1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 26/7/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước và trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa/ Internet
Thông báo nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch, thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân thì một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là cần có đủ, nhanh nhất vaccine phòng bệnh và để chủ động về vaccine cần phải sản xuất được trong nước.
Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 quan tâm chỉ đạo theo từng giai đoạn của dịch và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phải dành sự quan tâm đặc biệt để nhanh nhất, sớm nhất có thể sản xuất được vaccine trong nước.
Trình tự, thủ tục hành chính có thể rút gọn tối đa, nhưng phải đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định về pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ có liên quan hoàn thiện báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa nội dung về nghiên cứu, sản xuất vaccine vào Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, bổ sung thông tư theo trình tự rút gọn để hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký, lưu hành vaccine trong trường hợp cấp bách, trên cơ sở cụ thể hóa quy định của luật pháp, tham khảo quy trình của các nước như: Trung Quốc, Anh, Nga, Mỹ, Cuba, Ấn Độ… đã thực hiện việc cấp phép vaccine phòng COVID-19 trong tình hình hiện nay; phù hợp với luật pháp điều kiện của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thành lập tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo bộ phụ trách, dành ưu tiên đặc biệt cho việc lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, hỗ trợ đối với từng loại vaccine; mời các chuyên gia trong nước, chuyên gia WHO hỗ trợ trực tiếp các đơn vị tham gia nghiên cứu trong việc thu thập, phân tích dữ liệu, báo cáo kết quả nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine, nhất là đối với vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng như Nanocovax, COVIVAC.
Hướng dẫn nhà sản xuất xây dựng hồ sơ đăng ký cấp phép theo quy trình rút gọn vaccine COVID-19 sản xuất trong nước để trình các hội đồng chuyên môn xem xét theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và sớm có kế hoạch gối đầu nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của các vaccine đang được nghiên cứu, sản xuất ở trong nước.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy, hỗ trợ tối đa cho các nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị COVID-19; cung ứng ngay các loại thuốc hỗ trợ, nâng cao sức khỏe; hướng dẫn sử dụng các phương pháp y học cổ truyền, bài thuốc dân gian… cho người mắc COVID-19, người trong khu cách ly; góp phần ổn định tâm lý cho người bệnh, người dân.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ tối đa các nhà nghiên cứu, sản xuất trong việc thực hiện quy trình đánh giá tính sinh miễn dịch, sớm hoàn thành quy trình đánh giá tính sinh miễn dịch; tham khảo quy trình cấp phép vaccine phòng COVID-19 của một số nước, rút ngắn trình tự, thủ tục, sớm đánh giá được kết quả thử nghiệm, tiến hành các thủ tục cấp phép nếu vaccine đạt hiệu quả; bảo đảm đúng quy định của luật pháp trên cơ sở khoa học và thực tiễn; tập trung, hỗ trợ tích cực đối với các dự án chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine thông qua chuyển giao công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn cho việc chuyển giao công nghệ và quy trình, hồ sơ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng đối với các dự án chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 nhằm bảo đảm tính khả thi của việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình, định mức hỗ trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine và kinh phí đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất vaccine COVID-19 trong nước từ các nguồn kinh phí hợp pháp; bảo đảm rõ ràng, công bằng, bình đẳng đối với tất cả các đơn vị tham gia nghiên cứu, cắt giảm tối đa thủ tục có tính hành chính.
Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong việc nghiên cứu, phát triển vaccine để Việt Nam có được vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất.
2. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 5049/VPCP-KTTH ngày 26/7/2021 về việc tiếp nhận xe ô tô cứu thương cho, tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh
Cụ thể, xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tại văn bản số 3347UBND-KT ngày 21 tháng 7 năm 2021 về việc xin tiếp nhận xe ô tô cứu thương cho, tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
- Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, tổng kết đánh giá việc thực hiện chủ trương tại Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 10 ngày 3 năm 2017 về việc chấm dứt tiếp nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng; trên cơ sở đó đề xuất chủ trương thực hiện trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, trên tinh thần không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, đồng thời vẫn phát huy hiệu quả các nguồn lực của xã hội và tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid 19, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 1491/VPCP-KTTH ngày 22 tháng 6 năm 2021.
- Trước mắt khi chưa có chủ trương mới theo điểm 1 nêu trên, để kịp thời huy động các nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch Covid 19, giao các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động xem xét, quyết định việc tiếp nhận xe cứu thương trong lĩnh vực y tế do tổ chức, cá nhân tài trợ phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid 19 thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; không áp dụng điểm 1 và điểm 3 Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 10 ngày 3 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ. Việc tiếp nhận phảỉ bảo đảm tiêu chuẩn, định mức và các quy định liên quan theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ.
- Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các bộ, ngành địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn xử lý kịp thời; trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính đề xuất xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1326/QĐ-TTg ngày 23/7/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Theo đó, bổ sung 1.553.518,172 triệu đồng (Một nghìn năm trăm năm mươi ba tỷ năm trăm mười tám triệu một trăm bảy mươi hai nghìn đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Phụ lục chi tiết kèm theo) như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 7848/BTC-VI ngày 16 tháng 7 năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định của pháp luật có liên quan, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Kinh phí đảm bảo doanh trại (vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của công dân; sửa chữa doanh trại, điện nước, phương tiện và xăng, dầu,...) đảm bảo không trùng lặp với số kinh phí đã được bổ sung tại Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và Quyết định số 1384/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (lần 2).
4. Bộ Y tế: Quyết định 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Hướng dẫn này là căn cứ để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện (Hướng dẫn này sẽ được cập nhật theo tình hình thực tế triển khai tiêm chủng).
Theo đó, các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay:
- Vắc xin bất hoạt.
- Vắc xin sử dụng véc-tơ vi-rút.
- Vắc xin protein tái tổ hợp.
- Vắc xin DNA.
- Vắc xin RNA.
- Vắc xin vỏ vi rút.
Tính đến ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện một số vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm:
- Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất.
- Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) của JSC Generium - Liên Bang Nga.
- Vắc xin COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc.
- Vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer.
- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna của hãng Moderna.
Lịch tiêm: Hầu hết các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể:
- Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần
- Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vắc xin Comirnaty: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vắc xin SARSCoV-2 Vaccine: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần
- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần
Theo Hướng dẫn, trước khi tiêm chủng nhân viên y tế tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 các nội dung theo Phụ lục 3 kèm theo Hướng dẫn này.
Đơn cử, sau tiêm chủng, người được tiêm chủng tự theo dõi 28 ngày, đặc biệt trong 7 ngày đầu.
Khi thấy một trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm chủng cần liên hệ ngay với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Toàn thân:
+ Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;
+ Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;
+ Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
5. Bộ Công Thương: Công văn số 4481/BCT-TTTN ngày 27/7/2021 về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu sau:
- Nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục tại Phụ lục II, III, và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; có Phụ lục kèm theo Công văn 4481).
- Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…).
- Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…).
- Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Bộ Công thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất triển khai.
Thu Hiền (tổng hợp)