Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, một kho tàng đầy của báu, có giá trị trường tồn, vì hướng tới tương lai, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, những luận điểm của Người về xây dựng Đảng nói chung và xây dựng tổ chức cơ sở đảng nói riêng là một nội dung rất quan trọng. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về xây dựng tổ chức cơ sở đảng là vấn đề quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tổ chức cơ sở đảng là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở là một yếu tố quan trọng để Đảng vững mạnh. Hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng là chi bộ, nơi quán triệt và bàn các biện pháp chấp hành triệt để các nghị quyết của Đảng; nơi đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; nơi gắn liền Đảng với quần chúng, nơi vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt"1; "Thực tế cho thấy, chỗ nào chi bộ tốt công việc trôi chảy, chỗ nào chi bộ kém, công việc xộc xệch"2. Người nhấn mạnh: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt”3. Chi bộ, đảng bộ cơ sở còn là "dây chuyền để Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, đưa đường lối của Đảng vào nhân dân, nâng cao nhận thức chính trị của nhân dân; định hướng suy nghĩ và hành động của nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng. Chi bộ còn là "gốc rễ" của Đảng trong nhân dân đối với mọi hoạt động của Đảng, làm tăng uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Về nhiệm vụ của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích cụ thể nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ
Đối với chi bộ cơ quan, nhiệm vụ cụ thể là: “Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to. Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng suất công tác, giữ gìn bí mật của nước nhà, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc. Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc, giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ. Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ”4.
Đối với chi bộ ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã... Phải nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ của xã viên... Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng, phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh”5.
Để tổ chức cơ sở đảng làm tốt nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những yêu cầu cơ bản về lãnh đạo, về tổ chức để thực hiện
Trong công tác lãnh đạo, phải bảo đảm nguyên tắc đoàn kết nội bộ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và muốn làm tốt việc ấy còn phải dân chủ nội bộ, tự phê bình, phải phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta “đoàn kết là điểm tựa”, “sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”. Người thường xuyên nhắc nhở các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Người khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đoàn kết bằng việc nói đi đôi với làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thực sự, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật.
Trong công tác tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ... đó là:
1. Tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao cho.
2. Giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng.
3. Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia.
4. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.
5. Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
6. Luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.
7. Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô.
8. Thực hành tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng.
9. Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng.
10. Giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà nước và luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch”6.
Cùng với chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán trong các chi bộ cơ sở. Chính Người đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Chi bộ bốn tốt”. Vậy thế nào là chi bộ “bốn tốt”? Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Là đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, không gương mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh. Do đó, phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ. Hồ Chí Minh chỉ ra yêu cầu phải xử lý đúng mức: Nếu sai phạm mất hết tư cách đảng viên thì cần đuổi ra khỏi Đảng, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng hiện nay
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng; các nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đưa ra phương hướng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”7.
Theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thời gian qua, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc sắp xếp các tổ chức cơ sở đảng cũng đã được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả, chuyển biến tích cực. “Số lượng tổ chức cơ sở đảng giảm do được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước”7. Tính đến ngày 30-9-2020, toàn Đảng có 52.125 tổ chức cơ sở đảng (24.788 đảng bộ cơ sở, 27.337 chi bộ cơ sở), giảm 4.951 tổ chức cơ sở đảng so với đầu nhiệm kỳ; trực thuộc đảng ủy cơ sở có 2.487 đảng bộ bộ phận và 227.328 chi bộ với 5.192.533 đảng viên, tăng 568.638 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ8. Tuy nhiên, một số nơi còn lúng túng, thiếu kiên quyết trong việc kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tổ chức cơ sở đảng, dẫn đến hoạt động còn chưa đồng bộ, thông suốt và chưa đạt mục tiêu đề ra. Cần tiếp tục nghiên cứu và quy định thống nhất cách tổ chức tổ chức cơ sở đảng phù hợp với những loại hình đơn vị đặc thù, như trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…; khắc phục tình trạng “cơ sở trong cơ sở”. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở xã, phường, thị trấn; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở.
Tổ chức cơ sở đảng dù được thành lập ở loại hình đơn vị cơ sở nào, thì đều có vai trò là hạt nhân chính trị, là “sợi dây liên hệ giữa Đảng với quần chúng”. Tổ chức cơ sở đảng trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, các tổ chức cơ sở đảng cần rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế, chương trình làm việc của cấp ủy.
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở”9. Do vậy, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Việc tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng phải gắn với thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Ba là, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy.
Cấp ủy các cấp cần chú ý lựa chọn những đảng viên có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, biết tập hợp quần chúng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để lãnh đạo toàn diện công tác của tổ chức cơ sở đảng. Đội ngũ này cần có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có khả năng đoàn kết đảng viên, quần chúng xung quanh cấp ủy. Sau đại hội, cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các cấp ủy viên, trước hết là bí thư, phó bí thư cấp ủy của tổ chức cơ sở đảng; tạo điều kiện để đội ngũ này được thường xuyên học tập, nghiên cứu, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của đảng ủy cấp trên, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; và nắm vững nguyên tắc, thủ tục sinh hoạt đảng, nhất là các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Nội dung sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn cứng nhắc, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu những buổi sinh hoạt chuyên đề nên trí tuệ tập thể của đảng viên chưa được phát huy, nhất là với đảng viên trẻ, đảng viên vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Tính chiến đấu trong đấu tranh, tự phê bình và phê bình còn hạn chế, làm cho tính tiền phong, gương mẫu của một số đảng viên có lúc bị mờ nhạt. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”10.
Để khắc phục tình trạng trên, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ, giữ vững nền nếp sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ định kỳ theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức và hình thức sinh hoạt chi bộ bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của từng loại hình chi bộ; thực hiện tốt quy định về sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn yếu, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn phổ biến. Do đó, thời gian tới cần tập trung vào kiểm tra việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng trong các tổ chức cơ sở đảng và mọi cán bộ, đảng viên. Kiểm tra để bổ sung, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động cụ thể của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với tình hình mới, với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng Điều lệ Đảng, đúng pháp luật.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, Người đặc biệt chú trọng xây dựng chi bộ, đội ngũ đảng viên và cán bộ chủ chốt của chi bộ; chú trọng công tác lãnh đạo và công tác tổ chức của mỗi chi bộ. Đặc biệt, Người luôn yêu cầu các tổ chức đảng phải quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tích cực học tập, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các tổ chức đảng với quần chúng nhân dân… Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng là ánh sáng soi đường cho công tác xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ lịch sử và đã được Đảng ta kiên định quán triệt, vận dụng trong công tác xây dựng Đảng, được các đảng bộ địa phương vận dụng sáng tạo trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng thời kỳ mới; nhờ đó, đã thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Trường Chính trị Quảng Bình
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.210.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.266
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.92.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 288.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.222.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.28.
7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 229
8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.185
9. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr,185.
10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.189.