Ngày nay, đất nước đã im tiếng súng song chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục được phát huy. Độc lập, tự do hiện nay là phải làm sao để đất nước vừa mở rộng hợp tác quốc tế nhưng vừa giữ vững được quyền tự chủ về kinh tế, về chính trị, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và tự do, dân chủ, hạnh phúc cho mỗi người dân.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”! Đó là mục tiêu, là lẽ sống của dân tộc ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ chính thực tiễn Việt Nam. Điều đó đã trở thành chân lý. Năm 1966, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” Lời của Bác đã trở thành quyết tâm sắt đá của mỗi người dân đất Việt.
Trải qua những năm dài chìm trong đêm trường nô lệ, người dân nào cũng thấu hiểu nỗi nhục mất nước. Nước mất độc lập thì dân đâu còn có tự do? Đất nước bị mất tên trên bản đồ thế giới, mọi quyền hành rơi vào tay kẻ cai trị bạo tàn, nhân dân sống đời nô lệ, tăm tối, bị áp bức, bóc lột đến tận xương tuỷ, đói khổ lầm than! Từ thực tế ấy không chỉ riêng Bác Hồ mà là cả dân tộc Việt Nam đều nhận thấy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một chân lý vĩnh hằng. Độc lập, tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải là độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu, độc lập nửa vời. Độc lập đó phải gắn với quyền tự quyết dân tộc, gắn liền với thống nhất đất nước, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi sự chia cắt. Độc lập đó cũng phải gắn với tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, gắn với chủ nghĩa xã hội. Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân là tiền đề để đi đến CNXH; còn CNXH sẽ là cơ sở, là điều kiện để giữ vững sự độc lập, tự do ấy. Nếu nước được độc lập mà dân không được ăn no mặc ấm, không được hạnh phúc thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý, mục tiêu, lý tưởng của cả dân tộc Việt Nam và chính Hồ Chí Minh - người khái quát nên chân lý ấy, hơn ai hết đã hy sinh cả cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp này. Suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường giải phóng cho dân tộc, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân, biết bao hiểm nguy, gian khó, Người vẫn luôn khẳng định mà không hề nao núng rằng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Người luôn tâm niệm một điều duy nhất là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Rồi đến khi về nước, lúc thì phải ẩn mình nơi hang đá, lúc phải đối mặt với những nguy cơ thách thức khốc liệt, Người luôn luôn chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân mà quên chính bản thân mình.
Khi Tổ quốc chưa được giải phóng hoàn toàn, Bác không lo cho hạnh phúc của riêng mình. Cả đến giấc ngủ cũng trằn trọc không yên vì “thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, trải lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn, trời thì mưa lâm thâm, làm sao cho khỏi ướt”. Lòng Bác cứ nặng trĩu vì nhân dân, vì Tổ quốc mà quên nghĩ đến bản thân. Cuộc đời của Người là một tấm gương hy sinh quên mình vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ngay cả lúc ốm thập tử nhất sinh Người vẫn dặn dò: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”! Một tấm gương, một con người mà cả thế giới nghiêng mình cảm phục!
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, câu nói tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa thật bao trùm, trong mọi trường hợp đều có thể tóm được “mẫu số chung” trong câu nói nổi tiếng ấy. Với một cá nhân, một đơn vị, một ngành, một địa phương hay trong phạm vi một quốc gia nào cũng đều đúng cả. Trong cuộc sống, trong công tác và nhất là trong các mối quan hệ, một khi ai đó phải lệ thuộc vào người khác về tình cảm, về vật chất hay về ơn huệ, nói chung ít nhiều đều tự mình làm mất đi một phần độc lập, tự do của mình. Một người nhận hối lộ, tất không thể độc lập, tự do giải quyết vấn đề một cách vô tư...
Với câu nói của Bác, độc lập, tự do mang ý nghĩa thật lớn lao và đó là sinh mệnh của cả đất nước, dân tộc. Để có được độc lập, tự do, điều tất yếu là phải hiến dâng xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do; phải chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ nền độc lập, tự do ấy. Trên bước đường tranh đấu với lý tưởng độc lập, tự do, thời gian và công việc là liều thuốc thử để nhận rõ phẩm chất, ý chí và lòng trung thành của mỗi người dân cũng như với cả dân tộc. Lịch sử từng hơn một lần chứng minh rằng, cái giá mà dân tộc ta phải trả để giành được độc lập, tự do là không hề nhỏ. Chính vì thế mà chúng ta càng phải nâng niu, quý trọng và đồng tâm dốc sức vì nền độc lập, tự do vẹn toàn và mãi mãi của đất nước; triệu người như một, quyết không khuất phục trước bất kỳ một thế lực phản động nào. Trong suốt cuộc đời cao đẹp của mình, dù ở hoàn cảnh nào Bác Hồ cũng nêu cao tinh thần độc lập, tự do. Chính lý tưởng đó tạo nên nghị lực phi thường, niềm tin sắt đá của Bác trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước. Sau này, với cương vị Chủ tịch nước, một lần nữa Bác tiếp tục khẳng định giá trị của độc lập, tự do bằng câu nói bất hủ: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do...
Ngày nay, đất nước đã im tiếng súng song chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục được phát huy. Độc lập, tự do hiện nay là phải làm sao để đất nước vừa mở rộng hợp tác quốc tế nhưng vừa giữ vững được quyền tự chủ về kinh tế, về chính trị, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và tự do, dân chủ, hạnh phúc cho mỗi người dân. Để phát huy tinh thần này chúng ta cần phải ra sức hành động, xây dựng đất nước giàu mạnh. Phải đẩy mạnh CNH, HĐH để đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, tiến kịp với các nước trên thế giới. Phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, đồng thời phải thường xuyên chăm lo củng cố quốc phòng an ninh, sẵn sàng đánh bại mọi hoạt động, âm mưu bạo loạn, lật đổ, xâm lược; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ công cuộc lao động hoà bình của nhân dân ta. Cần phải phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người để nhân dân có thể tự ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)