1. Thủ tướng Chính phủ: Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương

 P66
Ảnh minh họa/ Internet

Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo:

- Đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 16) đối với các địa phương: cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19 tháng 7 năm 2021.

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.

- Các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo, phân công của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

- Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý:

+ Kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.

+ Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho Nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

+ Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

+ Căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và điều chỉnh các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp với tình hình.

- Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng vi-rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K. Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, thay mặt Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền.

- Các Phó Thủ tướng, Thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.

2. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 4777/VPCP-QHĐP ngày 15/7/2021 về việc các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đã giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg. Để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương này, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố khác tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương.

Đặc biệt, cần phải lưu ý các nhiệm vụ sau đây:

- Không để tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

- Có kế hoạch cụ thể bố trí chuyên chở, thực hiện cách ly, phòng, chống dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu đảm bảo nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương đến Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ đời sống của người dân, không để thừa, thiếu cục bộ hoặc ứ đọng, không kịp thời vận chuyển, phân phối hàng hóa đến người dân.

Trong đó, khi phân bổ, ưu tiên các nguồn vắc xin cho Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý bổ sung đối tượng là người lao động phục vụ trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm giữa các địa phương và Thành phố Hồ Chí Minh hoặc công dân làm việc tại các doanh nghiệp tập trung, khu công nghiệp, cảng biển…

3. Bộ Y tế: Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2)

Hướng dẫn này đưa ra định nghĩa ca bệnh như sau:

Trường hợp bệnh nghi ngờ, bao gồm các trường hợp:

1. Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác.

2. Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ* có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần (**) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

* Vùng dịch tễ: được xác định là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” của Bộ Y tế và được cập nhật bởi Cục Y tế dự phòng.

** Tiếp xúc gần: bao gồm

- Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID-19; làm việc cùng với nhân viên y tế mắc COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19.

- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

- Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp ... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

Trường hợp bệnh xác định: Là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real - time RT-PCR.

Hướng dẫn cũng nêu rõ, căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đạt các tiêu chuẩn sau:

- Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2;

- Tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30);

Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.

Ngoài ra, sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của Y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày;

Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.

4. Bộ Y tế: Công văn số 5599/BYT-MT/BYT-DP ngày 14/7/2021 về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19

Căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung liên quan đến thời gian cách ly y tế, thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) và quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0) như sau:

- Giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế), tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo. Thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng

-  Về thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà: Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho đối tượng F1 (gửi kèm theo) thay thế cho Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 của Bộ Y tế. Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có thể điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai (thông qua video clip, tài liệu truyền thông...); chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.

+ Sau khi thí điểm, tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.

- Về quản lý điều trị: Nhằm giảm số lượng người bệnh COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và chỉ đạo thực hiện:

+ Với các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế: có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.

+ Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng: nếu có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24h làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.

+ Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Trong Hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) (Kèm theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế), Bộ Y tế hướng dẫn yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà như sau:

- Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 1.

- Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi.

- Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly.

- Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.

- Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác.

- Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày theo hướng dẫn tại Phụ lục 3.

- Phân loại chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục 3.

- Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

- Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Yêu cầu đối với người ở cùng nhà:

- Có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 1 và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly theo mẫu tại Phụ lục 2.

- Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly.

- Không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện Thông điệp 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

- Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 2.

- Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly hàng ngày.

- Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.

- Thu gom chất thải từ phòng cách ly theo hướng dẫn tại Phụ lục 3.

- Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế).

- Tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế.

- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày.

- Tất cả người ở cùng nhà được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly (trừ người ở cùng nhà đã chuyển đi ở nơi khác), sắp xếp một khu vực trong nhà để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế khi có yêu cầu.

- Trường hợp có người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly thì người chăm sóc, hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thời gian và số lần xét nghiệm giống như người cách ly.

5. Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế: Công văn số 1354/ATTP-NĐTT ngày 14/07/2021 về việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, người tham gia phòng, chống Covid-19 tại khu công nghiệp, khu cách ly

Theo đó, để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp thực hiện tổ chức bữa ăn như sau:

- Sắp xếp các ca ăn lệch giờ, tránh tập trung đông người ở căng tin/phòng ăn trong một khung giờ; khuyến khích bố trí các khu vực ăn riêng theo từng phân xưởng sản xuất, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất… tại căng tin, phòng ăn của cơ sở;

- Cung cấp các suất ăn cá nhân, việc lấy suất ăn theo nguyên tắc một chiều.

Khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19, trường hợp là F1, F2, trong khi thực hiện cách ly, truy vết, khoanh vùng theo quy định, khuyến khích cung cấp suất ăn cho người lao động tại từng vị trí làm việc tùy theo tình hình dịch bệnh.

- Đảm bảo khoảng cách khi ăn, bố trí so le tùy theo tình hình dịch; lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn…;

- Tránh ngồi đối diện, trò chuyện khi ăn; ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết;

- Bố trí khu vực rửa tay, sát khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn; thực hiện vệ sinh, thu gom rác thải, khử khuẩn ngay sau mỗi lượt người lao động ăn, uống.

- Có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt hoặc phiếu ăn để trả tiền ăn.

Đối với cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, suất ăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, cơ sở cách ly, Cục ATTP yêu cầu ký cam kết phòng, chống dịch với Ban quản lý, chính quyền địa phương; phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, cơ sở cách ly thực hiện việc quản lý danh sách người lao động, lịch trình, thời gian làm việc của người lao động.

Thực hiện định kỳ xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động, yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

6. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 6870/BGTVT-CYT ngày 15/7/2021 về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương dịch COVID-19

Cụ thể, trước tình hình số người từ TP. Hồ Chí Minh về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao, ngày 12/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5533/BYT-MT hướng dẫn điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục thực hiện Công văn số 6641/BGTVT-CYT ngày 09/7/2021 của Bộ GTVT về việc tăng cường giám sát người đến từ TP. Hồ Chí Minh và các vùng đang có dịch.

- Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ thành phố Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ) từ 07 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà theo hướng dẫn của y tế địa phương nơi cư trú.

- Những cán bộ, công chức, viên chức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, đến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hướng dẫn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện an toàn.

Mục đích: Đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Yêu cầu:

- Các doanh nghiệp được bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này.

- Việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối tượng: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp); Đoàn viên, người lao động (người Việt Nam và nước ngoài);

Phạm vi: trong doanh nghiệp.

Nguyên tắc chung là:

- Chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; kịp thời, công khai thông tin; tăng cường các khuyến cáo, cảnh báo; người sử dụng lao động và người lao động (hoặc tổ chức công đoàn) bàn bạc, thống nhất phương án phù hợp với tình hình doanh nghiệp và yêu cầu của chính quyền địa phương (trừ trường hợp cấp thiết).

- Đề cao tính tự giác, ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và địa phương; thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương.

- Căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền và Hướng dẫn này, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai trên địa bàn.

Hướng dẫn nêu rõ, điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp:

- Về nguy cơ lây nhiễm COVID-19: ở mức nguy cơ thấp trở xuống (<30%) theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; có kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế (mẫu Kế hoạch theo Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế).

- Không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế.

- Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp.

- Bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và đảm bảo rút ngắn tối đa quãng đường, tối thiểu cung đường vận chuyển người lao động với phương châm 01 cung đường vận chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.

- Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.

- Tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Điều kiện đối với người lao động:

- Địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương.

- Địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại doanh nghiệp để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do doanh nghiệp tổ chức thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người lao động có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.

Đối với người sử dụng lao động:

- Doanh nghiệp thực hiện 03 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.

- Yêu cầu nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương quy định và các quy định pháp luật hiện hành; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động.

- Chủ động tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cho người lao động, không để tình trạng hoảng loạn, mất trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng gây bất ổn trong doanh nghiệp.

- Phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại doanh nghiệp.

- Lập danh sách thông tin người lao động theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

8. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công điện số 15/CĐ-CTUBND ngày 18/7/2021 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn Thành phố

Theo đó, UBND TP Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 từ 0h ngày 19-7 trên địa bàn toàn Thành phố. Cụ thể:

- Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

- Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...).

Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode", chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo.

Đối với các cơ quan, công sở của Thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca, hạn chế làm việc đông người.

Hà Nội cũng vận động người dân trong Thành phố hạn chế đi lại, đặc biệt là di chuyển đi các tỉnh khác. Người từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển về Thủ đô thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn TP; lập tức thông tin và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: