Văn hóa là một phạm trù vô cùng rộng lớn, bao trùm lên các vấn đề thuộc về giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử; đời sống tinh thần của con người; tri thức khoa học, trình độ học vấn; lối sống cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh. Văn hóa Đảng không nằm ngoài sự chi phối, ảnh hưởng của văn hóa nói chung, hơn thế còn giữ vai trò lãnh đạo, định hướng cho mọi thiết chế văn hóa của cả đất nước, bảo đảm phù hợp với truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, phù hợp với tiến trình phát triển của văn hóa nhân loại và văn hóa tiên tiến đương đại.

Đã có lúc, có nơi, câu chuyện chạy “thành tích” để được khen trong sơ kết, tổng kết công tác đảng để được cấp ủy cấp trên công nhận là chi bộ hoặc đảng bộ đạt các tiêu chí “trong sạch, vững mạnh”, thể hiện sự “ganh đua” ngay trong các cơ quan lãnh đạo là một hành vi đáng phê phán trong sinh hoạt Đảng. Bởi, đây chính là một động thái phản văn hóa Đảng!

Ai cũng biết, Đảng ta lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt Nhà nước và xã hội theo hiến định, bảo đảm cho đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của văn hóa Đảng. Nếu đất nước ta phát triển trì trệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh không giữ vững được ổn định quốc gia, đối ngoại không vững chắc, đời sống nhân dân nghèo khó, bấp bênh thì trước hết, trên hết trách nhiệm thuộc về Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã lấy tiêu đề của Báo cáo Chính trị là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của một đảng cầm quyền trước vận mệnh của đất nước, trước đòi hỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Văn hóa Đảng là văn hóa lãnh đạo, nên khen hay chê trong Đảng là khen, chê có lãnh đạo. Do vậy, khen hay chê mà không có tác dụng hoặc phản tác dụng được xem là sự hời hợt hoặc phản văn hóa Đảng, cần phải nghiêm túc chấn chỉnh!

Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng đã khẳng định: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực”2.

Như vậy, quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh phải thường xuyên đề cao tầm quan trọng của văn hóa Đảng, làm cho văn hóa Đảng thật sự thẩm thấu vào tư tưởng, tình cảm và trách nhiệm của mọi người, trước hết là bí thư cấp ủy và người đứng đầu trong các tổ chức, đơn vị, địa phương.

Hy vọng rằng, với định hướng hết sức sâu sắc về văn hóa Đảng thể hiện trong các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng, nền văn hóa Đảng sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.

Mai Mộng Tưởng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử

Tâm Trang (st)

_____________

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 57.
2. Sđd, tr. 64.

Bài viết khác: