nguoi the hien ha BH
Hình tượng Bác trong cuộc trao giải thơ

 tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đầu năm 2013

Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ sĩ Văn Tân vẫn đi khắp nơi, mang hình ảnh Bác Hồ tới công chúng. Chúng tôi gặp ông tại cuộc trao giải thơ tại Khu đền thờ danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo – TP Hải Phòng. Rất đông các tác giả được giải và người yêu thơ tham dự buổi lễ đứng bật dậy bồi hồi, xúc động khi "Bác Hồ” (do nghệ sĩ Văn Tân thể hiện)  bước ra vẫy chào và chúc mừng những tác giả được giải. Giọng nói của "Bác” ấm áp, cử chỉ bình dị thân tình đã khiến cho buổi lễ trang trọng và sôi nổi hẳn lên. 

Sau buổi lễ, nghệ sĩ Văn Tân đã dành thời gian trò chuyện với những người quan tâm tới công việc đóng vai Bác Hồ suốt mấy chục năm qua của mình. Năm 1970, sau khi Bác Hồ đã qua đời, Đảng ta đã có chủ trương đưa hình ảnh Bác lên sân khấu. Nhân dịp này nghệ sĩ Văn Tân lúc đó là diễn viên ở đoàn kịch Hà Bắc đã mạnh dạn nghiên cứu đóng vai Bác Hồ. May mắn của Văn Tân là hai lần được gặp Bác trước khi vào vai Bác. Đó là vào năm 1961 và 1963 trên chính quê hương. Từ đó hình ảnh Bác luôn hiện lên trong tâm trí của người nghệ sỹ và ông quyết tâm thể hiện ước mơ lớn của mình là đóng vai Bác Hồ trên sân khấu. Ông lấy cây đay ngâm kỹ, đập dập dùng sợi tết thành râu, tóc giả, tự hóa trang, tự viết hoạt cảnh, tập diễn với đoàn kịch Hà Bắc để thể hiện hình tượng Bác Hồ. Kết quả thật bất ngờ, rất nhiều người xem xong đã công nhận Văn Tân hóa trang giống Bác và diễn cũng có nhiều nét giống Bác. Đó là những động viên, khích lệ để Văn Tân càng tự tin, ra sức nghiên cứu sâu hơn ngôn ngữ, động tác của Bác.

 

Để có hình thức giống Bác nghệ sĩ Văn Tân đã phải hoá trang tất cả 17 chi tiết trên khuôn mặt như mũi, trán, cằm, râu… Lần đầu tiên hoá trang thành Bác Hồ các chuyên gia đã làm mất 10 tiếng đồng hồ mới xong. Riêng việc học nói giọng và cử chỉ đi đứng của Bác cũng mất rất nhiều thời gian, nhất là luyện ánh nhìn trìu mến thân thương của Người là vô cùng khó. Ngoài ra nghệ sĩ Văn Tân còn được đích thân cụ Hà Huy Giáp - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh giảng giải cặn kẽ những đức tính của Bác để cảm nhận được từ trong ra ngoài một hình tượng vĩ đại mỗi khi nhập vai. 

Nghệ sĩ Văn Tân nói: "Tôi đã xem đi xem lại hàng nghìn lần những băng đĩa về Bác Hồ để bắt chước cho thật giống, cứ có thời gian rảnh rỗi là tôi lại tập nói giọng của Người. Giọng Bác Hồ là giọng miền Trung pha Bắc và trầm ấm, còn giọng của tôi lại giọng cao nên rất khó bắt chước, tuy nhiên với tấm lòng kính yêu Bác tôi đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Mặc dù đã đóng vai Bác Hồ hàng nghìn lần nhưng với nghệ sĩ Văn Tân thì lần nào cũng như là lần đầu tiên nhập vai vậy. Mỗi khi ra sân khấu giơ tay chào khán giả là tiếng hoan hô cổ vũ lại vang lên khiến cho buổi biểu diễn trở nên sống động lạ thường.

Lê Tự
Theo Báo Đại Đoàn Kết
Kim Yến (st)

Bài viết khác: