Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội đặc biệt, nơi sản sinh, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người. Trải qua những biến động, thăng trầm lịch sử, những giá trị tốt đẹp của gia đình không bị mất đi mà ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới, tạo điểm tựa, sức mạnh tinh thần, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Gìn giữ, vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành những con người mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa
ĐỊNH VỊ HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Với mỗi người dân Việt Nam, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nơi con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Từ cái nôi gia đình, mỗi cá nhân được trao truyền những tri thức văn hóa, những bài học đầu tiên về đạo lý làm người.
Cơ sở hình thành gia đình là hôn nhân, huyết thống, gắn liền với chức năng sản sinh, duy trì nòi giống, vì thế giá trị đầu tiên của gia đình là sự yêu thương, gắn kết giữa các thành viên, thế hệ, nhất là tình yêu thương, đức hy sinh của cha mẹ với con cái. Chính tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái, tinh thần khoan dung của thế hệ đi trước, tạo những xúc cảm lớn cho thế hệ trẻ để khi lớn khôn, trưởng thành, họ luôn nhớ về cội nguồn với sự thành kính, biết ơn vô hạn.
Khác với mô hình gia đình của một số nước phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, gia đình truyền thống của người Việt đề cao giá trị tập thể, cộng đồng. Điều này xuất phát từ cơ tầng của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Định cư bên những dòng sông, mưu sinh trên những cánh đồng rộng, thường xuyên phải đối diện với thiên tai lũ lụt, hạn hán và những cuộc xâm lăng của các thế lực hung hãn đến từ bên ngoài, người Việt phải nương tựa, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh cộng đồng để bảo vệ, gìn giữ sự bình yên của quê hương, đất nước. Hình ảnh của những lũy tre, những con đê bao bọc xóm làng nói lên truyền thống yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng của người Việt. Vì danh dự, lợi ích quốc gia dân tộc, vì bình yên của những mái nhà, người Việt sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí hy sinh những điều thiêng liêng, cao quý: Khi Tổ quốc lâm nguy, họ sẵn sàng tiễn người thân yêu ra mặt trận.
Lịch sử dân tộc đã đi qua những cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ nền độc lập, tự do. Làm nên những chiến công đó có sự góp sức người, sức của của biết bao gia đình Việt. Vì thế lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó, thủy chung trước sau như một là những giá trị cao đẹp được bồi đắp từ trong mỗi gia đình.
Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng lễ nghi, phép tắc; trọng đạo đức, tình người; trọng tuổi tác, kinh nghiệm, nên từ khi ra đời, qua tuổi thôi nôi, đến tuổi trưởng thành, mỗi cá nhân đều được xác lập một vị trí nhất định (vai vế, thứ bậc) trong tương quan với các mối quan hệ cha - con, anh - em, vợ - chồng, bè - bạn. Điều này được quy định rõ trong gia phả gia đình, dòng họ. Những quy ước bất thành văn của cộng đồng, gia tộc qua thời gian trở thành lệ làng, phong tục để mỗi cá nhân ý thức rõ về bổn phận, trách nhiệm của mình, từ đó hình thành phong cách, lề lối ứng xử phù hợp. Sống trong môi trường làng xã, cá nhân luôn được giáo dục, điều chỉnh hành vi thông qua khuôn mẫu ứng xử của cộng đồng, noi theo tấm gương sáng của những thế hệ đi trước. Sự đồng thuận, chở che, giúp đỡ của tình nghĩa anh em, láng giềng, tạo điểm tựa tinh thần và “sức đề kháng” văn hóa để mỗi cá nhân khi trưởng thành hay ở nơi xa xứ đều vẫn giữ được tiếng quê hương, bản sắc, truyền thống của quê nhà.
Một trong những đức tính, phẩm chất nổi bật của người Việt cũng như mỗi gia đình là sự cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, chắt chiu, dành dụm, luôn nghĩ, nhớ về người thân yêu. Với tinh thần lạc quan, hy vọng vào tương lai tốt đẹp, người Việt luôn quan tâm, chú trọng đến việc học hành của con cái, bởi con chữ, tri thức là con đường quan trọng để họ có thể tiến xa hơn, vượt qua ranh giới của cổng làng, mang lại niềm vinh hạnh cho gia đình, dòng họ.
Như vậy cùng với chức năng sản sinh, nuôi dạy con cái; duy trì nòi giống; giáo dục, gắn kết các thành viên; đảm bảo đời sống kinh tế ổn định thì những những giá trị tốt đẹp của gia đình như lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó thủy chung; sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ... đã kết thành sức mạnh tinh thần gắn kết các thành viên trong gia đình. Đúc kết về hệ giá trị gia đình Việt Nam, Đảng ta nhấn mạnh: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”(1). Như vậy, hệ giá trị gia đình là những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp được các gia đình kiến tạo, vun đắp trong quá trình phát triển. Hệ giá trị tạo điểm tựa tinh thần, tạo môi trường văn hóa, có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, định hướng con người đến những điều tốt đẹp. Ở khía cạnh khác, hệ giá trị gia đình là biểu hiện sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng.
Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”2.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới luôn xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3.
Mới đây, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước... Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”4.
|
GÌN GIỮ, PHÁT HUY HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. “Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước)... Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết”5. Sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển của mỗi gia đình, mang lại nhiều cơ hội trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của mỗi cá nhân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình từ xã hội nông nghiệp làng xã sang xã hội đô thị, văn minh, hiện đại, cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình truyền thống cũng có sự biến đổi để thích ứng. Tuy nhiên chức năng cơ bản và những giá trị tốt đẹp của gia đình vẫn được gìn giữ, phát huy. Nếu trước đây các thành viên trong gia đình ứng xử, giao tiếp chủ yếu theo chuẩn mực đạo đức, quy ước cộng đồng thì hiện nay các cơ quan ban ngành đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, bổ sung và làm rõ hơn các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, như Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016) cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cũng đã được thành lập từ trung ương đến địa phương. Nghị định 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ xác định cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình thuộc chức năng, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các cấp. Việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình với những chính sách cụ thể, thiết thực, đảm bảo mọi gia đình đều được quan tâm, chăm lo, phát triển.
Nhằm lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa gia đình cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về công tác gia đình, thời gian qua, nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tích cực liên quan đến việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được các địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Tiêu biểu như các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.., đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.
Qua tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2018, báo cáo của Chính phủ cho thấy: “Năm 2017, đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa. Đến nay, cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69 nghìn làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa”6. Còn sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cũng đã đặt được nhiều thành tựu nổi bật. Về kết quả thực hiện Mục tiêu 2 “Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam...” với 4 chỉ tiêu cụ thể, qua số liệu báo cáo của 63 tỉnh thành cho thấy trong 8 năm thực hiện Mục tiêu 2 của Chiến lược 2020, “có 44 tỉnh đạt Chỉ tiêu 1 (70%), 38 tỉnh đạt Chỉ tiêu 2 (60%), 43 tỉnh đạt Chỉ tiêu 3 (68%) và 36 tỉnh đạt Chỉ tiêu 4 (57%)”7. Những con số trên cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, của mỗi người dân trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, góp phần vào sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.
Một trong những yếu tố thuận lợi trong xây dựng hệ giá trị gia đình hiện nay là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của internet, mạng xã hội đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mỗi thành viên trong gia đình nâng cao năng lực hiểu biết, khả năng tiếp cận với những thông tin, tri thức mới.
Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền của trẻ em và phụ nữ - những nhóm người yếu thế cần được quan tâm, bảo vệ trong mỗi gia đình. Qua giao lưu, hội nhập, nhiều giá trị văn hóa mới đến từ các nước tiên tiến cũng được các gia đình tiếp thu, vận dụng, như các giá trị về quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; quyền bảo vệ trẻ em; quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật; vận dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; từng bước loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Đồng thời qua giao lưu, hội nhập, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt cũng được quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế, tạo được ấn tượng, cảm xúc đẹp đối với du khách về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cũng đứng trước những khó khăn, thách thức.
Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những cái mới, tiến bộ, tích cực đang nảy sinh, hình thành thì những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, những tập tục mang màu sắc mê tín dị đoan, tâm linh, thần bí vẫn hiện diện. Ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều hủ tục vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của không ít gia đình như vấn đề tảo hôn, chữa bệnh bằng bùa ngải, phép thuật của thầy mo; những nghi lễ rườm rà trong ma chay, cưới hỏi... ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của cá nhân, trở thành những rào cản trên con đường tiếp cận với cái tiến bộ, văn minh.
Thành tựu trong công cuộc đổi mới giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên chênh lệch về mức sống, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, gia đình công nhân còn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận các loại hình dịch vụ xã hội, vui chơi giải trí còn hạn chế. Hệ thống các thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo ra những khoảng cách với những rạn nứt trong quan hệ gia đình. Nhịp sống công nghiệp, con người chạy đua với công việc cùng những áp lực về thời gian, tiền bạc và cuộc sống mưu sinh khiến họ không có nhiều thời gian bên gia đình, con cái, nhất là với những gia đình có bố mẹ làm công nhân xa nhà.
Một hiện tượng gây nhức nhối dư luận và xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây là những vụ việc liên quan đến cha mẹ, anh em, vợ chồng chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, tranh giành lợi ích đất đai, tài sản, dẫn đến bất đồng, xô xát, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương, đổ máu vì những toán tính nhỏ nhen, ích kỷ. Vì lợi ích vật chất nhiều người sẵn sàng đánh đổi, thậm chí chà đạp lên giá trị, danh dự của gia đình, dòng họ, bất chấp chuẩn mực đạo đức cộng đồng. Những vụ việc về tham nhũng, buôn bán ma túy; buôn bán phụ nữ và trẻ em, cá cược, đánh bạc trên mạng; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường vẫn xuất hiện, đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, sự tha hóa nhân cách con người.
Quá trình đô thị hóa mang lại diện mạo, không gian mới cho các gia đình. Tuy nhiên mặt trái của đô thị hóa cũng đang làm mất đi không gian, cảnh quan văn hóa truyền thống trong đó có không gian, hình ảnh của những ngôi nhà cổ xưa. Vì mục tiêu phát triển, vì lợi ích vật chất, nhiều địa phương sẵn sàng đánh đổi không gian sinh hoạt cộng đồng, hy sinh cảnh quan, môi trường sinh thái nhân văn để đổi lấy những dự án thương mại, nhà ở cao tầng. Sự thay đổi của không gian, môi trường sống dẫn đến sự đổi thay trong nghề nghiệp, phương thức mưu sinh của các gia đình, từ nghề nông, thủ công truyền thống sang kinh doanh, buôn bán, dịch vụ khiến nhiều gia đình chưa kịp thích ứng, trong khi các hiện tượng phức tạp của lối sống đô thị không ngừng nảy sinh, đặt nhiều gia đình trước những thử thách trong việc lựa chọn, định hình giá trị. Về nhiều làng quê hiện nay, hình ảnh của những nếp nhà cấp bốn ba gian hai chái, xung quanh là sân vườn, cây cối, ao hồ đang trở nên thưa vắng, thay vào đó là những ngôi nhà ống cao tầng, cửa đóng then cài, đồng nghĩa với việc giao lưu, chia sẻ của tình nghĩa láng giềng cũng bị vơi đi ít nhiều.
Hiện nay, trong xu thế phát triển mới, mô hình gia đình truyền thống đang có sự thay đổi, dịch chuyển, từ gia đình tam tứ đại đồng đường sang gia đình hạt nhân nhằm đảm bảo tốt việc chăm sóc của cha mẹ với con cái. Cùng với đó là sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Tuy nhiên do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột và nạn ly hôn trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lí nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.
Như vậy, bối cảnh mới mở ra những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong có những giải pháp cơ bản như:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.
Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình, nhất là trong điều kiện hiện nay. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đó là: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới"8.
Thứ hai, bên cạnh việc phát huy những giá trị tích cực của hương ước, lệ làng, quy ước cộng đồng trong giáo dục, hình thành nhân cách con người thì trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lí đầy đủ về công tác gia đình.
Đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể trong việc đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng của nhân dân cũng như tạo không gian, môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân có cơ hội phát triển toàn diện. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác gia đình, trẻ em, đồng hành với các gia đình trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với những hoạt động phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia của các gia đình, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Quan tâm, chăm lo phát triển gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Gìn giữ, vun đắp hệ giá trị gia đình với sự kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và hiện đại sẽ tạo môi trường văn hóa lành mạnh, là điểm tựa tinh thần để mỗi cá nhân, gia đình không ngừng phát triển, tạo động lực, sức mạnh nội sinh góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. |
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua; tôn vinh các gia đình làm ăn kinh tế giỏi, gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; lồng ghép việc xây dựng gia đình văn hóa trong các chương trình, mục tiêu, đề án lớn của quốc gia nhằm khẳng định, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, dự báo xu hướng phát triển và những tình huống mới mà các gia đình có thể đối diện. Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, gia tăng sức mạnh và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trước những biến động của thời đại.
Thứ ba, phát huy tinh thần gương mẫu của các thế hệ đi trước, những tấm gương sáng về đạo đức, tri thức của ông bà, cha mẹ trong giáo dục dạy bảo con cháu. Định hướng năng lực thẩm mỹ, hướng thế hệ trẻ đến những điều tốt đẹp của chân, thiện, mỹ thông qua các phương tiện truyền thông, các xuất bản phẩm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, giáo dục đào tạo. Kiểm soát và thẩm định tốt những thông tin, luồng tư tưởng có nội dung xấu độc được lan truyền, phát tán trên mạng xã hội để cảnh báo kịp thời cho người dùng. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của mỗi gia đình./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Thu Hiền (st)
1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t. 64, tr. 126-127, 126
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 12, tr. 300
4. Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, ngày 24/6/2021.
5. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 966 (5/2021), tr. 11
6. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2018 (Báo cáo số 411/TB-VPCP, ngày 25/10/2018).
7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Báo cáo số 293/BC-BVHTTDL, ngày 31/12/2020).
Mục tiêu 2 của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có nội dung: “Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ”,
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 143.