1. Chính phủ: Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 12/7/2021 về mua vắc xin của Liên bang Nga
Theo đó, Chính phủ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế:
- Có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 (bốn mươi) triệu liều vắc xin Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam).
- Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vắc xin, ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vắc xin Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thỏa thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vắc xin BNT162 của Pfizer và vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC).
- Thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vắc xin, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 (bốn mươi) triệu liều vắc xin nêu trên theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục ngoại giao có liên quan. Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vận chuyển vắc xin theo đề nghị của Bộ Y tế. Các Bộ: Quốc phòng, Công an và các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
2. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 4638/VPCP-KGVX ngày 12/7/2021 về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19
Cụ thể, xét kiến nghị của Bộ Y tế tại Tờ trình số 1002/TTr-BYT ngày 07/7/2021 về việc cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:
Đồng ý các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn. Căn cứ phản hồi của các tỉnh đang thực hiện, Bộ Y tế rà lại hướng dẫn cho sát với thực tiễn.
3. Bộ Y tế: Công điện số 1046/CĐ-BYT ngày 13/7/2021 về việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Công điện nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tại cuộc họp ngày 12/7/2021, Công văn số 1274/VPQH-CQT ngày 25/6/2021 của Văn phòng Quốc hội về việc bảo đảm công tác y tế, phòng chống dịch COVID-19 phục vụ kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV và Kế hoạch số 1020/KH-BYT ngày 09/7/2021 của Bộ Y tế về bảo đảm công tác y tế và phòng chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; Bộ Y tế điện và đề nghị Văn phòng Quốc hội, các Cơ quan Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Tổ chức Chính trị - Xã hội Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung sau:
- Tiếp tục rà soát và lập danh sách đại biểu Quốc hội, khách mời và người phục vụ theo đơn vị Đoàn đại biểu; danh sách cán bộ, người của các đơn vị, cơ quan tham gia phục vụ Kỳ họp thứ Nhất để thực hiện việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
- Tổ chức triển khai ngay việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các đại biểu Quốc hội, khách mời, người tham gia phục vụ (người chưa tiêm thì tiêm mũi 1, người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian chỉ định thì tiêm mũi 2):
+ Đại biểu, cán bộ, người tham gia phục vụ Kỳ họp của các Cơ quan Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương tại Hà Nội chủ động liên hệ các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội để được tiêm chủng theo hướng dẫn tại Công văn số 3823/BYT-DP ngày 07/5/2021 của Bộ Y tế.
+ Đại biểu và người phục vụ của Đoàn đại biểu của các tỉnh, thành phố chủ động liên hệ với Sở Y tế để được tiêm theo hướng dẫn thực hiện.
+ Đại biểu, cán bộ, người tham gia phục vụ Kỳ họp của ngành Công an, Quân đội do các đơn vị y tế của ngành triển khai thực hiện.
+ Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 được thực hiện xong trước ngày 17/7/2021.
- Lấy mẫu xét nghiệm đối với đại biểu Quốc hội, khách mời, người phục vụ của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cán bộ, người phục vụ khác tại Kỳ họp thứ Nhất thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đủ 02 lần theo hướng dẫn tại Công văn số 5507/BYT-DP ngày 11/7/2021 của Bộ Y tế.
- Riêng đối với các đại biểu, khách mời, người phục vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang và những khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác đang áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg , Chỉ thị 16/CT-TTg ngoài việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đủ 02 lần theo như hướng dẫn tại Công văn số 5507/BYT-DP ngày 11/7/2021 của Bộ Y tế; đồng thời thực hiện thêm một lần xét nghiệm vào ngày 15-16/7/2021 trước khi đi tham dự Kỳ họp, trong thời gian tham dự Kỳ họp sẽ được lấy mẫu 3 ngày/lần để xét nghiệm SARS-CoV-2 do Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
+ Bố trí các đại biểu, khách mời, người phục vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh, thành phố, khu vực có nguy cơ cao nêu trên phòng riêng, khu riêng tại khách sạn, nhà khách, phương tiện di chuyển, đưa đón riêng, bố trí khoang riêng trong khi di chuyển bằng máy bay; ngồi khu vực riêng trong quá trình tham dự họp để thuận tiện cho việc theo dõi sức khỏe, đồng thời áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với các tình huống.
+ Lái xe phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội này cũng được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 như đối với các đại biểu Quốc hội và bố trí khu vực riêng tại khách sạn, nhà khách.
- Các đại biểu Quốc hội, người phục vụ của các Đoàn đại biểu Quốc hội có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trước khi đến tham dự Kỳ họp thứ Nhất tại Hà Nội đề nghị không phải thực hiện cách ly y tế, nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của Ban Tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
- Đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động liên hệ với Sở Y tế để thực hiện việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi đi tham dự Kỳ họp và quán triệt các đại biểu, người phục vụ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
4. Bộ Y tế: Công văn số 5533/BYT-DP ngày 12/7/2021 về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương
Cụ thể, trong thời gian qua, số người từ Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao; nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng đối với những người từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện Công văn số 5389/BYT-MT ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người từ thành phố Hồ Chí Minh về địa phương.
- Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ Thành phố Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ) từ 07 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
- Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương lưu trú. Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
5. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 6779/BGTVT-VT ngày 13/7/2021 về việc đề nghị ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải
Theo đó, để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng ách tắc vận tải hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện một số nội dung sau:
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm Y tế dự phòng...) bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản (bao gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) theo hướng dẫn tại các văn bản số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 và số 4351/BYT-MT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế; ưu tiên trả lời kết quả nhanh cho người điều khiển phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, tránh gây ách tắc phương tiện vận tải.
- Thông tin công khai các địa điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra cho lái xe để người lái xe và nhân dân biết, thực hiện xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu thuận lợi lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch.
6. Bộ Giao thông vận tải: Công điện số 08/CĐ-BGTVT ngày 08/7/2021 về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Giao thông vận tải
Theo đó, thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh chính tại cuộc họp trực tuyến với thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi của mình đôn đốc, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 177/TB-VPCP ngày 06 tháng 7 năm 2021 nêu trên.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ GTVT và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh vùng rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ vùng dịch theo quy định.
- Tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh/thành phố khác hoặc từ tỉnh/thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế), trừ trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân... làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp khi đi lại hàng ngày giữa thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố lân cận; hàng ngày thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Việc quản lý người, phương tiện đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan: Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
- Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải, bến xe, bến tàu, bến phà, nhà ga, cảng hàng không, sân bay, chủ phương tiện chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình quản lý.
- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tích cực và tự giác hợp tác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện các biện pháp mạnh khi cần thiết về phong tỏa, giãn cách, cách ly.
- Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần “3 không: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
- Trong trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có kịch bản cụ thể xử lý vấn đề như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân... để không làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân.
7. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công điện số 14/CĐ-CTUBND ngày 12/7/2021 về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước
Công điện nêu rõ, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa cả nước đang bước vào giai đoạn mới; diễn biến dịch bệnh nhanh và phức tạp hơn, biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh đặc biệt tại các thành phố lớn có mật độ dân cư tập trung, số lượng các nhà máy, cơ sở sản xuất, hoạt động kinh doanh lớn như tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong những ngày gần đây, Thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân và cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn chưa thực hiện nghiêm: Vẫn còn tình trạng người dân đi tập thể dục tại các khu vực công cộng; tụ tập đông người tại địa điểm công cộng, các quán cà phê, tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống trong nhà không đảm bảo đầy đủ quy định phòng chống dịch... kèm theo nguy cơ lây lan khi người dân từ các tỉnh, thành phố khác trong đó có nhiều địa phương đang là vùng dịch quay trở về Thủ đô. Ngày 11/7/2021, Thành phố ghi nhận 18 ca mắc trong đó phần lớn là các trường hợp về từ Thành phố Hồ Chí Minh; đây là nguy cơ, rủi ro, lây lan dịch bệnh rất lớn cho nhân dân Thủ đô. Trước những diễn biến phức tạp, quán triệt quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, kết luận tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 12/7/2021, với quyết tâm giữ an toàn, bình yên, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh; Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố quyết liệt thực hiện một số nội dung sau:
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố:
+ Yêu cầu chính quyền các cấp từ Thành phố đến cấp cơ sở cần tập trung cao độ, thực hiện ngay các ý kiến chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố, đặc biệt tại các Chỉ thị, Công điện của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5389/BYT-MT ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế; Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 07/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố và Công văn số 2149/UBND-KGVX ngày 08/7/2021 của UBND Thành phố.
+ Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và chính quyền các cấp thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
+ Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố; tuyệt đối không để xảy ra sai sót, sai phạm do ý thức lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm ngặt các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch; xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm.
- Kiểm soát toàn bộ người dân từ các tỉnh, thành phố trở về Thành phố:
+ Yêu cầu người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, phải có giấy xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2 tối đa 03 ngày trước khi trở lại Thành phố; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại Thành phố.
+ Giao Công an Thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào Thành phố và tại Cụm cảng hàng không miền Bắc: Kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào Thành phố tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về Thành phố, đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.
+ Từ 00h00 ngày 13/7/2021, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế): Lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác... phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
+ UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tần suất các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở; qua công tác giám sát của Tổ COVID cộng đồng và sự giám sát, phát hiện phản ánh của người dân tại địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật các tổ chức, cá nhân khai báo không kịp thời, không trung thực để xảy ra hậu quả lây lan dịch bệnh.
- Tại các địa bàn có các khu Công nghiệp, nhà máy sản xuất quy mô lớn:
+ Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương chỉ đạo toàn bộ các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trong các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp chỉ hoạt động khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế.
+ Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng có liên quan, tổ COVID cộng đồng lập danh sách người lao động trong các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, quản lý quá trình di biến động tại địa phương; thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch sau thời gian lao động.
- Từ 00h00 ngày 13/7/2021: Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
- Tổ chức đợt cao điểm kiểm tra xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19:
+ Giám đốc Công an Thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp, cơ sở dịch vụ không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
+ Kiên quyết xử Iý nghiêm các trường hợp vi phạm: Tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.
- Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn tăng cường tuyên truyền và phản ánh các cơ sở, địa bàn có vi phạm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời; tăng cường hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, các kênh, phương thức tuyên truyền phổ biến kịp thời, hiệu quả đến cơ sở, tổ dân phố, cộng đồng, người dân để tạo sự đồng thuận, chủ động, tích cực thực hiện kịp thời, hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Thu Hiền (tổng hợp)