Tôi từng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy mà, trong cuộc trò chuyện với Đại tá Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BTL Bảo vệ Lăng) lần này, lại có nhiều câu chuyện mới được tiết lộ...

“Đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, ba vệt mòn trên con đường các chiến sĩ tiêu binh đổi gác trước Lăng Bác có phải là minh chứng cho ý chí rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng?

Đại tá Đinh Quốc Hùng: Nhà báo quả là quan sát rất kỹ, ba vệt mòn trắng, thẳng tắp trên con đường sỏi đổi gác đó là dấu chân đi nghiêm của các chiến sĩ tiêu binh. Tiêu binh danh dự là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác nghi lễ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu binh danh dự, đơn vị đã tiến hành huấn luyện, rèn tập hết sức công phu. Do yêu cầu nhiệm vụ, chiến sĩ tiêu binh danh dự phải đứng nghiêm lâu, máu thường dồn xuống chân gây tê dại. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó là điều không dễ dàng, nhất là trong những ngày nắng nóng, những đêm đông giá buốt. Nhưng những chiến sĩ tiêu binh danh dự đứng gác ở cửa Lăng đã kiên trì khổ luyện với ý chí và nghị lực rất cao để mọi cử chỉ, động tác đều chính xác, thuần thục. Và không những thuần thục động tác cá nhân mà phải có tính hiệp đồng chặt chẽ giữa các chiến sĩ trong kíp gác đến từng bước chân, chuyển động của cơ thể, theo đúng phương châm “Đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”. Nhờ đó, anh em đều hoàn thành tốt phiên gác của mình. Ai đã một lần đến viếng Bác, nhìn thấy người chiến sĩ tiêu binh danh dự trong tư thế đặc biệt trang nghiêm, đẹp và chuẩn xác đều hết sức mến yêu, khen ngợi.

vet mon trang
Đồng chí Đại tá Đinh Quốc Hùng. Ảnh: Hải Hồng

Nhiệm vụ tiêu binh danh dự ở Lăng Bác có thể nói là một công tác đặc biệt trong nhiệm vụ chính trị đặc biệt, không được phép sai sót dù là nhỏ nhất. Đến viếng Bác và tham quan khu vực Lăng, mọi người đều muốn được ngắm nhìn cảnh các chiến sĩ tiêu binh đổi gác. Những ánh mắt như một, các động tác như một, đẹp, chính xác; chính xác đến từng giờ và động tác, nhìn chiến sĩ tiêu binh đổi gác ta biết thời gian lúc này là mấy giờ. Đó là biểu trưng sức mạnh, kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam; hình ảnh tôn nghiêm của đất nước đã được thừa nhận. Đó cũng là một biểu tượng danh dự, tượng trưng cho sự tin cậy của Đảng, của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ.

Đón đồng bào là đón khách quý của Bác

PV: Nhà thơ Viễn Phương đã viết câu thơ nổi tiếng: “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ...”. Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng dòng người hằng ngày vào Lăng viếng Bác càng như dài thêm. Đồng chí có thể cho biết đôi điều về công tác tiếp đón khách vào Lăng viếng Bác?

Đại tá Đinh Quốc Hùng: Trong hơn 50 năm qua, BTL Bảo vệ Lăng đã tiếp đón gần 60 triệu lượt người, trong đó khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế, hơn 1.000 đoàn người có công với cách mạng, hơn 3.000 lượt tổ chức chính trị - xã hội. 

vet mon trang
Tổ tiêu binh danh dự hoàn thành phiên gác. Ảnh: Hải Giang

Chúng tôi tự xem mình là con cháu Bác Hồ, gần Bác nhất, bên Bác hằng ngày cho nên việc phục vụ nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng Bác là việc của nhà mình, phải làm thật tốt. Đón tiếp, phục vụ khách đến viếng Bác cũng là một trong 4 nhiệm vụ chính trị của bộ đội bảo vệ Lăng. Tư tưởng chỉ đạo đối với công tác này được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định là: Đón tiếp, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác là đón khách quý của Bác. Phải “An toàn, lịch sự, văn minh, tận tình, chu đáo”, tạo mọi thuận lợi, thoải mái, tránh mọi phiền hà cho người viếng.

Công tác tổ chức đón tiếp đang ngày một tốt hơn. Chẳng hạn vấn đề vệ sinh môi trường. Ngày cao điểm có hàng chục vạn khách. Đồng bào ở các tỉnh xa lần đầu về Hà Nội viếng Bác còn nhiều bỡ ngỡ. Vị trí tập kết của nhân dân đến viếng Bác ở cách Lăng khá xa. Điều đó đặt ra yêu cầu bảo đảm vệ sinh cho nhân dân là một nội dung công tác lớn được đơn vị hết sức chú ý. Rồi việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Nhiều cụ già vào viếng Bác, không kìm được xúc động, có người ngất, phải có lực lượng quân y chăm sóc thật tốt. 

Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, xúc động nhất là các đoàn thương binh nặng. Niềm ao ước lớn nhất trong cuộc đời các anh là được vào Lăng viếng Bác kính yêu. Khi vào viếng Bác, các anh đều rất nóng lòng. Các chiến sĩ tiêu binh đã chuẩn bị sẵn loại xe đẩy đặc biệt để phục vụ các đồng đội yêu quý. Chúng tôi yêu cầu anh em phải thận trọng, nhẹ nhàng nâng các anh lên từng bước, từng bậc, đưa các anh vào thăm Bác. Có những đồng chí thương binh hỏng cả hai mắt, chỉ hình dung thấy Bác qua lời miêu tả của các chiến sĩ tiêu binh. Khi nghe xong, nhiều đồng chí đã bật khóc và nói: "Tôi không còn mắt để nhìn thấy rõ Bác, nhưng tôi có cảm nhận là Bác Hồ của chúng ta đang mỉm cười, Bác đang theo dõi mỗi bước ta đi, mỗi công việc ta làm. Bác là nguồn sống của chúng tôi. Chúng tôi nguyện thực hiện lời dạy của Người: “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

Một thành công lớn của công tác đón tiếp những năm qua là việc phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương trong việc đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, văn  hóa của công trình Lăng. Nhân dân các địa phương tiếp tục gửi về Lăng Bác nhiều loài cây, hoa quý. Bên cạnh cây đa Tân Trào, cây chò Phú Thọ, tre Lam Sơn, mai chiếu thủy Nam Bộ, khế Cần Thơ... giờ đây lại có nhiều cây quý hiếm, đại diện cho mọi miền của Tổ quốc như hoa ban trắng Tây Bắc; cây si cổ thụ của Ninh Bình, Hưng Yên; cỏ nhung của TP Hồ Chí Minh... Với tình yêu quê hương và tình cảm kính yêu Bác, đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài hằng năm về nước vào Lăng viếng Bác mỗi ngày một nhiều hơn, để được tận mắt trông thấy Bác, chiêm ngưỡng Bác, để nhận ở Bác một niềm tin, một phẩm giá trong sáng, nguyện hứa với Người xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

"Chúng tôi coi Cụ là người của hòa bình"

PV: Tôi cũng từng chứng kiến những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cựu thanh niên xung phong, những cựu chiến binh từ mọi miền của Tổ quốc sau khi vào viếng Bác đã òa khóc vì hạnh phúc, vì được thỏa nguyện ước bấy lâu. Không biết, đối với khách quốc tế đến viếng Bác thì cảm nhận của họ như thế nào?

Đại tá Đinh Quốc Hùng: Khách quốc tế từ các châu lục và vùng lãnh thổ những năm gần đây tới thăm Lăng, viếng Bác ngày càng nhiều hơn. Như trên tôi đã nói, hiện số khách quốc tế đã vượt qua con số 10 triệu lượt người. Sổ vàng ghi cảm tưởng của khách những năm qua, nay đã cao quá đầu người. Trong hàng triệu lời của khách ghi lại, có những dòng cảm động của một đoàn phụ nữ Hoa Kỳ: "Chúng tôi yêu mến đất nước Việt Nam, vì có lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chúng tôi coi Cụ là người của hòa bình, của tinh thần nhân đạo và trí tuệ lớn lao, cũng coi Cụ như lãnh tụ của nhân dân tiến bộ của nước Mỹ...". Đoàn đại biểu của Ethiopia đã viết: "Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ của Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức trên thế giới này cũng đang đấu tranh quét sạch chủ nghĩa đế quốc ra khỏi đất nước mình".

Tôi đặc biệt ấn tượng với khách là Việt kiều. Có người nói, mỗi lần về thăm Tổ quốc thì dù bận rộn đến mấy cũng phải thu xếp về Hà Nội để vào Lăng viếng Bác. Rất nhiều người ghi lại cảm tưởng. Đến gần Bác, nhìn ngắm Người như đang ngủ, ai cũng thấy tâm hồn rộng mở, tình yêu quê hương, đất nước quyện hòa trong tình cảm kính yêu lãnh tụ. Một niềm tự hào chung của rất nhiều Việt kiều. Khi được cấp trên điều về đây công tác, tôi dành thời gian tìm hiểu lịch sử truyền thống của đơn vị, đọc những dòng cảm tưởng của khách quốc tế đến viếng Bác thì cảm nhận được đôi điều như vậy.

PV: Đồng chí là cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị khác nhau trong quân đội, khi được cấp trên điều động về Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng công tác, cảm xúc và suy nghĩ đầu tiên của đồng chí là gì?

Đại tá Đinh Quốc Hùng: Vinh dự, tự hào, đó là cảm xúc của tôi và khi tìm hiểu, trò chuyện thì tôi biết đó cũng là cảm xúc chung của tất cả các thế hệ bộ đội bảo vệ Lăng Bác. Hiện nay, chuyện “cơm áo gạo tiền” là mối lo chung của tất cả mọi người. Ở đơn vị tôi, có những đồng chí là bác sĩ, kỹ sư nếu đi làm ở môi trường bên ngoài thì họ có thể có một cuộc sống rất sung túc, đủ đầy; còn ở đây thì đời sống khó khăn hơn. Vậy nhưng, không có ai so sánh thiệt hơn. Đó là điều mà tôi xúc động nhất. Nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng càng nỗ lực tận tâm, tận tụy phấn đấu không mệt mỏi, phát huy trí tuệ, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chính trong những điều kiện và hoàn cảnh đó, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng đã xây dựng nên những truyền thống cao quý của đơn vị mình. Đó là truyền thống: Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo.

"Ước mong của tôi cũng như của toàn dân ta là bảo vệ được thi hài Bác mãi mãi” - lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sổ ghi cảm tưởng của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.


HỒNG GIANG (thực hiện)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: