Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hai lần bị kẻ thù bắt được. Cả hai lần tính mạng của Người đều bị đe dọa nghiêm trọng, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, dường như chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Lần thứ nhất, Người bị cảnh sát Anh bắt ngày 6/6/1931. Lần thứ 2, Người bị chính quyền Tưởng giới Thạch bắt ở Liễu Châu. Cả 2 lần Người đều thoát hiểm một cách “kỳ lạ”.
Bác bị bắt ở Hồng Kông khi mang tên Tống Văn Sơ vào ngày 06/6/1931. Lần đầu tiên chúng ta được biết sự kiện này là từ cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, xuất bản năm 1952 ở Việt Bắc.
Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Pháp theo dõi từ khi Người thay mặt Hội Việt Nam thanh niên yêu nước ký tên vào Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi các đại biểu dự Hội nghị Véc-xây ngày 18/6/1919. Bản yêu sách chẳng những gây chấn động dư luận thế giới mà cũng ảnh hưởng tới đời sống tình cảm của khoảng 5.000 người Việt Nam đang ở Pháp.
Sau khi xuất hiện bản yêu sách, cảnh sát Pháp đã bắt đầu lập một hồ sơ riêng về Nguyễn Ái Quốc. Trong khoảng 5.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Pháp thì ai là Nguyễn Ái Quốc? Ông Lu-i Ác-nu, Trưởng ban Đông Dương của Sở mật thám Pháp, sau này là Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương. Do nghề nghiệp, Lu-i Ác-nu biết rất rõ từng người Việt Nam khả nghi ở thời điểm đó. Lu-i Ác-nu dự đoán, Nguyễn Ái Quốc có thể là một trong bốn người Việt Nam đang ở Pháp là: Phan Bội Châu, Luật sư Phan Văn Trường, Nhà báo Nguyễn An Ninh và nhà báo Nguyễn Thế Truyền.
Sau khi nghiên cứu, Lu-i Ác-nu loại cả bốn người nói trên, vì theo ông ta, khẩu khí văn phong của Bản yêu sách không phải khẩu khí của bốn người này. Theo đề nghị của Lu-i Ác-nu, một mạng lưới cảnh sát được tung đi khắp nước Pháp giám sát tất cả những người Việt Nam khả nghi. Riêng Văn Ba (tức Bác của chúng ta) cũng bị bọn mật thám theo dõi suốt ngày đêm. Sau đó, cảnh sát Pháp đã xác định chính xác rằng: Nguyễn Ái Quốc chẳng phải ai khác mà chính là Văn Ba, vốn là một phụ bếp trên tàu biển. Báo cáo ngày 8/10/1919 của Trụ sở cảnh sát Pháp ở Pari trình lên Bộ Nội vụ của Pháp đã khẳng định: “Hiện nay linh hồn của phong trào tuyên truyền chống chính phủ trong những người Việt Nam ở Pari chính là Văn Ba, cũng là Nguyễn Ái Quốc - Tổng thư ký Hội những người Việt Nam yêu nước”.
Cuối tháng 10/1919, cảnh sát Pháp đã có bức ảnh đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, do tên mật thám Đmi-zơ chụp được và bức ảnh này chuyển ngay về Sở cảnh sát Pháp ở Pari.
Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của Nguyễn Ái Quốc với khuôn mặt cương nghị, đôi mắt sáng khác thường của người trong ảnh đã ám ảnh Lu-i Ác-nu, khiến ông ta linh cảm thấy một điều gì đó không lành cho nước Pháp và ông ta đã thốt lên với các bạn đồng nghiệp những lời tiên tri: “Thưa các ngài, các ngài hãy tin rằng, chính người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này sẽ là người đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Lu-i Ác-nu sau này được rất nhiều nghiên cứu của các nhà học giả Pháp nhắc tới, người ra đều thống nhất cho rằng: “Đây là một nhận xét thiên tài trong lĩnh vực cảnh sát”.
Trong những năm 1925-1927, đế quốc Pháp biết là Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu nhưng chúng không làm gì được. Vì Nguyễn Ái Quốc được Chính phủ Tôn Trung Sơn và nhân dân che chở. Ngày 10/10/1929, phiên tòa của thực dân Pháp được xử ở Vinh đã kết án tử hình 7 người, trong đó có 2 người bị xử vắng mặt là Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú. Lúc này biết Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, nên đế quốc Pháp đã nhờ cảnh sát Anh bắt giúp.
Theo sự sắp đặt trước của Sở mật thám Pháp và Anh, khi bắt được Nguyễn Ái Quốc thì người Anh phải báo ngay cho Sở mật thám Pháp ở Đông Dương biết để chúng đưa tàu từ Hải Phòng sang chở Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam rồi thi hành bản án tử hình đã xử đối với Nguyễn Ái Quốc từ tháng 10/1929.
Lúc đầu mọi việc diễn ra như định liệu, ngày 06/6/1931 cảnh sát Hồng Kông ập vào căn nhà số 186 phố Tam Lung, bắt đi người có tên là Tống Văn Sơ với hồ sơ ghi tội danh là “gián điệp của Quốc tế cộng sản, tay sai của Liên Xô, có âm mưu lật đổ”. Chỉ 2 ngày sau trên bàn làm việc của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp ở Pari đã có bức điện báo: Nguyễn Ái Quốc - kẻ cực kỳ năng động và nguy hiểm đã bị bắt ở Hồng Kông và việc bắt giữ này rất quan trọng để bảo đảm an ninh cho Đông Dương.
Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Tống Văn Sơ, năm 1931 (Ảnh tư liệu)
Nhưng một sự bất ngờ đã xảy ra mà chính từ phía Pháp và Anh không thể ngờ đến được. Đó là sự xuất hiện của Luật sư Lô Prăng xít Lô-dơ-bai, một luật sư nổi tiếng của nước Anh. Là Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông, một văn phòng luật gia có uy tín trên thế giới lúc bấy giờ. Và chính sự xuất hiện của ông đã làm rối tung mọi nước cờ của cảnh sát Anh và Pháp.
Trong những ngày đầu bị bắt, bị giam và bưng bít tin tức nhưng không hiểu bằng cách nào mà Tống Văn Sơ đã liên lạc được với đồng chí Hồ Tùng Mậu. Nhận được tin dữ, Hồ Tùng Mậu đã báo ngay cho Quốc tế Cộng sản biết. Ngày 9/6/1931 (tức sau khi Bác bị bắt 3 ngày) đại diện Quốc tế Cộng sản và Hồ Tùng Mậu cùng đến gặp luật sư Lô-dơ-bai để vận động nhờ Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông bào chữa giúp.
Qua một thời gian tiếp xúc với Tống Văn Sơ trong nhà tù, tình cảm của gia đình luật sư Lô-dơ-bai dành cho Bác càng thân thiết. Trong một bức thư gửi cho những người bạn của Tống Văn Sơ trong Quốc tế đỏ, ông Lôdơbi viết: “Tôi muốn nói để các ông biết rằng, khách hàng của tôi là một người có văn hóa rất cao và do nhiều nguyên nhân nên tôi là người duy nhất mà ông ấy có thể tin cậy. Giữa chúng tôi đã hình thành một mối quan hệ mà tôi có thể nói là rất thân thiết. Do đó tôi sẽ coi là một tổn thất rất lớn của cá nhân mình nếu như ông ấy bị trao cho người Pháp hoặc bị bọn Pháp sát hại. Trong đó khả năng ông ấy có thể bị bọn mật thám Pháp giết hại làm cho tôi lo lắng, lo lắng đến mức mà chúng tôi phải thi hành mọi biện pháp để ngoài vợ chồng tôi ra thì không ai được phép đến thăm ông ấy. Từ những nguồn tin xác đáng, tôi biết rằng bọn Pháp đã trả 75 vạn đồng Đông Dương cho kẻ nào bắt được và 50 vạn đồng cho kẻ nào giết được ông ấy. Ngay trong trường hợp đơn kháng án được chấp nhận và khách hàng của tôi được trả lại tự do thì ông ấy vẫn đứng trước một nguy cơ hiện thực là bị bọn mật thám Pháp giết hại bất cứ lúc nào. Ông ấy cũng không thể nào ở lại thuộc địa này vô thời hạn được. Bởi vì, qua 9 phiên xử, phần lớn cảnh sát Hồng Kông đều đã biết mặt ông ấy quá rõ. Ít có cơ hội để ông ấy đi khỏi Hồng Kông mà bọn mật thám Pháp lại không hay biết. Bọn chúng trả những giá rất cao cho những tin tức về ông ấy”.
Chỉ qua những dòng thư ngắn ngủi, chúng ta thấy tình cảm của ông bà Lôdơbi đối với Bác của chúng ta - không phải với một vị Chủ tịch nước mà là với một người tù rất sâu nặng. Chúng ta có thể thấy Lôdơbi đã tận tâm, tận lực cứu Bác như thế nào. Mãi sau này chúng ta mới được biết rằng ông Lôdơbi đã dùng một số tiền rất lớn và sự quen biết rộng của mình để thuyết phục một số nhân vật quan trọng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho Bác của chúng ta.
Nguyễn Ái Quốc phải trải qua ba cuộc thẩm vấn của Thư ký Trung Hoa vụ Hồng Kông và 9 phiên tòa xét xử (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1931). Vì không có chứng cứ gì, Tòa án Hồng Kông phải tuyên bố trắng án nhưng đòi trục xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương để đế quốc Pháp bắt, Người đã đệ đơn lên tòa án tối cao ở Luân Đôn.
Đầu tháng 10/1931, Nguyễn Ái Quốc tiếp bà Xtenla Benxơn, một người bạn của Luật sư Lô-dơ-bai và là một nhà hoạt động văn học và sân khấu ở Hồng Kông. Với thiện cảm đặc biệt, bà Benxơn đã yêu cầu chồng mình- ông Tômát Xautôn lúc đó là Phó Thống đốc Hồng Kông giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu tháng 7/1932, Nguyễn Ái Quốc biết tin đơn kháng án của Người đã được Hội đồng cơ mật Nhà vua Anh chấp nhận. Nhờ sợ nỗ lực của Luật sư Nôoen Prít, sau một ngày biện luận, Tòa án Hoàng gia ở Anh đã kết luận Nguyễn Ái Quốc vô tội và quyết định trả tự do cho Người.
Tháng 8/1932, với vé tàu thủy do ông bà Lô-dơ-bai lo liệu giúp, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Hương Cảng đi Xingapo để tránh lưới mật thám đang rình bắt Người. Vừa đặt chân đến Xingapo, Người lại bị bắt và trả về Hồng Kông. Lấy cớ Người đi vào thuộc địa không có giấy phép, nhà cầm quyền Hương Cảng lại bắt giam Người một lần nữa. Đầu tháng 9/1932, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Luật sư Lô-dơ-bai báo tin mình lại bị bắt giam ở Hồng Kông. Hiện nay đang bị giam trong một căn hầm tối, không nhìn được ra ngoài và mấy ngày nay không được ăn cơm, uống nước gì cả.
Như vậy tính mạng của Người lại lần nữa bị đe dọa nghiêm trọng. Lần này còn nguy hiểm hơn vì bọn cảnh sát ở đây được lệnh để Tống Văn Sơ chịu đói cho đến chết. Khoảng từ giữa tháng 9 đến cuối năm 1932, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do nhờ sự giúp đỡ của Luật sư Lô-dơ-bai, Người được ông bà Lô-dơ-bai thu xếp vào ở trong ký túc xá của Hội những người Thiên chúa giáo trẻ Trung Quốc chờ dịp rời Hồng Kông.
Ngày 22/01/1933, với sự giúp đỡ của Tômát Xautôn - Phó thống đốc Hồng Kông, Người được phép dùng ca nô riêng của Thống đốc rời bến cảng ra khơi, đánh tín hiệu bắt một chiếc tàu đang chạy từ hướng đông đi Hạ Môn và chuyển tàu đi Thượng Hải để sau đó đi Liên Xô.
Không bắt được Người, báo chí của đế quốc Pháp phao tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao trong Nhà tù Hồng Kông. Các báo chí của Pháp đều hoan hỉ đưa tin Nguyễn Ái Quốc đã chết. Nhiều tờ báo cũng đăng cả cáo phó của Quốc tế cộng sản đối với Nguyễn Ái Quốc. Những người cộng sản ở Đông Dương và thế giới bàng hoàng khi được tin Nguyễn Ái Quốc đã chết.
Mật thám Pháp ra lệnh niêm phong hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc, lưu giữ và không cử mật thám theo dõi nữa. Có thể đó cũng là lý do khiến Bác của chúng ta sau này hoạt động đỡ phần nguy hiểm hơn do phía mật thám Pháp.
Tháng 8/1942, một tên trùm tình báo Pháp ở biên giới Cao Bằng đã mong manh tìm được dấu vết của Hồ Chí Minh và điện về cho tình báo Pháp, với nội dung: “Ở biên giới Việt - Trung hiện nay có một người đứng đầu bọn đỏ đang hoạt động. Người đó là Hồ Chí Minh - hình như đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.
Bức điện được chuyển ngay vào Sài Gòn và chuyển sang Pari. Lu-i Ác-nu, lúc này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp lập tức điện sang ngay: “Các anh điên cả rồi hay sao? Nguyễn Ái Quốc đã chết mục xương từ hồi ở Hồng Kông 9 năm nay rồi. Cần xem lại cái tên giả đó. Chú ý, Hồ Chí Minh có thể là một nhân vật quan trọng trong nhóm của Nguyễn Hải Thần (tức bọn việt cách)”.
Sau ngày 2/9/1945, sở mật thám Pháp ở Pari nhận được một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập. Mặc dù Bác của chúng ta vừa ốm dậy ở Tân Trào, răng thì rụng mất 2 chiếc, người rất gầy, nhưng khi vừa nhìn thấy bức ảnh, thấy cặp mắt và đôi tai khác thường của người trong ảnh thì Lu-i Ác-nu nhận ra ngay Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc ngày xưa - người mà mật thám Pháp đã phải tốn bao nhiêu công sức theo dõi, bám sát trong nhiều năm và vẫn đinh ninh đã chết từ 12 năm trước đó. Nhưng khi Lu-i Ác-nu nhận ra điều đó thì đã quá muộn mất rồi. Hồ Chí Minh đã trở thành Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập và với tư cách đó, từ ngày 31/5 đến 20/10/1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp và người được chính phủ Pháp giao trọng trách đón tiếp, chăm sóc, bảo vệ, hộ tống trong những ngày Hồ Chí Minh ở Pháp chính là Bộ trưởng Lu-i Ác-nu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình Luật sư Lô-dơ-bai (Ảnh tư liệu)
Tại sao một luật sư nổi tiếng như Lô-dơ-bai - một nhà tư sản lớn, đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản về mặt luật pháp, ông lại sống trong xã hội tư sản. Vậy mà ông lại không quản sự nguy hiểm, không tính toán hơn thiệt, không quản tốn kém và ông đã làm tất cả những gì mà mình làm được. Và có thể nói, ông đã cố gắng đến tận cùng để cứu Tống Văn Sơ - không phải cứu một vị Chủ tịch nước mà cứu một người tù.
Chính khả năng cảm hóa lòng người có một không hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính phẩm cách và trí tuệ tuyệt vời của Người đã cứu sống Người. Lô-dơ-bai cùng các luật sư đã cảm phục phẩm cách và trí tuệ của Bác. Nhiều người nước ngoài đã viết về sức cảm hóa kỳ lạ trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, đó là sự hiểu biết sâu rộng; do tài chí thông minh tuyệt vời; do nghị lực phi thường; do đức tính khiêm tốn giản dị; do tinh thần lạc quan; do tính thẳng thắn, cởi mở; do sự từng trải và lịch thiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1971, học giả Mỹ Đa-vít En-bếch-tam viết cuốn sách với tựa đề "Hồ" (tức là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh), đã nhận xét: “Từ Hồ Chí Minh có thể thấy đạo đức của thế giới ngày mai. Và người nào viết về Hồ Chí Minh mà không có một chương viết về đạo đức của Người thì đó là một cuốn sách cụt”.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Bao trùm lên tất cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự quên mình vì mọi người. Chính là sự ham muốn, ham muốn tột bậc, ham muốn duy nhất là làm sao đem được nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước. Chính cuộc sống trong sáng, hoàn toàn không bận chút riêng tư của Người đã tạo nên sức cảm hóa lớn”.
Chúng ta biết rằng, Hồ Chí Minh được sinh ra trong một dân tộc, một địa phương, một gia đình giàu truyền thống, mà những truyền thống tiêu biểu nhất là: “Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”. Bẩy truyền thống này, mỗi truyền thống có hai từ do Cố Giáo sư Trần Văn Giàu khái quát. Chính trong môi trường đó, cộng với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú và trí tuệ thiên bẩm của mình đã tạo nên phẩm cách, đạo đức Hồ Chí Minh- Và chính phẩm cách, đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao tầm vóc của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 88 năm, khi Nguyễn Ái Quốc vừa từ Pháp đến Liên Xô, Ô-xít man-đen-tam, một nhà báo rất nổi tiếng của Liên Xô đã viết bài báo với nhan đề: “Gặp một chiến sĩ cộng sản quốc tế”, đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ ngày 26/12/1933. Thông qua phong cách của Nguyễn Ái Quốc ông đã nhận xét về dân tộc Việt Nam: “Một dân tộc rất giản dị, lịch thiệp, rất ghét những sự quá đáng. Cả hình ảnh Nguyễn Ái Quốc trước mặt tôi đã toát lên điều ấy. Đó không phải nền văn hoá của châu Âu mà có thể là một nền văn hoá của tương lai”. Đó là một đoạn văn đánh giá về dân tộc Việt Nam qua hình ảnh Nguyễn Ái Quốc.
Đánh giá của Đảng và Nhà nước ta trong Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 đã viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”./.
Thanh Huống