Cách đây 62 năm, vào ngày 24/6/1959, Bác Hồ đã ra tận sân bay Gia Lâm đón ngài Sukarno - Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia sang thăm chính thức Việt Nam. Vừa xuống máy bay, Tổng thống Sukarno reo lên: “Xin chào người anh cả của tôi” và dang tay ôm chặt Bác Hồ.

Trước đó, ngày 26/2/1959, Bác Hồ và đoàn Đại biểu Chính phủ ta sang thăm Indonesia được Tổng thống Sukarno đón tiếp rất nồng hậu. Chuyến đi kết thúc vào ngày 11/3/1959. Indonesia là một quốc gia Đông Nam Á có hoàn cảnh lịch sử giống nước ta. Là một thuộc địa của Hà Lan, tháng 8/1945, Indonesia giành được độc lập từ tay phát xít Nhật thành lập nhà nước Cộng hòa do ông Sukarno đứng đầu. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và miền Bắc hoàn toàn giải phóng, một trong những quốc gia mà Bác đi thăm sớm nhất là Ấn Độ và Indonesia.

bac ho va indo 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno có mối quan hệ thắm thiết,
quý mến (Ảnh tư liệu).

Mối thân tình của Bác và Tổng thống Sukarno

Ngày 24/6/1959, khi đón Đoàn tại sân bay Gia Lâm, Bác Hồ đã nói trong Lời chào mừng Tổng thống Sukarno như sau:

"Thưa Tổng thống kính mến,

Thưa các vị và các bạn,

Hôm nay, nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vô cùng sung sướng được tiếp đón Tổng thống Sukarno, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Indonesia anh em, người bầu bạn kính mến của nhân dân Việt Nam.

Về phần tôi, tôi hết sức vui mừng được gặp lại Bung Cácnô, người bạn chí tình, người anh em kết nghĩa.

Được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Indonesia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành lại độc lập tự do. Hai dân tộc ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau.

Chúng tôi mong rằng trong những ngày lưu lại ở đây, Tổng thống sẽ vui vẻ coi ở Việt Nam cũng như ở quê hương mình, như ở nhà mình vậy. Trong thời gian đó, cũng như anh em, chị em Indonesia, nhân dân Việt Nam sẵn sàng dâng cả tấm lòng kính mến cho Bung Cácnô…" (Báo Nhân Dân, số 1927, ngày 25/6/1959).

Kết thúc bài phát biểu chào mừng, Bác đã ứng khẩu đọc hai câu thơ:

"Nước xa mà lòng không xa

Thật là bầu bạn, thật là anh em".

Ngày 27/6/1959, tại Phủ Chủ tịch đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng Tổng thống Sukarno Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu chân thành, đầm ấm:

"Hôm nay, tôi rất lấy làm vinh hạnh được thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng bác sĩ Sukarno, Tổng thống nước Cộng hoà Indonesia, Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Ở nước Việt Nam chúng tôi, Huân chương này là để ghi công trạng những người đã có cống hiến to lớn vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân hung tàn, giành lại độc lập dân tộc.

Tổng thống là vị lãnh tụ đầu tiên của một nước bạn sẽ mang Huân chương cao quý này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…" (Báo Nhân Dân, số 1930, ngày 28/6/1959).

Sau 5 ngày ở thăm Việt Nam, ngày 29/6/1959, trong buổi tiễn Tổng thống đầy tình cảm lưu luyến dạt dào, tại sân bay Gia Lâm, Tổng thống Sukarno hô to: "Việt Nam muôn năm".  

Trước khi tạm biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh lẩy mấy câu Kiều tặng ngài Tổng thống như một lời dặn dò theo phong tục Việt Nam, khi chia tay chúc nhau "thuận buồm xuôi gió", "chân cứng đá mềm":

"Nhớ nhung trong lúc chia tay

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người

Người về Tổ quốc xa khơi

Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an…"

(Báo Nhân Dân, số 1932, ngày 30/6/1959).

Khi Bác Hồ sang thăm Indonesia, Bác cùng đoàn đại biểu luôn nhận được sự tiếp đón thân tình của nhân dân Indonessia. Và đáp lại tình cảm ấy, nhân dân Việt Nam - khắp thành thị và thôn quê, từ các đơn vị bộ đội đến các trường học, các nhà máy, các cơ quan và đoàn thể - đều sôi nổi hoan nghênh Tổng thống Sukarno, đều tỏ tình kính mến sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Indonesia anh em, người bạn chí thiết của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ anh dũng chống thực dân đế quốc.

Tình cảm của Bác Hồ và Tổng thống Sukarno cùng nhân dân Việt Nam và nhân dân Indonesia dành tặng cho nhau thật sâu nặng và đặc biệt hiếm thấy.

Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước

Có thể nói, tình hữu nghị thân thiết giữa hai vị lãnh tụ và sự gần gũi về lịch sử, văn hóa và tư tưởng tự cường dân tộc đã đưa hai nước gắn bó với nhau. Quan hệ đặc biệt này đã được đánh dấu bằng các chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia (tháng 3/1959) và Tổng thống Sukarno tới Việt Nam ngay sau đó (tháng 6/1959).


bac ho va indo 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. (Ảnh tư liệu).

Trước đó, ngay sau năm 1945, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến hợp tác Liên Á và hợp tác Á - Phi của Indonesia, Ấn Độ để tập hợp lực lượng cùng đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân cũ.

Tháng 4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị Bandung ở Indonesia, nhân dịp đó hai bên đã trao đổi và nhanh chóng đi đến quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955. Indonesia trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tính đến nay, hai nước đã có gần 66 năm quan hệ ngoại giao.

Tuy thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, nhưng Việt Nam và Indonesia luôn là những người bạn thủy chung. Tính đến nay, quan hệ Việt Nam - Indonesia đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Hai nước đã và đang tiếp nối truyền thống quý báu, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác. Indonesia là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Hợp tác chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa xã hội, giao lưu nhân dân có nhiều bước tiến lớn. Hai nước tích cực phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các thể chế, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và hai nước cùng đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Thời gian qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước có bước phát triển nhảy vọt, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 9,1 tỷ USD năm 2019. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại song phương Việt Nam - Indonesia luôn đạt mưc 12%/ năm. Indonesia là một trong những nước đầu tiên trong khối ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Indonesia hiện đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 28/130 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu từ vào Việt Nam, với 74 dự án trị giá 556 triệu USD.

(Số liệu tính đến tháng 8 năm 2020)

          Phát huy truyền thống, nhìn về tương lai có thể thấy tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia và những cơ hội mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, vượt qua sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam và Indonesia tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao, hướng đến mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nội dung hợp tác hiệu quả như đúng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thông Sukarno./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: