Thi đua là một biện pháp của cách mạng, là khâu nối liền, chuyển tiếp từ tư tưởng, ý chí thành hành động. Do vậy, người ta có thể coi thi đua là biện pháp của công tác tư tưởng, đồng thời cũng có thể coi thi đua là biện pháp của công tác tổ chức.

doi moi thi dua 1
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN

THI ĐUA KHƠI DẬY, PHÁT HUY TỐI ĐA SỨC SÁNG TẠO

Về mặt tư tưởng, trước mỗi phong trào thi đua, bao giờ cũng phải tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục để phổ biến mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp thi đua nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện các mục tiêu thi đua vốn cao hơn, khó hơn so với cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, thi đua trở thành một phương thức của công tác tư tưởng nhằm tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; cải tiến kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất; hướng quần chúng hành động theo đúng định hướng nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Tuyên truyền, giáo dục trong thi đua còn góp phần bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, khát vọng xây dựng đất nước, địa phương ngày càng phồn vinh, phát triển. Tuyên truyền, giáo dục trong phong trào thi đua thường được diễn ra trong một không khí vừa trang trọng, vừa hào hùng với sự hỗ trợ của các phương tiện trực quan và công tác tổ chức chặt chẽ nên có tác động rất mạnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm của quần chúng.

Về tổ chức, thi đua là biện pháp động viên sức mạnh tiềm tàng bên trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu. Thi đua còn thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho cách mạng. Do đó, thi đua là biện pháp hữu hiệu để khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tạo ra hoạt động tự giác, biến những điều tưởng chừng không thể làm được trở thành hiện thực.

Thi đua còn góp phần bồi dưỡng, đào tạo con người, củng cố tổ chức. Thông qua thi đua việc phổ biến kinh nghiệm, làm xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sĩ, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong toàn quốc, có tác động nêu gương, thúc đẩy nhiệt tình cách mạng của quần chúng trong cải tạo tự nhiên, xã hội và con người. Bên cạnh đó, thi đua còn góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Nhận thức sâu sắc vai trò của phong trào thi đua yêu nước, ngay từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người như lời hiệu triệu vang vọng khắp non sông, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến, các phong trào thi đua trở thành một phần tất yếu trong những chiến công của dân và quân ta. Có thể kể đến các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những năm gần đây, nhân dân khắp mọi miền đất nước sôi nổi triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới và nền văn hóa mới. Phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong Quân đội, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Công an nhân dân, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và còn rất nhiều phong trào thi đua khác đang được triển khai sâu rộng và từng bước mang lại những kết quả góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước.

THI ĐUA LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG

Hiện nay, các phong trào thi đua đang tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thật sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế sôi nổi, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, các phong trào thi đua đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Có nơi, phong trào thi đua chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; mục tiêu thiếu rõ ràng, cụ thể. Công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chậm được đổi mới, chưa có hiệu quả cao. Không ít đơn vị, địa phương buông lỏng công tác thi đua, khen thưởng, có biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích đơn thuần. Vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, thiếu công bằng; có những tiêu chuẩn, hình thức, phương pháp khen thưởng duy trì quá lâu làm mất tính hấp dẫn, không động viên, khích lệ được đông đảo quần chúng tham gia.      

Thi đua, khen thưởng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội và quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2021, các phong trào thi đua trong cả nước cần tiếp tục xác định rõ mục tiêu, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tiến hành. Để phát huy tốt phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu từng bước hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiến hành một số biện pháp sau đây:

Một là, mục tiêu của phong trào thi đua cần bám sát và cụ thể hóa chủ đề phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong kháng chiến, các phong trào thi đua yêu nước có sức cổ vũ và lan tỏa mạnh mẽ, bởi vì thời điểm đó cả dân tộc đều có chung mục tiêu là đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, lý tưởng đó rất phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của mọi người dân và rất cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Ngày nay, mục tiêu xây dựng đất nước đã được Đại hội XIII xác định rất rõ ràng, lại được làm rõ thêm trong chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 là “ Phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Chính vì vậy, đây phải là mục tiêu bao trùm của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới.

Mục tiêu cụ thể của từng phong trào thi đua phải bám sát nội hàm ý chí tự lực, tự cường và phồn vinh, hạnh phúc, trên cơ sở tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để xác định những công việc gì cần tự làm, việc gì có thể làm cho từng cá nhân và cơ quan, đơn vị, địa phương mình ngày càng lớn mạnh, phát triển, phồn vinh, việc gì có thể làm cho mỗi cán bộ,  công chức, viên chức, người lao động ngày càng no đủ, hạnh phúc hơn. Trên cơ sở mục tiêu đó, các chỉ tiêu thi  đua phải được cụ thể hóa thêm một bước, mang tính khả thi và được lượng hóa, có khả năng đo đếm được để làm cơ sở đánh giá kết quả sau này.

Trên tinh thần đó, cần tập trung rà soát và cương quyết loại bỏ những chương trình, phong trào đã phát động nhưng mục tiêu, chỉ tiêu chung chung, trừu tượng, dựa vào nguồn lực bên ngoài, làm hại, làm nghèo cho địa phương, cơ quan đơn vị, hiệu quả thực tế thấp, không thu hút được mọi người tham gia.

Hai là, phát huy trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tính chuyên nghiệp của cơ quan tham mưu về thi đua, khen thưởng.

Hiện nay, Đảng đã có các nghị quyết, chỉ thị về thi đua, khen thưởng, Nhà nước đã có Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định, thông tư, hướng dẫn đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Phong trào thi đua đã được duy trì và tổ chức thường xuyên theo quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, điều đó lại rất dễ biến phong trào thi đua trở thành khuôn mẫu, nhàm chán. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021, người đứng đầu và các cơ quan tham mưu phải thấm nhuần một cách sâu sắc, có niềm tin mãnh liệt đối với mục tiêu mà Đảng đã xác định. Chỉ có như vậy, cơ quan tham mưu mới có thể chuyển hóa một cách nhuần nhuyễn mục tiêu của Nghị quyết vào mục tiêu của phong trào. Quá trình phê duyệt, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện phong trào, người đứng đầu luôn bám sát mục tiêu chung và đối chiếu với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình thì phong trào thi đua mới cụ thể, thiết thực và đúng hướng.

doi moi thi dua 2

Ba là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, cổ động phong trào thi đua.

Tuyên truyền, cổ động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phong trào thi đua. Không có tuyên truyền thì mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp của phong trào không đến được quần chúng, không biến thành nhận thức, niềm tin và ý chí của họ nên không thể tạo ra động lực của phong trào thi đua. Tuyên truyền, cổ động còn tiến hành nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện các mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có phương pháp hay, cách làm giỏi, phát huy sáng kiến trong phong trào thi đua yêu nước để kịp thời giới thiệu, tôn vinh trên một cách rộng rãi để mọi người học tập và làm theo. Trên cơ sở mục tiêu và chỉ tiêu thi đua được xác định rõ ràng, cụ thể, công tác tuyên truyền, cổ động cần biến chúng trở thành những thông điệp, khẩu hiệu mang tính hiệu triệu cao, ngắn gọn, có tính biểu tượng, dễ đi vào lòng người. Công tác tuyên truyền, cổ động phải tạo ra được một cuộc “kháng chiến” chống đói nghèo, lạc hậu, kiên quyết không phụ thuộc vào cường quốc bên ngoài. Những thông điệp này cần được tuyên truyền liên tục trong suốt phong trào, đến tận “hang cùng, ngõ hẻm” để huy động được đông đảo người dân tham gia. Những kinh nghiệm hay, mô hình tốt, những tấm gương tiêu biểu về phát huy ý chí lực, tự cường, những thành quả về phát triển kinh tế, xã hội cũng cần được thông tin rộng rãi. Bên cạnh đó, cần đấu tranh phê phán những kết quả chung chung, những việc làm trừu tượng, khẩu hiệu sáo rỗng, khoa trương, phóng đại, thay vào đó là những sự việc, con người cụ thể, sống động, những số liệu minh chứng rõ ràng…

Phương thức tuyên truyền, cổ động cũng cần đổi mới, trong đó tập trung các hình thức, phương pháp tác động vào tình cảm, sử dụng nhiều phương tiện trực quan, văn học, nghệ thuật sinh động, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của từng đối tượng. Đặc biệt, cần tận dụng tốt mạng xã hội, mặt tích cực của tâm lý đám đông để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào.

Bốn là, thực hiện bình xét khen thưởng phong trào thi đua một cách khách quan, công bằng, chính xác trên cơ sở các chỉ tiêu cụ thể đã xác định.

Thi đua và khen thưởng luôn có mối quan hệ biện chứng, nhân quả với nhau. Chính vì vậy, cùng với thi đua, khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời trong việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng. Chỉ có như vậy, những tập thể, cá nhân được khen thưởng rất phấn khởi, tự hào, giữ gìn phần thưởng và phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc hơn. Khi họ nhận thức sâu sắc được giá trị của việc động viên, khen thưởng sẽ càng phấn đấu cao hơn với mục đích vô tư trong sáng.

Người Việt Nam vốn trọng hình thức, coi trọng tính cộng đồng “Của cho không bằng cách cho”, “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” nên khen thưởng không chú trọng đơn thuần ở giá trị vật chất của phần thưởng mà quan trọng hơn là cách trao thưởng có đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh hay không. Đặc biệt, trong khi bình xét khen thưởng phải kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu về phát huy ý chí tự lực, tự cường thế nào, kết quả xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị phồn vinh, phát triển, người dân được hạnh phúc đến đâu. Kết quả đó phải được đo đếm bằng những con số trung thực, việc làm cụ thể, được người thụ hưởng thừa nhận, thậm chí phải được đông đảo người dân đánh giá thông qua điều tra, khảo sát dư luận xã hội. Danh sách tập thể, cá nhân được khen thưởng phải công khai trên các phương tiện truyền thông, tránh tình trạng nhận khen thưởng xong lại bị kỷ luật, khởi tố hoặc phá sản.

Thi đua là một biện pháp cách mạng rất hữu hiệu và đã được kiểm chứng trong suốt quá tình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong thời gian qua, thi đua tiếp tục phát huy tác dụng và đóng góp to lớn vào những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, trước những tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường cũng xuất hiện những lệch lạc, biến tướng, làm giảm đi sức mạnh vật chất và tinh thần của phong trào thi đua. Mục tiêu khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, cùng với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 đã tạo ra một tiền đề thuận lợi, đưa phong trào thi đua bước sang một giai đoạn mới. Nhận thức sâu sắc mục tiêu tự lực, tự cường, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc với cách làm  tươi mới, phong trào thi đua yêu nước chắc chắn sẽ tiếp tục là một động lực to lớn góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

TS. Lương Ngọc Vĩnh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: