nhiem vu hoi dong phoi hop
Ảnh internet

Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 08/8/2021, thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.

Theo Quyết định, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các thành phần khác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương cơ bản giữ nguyên như Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Quyết định bổ sung thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng (Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương) nhằm bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, bổ sung thành viên là đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, phù hợp với bối cảnh, yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng và chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau: Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả; Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương; Thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…..

Quyết định cũng quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Ủy viên Hội đồng; quy định về Cơ quan Thường trực Hội đồng và Tổ Thư ký.

Ngoài ra, Quyết định còn quy định chế độ làm việc và thông tin, báo cáo của Hội đồng; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động của Hội đồng, Tổ Thư ký cho phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng các cấp. Chậm nhất ba tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã được thành lập theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg phải được kiện toàn theo Quyết định này./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: