Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.
Hình ảnh Bác Hồ luôn gần gũi, ấm áp.
Từ câu chuyện làm báo của Bác
Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí.
Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, tuy vốn ngôn ngữ tiếng Pháp chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự học tiếng Pháp và học làm báo. Những ngày đầu, Người được Jean Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo “Sinh hoạt công nhân” chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí. Những bài viết của Người sau đó đã được đăng. Lúc đầu Người viết những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ. Tích lũy dần Người viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung. Những bài viết của Người đăng trên báo cánh tả ở Pháp là các báo ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, ban ngày Người đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo.
Một số tờ báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cùng khổ, Thân ái, Thanh niên. Ảnh tư liệu.
Năm 1921, Bác Hồ (với tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và năm 1922 lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội. Le Paria với số đầu xuất bản ngày 1/4/1922 đã thể hiện tinh thần đoàn kết và giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc trở thành nòng cốt của tờ báo với 38 bài viết; vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên kiêm việc tổ chức, quản lý, phát hành.
Theo thống kê, Người có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh, trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo: Người Cùng Khổ (1922); Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Kách Mệnh (1927); Việt Nam Tiền Phong (1927); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc (1942). Riêng tờ Người Cùng Khổ, Người vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, họa sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo... |
Vào ngày 16/4/1959, tại Đại hội II của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Người viết báo là để “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Người cũng từng nói rằng, riêng về chuyện viết, Người thực sự sung sướng có 3 lần. Lần thứ nhất là bài báo đầu tiên của Người được đăng (chỉ dài có 3 dòng - bài này đến nay vẫn chưa tìm được). Lần thứ hai là khi truyện ngắn đầu tiên của Người được đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo). Lần thứ ba là sau khi Người viết xong Tuyên ngôn Độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo đầu tiên bằng tiếng Pháp, tiếp tục bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, rồi sau đó mới viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Người đã có khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại. Những tác phẩm của Người luôn được thể hiện rất mực gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.
Lời Bác dạy
Đối với cán bộ làm báo, Bác đã nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Với Bác: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên đối với bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng là phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Bác căn dặn người làm báo rằng: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái tự cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.
Lời dạy của Bác.
Người từng chỉ rõ: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Vì thế khi viết, người làm báo cần phải nắm rõ mình viết cho ai, với mục đích gì. Như Người từng chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Viết là phải chân thực vì chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? Vì vậy, mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác.
Những người làm báo hôm nay
Khắc ghi những lời dạy của Bác, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang tích cực trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ, phong cách làm báo theo gương nhà báo Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, định hướng tư tưởng của toàn xã hội.
Đặc biệt, với năng lực của mình, các nhà báo, phóng viên chính là nhân tố nâng cao chất lượng công tác báo chí. Bởi trong điều kiện hiện nay, yêu cầu của công tác báo chí là cần tiếp tục phải giữ vững vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước, mở đường”; chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí để báo chí thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của nhân dân.
Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo, 612 Tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh, thực hiện, định hướng phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, các tư tưởng, phương pháp báo chí của Người vẫn thể hiện sự mới mẻ, tiến bộ và phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại ở cả Việt Nam và trên thế giới; điều đó càng khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa đáng khâm phục, mà còn thực sự là một nhà báo vĩ đại.
Bác đã đi xa hơn 50 năm nhưng những lời dạy sâu sắc của Người vẫn luôn có tác dụng rất to lớn đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ lại những lời dạy của Bác, những người làm báo hôm này thêm trân trọng và tự hào về những gì Bác đã đặc biệt dành cho các nhà báo, phóng viên và cho nền báo chí nước nhà./.
Huyền Anh