Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là quan điểm nhất quán trong đường lối xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, được Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, với các chủ trương, giải pháp cụ thể. Quan điểm này cần được nghiên cứu, quán triệt, thực hiện hiệu quả.

Với sự phát triển tư duy về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, bộ, ngành trong những năm qua có những bước chuyển biến mới cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, thu được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của 28 khu kinh tế - quốc phòng; tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển, hải đảo; cùng với địa phương từng bước bố trí lại dân cư thành các cụm làng, xã, thôn, bản theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, “Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”1. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tiêu biểu là: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Tổng Công ty Tân cảng Sài gòn; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, v.v. Trên từng địa phương, từng ngành, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế đều gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trong thế trận chung của cả nước. Mặc dù vậy, việc “Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả”2. Vì thế, trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam và truyền thống của dân tộc; kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”3.

Như vậy, Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh, việc kết hợp này không chỉ “chặt chẽ”, mà phải “hiệu quả”; nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung kết hợp phải được xác định trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trên từng vùng lãnh thổ, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm; trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với kinh tế - xã hội. Đồng thời, khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, tạo ra thế bố trí chiến lược trên cả nước, xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt mục tiêu quan trọng này, trước hết, các cấp, ngành cần quán triệt, nâng cao nhận thức về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; là tất yếu khách quan. Đó còn là sự phát huy truyền thống quý báu, dựng nước, đi đôi với giữ nước, tư tưởng: “nước lấy dân làm gốc”, “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú binh cường”; thực hiện “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để “yên dân” mà “vẹn đất”; thực hiện kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, “bách tính gia binh” để vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta. Đồng thời, cần thấy rõ việc kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại là sự nghiệp của toàn dân, của mọi ngành, mọi cấp, mọi thành phần kinh tế do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, với một hệ thống cơ quan tham mưu có năng lực, trách nhiệm tốt và hệ thống pháp luật, chính sách đồng bộ, phù hợp trong thời kỳ mới.

Các cấp, ngành cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục; song, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng là biện pháp cơ bản hiện nay; trong đó, tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở với nội dung, chương trình phù hợp. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tránh tư tưởng tuyệt đối hóa, đề cao lợi ích kinh tế, mà xem nhẹ quốc phòng, an ninh trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển hội nhập kinh tế quốc tế với bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia. Đồng thời, mạnh dạn, quyết đoán không để chậm, mất thời cơ phát triển kinh tế; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Từng cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Nghị định của Chính phủ đã ban hành. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hằng năm về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở ngành, bộ, địa phương, cơ sở của mình. Đổi mới nâng cao quy trình, phương pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, nắm tình hình, thu thập xử lý thông tin, định hướng hoạt động, hướng dẫn chỉ đạo cấp dưới và kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, kiểm tra; phát huy vai trò của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, thẩm định các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nghiêm quy chế về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về khu vực phòng thủ. Kiên quyết khắc phục tình trạng “Một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng người nước ngoài đứng sau các nhà đầu tư Việt Nam để đầu tư vào các khu vực trọng yếu, địa bàn chiến lược,… Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển”4.

Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng trong tình hình mới. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, như: Luật Quốc phòng, ngày 08/6/2018; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ về “Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng”; Nghị định số 22/2021/NĐ-CP, ngày 19/02/2021 của Chính phủ về “Khu kinh tế - quốc phòng” có hiệu lực từ ngày 05/5/2021, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Song, trước yêu cầu mới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về nội dung này đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định để quản lý và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong cả nước. Cơ chế, chính sách cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, giải quyết tốt mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Bốn là, phát huy vai trò của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ­- quốc phòng và công nghiệp quốc phòng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án về quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;…”5. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn và từng khu kinh tế - quốc phòng. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng dự án; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư theo thứ tự ưu tiên, thực hiện đồng bộ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tiếp tục tham gia toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo,… bằng các biện pháp phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh là quy luật tồn tại, phát triển của đất nước, là tất yếu khách quan trong tiến trình lịch sử của cách mạng. Tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên, làm cho việc kết hợp thực sự chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thành, Học viện Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

____________________

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 56.
2. Sđd, Tập II, tr. 76.
3. Sđd, Tập I, tr. 68.
4. ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 76.
5. Sđd, Tập II, tr. 279

Bài viết khác: