1. Nghị định số 23/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021.
Theo đó, điều kiện thành lập, tổ chức lại và giải thểcủa Trung tâm dịch vụ việc làm như sau:
- Điều kiện thành lập:
+ Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.
+ Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).
+ Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành.
Ảnh minh họa: Internet
+ Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.
+ Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
- Điều kiện tổ chức lại và giải thể: Điều kiện tổ chức lại, giải thể trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập mới, tổ chức lại phải thực hiện phương án về trụ sở làm việc, trang thiết bị và nhân sự trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập. Trường hợp cần thiết thành lập mới trung tâm dịch vụ việc làm thì trung tâm dịch vụ việc làm phải tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Các hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp:
- Hoạt động tư vấn, gồm:
+ Tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng.
+ Tư vấn việc làm cho người lao động để lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước.
+ Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển, sử dụng và quản lý lao động; về quản trị và phát triển việc làm, phát triển nguồn nhân lực.
+ Tư vấn về chính sách lao động, việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.
- Giới thiệu việc làm cho người lao động.
- Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, gồm:
+ Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.
+ Cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
+ Giới thiệu lao động cho doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động.
- Phân tích và dự báo thị trường lao động.
- Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
2. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021.
Nghị định này quy định một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như sau:
Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Thấp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định.
+ Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội.
+ Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
+ Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định.
+ Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội.
+ Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích.
+ Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác.
+ Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi.
+ Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
+ Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo.
+ Tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa.
+ Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
+ Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm d khoản 7 Điều 14.
+ Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14.
Vi phạm quy định về hoạt động triển lãm:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức triển lãm.
+ Không thông báo lại trong trường hợp thay đổi nội dung ghi trong văn bản đã thông báo theo quy định.
+ Kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức triển lãm.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép tổ chức triển lãm.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tổ chức triển lãm tại Việt Nam không đúng nội dung ghi trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 19.
+ Đưa tác phẩm, hiện vật, tài liệu ra nước ngoài triển lãm không đúng, nội dung ghi trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 19.
+ Không làm thủ tục xin cấp lại giấy phép triển lãm tại Việt Nam theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đưa tác phẩm, hiện vật, tài liệu ra nước ngoài triển lãm mà không có giấy phép theo quy định.
+ Triển lãm tác phẩm, hiện vật, tài liệu có nội dung vi phạm quy định về nếp sống văn minh, tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái.
+ Triển lãm tác phẩm, hiện vật, tài liệu có nội dung tiết lộ bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi triển lãm tác phẩm, hiện vật, tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 19.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thu hồi giấy phép tổ chức triển lãm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 trong trường hợp đã được cấp.
+ Buộc loại bỏ nội dung vi phạm ra khỏi triển lãm đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 19.
+ Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 19.
+ Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 5 và khoản 6 Điều 19.
- Hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này không áp dụng đối với triển lãm quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/2/2019 của Chính phủ quy định hoạt động triển lãm.
Vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thông báo theo quy định về tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
+ Không báo cáo theo quy định về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
+ Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định.
+ Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây.
+ Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 38.
3. Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021.
Theo Nghị định này, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm được quy định như sau:
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin sau:
+ Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.
+ Thông tin liên hệ của công dân.
+ Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình.
+ Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội: Mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mã số thuế.
+ Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.
+ Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
+ Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh (hoặc ngành, nghề kinh doanh chính)/lĩnh vực hoạt động; số điện thoại, thư điện tử; loại hình doanh nghiệp/loại hình tổ chức; phương thức đóng.
+ Nhóm thông tin cơ bản về y tế.
+ Nhóm thông tin về an sinh xã hội.
- Thông tin được quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 6 là dữ liệu gốc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Đối tượng khai thác, sử dụng dữ liệu:
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, việc làm và an sinh xã hội.
- Bộ Y tế khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế.
- Văn phòng Chính phủ khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác, sử dụng dữ liệu để kết hợp với các nguồn dữ liệu khác tạo ra các thông tin gia tăng phục vụ mục đích tham mưu, hỗ trợ ban hành chính sách trong Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
- Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
- Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế theo phạm vi, quyền hạn của mình giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
4. Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021.
Theo Thông tư, điều kiện công nhận văn bằng:
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
+ Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo.
+ Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
- Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4.
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 và một trong hai điều kiện sau:
+ Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam.
+ Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.
- Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Thẩm quyền công nhận văn bằng:
- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thanh Huyền (tổng hợp)