1. Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 05/6/2021 về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”

Công điện nêu rõ, một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

P 56
Ảnh minh họa/Internet

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27 tháng 4 năm 2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất...), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.

+ Chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.

- Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.

- Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 03/6/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để trang bị phòng xét nghiệm lưu động

Theo đó, Thủ tướng quyết định bổ sung 48.400 triệu đồng (Bốn mươi tám tỷ bốn trăm triệu đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để mua 05 xe xét nghiệm lưu động phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 5538/BTC-HCSN ngày 27/5/2021.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng Phòng xét nghiệm container lưu động đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả; thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Việc điều chuyển xe xét nghiệm lưu động cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (nếu cần thiết) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. Các Bộ: Tài chính, Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

3. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 04/6/2021 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh

Trong Thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các Công điện, Thông báo kết luận và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm nguyên tắc "3 không" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

+ UBND tỉnh Bắc Ninh làm rõ nguyên nhân dịch bệnh lây nhiễm nhiều ngày trong khu vực đã được phong tỏa ở huyện Thuận Thành, có giải pháp quyết liệt để xử lý tình hình.

+ UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tiếp tục giảm mật độ, số lượng người lao động đang bị cách ly tại một số điểm còn mật độ cao, xem xét phương án giải phóng triệt để đối với thôn Núi Hiểu, khử khuẩn làm sạch môi trường và đưa trở lại những lao động không còn nguy cơ nhiễm.

+ Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công nhân trong các khu công nghiệp. Hướng dẫn thí điểm để công nhân trong khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp.

+ Các địa phương, trong quá trình thực hiện xét nghiệm diện rộng cần thí điểm việc tự lấy mẫu trong khu công nghiệp; thực hiện nghiêm việc khử khuẩn tay sau mỗi lần lấy mẫu, tuyệt đối không để lây chéo từ khâu này.

- Giao các Bộ:

+ Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khai báo y tế đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Triển khai tổng đài gọi điện tự động (Rô bốt) để tăng cường nắm bắt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ giúp công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả hơn.

+ Bộ Y tế: Khẩn trương rà soát lại hướng dẫn xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vắc xin, xét nghiệm có kháng thể,... để rút ngắn thời gian cách ly tập trung; Khẩn trương triển khai phương án chủ động mua sắm sinh phẩm xét nghiệm không để thiếu sinh phẩm trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương cần số lượng lớn, đồng thời tiết kiệm ngân sách nhà nước thông qua mua sắm tập trung; Có hướng dẫn ưu tiên đối với nhóm khai báo y tế bắt buộc (những người tiếp xúc nhiều người như ngân hàng, dịch vụ hàng không, làm việc trong môi trường kín,...) làm cơ sở ưu tiên tiêm vắc xin.

+ Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nêu một số nhóm nhiệm vụ khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ xét nghiệm.

+ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tổ phân tích thông tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phối hợp, quy tụ các doanh nghiệp, nhóm chuyên gia khẩn trương hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm, giải pháp công nghệ để trợ giúp có hiệu quả nhiệm vụ khai báo y tế, quản lý người cách ly, truy vết, quản lý người ra vào bệnh viện, xét nghiệm, quản lý người tiêm vắc xin,...; Hoàn thiện công cụ bản đồ an toàn Covid để các địa phương, doanh nghiệp, người dân tra cứu, tham gia cập nhật thuận lợi.

+ Bộ Y tế rà soát lại các chỉ đạo về việc cài đặt, sử dụng các phần mềm phục vụ chống dịch đảm bảo đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.

4. Bộ Y tế: Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 04/6/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”

Cụ thể, Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế và các hướng dẫn, phương án phòng, chống dịch đã và đang triển khai tại các tỉnh, thành phố.

Mục đích là: Chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh (sau đây gọi tắt là CSSXKD), khu/cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là KCN); Đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Yêu cầu đặt ra là:

- Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Các địa phương, đơn vị quán triệt tinh thần “chủ động tấn công” và nguyên tắc phòng chống dịch "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, luôn chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn.

- Xác định nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Yêu cầu các CSSXKD, KCN và người lao động (NLĐ) chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” với chiến lược chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, lấy phòng dịch là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

- Chủ động phương án hậu cần, đáp ứng yêu cầu cách ly, năng lực xét nghiệm, điều trị với phương châm “bốn TẠI CHỖ” để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả.

Hướng dẫn nêu rõ, các CSSXKD, KCN thực hiện Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho NLĐ, đặc biệt tập trung triển khai các nội dung sau:

- Đối với CSSXKD, KCN:

+Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại KCN, CSSXKD, các tổ An toàn COVID-19 tại KCN, CSSXKD (chi tiết tại Phụ lục 1);

+ Xây dựng phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại nơi làm việc; định kỳ tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho NLĐ; thực hiện cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch với chính quyền địa phương; tự đánh giá nguy cơ và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19.

+ Bố trí phương tiện đưa đón NLĐ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông gió tại phân xưởng, nhà ăn; phân luồng NLĐ cố định tại phân xưởng, dây chuyền sản xuất, khi đưa đón NLĐ; giảm mật độ NLĐ tại mỗi ca làm việc, ca ăn; giảm tiếp xúc bằng bố trí vách ngăn tại nhà ăn và suất ăn riêng; thực hiện họp trực tuyến, làm việc tại nhà (với một số bộ phận hành chính, kế toán...); lắp đặt camera giám sát các khu vực có nguy cơ; lập danh sách quản lý thông tin của NLĐ gửi Ban quản lý KCN, các cơ quan y tế liên quan; yêu cầu NLĐ thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

+ Thực hiện việc quản lý NLĐ, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đặc biệt các trường hợp đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao; thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho NLĐ.

- Đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà trọ, khu nhà trọ, khu ký túc xá của NLĐ (gọi tắt là nhà trọ): Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ tất cả các nhà trọ trên địa bàn theo hướng dẫn tại Phụ lục 2; thành lập Ban quản lý hoặc tổ An toàn COVID-19 tại các nhà trọ; bố trí NLĐ cùng phân xưởng thì ở cùng phòng trong nhà trọ (đối với khu ký túc xá); yêu cầu NLĐ ký cam kết và thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

- Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho CSSXKD, KCN (cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, NLĐ, ngân hàng, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước...): Yêu cầu ký cam kết phòng, chống dịch với Ban quản ký KCN, CSSXKD, chính quyền địa phương; phối hợp với các CSSXKD, KCN thực hiện việc quản lý danh sách NLĐ, lịch trình, thời gian làm việc của NLĐ; định kỳ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ NLĐ; yêu cầu NLĐ thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn với thông tin đơn giản, dễ hiểu; đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại cho các CSSXKD, KCN…

- Thành lập các tổ công tác liên ngành của địa phương: kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại CSSXKD, KCN, đặc biệt những cơ sở có quy mô lớn, nguy cơ lây lan cao; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định phòng, chống dịch, kể cả đình chỉ hoạt động.

5. Bộ Y tế: Quyết định số 2763/QĐ-BYT ngày 03/6/2021 Phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Theo đó, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

Phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (Nghị định 54/2017/NĐ-CP), cụ thể:

- Tên vắc xin: COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate).

- Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều 0,5ml chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt.

- Dạng bào chế: Hỗn dịch tiêm.

- Quy cách đóng gói:

+ Hộp 1 lọ, 3 lọ; mỗi lọ chứa 1 liều 0,5ml.

+ Hộp 1 bơm tiêm chứa 1 liều 0,5ml.

- Tên cơ sở sản xuất - Nước sản xuất: Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc.

- Tên cơ sở đề nghị phê duyệt vắc xin: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

6. Bộ Y tế: Công văn số 4503/BYT-BMTE ngày 03/6/2021 về việc tăng cường công tác chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Công văn cho biết, nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sơ sinh; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; Y tế các Bộ, ngành thực hiện các công việc sau:

- Bên cạnh việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch địa phương cần thường xuyên cập nhật, thống kê số lượng và tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai, sản phụ, trẻ sơ sinh nghi nhiễm/nhiễm trên địa bàn. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có phụ nữ mang thai đặc biệt là các phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, sản phụ, trẻ sơ sinh mắc COVID-19 trên địa bàn, đơn vị;

- Giao Bệnh viện Phụ sản/Sản Nhi/Nhi/Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm đầu mối, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó trên toàn tỉnh. Kế hoạch ứng phó cần đáp ứng được các tình huống có dưới 5, từ 5-10 và trên 10 trường hợp phụ nữ mang thai, sản phụ, sơ sinh nghi nhiễm/nhiễm (bao gồm các tình huống có sản phụ nhiễm/nghi nhiễm chuyển dạ đẻ thường, đẻ khó hoặc mổ đẻ; có sơ sinh thường, sơ sinh bệnh lý nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2) và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, nhân lực; Phân luồng chuyển tuyến hoặc phân tuyến hỗ trợ kỹ thuật;

Trong trường hợp cần thiết, nếu địa phương không đảm bảo nguồn nhân lực ứng phó với các cấp độ dịch, cần báo cáo ngay về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) để có phương án điều phối, huy động, phân công các Bệnh viện chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa, các bệnh viện chuyên khoa khu vực hỗ trợ nhân lực kịp thời;

- Chỉ đạo các đơn vị có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sơ sinh nghiêm túc thực hiện theo Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở y tế và các quy định khác về an toàn bệnh viện, phân luồng, giám sát, phát hiện cách ly, khoanh vùng, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế;

 Đối với các cơ sở cách ly/điều trị tập trung:

+ Bố trí đầy đủ nhân lực thực hiện chăm sóc, theo dõi phụ nữ mang thai đúng quy định, tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bà mẹ;

+ Khi phụ nữ mang thai dương tính với COVID-19 có dấu hiệu chuyển dạ cần phải phối hợp với cơ sở sản khoa, nhi khoa để đảm bảo cuộc đẻ an toàn và thực hiện chăm sóc mẹ con phù hợp với tình hình thực tế;

+ Trong trường hợp cần thiết liên hệ ngay với các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa/sơ sinh các khu vực để được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật;

- Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm/nghi nhiễm phải cách ly: Các cơ sở chăm sóc sản khoa, sơ sinh của địa phương cần có kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh không được gần mẹ. Căn cứ nhu cầu thực tiễn (số lượng trẻ sơ sinh phải tách mẹ con, được sự đồng thuận của gia đình) xây dựng kế hoạch huy động nguồn sữa mẹ tại chỗ hoặc liên hệ các ngân hàng sữa mẹ của địa phương, khu vực để chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh một cách tốt nhất có thể.

- Yêu cầu các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa/sơ sinh thành lập và duy trì kíp hỗ trợ gồm đầy đủ các chuyên khoa: sản khoa, sơ sinh, gây mê-hồi sức để sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện tuyến dưới khi cần thiết.

7. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 5229/BGTVT-VT ngày 04/6/2021 về việc tạm dừng các chuyến bay chở khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Gia Lai và ngược lại

Cụ thể như sau:

- Tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP. Hồ Chí Minh đi/đến Gia Lai và ngược lại từ 00h00’ ngày 05/6/2021 cho đến khi có thông báo mới.

- Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo đề nghị của hãng hàng không và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chuyến bay đặc biệt nhằm phục vụ vận chuyển nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế.

8. Bộ Giao thông Vận tải: Công văn số 5227/BGTVT-VT ngày 04/6/2021 về việc về việc tạm dừng các chuyến bay chở khách đi/đến Côn Đảo để phòng chống dịch COVID-19

Tại Công văn này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

- Tạm dừng các chuyến bay chở khách đi/đến Côn Đảo (trừ chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại) từ 17h00’ ngày 05/6/2021 cho đến khi có thông báo mới.

- Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo đề nghị của hãng hàng không và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chuyến bay đặc biệt nhằm phục vụ vận chuyển nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế.

9. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 5226/BGTVT-VT ngày 04/6/2021 về việc tạm dừng các chuyến bay từ Vân Đồn (Quảng Ninh) đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại

Tại Công văn này, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương về việc tạm dừng các chuyến bay từ TP.HCM đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và ngược lại từ 00h00’ ngày 05/6/2021 theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Công văn số 3363/UBND-DL1 cho đến khi có thông báo mới.

10. Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ: Công văn số 674/TGCP-VP ngày 04/6/2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “chủ động tấn công”, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo thực hiện một số nội dung như sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 (cần triển khai thực hiện tới tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung). Đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm thực hiện triệt để công tác phòng dịch. Đối với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định.

- Hướng dẫn các trang thông tin, truyền thông của Giáo hội các tổ chức tôn giáo cập nhật thông tin, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn tin chính thống và phổ biến công tác phòng, chống dịch đến các cơ sở thờ tự, điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về dịch; vận động chức sắc, tín đồ nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn.

- Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, lây nhiễm trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo và trong cộng đồng.

- Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục kêu gọi và biểu dương các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

11. Bộ Tài chính: Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam

Theo đó, việc quản lý tài chính Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 thực hiện trên nguyên tắc sau:

- Quỹ thực hiện thu, chi, kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính của Quỹ theo hướng dẫn tại Thông tư này.

- Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

- Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn.

- Sau khi Quỹ chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của Quỹ (nếu có)  được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.

12. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam: Công văn số 1537/BHXH-CSYT ngày 02/6/2021 về việc Hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT

Trong Công văn, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lưu ý một số nội dung sau:

- Về đối tượng thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT):

Các trường hợp đến khám và người bệnh điều trị nội trú có biểu hiện nghi ngờ được cơ sở KCB BHYT chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) ban hành kèm theo Quyết định số 2008/QĐ-BYT ngày 26/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, cụ thể:

+ Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác;

+ Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

Trường hợp xét nghiệm COVID-19 dương tính, người bệnh áp dụng biện pháp cách ly y tế: thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo Mục 1 Công văn số 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán chi phí liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Trường hợp xét nghiệm COVID-19 âm tính: thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo Mục 6 Công văn số 3100/BYT-BH.

- Mức giá thanh toán:

Thanh toán đối với trường hợp mẫu đơn: áp dụng mức giá dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/vi rút/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR quy định tại Phụ lục, ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Đối với các cơ sở KCB BHYT phải chuyển mẫu bệnh phẩm cho cơ sở KCB khác để thực hiện xét nghiệm: Thực hiện theo quy định của Bộ Y tế tại Điều 9 Thông tư số 30/2021/TT-BYT ngày 31/12/2020 hướng dẫn Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ. BHXH các tỉnh căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 4356/BYT-KHTC của Bộ Y tế và Công văn số 561/BHXH-CSYT để giám định và thanh toán theo chế độ BHYT.

Đối với mẫu gộp: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC.

- Thời điểm thanh toán: tính từ ngày 28/5/2021 từ thời điểm Bộ Y tế ban hành Công văn số 4356/BYT-KHTC nêu trên.

- Không thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp đã được các nguồn khác chi trả. Các cơ sở thực hiện xét nghiệm COVID- 19 tổ chức đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế theo các quy định hiện hành hoặc theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc Ủy ban phòng chống COVID-19 trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh.

13. Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Thông báo số 324/TB-VP ngày 02/6/2021 Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố Hà Nội (tại phiên họp số 114)

Thông báo nêu rõ, để tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh, chủ động, bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống, trong thời gian tới UBND Thành phố đề nghị các đơn vị tập trung một số nội dung cụ thể như sau:

- Tăng cường thông tin tuyên truyền; kiểm tra để chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch từ cơ sở.

+ Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo các văn bản quy định của Thành phố; tích cực, chủ động, thực hiện nghiêm khai báo y tế Online trong vòng 24h khi từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội.

+ Khuyến cáo người dân chủ động giám sát sức khỏe, cách ly y tế tại nhà đối với những người về từ các vùng có dịch; đặc biệt đối với người dân về từ các vùng có dịch ngay trước thời gian thực hiện việc phong tỏa của các tỉnh, thành phố khác thì bắt buộc khai báo y tế với cơ sở y tế tại địa phương, Sở Y tế hướng dẫn cụ thể, có phương án xét nghiệm, sàng lọc đối tượng này.

+ Nắm chắc số lượng người về từ các vùng có dịch trên từng địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, rà soát, đặc biệt các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm có địa bàn giáp ranh các vùng có dịch. Tiếp tục triển khai bài bản các biện pháp, quyết liệt để đảm bảo kết quả tốt nhất trong phòng chống dịch; thường xuyên phát hiện, kịp thời khen thưởng, động viên các điển hình, cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

+ Các địa phương tăng cường rà soát, xử lý nghiêm, khắc phục ngay tình trạng tụ tập đông người ở một số khu vực công cộng như một số cơ quan báo chí đã phản ánh.

- Thực hiện công tác quản lý, vận hành các khu cách ly tập trung:

Đợt dịch lần này, đa số các ca mắc đều mang chủng virút Ấn Độ, có tốc độ lây lan rất nhanh, khả năng lây nhiễm cao; các khu cách ly tập trung là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, do vậy cần đánh giá, rà soát, điều chỉnh một số khâu trong quy trình cách ly tập trung một cách phù hợp, thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo kết quả phòng, chống dịch.

Giao Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, các địa phương:

+ Chỉ đạo các Ban quản lý các khu cách ly đánh giá trường hợp cách ly theo các tiêu chí, chia thành từng nhóm nguy cơ ngay khi tiếp nhận; tránh xếp các nhóm nguy cơ khác nhau vào cùng 1 phòng để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.

+ Rà soát xây dựng quy trình cụ thể, khép kín 1 chiều từng khu vực cách ly, từng khu phòng, có quy định riêng cụ thể trong từng khu vực; căn cứ thực tế cơ sở vật chất, địa điểm cụ thể, thay đổi linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh hiện nay; rà soát các quy định chuyên môn trong khu cách ly để yêu cầu lực lượng quản lý, vận hành hết sức nghiêm túc, tránh tâm lý chủ quan gây ra lây nhiễm; thường xuyên khử khuẩn những nơi dùng chung; giảm mật độ, giãn cách hơn nữa trong các khu cách ly tập trung; điều chỉnh thời gian và số lần lấy mẫu phù hợp với mức độ, nguy cơ lây nhiễm.

+ Sở Y tế và Bộ Tư lệnh Thủ đô thống kê danh mục các công việc phải triển khai, các quy trình thực hiện, các văn bản vận dụng để các cơ sở mới triển khai đầy đủ; liệt kê những trang thiết bị được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố bố trí, phần nào của các địa phương để chủ động chuẩn bị sẵn sàng; trường hợp các địa phương còn khó khăn, chưa có khả năng cân đối ngân sách, chủ động báo cáo Thành phố để điều phối, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư, điều kiện phòng hộ đảm bảo an toàn trong các khu cách ly tập trung.

+ Thống nhất quy trình thành lập các khu cách ly tập trung như hiện nay, giao Ban Chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án thành lập cơ sở cách ly theo các bước: Sở Y tế chủ trì công tác kiểm tra các điều kiện thành lập cơ sở cách ly tập trung; Bộ Tư lệnh kiểm tra và vận hành trong khu cách ly tập trung trong suốt quá trình hoạt động; các địa phương tiếp tục rà soát cơ sở vật chất đảm bảo quy định phòng chống dịch, trong trường hợp cần thiết có thể bố trí thêm nhà vệ sinh, phòng tắm di động.

+ Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho các công dân trong khu cách ly tập trung thực hiện tốt quy định, không để lây chéo, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

- Tăng cường vai trò Tổ COVID cộng đồng, triển khai hiệu quả nhất: UBND các quận, huyện, thị xã triển khai kiện toàn lại Tổ COVID cộng đồng theo chỉ đạo tại văn bản số 1639/UBND-KGVX ngày 28/5/2021 của UBND Thành phố, lưu ý công tác phân công, phối hợp giữa các nhóm, đảm bảo hiệu quả; đặc biệt có hướng dẫn hoạt động của Tổ, tập huấn quy trình phòng lây nhiễm tại các khu vực có nguy cơ cho từng cá nhân trong tổ COVID cộng đồng, đảm bảo an toàn khi thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở.

- Đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo Công an địa phương quyết liệt triển khai quản lý tốt công tác nhân khẩu, hộ khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn Thành phố.

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục tham mưu, xét nghiệm những khu vực, cơ sở, đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt người dân về từ các vùng có dịch; phối hợp các địa phương vào cuộc nhanh nhất để ngăn chặn nguồn lây bệnh. Triển khai sàng lọc, xét nghiệm cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý khu cách ly tập trung trên toàn địa bàn Thành phố.

- Phương án tuyển sinh vào lớp 10:

+ Trong trường hợp tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát như hiện nay, đến 10/6/2021 không có tình huống xấu đi, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 triển khai theo Kế hoạch của UBND Thành phố đã được ban hành, trong đó đảm bảo an toàn ưu tiên đặt lên hàng đầu.

+ Đề nghị các quận, huyện, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh vào lớp 10, kế hoạch thi của Ban chỉ đạo của các địa phương, trong đó đề nghị các đồng chí Bí thư các Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện quan tâm chỉ đạo.

+ Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kịch bản chi tiết trong công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn trong các điểm thi, phân công trách nhiệm, nội dung công việc cụ thể đối với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, các điểm thi. Liên ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế thống nhất ban hành hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng chống COVID-19 tại các điểm thi trong đó lưu ý đến tình hình dịch bệnh để điều chỉnh phù hợp với tình hình của từng địa phương, thời gian hoàn thành trong ngày 02/6/2021.

+ Ban Chỉ đạo Thành phố tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương công tác chuẩn bị việc chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

- Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Khu Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phân công các đơn vị chức năng liên quan chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời quan tâm việc duy trì, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế tại trong các Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, các Cụm Công nghiệp, Điểm Công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19: Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”; UBND Thành phố mong muốn các cá nhân, tổ chức tiếp tục ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ủng hộ cụ thể cho chính hoạt động doanh nghiệp của mình, như việc triển khai đăng ký mua vắc xin tiêm cho công nhân, người lao động tại các Khu Công nghiệp, các công ty đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: