Tư tưởng “lấy dân làm gốc” là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu, quán triệt, vận dụng quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh để Nhân dân thực sự là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị cũng như của mỗi cán bộ, đảng viên.

Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng ta đề ra vừa là mục tiêu, là khát vọng của Nhân dân Việt Nam, có sức thu hút và cổ vũ mạnh mẽ lòng dân hướng về Đảng, hướng về Tổ quốc; vừa là sự nghiệp vẻ vang, to lớn. Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức khó lường, đòi hỏi phải ra sức đẩy mạnh công cuộc đổi mới hiện nay. Đó là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là toàn bộ hoạt động của cả hệ thống chính trị ở mọi ngành, mọi cấp. Quan điểm quần chúng là một nội dung nổi bật và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Quan điểm quần chúng của người không những thể hiện tư tưởng tiến bộ, đúng đắn của các nhà kinh điển mácxít về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, mà còn thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc và sự phát triển sáng tạo trong điều kiện mới, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành chính đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn diện để phát triển đất nước.

Mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Một trong những bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 91 năm qua là do biết tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân là một trong những vấn đề cơ bản nhất trong việc xây dựng Đảng, là nguồn gốc mọi sức mạnh của Đảng. Vì vậy, Người luôn đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ phải nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, phải quan hệ mật thiết với quần chúng thông qua hoạt động cụ thể hàng ngày của mỗi người, đồng thời nghiêm khắc phê phán tệ quan liêu, xa rời quần chúng, hống hách, độc đoán, chuyên quyền... của một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong điều kiện đảng cầm quyền.

Quan điểm quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung phong phú. Đó là niềm tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, là tính khiêm tốn học hỏi từ quần chúng, tôn trọng quần chúng, là quan tâm chăm lo đến lợi ích thiết thân của quần chúng, là sống có tình có nghĩa với nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo tốt nhất của Đảng là từ quần chúng mà ra rồi lại trở về quần chúng. Quan điểm quần chúng là đạo đức cách mạng của đảng viên, là thước đo lòng trung thành của đảng viên đối với sự nghiệp cách mạng. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”1. Đây chính là điểm mấu chốt nhất, là sự phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học thuyết cách mạng về xây dựng Đảng Cộng sản vận dụng trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Tư tưởng này xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kể từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, Người đã theo đuổi mục đích cao cả là đấu tranh để giải phóng đồng bào ta đang bị đọa đày đau khổ; suốt cuộc đời hoạt động đều nhằm làm cho đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo đất nước thì coi mình như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận và đến khi phải từ biệt thế giới này vẫn còn tiếc là không được phục vụ Nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, nếu chỉ hiểu Đảng là người lãnh đạo Nhân dân, thì dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh quan liêu xa rời quần chúng và nảy sinh tư tưởng kiêu ngạo, tự mãn trong một số cán bộ, đảng viên. Quan điểm coi Đảng là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân” khẳng định rằng mục đích của Đảng là nhằm phục vụ Nhân dân, nhằm đem lại lợi ích cho dân tộc chứ không có mục đích nào khác. Đó cũng chính là đạo lý chí công vô tư, mình vì mọi người, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hun đúc nên lòng nhân ái bao la, lòng yêu nước thương nòi sâu đậm và lại được nhân lên cao hơn khi kết hợp được với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.

Mặt khác, muốn cho Nhân dân tin Đảng, trước hết Đảng cần tự tin vào chính mình, các đảng viên  phải tin yêu lẫn nhau, phải tạo nên sự gắn bó, thống nhất giữa cấp ủy và đảng viên, giữa đảng viên già và đảng viên trẻ, giữa người có chức quyền và người không có chức quyền. Quan trọng hơn cả là đảng viên phải tin vào lý tưởng của Đảng mà họ đã tự nguyện tuyên thệ khi vào Đảng và phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống hàng ngày bằng tấm gương của chính bản thân. Sinh ra từ trong lòng Nhân dân, Đảng ta được Nhân dân ủng hộ, ngay cả những lúc gặp khó khăn, thử thách luôn được Nhân dân tiếp sức để vượt qua, được quần chúng nhân dân bảo vệ khi gặp sóng gió. Ngược lại, Đảng là bộ phận gương mẫu, tiên phong trong quần chúng, truyền bá lý luận cách mạng, đề ra phương hướng hành động, phát hiện những nhân tố mới, tập hợp và tổ chức quần chúng lại, giáo dục và nâng cao giác ngộ của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn làm cho quần chúng có khả năng tiến hành đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng cuộc sống mới. Mối quan hệ biện chứng ấy của Đảng với Nhân dân là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; được chứng minh bằng thực tiễn hoạt động của Đảng suốt nhiều thập kỷ qua, trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc kiến thiết đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối với Nhân dân, đó là điểm xuất phát trong quan điểm quần chúng của Người. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”2 và khi đã làm cách mạng rồi thì quyền phải giao cho dân chúng số nhiều, phải làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Xây dựng lòng tin của Đảng đối với quần chúng là điều không đơn giản, nhất là trong điều kiện Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng thành công, được Nhân dân tin cậy. Trong cuộc sống hàng ngày, thường có những biểu hiện của một số người thiếu tin tưởng vào quần chúng, trong khi luôn nói rằng quần chúng là tốt thì lại không tìm thấy cái tốt trong từng con người cụ thể, không nghĩ tốt về những người ở quanh mình. Vì hiểu rõ và tin ở từng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước, cảm hóa được nhiều người lầm lỗi về với cách mạng. Nhờ vậy, khối đại đoàn kết toàn dân đã không ngừng được củng cố và tăng cường, bảo đảm đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tin tưởng tuyệt đối đối với Nhân dân, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”3. Đó là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và mong muốn được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này sẽ không trở thành hiện thực nếu như không lý giải rõ, cụ thể hóa thành những nội dung thiết thực và cơ chế bảo đảm thực hiện chủ trương đó.

“Dân biết” thể hiện ở chỗ trước hết là dân phải được biết đầy đủ đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; biết về quyền và nghĩa vụ của mình và những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ và gia đình họ. Dân cũng cần phải biết cách thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của mình. Do vậy, muốn cho “dân biết”, trước hết cán bộ phải “hiểu biết dân” một cách cụ thể, hiểu tâm tư nguyện vọng, cuộc sống hàng ngày và những khó khăn, thuận lợi của họ; hiểu những suy nghĩ của họ về Đảng, về đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy, cán bộ phải sâu sát với Nhân dân để hiểu họ cần điều gì, muốn nghe, muốn biết gì, ham chuộng gì, yêu cầu và đòi hỏi điều gì.

Để đảm bảo cho dân biết, cần có cơ chế công khai, minh bạch chính sách, cung cấp cho họ những thông tin cần và đủ bằng hệ thống phương tiện thông tin đại chúng rộng khắp (trừ những điều thuộc về bí mật quốc gia). Quyền được thông tin phải được thể chế hóa bằng luật pháp, mọi người có trách nhiệm thực hiện đầy đủ luật pháp đó, nhằm tránh tình trạng vừa hạn chế thông tin, vừa thông tin tràn lan, thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo và quản lý, dẫn tới rối loạn thông tin, gây thiệt hại cho đất nước.

Để cho “dân bàn” - tức là dân bàn những điều dân biết thì phải trên cơ sở dân biết thì mới có thể bàn. Muốn cho dân bàn có kết quả, phải cung cấp những thông tin đúng đắn, chính xác, tạo môi trường thực sự dân chủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, trân trọng mọi ý kiến (đa số và thiểu số, tán thành và chưa tán thành...) của mọi đối tượng, xóa bỏ mọi định kiến hẹp hòi, song lại phải có đầu óc sáng suốt, tỉnh táo khi nghe ý kiến của Nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quần chúng thường có người hăng hái, người vừa, người kém, cho nên cán bộ phải dựa vào người hăng hái mà nâng cao người vừa, kéo người kém tiến lên. Qua đó mà tiếp thu ý kiến xây dựng của Nhân dân, gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ, phân tích, nghiên cứu, sắp đặt thành những ý kiến có hệ thống, biến thành ý kiến của quần chúng và làm cho quần chúng thực hành ý kiến đó. Qua thực hành để kiểm tra độ chính xác, rồi lại lấy ý kiến quần chúng, phát triển ưu điểm, nâng cao ý kiến quần chúng. Đó là lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, là phát triển biện chứng.

Không nên cho rằng “dân bàn” chỉ là việc bàn bạc trong nội bộ Nhân dân, mà cán bộ phải bàn bạc, đối thoại với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc gì cũng phải bàn với Nhân dân, nhưng bàn với Nhân dân lại cần tránh hiện tượng đối thoại một chiều về phía cán bộ. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc tổ chức cho Nhân dân bàn về thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vì vậy giám sát, phản biện chính sách, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân là con đường đúng đắn, có tổ chức, có hiệu quả để thực hiện quyền làm chủ của người dân. Đó chính là làm chủ một cách có tổ chức, thực hiện dân bàn một cách khoa học mang tính xây dựng; trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất quan trọng.

Để cho “dân làm”, người lãnh đạo phải khéo tổ chức quần chúng hành động, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp. Vì vậy, cần đề phòng hai khuynh hướng: để cho quần chúng hành động tự phát, hoặc là làm cho quần chúng thụ động, mất tính độc lập sáng tạo của họ. Muốn cho Nhân dân làm có kết quả, cần đề ra chương trình, kế hoạch sát thực tế và biết cách tổ chức thực hiện một cách khoa học, có kiểm tra, đôn đốc, có đánh giá tổng kết.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phong trào hành động của Nhân dân, vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là người dân phải được thụ hưởng, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng chính đáng kết quả lao động của chính họ, muốn vậy cần thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”4. Nếu phân phối không công bằng, không công khai, lòng dân sẽ không yên, không phát huy được tiềm năng sáng tạo và tính tích cực lao động trong Nhân dân.

Muốn thực hiện công bằng xã hội, phải để cho người dân thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, trong đó dựa vào dân là một biện pháp tích cực. Dân giám sát, kiểm tra là một yêu cầu rất quan trọng của việc lấy dân làm gốc. Trao cho dân quyền chính là thể hiện lòng tin dân và trọng dân. Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng quần chúng là hay so sánh: quá khứ và hiện tại, bộ phận và toàn bộ. Nhân dân dễ tìm thấy chỗ mạnh chỗ yếu, người tốt người xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không sao lọt được cái lưới tai mắt của nhân dân”5, qua tai mắt Nhân dân, nếu biết tổng hợp, phân tích, bổ sung các loại ý kiến khác nhau thì Đảng và Nhà nước có thể rút ra những cơ sở khoa học đúng đắn để xem xét công việc của mình. Muốn thực hiện tốt dân giám sát, kiểm tra, thì kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải thật nghiêm minh, nếu ngược lại thì dù có trao quyền cho Nhân dân cũng không đem lại hiệu quả và làm cho quần chúng nghi ngờ, bất mãn, hoặc dễ lẫn lộn đúng sai, tốt xấu, dẫn đến những kết luận thiếu chính xác.

Vì vậy, chỉ khi nào cán bộ biết dựa vào Nhân dân, nội bộ tổ chức giữ nghiêm kỷ luật, có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận, lúc đó mới thực hiện được tốt việc “Dân kiểm tra, dân giám sát”. Sẽ không thể phát hiện được sai sót, nếu không dựa vào sự giám sát kiểm tra của Nhân dân bằng một cơ chế hữu hiệu. Trong hoạt động này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức cần và có thể thực hiện giám sát xã hội, sẽ là nơi thực hiện có hiệu quả sự giám sát của Nhân dân. Nhiệm vụ này đã được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Đó là cơ sở chính trị và pháp lý để thực hiện việc “dân kiểm tra, dân giám sát” và thụ hưởng thành quả lao động của mình.

Thông thường, bệnh quan liêu xa rời quần chúng, nạn tham nhũng và lợi ích nhóm là trở lực to lớn trong việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bởi vì, bệnh quan liêu là bức tường ngăn cách Đảng với quần chúng, nó làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, làm phai mờ những truyền thống vẻ vang, lãng quên cả tình thương và lẽ phải, làm phai nhạt tình đồng chí, nghĩa đồng bào và làm xói mòn phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đó là một trong những kẻ thù chính và nguy hiểm nhất có thể làm tiêu vong sự nghiệp và đe dọa sự tồn vong của Đảng. Nguyên nhân xã hội của bệnh quan liêu là do Đảng “xa dân”, coi thường dân, ngại dân, không tin dân, không hiểu dân và không thương dân.

Để thực hiện tốt phương châm “lấy dân làm gốc”, phải kiên quyết, bền bỉ đấu tranh chống bệnh quan liêu và lợi ích nhóm với tất cả những biểu hiện đa dạng và biến tướng của nó. Chống quan liêu và lợi ích nhóm là việc rất khó, nhưng nếu thấm nhuần tư tưởng: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”6 và cán bộ biết dựa vào dân, sẽ từng bước chống được bệnh quan liêu.

Sẽ không đầy đủ nếu không nói về mối quan hệ Nhân dân với Đảng. Khi nói Đảng phải hòa mình với quần chúng không có nghĩa là đồng nhất Đảng với quần chúng. Lấy “dân làm gốc” không có nghĩa là Đảng đứng trên quần chúng, chạy theo quần chúng. Sứ mệnh lịch sử của Đảng là mang lại cho Nhân dân vũ khí tinh thần, để quần chúng tự đấu tranh, tự giải phóng, tự xây dựng cuộc sống mới. Muốn thắt chặt quan hệ giữa Đảng với quần chúng, phải có giải pháp nâng cao dân trí, nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân. Lịch sử thế giới từng chứng minh qua các hình thái kinh tế - xã hội, một chế độ chính trị - xã hội chỉ tồn tại được khi nào còn khả năng tập hợp và phát huy vai trò của Nhân dân. Sớm nhận ra vấn đề có tính quy luật ấy của lịch sử, nên ngay từ khi tổ chức ra nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước đầu tiên (năm 1925) cho đến nay, Đảng ta luôn chăm lo giáo dục cho toàn Đảng về đạo đức cách mạng, chống quan liêu, suốt đời tận tụy phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng.

Quan điểm quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những quan điểm tiến bộ về vai trò của quần chúng trong lịch sử, về quan điểm đúng đắn đối với con người. Sức thuyết phục của tư tưởng ấy không chỉ ở lời nói mà thể hiện trong đời sống cao đẹp nhưng bình dị của Người, là mẫu mực nhất quán của một cuộc đời cách mạng, lời nói luôn gắn liền với việc làm. Dân tộc Việt Nam tự hào vì có một lãnh tụ mãi mãi là tấm gương sáng vì nước, vì dân; và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng phát triển, hoàn thiện quan điểm quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Suy ngẫm về bài học “lấy dân làm gốc” để khắc phục thiếu sót, củng cố lòng tin của Nhân dân là một đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới hiện nay cũng là đòi hỏi của lương tâm, trách nhiệm với Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó cũng chính là con đường cơ bản để Nhân dân ta thực sự là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành hiện thực, cần xây dựng một bộ luật về chủ trương này với những chế tài chặt chẽ. Đó sẽ là bệ đỡ để những ý tưởng tốt đẹp không chỉ là sự thuyết phục, khuyến cáo, những lời động viên, mà trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải thực hiện, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra./.

PGS, TS. Trần Hậu
 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước

Tâm Trang (st)

--------------------------------

1, 5, 6. CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.622, tr.224, tr.280.(2) Sđd, tập 2, tr.304.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.173.
4. Sđd, tập 9, tr.503.

Bài viết khác: