Nhìn một cách vừa cụ thể nhất, vừa khái quát nhất, lịch sử loài người là lịch sử của các quan hệ qua lại của con người với thiên nhiên, với xã hội, với cộng đồng và với chính mình. Cùng với tiến trình lịch sử, các quan hệ đó là vô cùng đa dạng, muôn màu muôn vẻ và không có kết thúc. Quan hệ qua lại đó, ở dạng cụ thể nhất, có thể "nhìn thấy" được là sự ứng xử. Ứng xử góp phần trực tiếp nhất tạo nên xã hội, vì vậy, trong thư gửi Annekow, C.Mác  viết: "xã hội là gì, nếu đó không phải là sản phẩm của hành động có qua có lại của những con người". Ứng xử với xung quanh con người, với thiên nhiên, với xã hội, với các quan hệ cộng đồng và với chính mình là việc diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút, hàng giây và trong cả cuộc đời mình. Ứng xử là thuộc tính, là nhu cầu, là "bắt buộc" đối với tất cả mọi người và nó mang dấu ấn, đặc trưng riêng có của mỗi người, không ai giống ai, tạo nên sự đa dạng vô cùng, sự không lặp lại của hành động ứng xử. Tuy vậy, theo kinh nghiệm của con người, từ sự đa dạng vô cùng đó, cần có một số chuẩn mực để tạo nên sự tiến bộ, góp phần xây dựng phẩm chất Người - viết hoa - của ứng xử. Văn hóa ứng xử xuất hiện và phát triển từ đó.

Nếu nhìn từ bình diện trên, hành động, thao tác ứng xử của Bác Hồ là vô cùng phong phú, của riêng Người, không thể lặp lại hay bắt chước. Làm như vậy, chỉ là "diễn" mà thôi. Chúng ta đã từng nghe, xem, gặp - trực tiếp và gián tiếp - rất nhiều hành động ứng xử của Bác trong suốt hơn 70 năm, kể từ thuở ấu thơ của Bác đến những giây phút cuối cùng trong cuộc đời cao đẹp của Người. Không thể kể lại hết, do vậy, vấn đề lớn và thiết thực nhất đặt ra là tìm được ý nghĩa, bài học gìqua các ứng xử ấy. Có nghĩa là, học tập Bác, ở đây không phải làm theo máy móc hay bắt chước cách ứng xử của Bác mà là thấu hiểu chiều sâu nhân cách, ngọn nguồn tạo nên những ứng xử vô cùng độc đáo mà hết mực bình dị của Người. Xin lấy một dẫn chứng nhỏ qua sự trải nghiệm trực tiếp của tôi. Tháng 10-1989, đang là Trưởng phòng Văn nghệ quân đội, đột ngột Thủ trưởng Tổng cục Chính trị gọi tôi lên giao nhiệm vụ kiêm Trưởng đoàn ca múa quân đội.

Vì quá bất ngờ và không có chuẩn bị gì về công việc này, tôi xin được suy nghĩ ít ngày. Ngay sau đó, tôi xuống Đoàn ca múa (đang ở Mai Dịch) để tìm hiểu. Trong phòng tryền thống của Đoàn, tôi bắt gặp ngay 3 bức ảnh Bác Hồ đang ngồi bệt ở sàn nhà, 70 diễn viên đoàn ca múa Tổng cục Chính trị đang xúm chặt quanh Bác. Bác đang cười rất tươi, trò chuyện hết sức thân mật, đầm ấm với diễn viên. Tôi đọc bức thư viết tay của Bác: "Thân ái gửi Đoàn Văn Công của Cục Chính trị Quân đội nhân dân" khi Bác biết tin đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài. Bác khuyên: "Đoàn kết nội bộ, đoàn kết với anh em... giữ gìn kỷ luật, cố gắng biểu diễn tốt... (Tôi được biết, khi trò chuyện với diễn viên, Bác còn khuyên và dặn cả việc đi vệ sinh nữa). Và cuối cùng "gửi các cháu nhiều cái hôn". Tôi giật mình, kinh ngạc. Sức lay động "cảm hóa" của Bác quá lớn. Tôi tự nguyện chấp hành nhiệm vụ với suy nghĩ: Về với đoàn nghệ thuật không phải chỉ để chỉ huy, làm đoàn trưởng, mà để đồng hành cùng các chiến sĩ - nghệ sĩ, đồng đội của tôi và để làm "giàu có" thêm tri thức, tầm hiểu biết của mình về một lĩnh vực rất đặc thù: âm nhạc và múa. Vâng, học tập văn hóa ứng xử Hồ Chí minh, từ chiều sâu của nó, chính là thấu hiểu sự vĩ đại trong tất cả cái bình dị nhất và cái bình dị, đời thường nhất luôn hàm chứa một nhân cách vĩ đại:

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.

Chúng ta đã nghe kể nhiều về quan hệ đặc biệt hiếm có của Bác Hồ với bộ đội. Không có một câu chuyện nào được "huyền thoại hóa". Tất cả đều là thật, thật đến không ngờ. Câu chuyện về bát chè đỗ đen thời chống Pháp làm ta  kinh ngạc và kính phục về nhân cách Hồ Chí Minh và yêu quí những người lính cụ Hồ. Chuyện kể rằng: Hàng ngày Bác ăn cơm cùng cán bộ, chiến sĩ. Chỉ buổi tối, Bác làm việc khuya nên được "bồi dưỡng" thêm một bát chè đỗ đen. Một lần, chiến sĩ bảo vệ đưa chè vào cho Bác. Bác đòi chia đôi cùng ăn, chiến sĩ không dám chia. Bác nói: cháu không ăn, Bác cũng không ăn. Chiến sĩ đành phải ăn. Ăn xong ra khỏi phòng, chiến sĩ bị chỉ huy phê bình: "Cậu  chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu ăn mất một nửa". Người chiến sĩ buồn rầu nói: "Khổ quá, anh ơi. Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa xót nước mắt. Nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết chắc các anh mắng em rồi". (Bác Hồ với chiến sĩ - Nxb. QĐND, 1994 - trang 10). Một ứng xử bình dị, tự nhiên mà sâu thẳm tình thương yêu của Bác đối với bộ đội. Không một khoảng cách giữa lãnh tụ và người lính, vì vậy, Bác đã khuyên: "Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 - trang 484). Toàn bộ ứng xử của Bác với chiến sĩ có nguồn cội sâu xa đó. Học tập văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, chắc rằng, không phải việc chia đôi bát chè, mà chính là, phải thấu hiểu và học theo phẩm chất cực kỳ quý báu và nhất quán trong toàn bộ cuộc đời của Người: yêu thương, trân trọng con người từ trong tất cả hành vi ứng xử tự nhiên, hàng ngày của Bác.

Tôi nhớ, tháng 8, đầu tháng 9 năm 1969, trời Hà Nội mưa tầm tã hầu như suốt ngày. Nước sông Hồng đã dâng lên sát mép đê. Hà Nội lo lắng đê vỡ. Cũng trong thời gian đó, Bác Hồ ốm nặng. Ngày 03-9-1969, Trung Ương Đảng thông báo đau buồn: Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Cùng với hàng triệu người, tôi đã xếp hàng hàng mấy tiếng để được viếng Bác, nhìn thấy Bác lần cuối. Trời vẫn mưa tầm tã - đê sông Hồng vẫn đang bị đe dọa, cả Hà Nội hối hả bảo vệ đê, bảo vệ Hà Nội. Bác ra đi trong một hoàn cảnh ngặt nghèo đó. "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa".

Sau này, tôi mới được nghe kể rằng, trong hoàn cảnh nguy ngập đó, Bộ Chính trị đã họp và quyết định chuyển Bác rời khỏi Hà Nội. Đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Bác về ý định đó. Mặc dầu bệnh tình đang trầm trọng hơn, Bác đã nói: "Không đi đâu cả. Bác ở với dân. Các chú tìm mọi cách cứu dân, hộ đê". Thực hiện lời tâm huyết bình dị mà kiên quyết đó của Bác, Đảng, Nhà nước, nhân dân Thủ đô đã bảo vệ được đê. Hà Nội bình yên. Bác đã ra đi trong sự đau đớn tột cùng của hàng trăm triệu con người Việt nam và bạn bè, nhân dân thế giới. Giây phút cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn một mực xác quyết, không hề lay chuyển: "Không đi đâu cả. Bác ở với dân"!. Vâng, đó là văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Hàng trăm, hàng nghìn mẩu chuyện về văn hóa ứng xử ấy đều có chung một nguồn cội sâu xa: Tất cả vì dân, vì dân tộc, vì đất nước.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách ứng xử, xét cho cùng, phải là học tập suốt đời, phải là tự vượt qua những cái tầm thường đang cản trở mỗi con người vươn lên để sống tốt hơn, đẹp hơn, trong sáng, trong sạch hơn, đối với tất cả chúng ta, đặc biệt đối với những người lính "Bộ đội cụ Hồ" và những người là "đồng chí" của Người, tự nguyện đi theo con đường mà Người đã chọn cho dân tộc ta, đất nước ta .

GS, TS. Đinh Xuân Dũng

Bài viết khác: