1. Chính phủ: Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 19/6/2021 về mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) với các điều kiện sau đây:

- Chấp nhận mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ (bao gồm cả số lượng vắc xin mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vắc xin của công ty VNVC).

- Chấp nhận giá mua vắc xin theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với Công ty, trong đó:

+ Giá mua vắc xin là giá tạm tính, trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng;

+ Thanh toán chi phí vận chuyển vắc xin về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và công ty VNVC.

+ Thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.

- Chấp nhận các nội dung sau:

+ Điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin cho AstraZeneca và Công ty VNVC.

+ Công ty VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ.

2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu “Mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam”

Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu “Mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) với các điều kiện của nhà thầu như sau:

- Chấp nhận mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 của Công ty VNVC đã ký Hợp đồng mua của AZ (bao gồm cả số lượng vắc xin mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vắc xin của Công ty VNVC).

- Chấp nhận giá mua vắc xin theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với Công ty VNVC, trong đó:

+ Giá mua vắc xin là giá tạm tính; trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty VNVC phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho Công ty VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng.

+ Thanh toán chi phí vận chuyển vắc xin về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho Công ty VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và Công ty VNVC.

+ Thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.

- Chấp nhận các nội dung sau:

+ Điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin cho AZ và Công ty VNVC.

+ Công ty VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ trong năm 2021, nếu vắc xin giao trong năm 2022 thì Bộ Y tế có quyền từ chối không mua số vắc xin về trong năm 2022.

3. Bộ Y tế: Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Theo Hướng dẫn, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng gồm:

- Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.

- Không thuộc các đối tượng được quy định tại Mục 2, 3 và 4 của Phần II này.

Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng:

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù,...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Chống chỉ định:

- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

4. Bộ Y tế: Quyết định số 2971/QĐ-BYT ngày 17/6/2021 về việc phân bổ vắc-xin phòng COVID-19 đợt 5

Theo đó, phân bổ vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca đợt 5 cho các đơn vị, địa phương như sau: Phân bổ 786.000 liều cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh; phân bổ cho các đơn vị, địa phương theo Phụ lục 1 đính kèm; phân bổ cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo Phụ lục 2 đính kèm.

- Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển ngay vắc xin tới Dự án TCMR khu vực để phân bổ ngay cho các địa phương, đơn vị theo danh sách tại Điều 1. Riêng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo Khoản 3 Điều 1, Dự án TCMR cấp phát vắc xin cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật nơi có đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn để tiếp nhận vắc xin.

- Các đơn vị được phân bổ tại Khoản 2 Điều 1 tổ chức tiếp nhận số vắc xin được phân bổ từ Dự án TCMR quốc gia để tổ chức tiêm cho các đơn vị, cơ quan theo Công văn số 3823/BYT-DP ngày 07/5/2021 và Công văn số 4260/BYT-DP ngày 25/5/2021 của Bộ Y tế (bao gồm cả các đơn vị trong, ngoài ngành y tế, công lập và tư nhân, các đơn vị đã tham gia hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua) và tiêm cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình (đối với các đơn vị không tự tổ chức tiêm được thì chủ động liên hệ với cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm cho cán bộ, nhân viên đơn vị mình).

Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết hoặc cần bổ sung thêm vắc xin thì phối hợp với Dự án TCMR Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để chủ động điều phối cùng với số vắc xin được phân bổ cho 02 Viện để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

- Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ trên địa bàn (bao gồm cả các Cơ quan trung ương, Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, Tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao,...) và triển khai tiêm cho các đối tượng nguy cơ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Y tế, Bộ Công an để hỗ trợ và tổ chức tiêm vắc xin cho lực lượng công an trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Các Sở Y tế có các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn (theo phụ lục 2) chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ cho các đơn vị nêu tại Khoản 3 Điều 1 theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tự tổ chức tiêm chủng được thì chủ động liên hệ, phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn để tiếp nhận vắc xin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và tổ chức tiêm chủng cho đơn vị mình. Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vắc xin thì Sở Y tế điều phối số vắc xin để tiêm cho các đối tượng ưu tiên khác trên địa bàn theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

- Bộ Quốc phòng chủ động liên hệ với Dự án TCMR khu vực miền Nam, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để tiếp nhận và tiêm vắc xin cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Công an chủ động liên hệ và phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh để tổ chức tiêm chủng cho lực lượng công an trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết hoặc cần bổ sung thêm vắc xin thì phối hợp với Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh để điều phối tiêm cho đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ trên địa bàn, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.

- Các đơn vị, địa phương tổ chức tiêm ngay vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn, hoàn thành chiến dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn.

- Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, TCMR khu vực, các đơn vị, địa phương tiếp nhận, sử dụng vắc xin chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, báo cáo theo từng nguồn vắc xin được phân bổ (bao gồm các vắc xin đã điều phối giữa các đơn vị, địa phương); thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý.

5. Bộ Y tế: Công văn số 4719/BYT-TT-KT ngày 14/6/2021 về việc tăng cường truyền thông cảnh báo về lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Công văn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, nhằm thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và dư luận về công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các đơn vị) tăng cường truyền thông đến người dân để cảnh báo việc lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:

Nội dung truyền thông: “CẢNH BÁO LỪA ĐẢO TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19”

Hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng... Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo: Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

- Các loại vắc xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vắc xin phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vắc xin nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định. Tất cả các vắc xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

- Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

- Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động.

- Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

- Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng.

6. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công văn số 1942/UBND-KGVX ngày 21/6/2021 về việc tiếp tục duy trì, thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới

Cụ thể, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; kết luận tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy ngày 21/6/2021, để kiên trì thực hiện mục tiêu “kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo an toàn cho Nhân dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và người dân về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao.

- Các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết khoanh vùng xử lý kịp thời khi phát sinh các ca bệnh hoặc các trường hợp liên quan. Thường xuyên nắm bắt, cập nhật danh sách thông tin của người lao động tại địa phương gắn với thông tin di biến động trong khu vực; kiểm tra phương án phòng chống dịch, đánh giá nguy cơ trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; đảm bảo mọi phương án sẵn sàng khi tình huống phát sinh.

- Sở Y tế chỉ đạo toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh trên bàn Thành phố, quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong khuôn viên; thường xuyên sàng lọc các nguy cơ tiềm ẩn; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố đang ghi nhận phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng. Tăng cường tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao để đánh giá nguy cơ, khả năng lây nhiễm, đề xuất phương án phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

- Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các chốt trực lưu động để kiểm tra lượng phương tiện ra vào các cửa ngõ của Thành phố, quản lý toàn bộ lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc mới như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng.

- Đề nghị Cụm Cảng hàng không Nội Bài kiểm soát toàn bộ danh sách hành khách thường trú, lưu trú trên địa bàn Thành phố trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, để kịp thời giám sát khi có tình huống phát sinh.

- Toàn bộ người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế online trong thời gian 24 giờ từ khi quay trở về Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở, Tổ COVID cộng đồng rà soát, nắm bắt, quản lý danh sách người từ các địa phương khác trở về Hà Nội, trong đó lưu ý người từ các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng để quản lý, giám sát chặt chẽ.

Khuyến cáo nhân dân Thủ đô chỉ di chuyển qua các địa phương nêu trên trong trường hợp thực sự cần thiết, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

- Căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, từ 0h00 ngày 22/6/2021, UBND Thành phố cho phép mở cửa trở lại: dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà đảm bảo: khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h00 hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về). Yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.

Giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: