Các thế lực thù địch rêu rao rằng: “bỏ độc quyền lãnh đạo mới có thể chấm dứt nạn đảng viên tha hóa”(!) Qua đó, tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị nước ta. Vì vậy, cần nhận thức đúng để bác bỏ.

Bất kỳ chế độ xã hội nào cũng có người trong bộ máy công quyền tha hóa quyền lực, vì nó là hiện tượng gắn liền với quyền lực chính trị. Thực trạng ở các nước có chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập cũng có không ít người trong bộ máy công quyền bị tha hóa. Điển hình như: Vụ bê bối quyền lực chính trị để trục lợi (Watergate) của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 - 1974, buộc Ông này phải từ chức khi đang là Tổng thống nhiệm kỳ hai; vụ ông Bernard Kerit, nguyên Chỉ huy trưởng Cảnh sát New York, năm 2004 đã được Tổng thống Mỹ Geore W.Bush đề cử làm Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ, nhưng do phạm tội tham nhũng trốn thuế và nhận tiền hối lộ nên đã không được bổ nhiệm. Hay là ở Hàn Quốc, vào tháng 12/2016, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - Hye bị Quốc hội phế truất chức Tổng thống do bị buộc tội tham nhũng dính líu đến vụ dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính. Còn rất nhiều chính khách của các nước có chế độ đa đảng bị tha hóa mà các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đã đưa tin. Họ đều là những người đại diện cho một đảng chính trị nhất định của các nước đó.

Ở Việt Nam, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”1. Người cho rằng, lãnh đạo đúng là cùng với việc “quyết định mọi vấn đề cho đúng”, “phải tổ chức thi hành cho đúng”, còn “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”2. Người yêu cầu: “Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”3

Khái niệm “kiểm soát” lần đầu tiên được Đảng ta đưa vào Cương lĩnh năm 2011: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”4. Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”5. Đặc biệt, xác định được kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là gốc của kiểm soát quyền lực trong Đảng. Vì vậy, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong đó nhấn mạnh: “Sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Trên cơ sở đó, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, thiết chế liên quan trong thực thi và kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, trên nền tảng “Quốc pháp, Đảng cương” và truyền thống chính trị dân tộc phù hợp với luật pháp và các thông lệ quốc tế. Kiểm soát quyền lực chính trị nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng được kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mình được hiến định, theo pháp luật và Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng6. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là điều kiện hàng đầu bảo đảm cho sự kiểm soát hiệu quả quyền lực chính trị đối với Nhà nước và xã hội. Để kiểm soát quyền lực lãnh đạo, Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” thông qua các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội kiểm soát quyền lực của Đảng thông qua việc thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Việc kiểm soát quyền lực của Đảng còn được thông qua chế độ bầu cử cấp ủy, ủy ban kiểm tra và chế độ sinh hoạt đảng; thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng; qua phát huy vai trò của nhân dân, cơ chế giám sát, phản biện của nhân dân với tính chất là lực lượng giám sát và tham gia trực tiếp công tác xây dựng Đảng. Mọi hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên phải trong khuôn khổ pháp luật, chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

Đối với Nhà nước, việc kiểm soát quyền lực chính trị được thực hiện thông qua kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp và được quy định trong hệ thống pháp luật; thông qua thực hiện các chế định về bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm theo nhiệm kỳ hoặc không theo nhiệm kỳ; qua kiểm soát quyền lực bằng pháp luật, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động theo pháp luật; qua thực hiện vai trò làm chủ, giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các đại biểu do mình bầu ra và giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước của đại biểu đó.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong kiểm soát quyền lực chính trị. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt; chất lượng lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Việc sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị được thực hiện theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đến năm 2019, cả nước đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện; 545 đơn vị hành chính cấp xã; 15.354 thôn, tổ dân phố; giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 6 tổng cục và 2 bộ tư lệnh; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương đương; 5.889 phòng và tương đương, 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 22.761 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó các cấp; giảm 541.890 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ năm 2016 đến 2019, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên (có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý)7. Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, có hiệu quả. Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn héc-ta đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, cá nhân. Vai trò của pháp luật ngày càng được đề cao; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rành mạch. Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành đổi mới theo hướng kiến tạo, tập trung điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, hỗ trợ phát triển8, v.v.

Như vậy, kiểm soát quyền lực, phòng chống sự tha hóa của cán bộ, đảng viên là công việc thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Để góp phần thực hiện tốt công tác rất quan trọng này, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu và hiệu quả công tác tuyên truyền và tư tưởng, lý luận, làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nữa bản chất của các luận điệu xuyên tạc về sự lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội. Qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những quan điểm sai trái, thù địch đối với nước ta.

Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta để cung cấp luận cứ khoa học cho cuộc đấu tranh, phê phán quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch về vấn đề này. Gắn kết chặt chẽ cuộc đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng của xã hội ta với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, làm cho hệ thống chính trị nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực này. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các tin, bài, phim có nội dung xấu độc. Nghiên cứu sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin để ngăn chặn triệt để các thông tin xấu độc trên các trang mạng và vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại”.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta theo hướng đa chiều, đa diện với nhiều kênh khác nhau; kiểm soát trong Đảng thống nhất, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị; kiểm soát của cơ quan chuyên trách với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí và dư luận xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tập thể kiểm soát quyền lực cá nhân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, sẽ góp phần thiết thực vào việc ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa của cán bộ, đảng viên. Điều đó, hoàn toàn không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng.

Quốc An
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử
Tâm Trang (st)

________

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 316.
2, 3 - Sđd, Tập 5, tr. 325, 547.
4. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 85.
5. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr. 47.
6. Bộ Nội vụ - Nhị Lê, Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, https://moha.gov.vn/danh-muc/hoan-thien-co-che-kiem-soat-quyen-luc-chinh-tri-trong-he-thong-chinh-tri-viet-nam-hien-nay-40950.html.
7. Hiền Hòa - Giữ gìn sự trong sạch của Đảng, https://dangcongsan.vn/chao-nam-moi-2020/dat-nuoc-vao-xuan/giu-gin-su-trong-sach-cua-dang-547582.html
8. GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Một số vấn đề về kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ve-kiem-soat-quyen-luc-chinh-tri-o-nuoc-ta-hien-nay.html

Bài viết khác: