghĩ đến ăn cắp của công làm của tư mà không thấy thứ tham ô gián tiếp. Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hàng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân.
Có người lại nói tham ô mới có tội, còn lãng phí thì không có tội. Thực ra việc khác nhau nhưng kết quả vẫn hao tổn của công, của Chính phủ, của nhân dân. Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: Lãng phí của cải, thì giờ, lực lượng của nhân dân, của Chính phủ. Thí dụ: Lãng phí trong việc huy động dân công phục vụ chiến dịch, lãng phí trong việc tiêu dùng đạn dược, vật liệu, tiền bạc, của cải. Thí dụ ở xã Đại Đồng (Liên khu IV) ăn mừng kết quả thu thuế nông nghiệp, người ta đã thịt 1021) con bò. Ở Liên Xô lúc lập các nông trường tập thể, nhân dân phải tranh đấu chống bọn phản động giết trâu bò. Ở Trung Hoa cũng vậy. Thế mà ở ta có cán bộ bảo nhân dân giết trâu bò. Tuy đó chỉ là một nơi và giết để ăn mừng, nhưng cũng là lãng phí. Tôi rất đau lòng cho của cải của nhân dân, cho sự khờ dại của cán bộ.
Vì đâu mà có lãng phí và tham ô ?
Vì cán bộ phụ trách lãnh đạo các cấp, các ngành quan liêu không đi sát công việc, cán bộ, quần chúng nhân dân. Có thể nói bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở được.
Vì thế muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm. Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu.
Đối với nơi nào, ngành nào mà 3 bệnh ấy đặc biệt nghiêm trọng thì Chính phủ, Đoàn thể sẽ có chỉ thị giúp nơi ấy, ngành ấy tiến công trước. Nếu tiến công lu bù thì sẽ thất bại. Công, của là của nhân dân thì nhân dân, bộ đội có quyền phê bình cán bộ nếu cán bộ làm sai. Chính quyền, Đoàn thể và các cấp chỉ huy quân đội phải cố gắng giáo dục hướng dẫn nhân dân và chiến sĩ làm việc ấy.
III- Thi đua ái quốc
Bây giờ nói đến thi đua ái quốc.
Chúng ta đã có kinh nghiệm thi đua ái quốc mấy năm. Bộ đội, nhân dân rất cố gắng và có nhiều thành tích. Năm nay việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm là nội dung của thi đua ái quốc. Muốn thành công, cán bộ cần giải thích, tuyên truyền, cổ động theo dõi rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm, thúc đẩy giúp đỡ người lạc hậu, khen thưởng người có công. Điểm ấy cán bộ các nơi còn thiếu sót nhiều.
Thí dụ việc khen thưởng, Chính phủ, Đoàn thể và chính tôi nhắc nhở luôn, nhưng các địa phương quên. Có những ông bà cụ già ngoài bảy tám mươi tuổi, những em bé 14, 15 tuổi thi đua rất đắc lực (như ở Cao Bằng tôi có đi đến nơi hỏi ra mới biết). Tôi nhắc tỉnh nào cũng có những người xuất sắc như vậy nhưng các nơi không có báo cáo. Có những gia đình 4 con ở bộ đội, cha mẹ là chiến sĩ lao động, mà địa phương không biết. Lại có những cán bộ anh hùng mà các địa phương cũng không biết. Thí dụ một cô bé 19 tuổi làm giao thông trong vùng địch bị địch bắt 4 lần, bị tra tấn dã man, sau đã thoát được và đã biên thư cho tôi, kể "mỗi khi bị tra tấn thì cháu nhất định không nói, vì nói ra thì làm hỏng việc kháng chiến; mỗi khi đau thì cháu nhớ cháu là một đảng viên".
Vì vậy, lần nữa tôi yêu cầu cán bộ địa phương phải nhớ và chú ý thúc đẩy người lạc hậu, khen thưởng người đắc lực. Xã, tỉnh, khu tuỳ thành tích mà khen thưởng, thành tích đặc biệt thì báo cáo lên Chính phủ. Chúng ta phải học kinh nghiệm của Liên Xô và Trung Quốc trong việc khen thưởng, vì khen thưởng khuyến khích rất nhiều, vì khen thưởng là tổng kết và phổ biến kinh nghiệm ra cho mọi ngành hoạt động (thí dụ có người lao động Liên Xô trồng thuốc lá được 3 lần thưởng anh hùng lao động).
Về ý nghĩa thi đua thì cán bộ chưa hiểu thật sâu rộng:
1. Các nước tư bản chủ nghĩa không có tài gì thi đua; chỉ có xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân mới thi đua được. Ta thắng bọn đế quốc ở chỗ đó.
2. Nhờ thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng.
Nay ta kháng chiến để xây dựng một nước dân chủ mới, chỉ có thi đua mới giúp ta tiến bộ trên con đường ấy.
Vậy từ đây về sau cán bộ phải làm cho mọi người khác hiểu ý nghĩa ấy của thi đua ái quốc.
IV - Kết luận
Tóm lại ta có hai việc phải làm và ba điều phải chống.
Hai việc phải làm là:
1. Thi đua giết giặc lập công.
2. Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.
Ba điều phải chống là:
1. Nạn tham ô.
2. Nạn lãng phí.
3. Bệnh quan liêu.
Chúng ta nhất định làm được. Những cán bộ già còn nhớ thời kỳ bí mật, chúng ta không có tiền, không có nhà ở, không có cơm ăn mà còn làm cách mạng thành công. Nay chúng ta có chính quyền, có mặt trận, có bộ đội, có đoàn thể nhân dân hưởng ứng, hơn nữa, có các nước bạn giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất, thì nhất định chúng ta sẽ thành công trong hai công tác và ba điều chống nói trên.
Vì vậy, trước khi ra về, các cán bộ phải hứa với Chính phủ, với Đoàn thể, với chiến sĩ và nhân dân quyết thực hiện cho kỳ được kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.
Kết luận: Liên Xô kiểu mẫu trước
Việt Nam bắt chước sau
Tăng gia và tiết kiệm
Ta cố gắng làm mau
Thế là:
Kháng chiến thắng lợi, dân giàu nước sang.
Nói ngày 17-3-1952.
Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
7. Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm
Năm 1951, Chính phủ đã nêu cao công tác kinh tế tài chính, đặc biệt là công tác thuế nông nghiệp, coi đó là công tác trung tâm của Chính phủ. Nhờ đó mà năm nay, Chính phủ đặt được kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.
Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Cho nên, ở vùng tự do, thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là công tác trung tâm của nhân dân, của Chính phủ và của Đoàn thể. Ở vùng du kích và căn cứ du kích, đó là một công tác rất quan trọng.
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng sâu rộng và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hăng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi gia đình đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm riêng của mình để hoàn thành kế hoạch chung của Chính phủ .
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học, v.v. phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.
Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, Chính phủ là Chính phủ của nhân dân. Như thế, nhân dân sẽ càng hăng hái đoàn kết và kháng chiến.
Cán bộ kinh tế và tài chính, cán bộ nông hội và công đoàn là những chiến sĩ phải xung phong trên mặt trận sản xuất và tiết kiệm. Cán bộ các ngành khác cần phối hợp chặt chẽ công tác của mình với công tác sản xuất và tiết kiệm.
Khẩu hiệu chung của chúng ta là:
- Bộ đội thi đua diệt giặc lập công,
- Nhân dân thi đua sản xuất, tiết kiệm.
Bộ đội ta đã liên tiếp chiến đấu bền bỉ suốt 3 tháng ở chiến trường Hoà Bình và khắp nơi, và đã thắng to. Đồng bào và cán bộ ta phải thi đua với bộ đội, phải ra sức thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm để bồi dưỡng và tích trữ lực lượng cho quân và dân ta đánh thắng hơn nữa, đánh thắng hơn mãi, cho đến ngày kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 3 năm 1952
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân Dân, số, ngày 20-3-1952.
(Còn nữa)
Huyền Trang (tổng hợp)