21 tuổi, với trình độ văn hóa tốt nghiệp tiểu học, biết chữ Pháp và chữ Hán, với lý lịch con một ông Phó bảng, Nguyễn Tất Thành hoàn toàn có thể có cuộc sống đầy đủ, có địa vị nho nhỏ trong xã hội với mái ấm gia đình: Vợ đẹp - con khôn - nhà ngói - cây mít, yên phận sống như phần đông viên chức thời ấy. Nhưng là một người yêu nước vĩ đại, Nguyễn Tất Thành không chấp nhận cuộc sống ấy.

Ngày 5-6-1911, trên con tàu Đô đốc Amiral Latouche Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis (còn gọi là hãng Năm Sao, do biểu trưng của hãng có hình 5 ngôi sao trên cột ống khói), từ bến cảng Sài Gòn, TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba làm phụ bếp, rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước - mở đầu hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài.

Theo hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở cảng Marseille, cảng Le Havre của Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, Nguyễn Tất Thành nhận thấy có những người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương. Không dừng lại ở Pháp, năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Chargeurs Réunis đi vòng quanh châu Phi. Đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh ấy Nguyễn Tất Thành đã trông thấy ở Dacar: “Đến Dacar, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”(1).

Cảnh tượng đó khiến Nguyễn Tất Thành rất đau xót và liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ trong nước. Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của bọn thực dân. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường Nguyễn Tất Thành đi qua, tạo nên mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.

Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Uruguay và Argentina (Nam Mỹ), dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Nguyễn Tất Thành vừa đi làm thuê để kiếm sống, vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ, tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, với bản "Tuyên ngôn độc lập" nổi tiếng trong lịch sử. Người đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Mỹ. Đằng sau khẩu hiệu "cộng hòa dân chủ" của giai cấp tư sản Hoa Kỳ, là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Nguyễn Tất Thành cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này Người đã viết lại trong bài báo "Hành hình kiểu Linsơ".

Khoảng đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Le Havre, sau đó sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, Nguyễn Tất Thành nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng sau mỗi ngày anh đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh.


 su lua chon lich su
Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khách sạn tại Anh.
Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp.

Tại Anh, Nguyễn Tất Thành đã hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ireland.

Giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra ác liệt, vào khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Hơn 6 năm ở Paris (1917-1923), Nguyễn Tất Thành đã làm mọi nghề: Thợ ảnh, vẽ tranh, bán báo..., miễn là nghề lương thiện để sống. Khắp các nơi: Thư viện, bảo tàng, công viên, bến xe điện ngầm, nhiều ngõ ngách đường phố in dấu chân anh-những bước chân không mỏi đưa anh đi quan sát, học tập, phản biện, tiếp thu và lên kế hoạch hành động cho dân tộc mình.

Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào đảng, Nguyễn Tất Thành trả lời: "Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái".

Năm 1918, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Versailles, Pháp. Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi tới hội nghị bản "Yêu sách của nhân dân An Nam". Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Bản yêu sách gồm 8 điểm, trong đó có 2 điểm nổi bật: "Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương" và "Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật"(2).

Bản yêu sách phản ảnh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được hội nghị xem xét, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Qua việc bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết: "Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn"(3) và "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình" (4).

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1919, V.I.Lênin và những người theo Chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của V.I.Lênin họp đại hội ở Moscow, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đã kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Báo Nhân đạo (L'Humanité) ngày 16 và 17-7-1920 đã đăng "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I.Lênin.

Luận cương của V.I.Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: "Trong Luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba"(5).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp từ ngày 25 đến 30-12-1920, tại thành phố Tours (Pháp) đã tranh luận gay gắt về việc gia nhập Quốc tế III hay ở lại Quốc tế II, thành lập Đảng Cộng sản, hay giữ nguyên Đảng Xã hội. Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội với tư cách đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương.

Tại đại hội lịch sử này, cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III-Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đánh dấu bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Lênin. 40 năm sau nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(6).

Như vậy, từ năm 1911 đến 1920, là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của bọn thực dân, phong kiến. Người đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ. Trải qua những tháng năm lao động kiếm sống, thâm nhập đời sống thực tế của những người lao động nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ cảnh bất công, tàn bạo của xã hội tư bản. Nguyễn Ái Quốc nhận rõ giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Sau này, Nguyễn Ái Quốc khái quát thành một chân lý: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản".(7)     

Cũng từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"(8).

Đến mùa xuân 1941, trải qua 28 nước, Nguyễn Ái Quốc mới về đến Việt Nam. Người còn có những năm tháng hoạt động sôi nổi ở Liên Xô - trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế; còn về Thái Lan, Trung Quốc - trực tiếp tuyên truyền và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930-song kết quả hoạt động 10 năm (1911-1920) có giá trị mở đầu quyết định: Người đã gặp được Chủ nghĩa Mác-Lênin và bản thân Người trở thành người cộng sản. Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành chân lý trong hành trình cứu nước của Người.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

------------------

(1), (4) Trần Dân Tiên, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.23, 29, 33

(2), (3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.469-470, 441, 287

(5) (6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, tr.30, 562, 740

Bài viết khác: