Đầu tháng 9-1969, tôi là trợ lý kỹ thuật của Công trường 18B thi công tuyến ống vượt Trường Sơn theo trục Đường 18, trong nhóm tiền trạm của đơn vị cắm chốt ở phía nam đèo 700. Không ai có đài bán dẫn nên tối 5-9, những người đầu tiên của cơ quan vào báo tin, tôi mới biết Bác Hồ đã từ trần. Tôi bàng hoàng.

Trong nỗi tiếc thương đó, có cả sự lo lắng vì Bác ra đi giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang gặp vô vàn khó khăn. Cả nỗi lo, cả nỗi tiếc thương khiến tôi không sao ngủ được, không sao ngăn được nước mắt tuôn trào. Mờ sáng thì khu vực của tôi bị B-52 rải thảm. Sáng ra lại mấy trận liên tiếp. Một đại đội vác ống trong thung lũng suối Ra Vơ bị bom rải vào giữa đội hình, thiệt hại nặng nề. Toàn bộ đoạn tuyến dọc suối bị phá hủy. Chúng tôi rút đến địa điểm mới. Trên đường đi, chúng tôi gặp bộ đội cáng thương binh đi cùng chiều. Trên võng là Chính trị viên Tiểu đoàn 337 vác ống phục vụ thi công. Chắc đau đớn lắm nên nằm trên võng, anh nghiến răng, quằn quại. Đến gần trạm phẫu thuật, bỗng anh gắng sức nói to: “Tôi không thể qua khỏi đâu, xin chào các đồng chí. Bác mất rồi, nhưng còn Đảng, còn quân đội, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, đừng nản chí các đồng chí nhé!”. Anh tắt thở trong vòng tay đồng đội.

nhung ngay duoc bac day do 1
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Điện Biên (tháng 5-1954).
Trong ảnh: Tác giả ngày bé được đứng cạnh Bác.

Tối hôm ấy, lời của người chính trị viên tiểu đoàn cứ văng vẳng bên tai tôi. Từ khi trưởng thành, biết suy nghĩ, tôi tự hứa sẽ phấn đấu lập nhiều thành tích để được gặp Bác. Thế nhưng từ nay mong ước ấy sẽ không bao giờ thực hiện được. Và rồi những kỷ niệm về Bác thời ấu thơ lại hiện về mồn một...

Năm tôi 8 tuổi, cha về đón lên chiến khu. Cha tôi là Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, nên hai cha con sống trong cơ quan Trung ương Đảng ở Việt Bắc. Nhờ vậy, tôi có cơ hội được sống gần Bác Hồ. Thỉnh thoảng buổi chiều, bọn trẻ con chúng tôi kéo nhau lên nhà sàn chơi với Bác. Tôi nhớ một lần, Bác bế tôi vào lòng, chỉ cho tôi xem phong cảnh núi rừng Việt Bắc. Hình ảnh dòng suối, nương ngô và những đám sương chiều bảng lảng cứ ăn sâu mãi vào tâm trí của tôi, để sau này, nó luôn trở thành liên tưởng khi đọc câu thơ của Tố Hữu: “Suối dài xanh mướt nương ngô…”.

Trại trẻ của chúng tôi nằm giữa đoạn đường từ nhà Bác ở đến cơ quan làm việc, nên ngày nào Bác cũng đi qua, thỉnh thoảng Bác ghé thăm. Một lần Bác đến, thấy cu Tộ bị phạt úp mặt vào vách. Trông thấy Bác, nó thôi ngó ngoáy, làm ra bộ khắc khổ trông đến thương hại. Bác hỏi: “Cháu Tộ có lỗi gì mà bị phạt vậy cô?”. “Thưa Bác, cháu đánh bạn ạ!”. “Bây giờ Bác xin cô, nếu cháu xin lỗi bạn thì cô có tha thứ cho Tộ không?”. “Thưa Bác, có ạ!”. Bác vẫy Tộ và bạn kia lại: “Tộ ạ, Bác đã xin cô Bắc rồi, nếu cháu xin lỗi bạn thì cô Bắc sẽ không phạt nữa”. Tộ ngoan ngoãn xin lỗi bạn, thế là nó thoát bị phạt. Câu chuyện ấy cứ đọng vào tâm trí của tôi hình ảnh một vị Chủ tịch nước, một người ông nhân từ, yêu quý các cháu, nhưng vẫn giữ nguyên tắc tôn trọng những người bình thường nhất, như cô Bắc bảo mẫu của chúng tôi.

Tôi nhớ mãi một ngày tháng 5-1954. Hôm ấy, bọn trẻ chúng tôi được diện quần áo đẹp để lên mừng sinh nhật Bác. Lên đến nơi, Bác đã chuẩn bị đầy đủ để tiếp các cháu nhỏ. Bác cầm một chiếc ly thủy tinh bé xíu, rót “mời” mỗi “khách” một ly. Đó là lần đầu tiên tôi được uống một thứ nước như vậy. Nó có màu xanh, có bọt, vị ngòn ngọt, cay cay. Sau đó, Bác đứng trên cao, nói chúng tôi chạy lên với Bác để bác Karmen quay phim. Tôi lạ lẫm nhìn chiếc máy quay phim đang kêu xè xè. Có lẽ vì vội và vì cái chân bé con quá ngắn so với các bậc thềm nên khi chạy, tôi bị vấp ngã. Bác cười hiền hậu, động viên: “Không sao đâu cháu, cố lên nào!”. Sau đó, Bác dắt chúng tôi xuống sân để múa hát mừng sinh nhật Bác. Một tay Bác dắt tôi, còn tay kia Bác bế bạn Hạ Chí Nhân (con gái bác Hoàng Quốc Việt). Chúng tôi múa hát cùng Bác, rồi Bác cho xem một cuốn họa báo đầy màu sắc. Khi bọn trẻ đã về, tôi cứ tha thẩn trên sân. Bỗng tôi thấy một đoàn có 6 chú bộ đội trông rất oai đi cùng bác Võ Nguyên Giáp và một số bác cán bộ quân đội lên gặp Bác Hồ. Trong các chú, tôi chỉ nhớ tên chú Vinh, vì chú ấy trẻ lắm, tôi nghĩ chú ấy chỉ là bậc anh của mình. Các cô chú trong cơ quan nói mấy chú bộ đội rất trẻ mà đánh giặc giỏi lắm, được về báo công và chúc mừng sinh nhật Bác.

Khi bác Võ Nguyên Giáp đưa các chú bộ đội đến, Bác Hồ ôm hôn từng chú. Bác kê ghế ngồi giữa sân, mọi người đứng quây quanh. Còn tôi - chú bé con thì lấp ló ở một gốc cây gần đó. Có lẽ được gần Bác nhiều nên “thằng bé” trở nên quá “vô tư”. Tôi lách qua mấy chú, nhảy lên ngồi vào lòng Bác. Bác bảo: “Cháu ra ngoài chơi, Bác đang làm việc!”. Chưa bao giờ tôi thấy nét mặt Bác nghiêm khắc đến thế. Tôi ỉu xìu theo một chú đi ra ngoài. Lát sau, các chú bộ đội xếp hàng để Bác trao huy hiệu. Ngày nay, mỗi khi có lễ, cơ quan điều lệnh hướng dẫn rất tỉ mỉ từng động tác cho mỗi người. Nhưng hồi đó, chắc các chú ấy từ quê vào bộ đội, rồi ra trận luôn nên còn ngỡ ngàng về điều lệnh. Tôi nhớ sau khi gắn huy hiệu cho chú thứ nhất, chú ấy cứ đứng im, Bác ân cần nhắc: “Bác gắn huy hiệu cho các cháu, các cháu phải chào nhé. Thế mới là quân sự”.

Sau Lễ trao Huy hiệu, Bác Hồ cùng các bác lãnh đạo đứng nói chuyện với các chiến sĩ Điện Biên. Thấy tôi, Bác lách tay qua mấy chú kéo tôi vào: “Hậu, vào đây với Bác”. Tôi đứng nép vào Bác. Bác thân thiết ôm vai tôi như ôm thằng cháu nội, còn tôi thì cứ đứng vậy “hóng chuyện” người lớn. Trước khi ra về, các chú được chụp ảnh cùng Bác và các bác lãnh đạo. Lần này thì tôi thực sự biết lỗi lúc nãy nên lui ra ngoài. Bác nói: “Cháu đứng vào chụp với các bác”. Tôi ngại ngần nhìn bác Trường Chinh và bác Võ Nguyên Giáp. Thấy hai bác gật đầu, tôi mới dám đứng vào.

Ngày trở về Thủ đô, tôi được đi cùng cha trong đoàn xe có Bác. Khi nghe các chú nói sắp được ra đường nhựa, tôi thích lắm. Tôi nghĩ con đường được làm bằng nhựa sẽ bóng nhoáng giống như chiếc ô tô đồ chơi mà bác Phạm Văn Đồng làm quà cho bọn trẻ chúng tôi. Hóa ra không phải. Đường nhựa có màu đen, xe chạy êm như ru. Đoàn dừng lại dọc đường ăn cơm nắm. Bác cũng ăn cùng các cô chú trong cơ quan. Về đến Hà Nội, cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng đóng tạm ở Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

nhung ngay duoc bac day do 2
Tác giả (bên trái Bác) luôn nhận được tình yêu thương của Người. Ảnh tư liệu.

Một buổi chiều, chú thư ký của Bác nói cha cho tôi lên ăn cơm với Bác. Đó là một bữa cơm tôi không bao giờ quên. Thức ăn và bát đũa được sắp sẵn trong một chiếc mâm đồng. Ngồi quanh mâm là Bác Hồ, chú thư ký, tôi và một bạn nữa. Bác so đũa, xới cơm cho chúng tôi và nói: “Các cháu thích gì thì tự gắp ăn. Ở nhà cũng đừng bắt bố mẹ gắp cho nhé”. Đó thật là một bữa cơm giản dị, tôi nhớ có bát canh, một đĩa cá kho và một bát cà muối. Sau này, mỗi lần nhớ đến bữa cơm đạm bạc ấy của vị Chủ tịch nước, nước mắt tôi lại trào ra.

Sau bữa cơm ấy, tôi còn vài lần được gặp Bác khi Người vào trại trẻ cơ quan hoặc thăm các cháu nhân dịp Tết Trung thu hoặc ngày 1-6. Qua thời niên thiếu, tôi thầm hứa với Bác: “Cháu sẽ phấn đấu trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua để được gặp Bác”.

... Đêm ác liệt ấy, những kỷ niệm thời niên thiếu được ở gần Bác khiến tôi bình tâm lại. Nằm trên võng, nhìn bầu trời thấp thoáng qua tán lá, tôi nghẹn ngào thầm nghĩ: Có lẽ trên đất nước Việt Nam, ít có bạn nhỏ nào vinh dự như mình, được trực tiếp cảm nhận tình cảm của Bác Hồ như tình cảm của một người ông. Tôi tự nhủ lòng mình, không còn cơ hội được gặp Bác nữa nhưng phải tiếp tục phấn đấu để xứng đáng với những ngày được Bác dạy dỗ, thương yêu.

Sau cái đêm đáng nhớ ấy là những ngày chúng tôi đấu trí với không lực Hoa Kỳ. Nơi chúng tôi thi công là khu vực gần Vĩ tuyến 17 nên không chỉ gánh chịu bom đạn mà cả sự theo dõi, bám sát của các toán thám báo, biệt kích địch. Ba tháng trời ròng rã, cứ mở tuyến là B-52 càn qua. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống. Khu vực vượt cửa khẩu Đường 18 như một “cửa tử” của bộ đội đường ống Trường Sơn. Cuối cùng, với nỗ lực, quyết tâm và bằng mọi biện pháp tổng hợp, giải pháp kỹ thuật táo bạo khiến quân Mỹ bất ngờ, chúng tôi đã thắng. Ngày 22-12-1969, xăng dầu qua đường ống vượt cửa khẩu vào đến bản Cọ, cách biên giới Việt-Lào ngót 50km, trong nỗi mừng vui khôn tả của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng cán bộ, chiến sĩ.

Về sau tôi mới biết, hồi thơ bé đó của tôi, đoàn làm phim Liên Xô do đạo diễn Roman Karmen dẫn đầu sang làm phim về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam. Ông là tác giả các bộ phim nổi tiếng như: “Việt Nam trên đường thắng lợi”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”… Tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với các chiến sĩ Điện Biên trở thành một tư liệu quý. Có lẽ chỉ có hoàn cảnh ở chiến khu, lại có sự yêu thương của Bác, một chú bé con như tôi mới có được vinh dự lọt vào tấm ảnh ấy. Không chỉ tấm ảnh ấy, mà toàn bộ câu chuyện của ngày 19-5-1954 đều được ghi trên những thước phim của Roman Karmen và những tấm ảnh mà đoàn phim đã chụp. Thỉnh thoảng lại có người tìm thấy những tấm khác nhau và chia sẻ cho tôi.

“Đêm ác liệt ấy, những kỷ niệm thời niên thiếu được ở bên Bác khiến tôi bình tâm lại. Nằm trên võng, nhìn bầu trời thấp thoáng qua tán lá, tôi nghẹn ngào thầm nghĩ: Có lẽ trên đất nước Việt Nam, ít có bạn nhỏ nào vinh dự như mình, được trực tiếp cảm nhận tình cảm của Bác Hồ như tình cảm của một người ông...”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu


Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)

     (*) Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tác giả là kỹ sư thiết kế thi công đường ống xăng dầu Trường Sơn.  

Bài viết khác: