Một trong những nét đặc sắc nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề đạo đức của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Bác Hồ không chỉ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng mà chính bản thân Người còn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng để chúng ta học tập và làm theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức cách mạng, vì cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng viên là tế bào của Đảng. Sức mạnh của Đảng là do sức mạnh của đội ngũ đảng viên tạo nên. Bác Hồ khẳng định: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt". Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải đặc biệt chú trọng việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, trước hết Người nói về Đảng và vấn đề đạo đức đã được đặc biệt nhấn mạnh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng cho việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Một là, lời nói phải đi đôi với việc làm, phải nêu gương về đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Người thường phê phán loại cán bộ, đảng viên nhút nhát, kém cỏi, nói không dám nói, làm không dám làm; cái gì cũng chờ cấp trên bảo sao làm vậy. Loại cán bộ ấy là thụ động, thiếu sáng tạo và trở nên vô dụng. Và tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt chước... Nếu miệng thì tuyên tuyền bảo người ta siêng năng mà mình thì tự ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô dụng. Theo Bác Hồ, đối với người phương Đông, nhất là đối với người Việt Nam giàu tình cảm, một tấm gương sống còn có giá hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vì vậy, cần phải nêu những tấm gương sáng về đạo đức cho mọi người học tập noi theo.
Hai là, xây phải đi đôi với chống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng". Tuy nhiên, xây dựng phải luôn đi đôi với chống, chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức; theo quan điểm của Người là chống cũng nhằm mục đích xây. Đây là một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp không phải là ngày một, ngày hai có thể làm được. Biện pháp để xây dựng và chống có hiệu quả, theo Bác Hồ là thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ một cách thành khẩn, trung thực, thẳng thắn và dũng cảm. Người cho rằng muốn thành người cán bộ, đảng viên tốt phải có tinh thần tự phê bình và phê bình cao. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không kiên quyết sửa nó đi. "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Ba là, phải rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao đạo đức cách mạng suốt đời mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mỗi người cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hằng ngày; đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Theo Người: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu. Khi cách mạng thuận lợi, cũng như lúc cách mạng gặp khó khăn thử thách, cán bộ, đảng viên đều phải rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng. Thực tế cuộc sống đã cho thấy khi mới vào Đảng, khi mới được bầu, mới được đề bạt vào các chức danh nọ, chức danh kia, hầu như ai cũng là người tốt; nhưng có một số ít người do không rèn luyện thường xuyên đã bị danh lợi uy quyền, tiền tài, sắc đẹp... làm cho gục ngã, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống. Cho nên việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thực hiện trong suốt cả cuộc đời.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để cho mọi đảng viên đều có phẩm chất, đạo đức tốt; chi bộ luôn luôn trong sạch vững mạnh thì phải thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó xuất phát từ vai trò của Đảng, bởi "Đảng ta là một Đảng cầm quyền". Nghĩa là Đảng trực tiếp lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng một mặt khẳng định sức mạnh, quyền lực to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng nên đã vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi. Chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh không ngoài mục đích nào khác là nhằm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức./.
Theo Website Báo Đồng Nai
Tâm Trang (st)