Lợi dụng việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số thông tin cho rằng, việc thực hiện Đề án đó là không thực tế; cần phải bác bỏ.

Họ cho rằng: Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu của chủ nghĩa tư bản, do đó không thể lấy thành tựu đó “gán ghép” vào chủ nghĩa xã hội; khi nhắc đến chủ nghĩa xã hội thì phải gắn liền với “chuyên chính vô sản”, “Đảng trị”, v.v. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tất yếu sẽ thất bại, hao tổn tài sản và nguồn lực của đất nước. Từ đó, họ lặp lại “điệp khúc”: Chỉ khi nào “xóa bỏ” chế độ xã hội chủ nghĩa thì mới có thể xây dựng thành công nhà nước pháp quyền. Những luận điệu trên là phi lý, hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền nói chung, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Thứ nhất, quan điểm cho rằng nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu của chủ nghĩa tư bản là một quan điểm hoàn toàn sai, tự biện và duy ý chí. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã hình thành và thể hiện trong quan điểm của các nhà tư tưởng từ thời cổ đại. Ở phương Đông, đó được xem là tư tưởng pháp trị của các nhà pháp gia, như: Quản Trọng, Thương Ưởng, Hàn Phi, v.v. Quản Trọng chủ trương đề cao “Luật, lệnh, hình, chính”, vua phải giữ pháp, “không vì vua muốn mà thay đổi lệnh, lệnh đáng tôn hơn vua”. Hàn Phi coi pháp là chuẩn mực cao nhất của việc cai trị đất nước, khi thi hành pháp luật thì không kể đến tình cảm riêng, không câu nệ chuyện thân sơ, sang hèn, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật: “pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”. Ở phương Tây, điển hình là: Xô-crát (469 - 399 Tr.CN), Arixtốt (384 - 322 Tr.CN), Xixêrôn (l06 - 43 Tr.CN). Những tư tưởng này đã được các nhà tư tưởng chính trị và pháp lý tư bản sau này như: John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J.Rút-xô (1712 - 1778), I.Kant (1724 - 1804), Hêghen (1770 - 1831),… phát triển như một thế giới quan pháp lý mới. Cùng với các nhà lý luận nổi tiếng nói trên, nhiều nhà luật học, nhà tư tưởng vĩ đại khác cũng đã góp phần phát triển các tư tưởng về nhà nước pháp quyền như Tômát Jepphecxơn (1743 - 1826 - tác giả của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776), Tômát Pên (1737 - 1809), Jôn A đam (1735 - 1826), v.v.

Như vậy, tư tưởng về nhà nước pháp quyền có từ rất sớm, có trước chủ nghĩa tư bản; nó là sản phẩm của nhân loại. Do đó, nhà nước ấy phải có tính từ: nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền không chỉ có đóng góp của các triết gia trước tư sản, mà còn có sự đóng góp của những nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội. C.Mác, Ph.Ăgghen và V.I.Lênin dù không chính thức nói đến nhà nước pháp quyền như là một trong những nội dung chính yếu trong học thuyết của mình, nhưng các ông luôn quan tâm đến Nhà nước và cách mạng, Nhà nước và pháp luật. Trong các bài viết, bài nói, họ đã thể hiện tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăgghen được thể hiện trong các tác phẩm: “Sự khốn cùng của triết học”, “Phê phán triết học pháp quyền Hegel”,v.v. C.Mác chỉ ra cơ sở xã hội như nền tảng vật chất của pháp luật; Ông cho rằng “chế độ dân chủ không phải con người tồn tại vì luật pháp mà luật pháp tồn tại vì con nguời”. Ph.Ăghen viết: “đối với chúng ta,… điều bất di bất dịch là quan hệ giữa người cầm quyền và người bị lãnh đạo phải được thiết lập trên cở sở pháp luật”1. V.I.Lênin tiếp thu, phát triển tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăgghen và đưa học thuyết của các Ông đến mức độ hoàn bị hơn. V.I.Lênin nói: “Nếu không rơi vào không tưởng thì không thể nghĩ rằng sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, người ta tức khắc có thể làm việc cho chủ nghĩa xã hội mà không cần phải có một tiêu chuẩn pháp quyền nào cả”. Trong xây dựng Nhà nước Xô viết, V.I.Lênin nhiều lần đòi hỏi bộ máy chính quyền phải thật sự là của nhân dân lao động, phải thật sự bảo đảm dân chủ, phải dùng pháp luật (pháp luật Xô viết) để đấu tranh chống sự lề mề, quan liêu, hối lộ (tức là phải sử dụng pháp luật, đưa pháp luật lên trên hết)2, v.v. Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội dù không xem nhà nước pháp quyền là bộ phận trong học thuyết của mình, nhưng trong toàn bộ học thuyết vĩ đại ấy đã thể hiện quan điểm về những yếu tố pháp quyền, góp phần làm phong phú tư tưởng về nhà nước pháp quyền và đặt ra những ý tưởng mầm mống về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn lịch sử nhân loại minh chứng, nhà nước pháp quyền ngoài các giá trị phổ biến còn bao hàm các giá trị đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc. Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được xác định bởi hàng loạt yếu tố. Các yếu tố này về thực chất là rất đa dạng, phong phú và phức tạp, được xác định bởi các điều kiện về lịch sử, truyền thống - văn hóa, tâm lý xã hội của mỗi dân tộc, các chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa và môi trường địa lý. Vì thế, không thể có một nhà nước pháp quyền chung chung như một mô hình chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Mỗi quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp. Do vậy, nói nhà nước pháp quyền là sản phẩm, là thành tựu của chủ nghĩa tư bản là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Thứ hai, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. Quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và là sự vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước và pháp luật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Theo tư tưởng của Người, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Toàn bộ quyền lực Nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Điều 1, Hiến pháp 1946 do Người làm Trưởng ban soạn thảo, khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Quan điểm của Ðảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, được cụ thể hóa tại Khoản 1, Điều 2, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”3.

Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Với Hiến pháp năm 1946, chủ nghĩa lập hiến và quyền con người từ các giá trị tư tưởng đã trở thành các giá trị pháp luật hiện thực trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Những quy định của Hiến pháp năm 1946 là những chuẩn mực hiến định đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đã hơn 75 năm qua, 5 bản Hiến pháp đã lần lượt tương ứng với các giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta. Vượt lên tất cả sự thăng trầm, phức tạp của thời cuộc, mỗi bản Hiến pháp (các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013) là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Thứ ba, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, có bước phát triển mới. Cụ thể: hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; nội dung, phương thức quản lý nhà nước từng bước điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Tổ chức bộ máy nhà nước từng bước được kiện toàn theo hướng tinh giản biên chế, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường. Thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

 Những đặc điểm riêng có của Việt Nam, gồm: sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống dân tộc và kinh nghiệm, khả năng ứng phó thách thức là những yếu tố mang tính then chốt để Việt Nam vượt qua thách thức toàn cầu chưa từng có. Với thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống COVID-19 hiệu quả, đã chứng minh tính ưu việt của chế độ, khả năng quản trị quốc gia tốt, bản lĩnh và khả năng ứng phó với thách thức của Đảng và Nhà nước ta. Nó góp phần làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn rằng, toàn Đảng, toàn dân ta đang đi đúng hướng trong việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc điểm Việt Nam. Đồng thời, phản bác mọi xuyên tạc của các thế lực thù địch về bản chất của chế độ ta, tính hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta.

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn trên cho thấy: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về bản chất với nhà nước pháp quyền tư sản. Pháp quyền dưới chủ nghĩa tư bản, về thực chất, là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Đất nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” dưới sự lãnh đạo của Đảng là một xu thế khách quan, mang tính quy luật; tạo sự đồng thuận và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phạm Thanh Điềm,

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

______________

1. Viện Nhà nước và pháp luật - Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Tập I, Nxb Lý luận chính trị. 2000, tr. 118 - 119.
2. Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Tổng hợp TpHCM. 2006, tr. 164.
3. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2020, tr. 174.

Bài viết khác: