1. Chính phủ: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như sau:

Mục tiêu, nguyên tắc:

- Mục tiêu: Hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

P 62
Ảnh minh họa/Internet

- Nguyên tắc:

+ Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

+ Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

+ Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

+ Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

+ Việc hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện như sau:

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.

Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.

Nội dung hỗ trợ:

- Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.

- Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

- Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

- Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

- Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

- Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em:

+ Người lao động tại điểm 4, 5, 6 Mục II đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.

+ Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết này; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.

Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

- Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

- Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất:

+ Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

+ Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01/5/2021  đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

- Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Tổ chức thực hiện:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Mục II Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

+ Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

+ Điều chỉnh kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em sang hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác theo nội dung thống nhất với nhà tài trợ.

- Bộ Tài chính:

+ Bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết này.

+ Căn cứ quy định tại Nghị quyết, quy định pháp luật có liên quan và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định tại điểm 9 Mục II Nghị quyết này.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí đầy đủ nguồn vốn từ nguồn kế hoạch đầu tư công để cấp phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiệm vụ cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động theo số giải ngân thực tế.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ quan liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn và cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng và không có tài sản đảm bảo để cho người sử dụng lao động quy định tại điểm 11 Mục II Nghị quyết này vay trả lương cho người lao động. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 hoặc khi giải ngân hết số tiền tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

+ Được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro trích lập từ nguồn chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xử lý đối với khoản nợ tái cấp vốn tại Nghị quyết này phát sinh quá hạn từ 03 năm trở lên.

- Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và triển khai thực hiện chính sách cho vay theo quy định tại điểm 11 Mục II Nghị quyết này.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện các chính sách trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Nghị quyết này.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

+ Chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện chính sách quy định tại Mục II Nghị quyết; báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ hỗ trợ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ.

+ Chủ trì xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ quy định tại điểm 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Mục II Nghị quyết này; tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

+ Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết này từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này.

- Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia phổ biến, phối hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết này.

2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 01/7/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Trong Thông báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

- Đánh giá chung: Đồng Nai có vị trí chiến lược rất quan trọng với khu vực và cả nước về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đồng Nai đã hoàn thành tương đối tốt và có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và phòng, chống dịch COVID-19 theo các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,74%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách đạt 79% dự toán năm và tăng 43% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 11,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 34,2%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 7,6%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 tăng 3 bậc so với năm 2019. An ninh trật tự, ổn định chính trị cơ bản làm tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập: tăng trưởng chưa đạt như dự kiến; thu hút vốn đầu tư trong nước giảm; giải ngân đầu tư công chậm; vệ sinh môi trường, nhất là khu vực nông thôn còn khó khăn, vệ sinh an toàn thực phẩm có những hạn chế; diễn biến dịch COVID-19 có chiều hướng tăng lên và phức tạp hơn; hành chính công và cải cách hành chính chưa cải thiện rõ rệt. Những hạn chế này có nguyên nhân chủ quan và cả nguyên nhân khách quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan chiếm phần chính, cần phải phân tích, đánh giá làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện và tiếp tục phát huy thành quả để triển khai tốt hơn trong 6 tháng cuối năm.

- Dự báo tình hình: Dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận. Với đặc thù Đồng Nai có mối liên kết, quan hệ chặt chẽ về mọi mặt, lĩnh vực với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực nên không tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng, tạo áp lực dịch bệnh COVID-19 trực tiếp tới Đồng Nai.

Nếu dịch bệnh bùng phát, lây lan tại các khu công nghiệp trên địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Mục tiêu: + Phải phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

+ Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn, an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội để người dân an tâm phòng, chống dịch và tham gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và kết thúc năm học 2020-2021 an toàn, hiệu quả.

- Nhiệm vụ, giải pháp:

+ Quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo nguồn lực để phòng, chống dịch tốt hơn. Tùy theo diễn biến tình hình thực tế, Tỉnh cần lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ (phòng, chống dịch hoặc sản xuất kinh doanh, hoặc đồng thời thực hiện như nhau cả hai nhiệm vụ) tương tự như vậy đối với các huyện thị trực thuộc.

+ Phải xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế với các phương án vượt chỉ tiêu, đạt chỉ tiêu hoặc không đạt chỉ tiêu đề ra; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 theo các cấp độ nguy cơ dịch bệnh cao hơn, có cả kịch bản cho tình huống xấu nhất để chủ động triển khai các giải pháp cụ thể, khả thi. Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả chiến lược “5K+Vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch bệnh.

+ Căn cứ tình hình dịch tễ để xác định địa bàn, khu vực phong tỏa, cách ly, không cực đoan cách ly, giãn cách xã hội ở phạm vi rộng không cần thiết, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính. Khi đã phát hiện ra ổ dịch để phong tỏa, cách ly thì phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện nguồn bệnh (huy động hỗ trợ nhân lực từ lực lượng ngành y, công an, quân đội). Thí điểm cách ly tại nhà với F1 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng; tư vấn trên truyền hình về phòng, chống dịch, cách ly tại nhà. Quán triệt phương châm thực hiện phòng ngừa là cơ bản, thường xuyên, chiến lược; khi có dịch phải tấn công để nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình.

+ Phát huy cao tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương; phấn đấu vươn lên trong thực hiện mục tiêu kép, nghiên cứu, học tập các cách làm, kinh nghiệm hay của địa phương khác, căn cứ tình hình cụ thể để áp dụng sáng tạo, hiệu quả, thực hiện “4 tại chỗ” đi đôi với thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát. Đặc biệt không để dịch lây lan vào các khu công nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có phương án cách ly ngay tại cơ sở sản xuất theo tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu” với dịch bệnh.

+ Đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; rà soát tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, các khu công nghiệp đã được bổ sung quy hoạch, làm động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, điều chỉnh phù hợp, cương quyết cắt giảm các dự án kém hiệu quả, kéo dài để tập trung cho các dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành sớm.

+ Giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành để sớm bàn giao cho chủ đầu tư; đồng bộ hạ tầng phục vụ cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Cần quy hoạch, khai thác hiệu quả quỹ đất có giá trị gia tăng lớn và tạo không gian phát triển kinh tế mới ở các khu có hạ tầng đồng bộ.

+ Phối hợp với các Bộ, ngành để xử lý các vấn đề vướng mắc hiện nay, kể cả trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh thương mại điện tử, cung ứng hàng hóa.

+ Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Nhanh chóng đánh giá tác động, có giải pháp phù hợp đảm bảo an toàn cho đời sống nhân dân xung quanh khu vực sân bay Biên Hòa và khai thác có hiệu quả sân bay.

+ Cùng Bộ Quốc phòng nghiên cứu, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, vị trí đất quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ an ninh quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

+ Tranh thủ thời cơ để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng xanh, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số, thương mại điện tử.

+ Chú trọng công tác truyền thông chính xác, kịp thời, nhất là chính sách về phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội để nhân dân biết, hiểu rõ tình hình, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, củng cố và tăng cường niềm tin, thúc đẩy, truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân dân chủ động tham gia phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn.

- Về một số kiến nghị nêu tại buổi làm việc: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản đề xuất cụ thể gửi các Bộ, ngành để được xử lý, giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 01/7/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có kết luận như sau:

- Đánh giá chung: Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội: tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,23%; sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, tăng 8,23%; kim ngạch xuất khẩu tăng 47,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 43,4%; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 23%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,7%. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt, nhất là việc chăm lo cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân đạt được kết quả quan trọng; đặc biệt, tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của cả nước. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bình Dương đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đó là những kết quả tích cực tỉnh Bình Dương đạt được trong 6 tháng qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh cần đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục: tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, còn nhiều ca bệnh, chùm lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, có nguy cơ lây lan rộng, khó kiểm soát; chưa có phương án cụ thể phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, chưa có kịch bản ứng phó theo từng cấp độ diễn biến dịch bệnh lây lan, bùng phát. Kết quả thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; công tác cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị còn chưa theo kịp với yêu cầu của sự phát triển.

- Dự báo tình hình: Trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại cục bộ một số địa phương lân cận. Tại Bình Dương, có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều các ca mắc mới trong cộng đồng, đòi hỏi Bình Dương phải tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình, có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế. Dịch bệnh lây lan thời gian qua có nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan, cần phải đánh giá nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân chủ quan, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình thực tiễn đang diễn ra tại tỉnh Bình Dương.

- Mục tiêu: + Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, không để phát sinh, lây lan trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân lao động, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

+ Ổn định chính trị, bảo đảm an toàn, an dân, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và kết thúc năm học 2020-2021 an toàn, hiệu quả.

- Nhiệm vụ, giải pháp:

+ Thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện; tùy theo diễn biến tình hình thực tế, Tỉnh cần lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ (phòng, chống dịch hoặc sản xuất kinh doanh, hoặc đồng thời thực hiện như nhau cả hai nhiệm vụ). Trong tình hình hiện nay, phải ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch để ngăn chặn, đẩy lùi, dập dịch nhanh nhất có thể, nhanh chóng ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.

+ Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả chiến lược “5K+Vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch bệnh.

+ Bình Dương phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ nguy cơ dịch bệnh cao hơn nữa cho các tình huống xấu hơn nữa khi có thêm nhiều ca bệnh và dịch lây lan trên diện rộng. Trong đó, phải tiếp tục quản lý chặt chẽ, đúng quy định các khu cách ly, không để lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng và không để lây chéo trong khu cách ly; đối với điều trị, chăm sóc bệnh nhân phải áp dụng tổng hợp 4 yếu tố: y học, khoa học, tâm lý học và xã hội học.

+ Căn cứ tình hình dịch tễ để xác định địa bàn, khu vực phong tỏa, cách ly, không cực đoan cách ly, giãn cách xã hội ở phạm vi rộng khi chưa cần thiết, nhưng thấy khả năng dịch tễ phức tạp, khó kiểm soát thì phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn nhưng phải “khóa chặt” nơi có ổ dịch, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải chủ động, linh hoạt, phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch và bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội. Bình Dương phát huy cao tinh thần tự lực, tự cường, “4 tại chỗ”, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn và đối tượng quản lý, căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể để tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

+ Khẩn trương khoanh vùng, cách ly và thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Huy động các trường y, bệnh viện, lực lượng quân đội trên địa bàn để thực hiện xét nghiệm nhanh; tăng cường làm việc trực tuyến. Căn cứ tình hình cụ thể, nghiên cứu thay đổi chiến lược cách ly cho phù hợp; xây dựng, chuẩn bị kịch bản giả thiết cho tình huống xấu; thiết lập các chương trình truyền hình để các chuyên gia hướng dẫn, tư vấn cho nhân dân nói chung và nhất là các đối tượng cách ly tại nhà. Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy trình, quy định thực hiện việc cách ly tại nhà đối với F1 phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, bảo đảm đúng quy trình, có kiểm soát.

+ Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, có phương án cách ly ngay tại cơ sở sản xuất theo tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu” với dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, phát huy tinh thần chủ động, áp dụng nhiều phương thức phù hợp; thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

+ Tăng cường, chủ động thực hiện hiệu quả việc phối hợp, tạo mối liên kết chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về công tác quản lý người dân di chuyển, lưu trú và lưu thông hàng hóa để làm tốt công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

+ Chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng, bao gồm cả kịch bản trong điều kiện xấu hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không để bị động, bất ngờ.

+ Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giải ngân đầu tư công. Rà soát, ưu tiên tập trang vốn cho các dự án có thể hoàn thành nhanh, đưa vào sử dụng, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân nhanh, kiên quyết cắt giảm những dự án không hiệu quả, đã kéo dài nhiều năm. Đối với các dự án hạ tầng, cần chủ động khai thác quỹ đất hiện có và giá trị gia tăng của quỹ đất khi có các dự án hạ tầng.

+ Tranh thủ thời cơ khi có dịch để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương và của từng ngành; chuyển đổi sang nền kinh tế số, tăng cường ứng dụng công nghệ để phục vụ nhân dân, khuyến khích, tạo điều kiện người dân cùng tham gia.

+ Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện đi đôi với kiểm tra, giám sát và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

+ Tái cơ cấu đội ngũ lao động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động (phân chia ca làm việc, nâng cao tay nghề, năng lực ...).

- Về một số kiến nghị nêu tại buổi làm việc: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có văn bản đề xuất cụ thể gửi các Bộ, ngành để được xử lý, giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 30/6/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Quyết định nêu rõ, bổ sung 7.650,776 tỷ đồng (Bảy nghìn sáu trăm năm mươi tỷ bảy trăm bảy mươi sáu triệu đồng) cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Trong đó: 5.100,517 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH ngày 18/5/2021 và 2.550,259 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng (Ba mươi bảy tỷ đồng) trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

5. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công văn số 2095/UBND-KGVX ngày 02/7/2021 về việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thành phố

Cụ thể, trong những ngày gần đây, theo phản ánh của nhân dân và trên các phương tiện truyền thông, tại một số địa bàn Thành phố đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch: - Tại một số nhà hàng ăn, uống trong nhà chưa đảm bảo khoảng cách, chưa có tấm chắn, ngồi quá số người quy định, chưa đóng cửa đúng giờ; tại một số địa điểm công cộng đã xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông người, chưa thực hiện thông điệp 5K; tình trạng chợ cóc, chợ tạm, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến các biện pháp phòng, chống dịch chung của Thành phố.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở với việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thành phố trong điều kiện nới lỏng một số hoạt động; tiếp tục tuyên truyền, có biện pháp phù hợp không để tình trạng tập trung đông người tại các địa điểm công cộng; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng ăn, uống trong nhà không thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thành phố (không đảm bảo giãn cách, không bố trí tấm chắn, mở cửa quá 21 giờ hàng ngày…) khi nới lỏng các hoạt động; chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, trà đá, cà phê vỉa hè.

Người đứng đầu chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan tại cơ sở chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để phát sinh các trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: