Cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911 tại Bến Nhà Rồng, Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hải trình tìm đường cứu nước bằng công việc phụ bếp. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; mà còn tạo nên những bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, mốc son vàng của lịch sử dân tộc.
Bước ngoặt quyết định
Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản, tiêu biểu như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang Phục Hội… Những phong trào này chưa lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân, lại bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nên tất cả đều thất bại. Các phong trào yêu nước của nhân dân ta lúc bấy giờ với các khuynh hướng khác nhau đều lâm vào ngõ cụt, bế tắc và bị khủng hoảng.
Chứng kiến cuộc khủng hoảng con đường cứu nước của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi sang các nước phương Tây học hỏi kinh nghiệm để về giúp đồng bào đòi lại quyền dân tộc độc lập.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi khác là Văn Ba đã rời Bến Nhà Rồng, trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp, với quyết tâm tự lao động làm phương tiện đi tìm chân lý. Ngày 6-7-1911 tàu cập bến Mác-xây (Pháp), đất nước đầu tiên mà Nguyễn Tất Thành đặt chân đến và phát hiện ra điều ngạc nhiên nhất: Ở đây cũng có những người nghèo như ở Việt Nam. Câu hỏi day dứt nhất đối với Nguyễn Tất Thành là tại sao ở nước Pháp cũng có sự phân hóa xã hội, có giàu nghèo, tốt xấu, vậy thì ở các nước văn minh khác có như thế không. Nguyễn Tất Thành lại lên đường đi các nước An-giê-ri, Tuy-ni-di, Công-gô, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - những nơi có đủ màu da và sắc tộc, xứ sở của những kẻ được khai hóa và thành tựu của những kẻ đi khai hóa. Ở những nơi này, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến điều kiện sống khủng khiếp của những người nghèo khổ, và nạn phân biệt chủng tộc tàn nhẫn diễn ra hằng ngày. Năm 1913 Nguyễn Tất Thành đến nước Anh làm người quét tuyết, thợ đốt lò, phụ bếp, rửa bát đĩa, cùng sống với nhiều người nghèo khổ, đói khát. Ở những nơi đã đi qua, các cuộc cách mạng tư sản là một nội dung được Nguyễn Tất Thành tập trung nghiên cứu, và Người đã tiếp thu được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt từ việc nghiên cứu cách mạng Mỹ 1776 và cách mạng Pháp 1789 và nhất là những gì đã trực tiếp chứng kiến, Người đã rút ra kết luận: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”. “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Vậy là hai mục tiêu Nguyễn Tất Thành đang ấp ủ là độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân mình thì kinh nghiệm cách mạng Mỹ và Pháp không đáp ứng được.
Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Từ khi chính thức xuất hiện tại Pa-ri trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp, Nguyễn Tất Thành đã trưởng thành, có nhiều hoạt động và đến năm 1919, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, anh cùng nhóm hoạt động đã ký tên gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây. Đầu năm 1919 Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp chỉ vì “Đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước anh, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái!”.
Cuối năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Khi nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Nguyễn Ái Quốc đọc “Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Người nhận rõ Luận cương của Lênin soi sáng con đường giải phóng dân tộc mình. Và chính Luận cương của Lênin đã chính thức đánh dấu việc Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Về sau, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Nhận thức này đã dẫn tới quyết định của Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (12-1920), Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và ngay sau đó Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đánh dấu bước chuyển từ người yêu nước thành người cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.
Từ kinh nghiệm cách mạng vô sản trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Việt Nam muốn có độc lập, tự do phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Và “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Năm 1921, Người sáng lập Hội Liên hiệp Thuộc địa; năm 1922, ra báo “Người cùng khổ”; năm 1923, sang Liên Xô làm việc tại Quốc tế Cộng sản; năm 1924, về Quảng Châu (Trung Quốc) chuẩn bị thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (1925); năm 1925, xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh”.
Bước đường trưởng thành từ người yêu nước thành nhà cách mạng - Con đường từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được vun đắp bằng sự ủng hộ của đồng bào và quốc tế. Hai lần ngồi tù, bao năm lận đận xứ người và dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành độc lập - Bắt đầu từ những ngày mà người Việt Nam ghi nhớ khi anh thanh niên Văn Ba xuống tàu ngày 5-6-1911. Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Vững niềm tin con đường Bác đã chọn
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Sự kiện này đã đáp ứng những đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam và cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh". Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Nhân dân ta đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là những thành tựu to lớn và toàn diện của 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong bài viết gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Tính khoa học và cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Trần Công Huyền
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử
Hà An (st)