Ngày 28-11-2018, tại một hội nghị ngành quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã phát biểu, đúc rút nên một bài học thấm thía, rằng: Danh thơm còn mãi, chức tước, tiền tài chỉ là phù vân!
Là một đảng viên, tôi thực sự thấm thía với ý tứ "chức tước là phù vân!". Bởi lẽ, lịch sử dân tộc ta đã minh chứng: Có những vị quan thanh liêm, chính trực, không màng danh lợi... thì danh thơm lưu mãi; nhưng cũng không ít quan tham, dùng mưu hèn, kế bẩn tranh giành quyền lực, gây rối triều chính... cũng được ghi lại như những vết nhơ lịch sử không thể rửa sạch.
Nhưng bài học lịch sử ấy xem ra vẫn chưa đủ để thức tỉnh lòng người, không thắng được sự mời gọi của sức hút quyền lực. Những năm gần đây, chúng ta thật sự đau lòng khi chứng kiến tình trạng cán bộ mua bằng cấp, mua ghế, tậu chức vụ, kéo bè, kéo cánh đấu đá lẫn nhau... hòng “trèo cao, leo sâu” vào bộ máy cầm quyền, rồi mặc nhiên “ăn trên ngồi trốc” và “làm quan cách mạng”. Thực trạng đó “nóng hổi” đến độ, Bộ Chính trị phải ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: nhandan.com.vn
Đáng nói là vị trí công tác của những kẻ được ví như “tắc kè chính trị” có được không chỉ thông qua sự mua bán, đổi chác lợi ích, mà còn được tạo dựng từ những âm mưu, thủ đoạn mang "sắc màu chính trị”. Ấy là việc phân chia phe cánh, cấu thành lợi ích nhóm, đấu đá kèn cựa, hạ bệ lẫn nhau trong chính nội bộ cơ quan, đơn vị. Sự đấu đá khắc nghiệt đến nỗi: Có những cán bộ tốt sau mỗi đợt quy hoạch, hoặc trước dịp bổ nhiệm, bầu cử thì bị vu khống, trù dập, đón nhận thông tin tiêu cực nhiễu nhương nhằm “tung hỏa mù” bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín cá nhân. Có những cán bộ vốn chính danh quân tử, có trình độ, phẩm chất tốt, nhưng khi được quy hoạch lại sợ mình bị rơi vào "bẫy" lợi ích nhóm, trở thành "quân xanh" trong công tác cán bộ. Họ sợ sự hiện thực của mưu hèn, kế bẩn từ phía những người mà vốn ngày thường vẫn “sống tốt với nhau”, nhưng khi cuộc tranh đấu quyền lực bắt đầu thì mối quan hệ ấy lại chuyển sang một thái cực khác...
Thế nhưng, đáng buồn hơn nữa là hiện nay có rất nhiều người biết tường, hiểu tận về thực tế nêu trên, nhưng lại cố tình làm ngơ, mặc nhiên im lặng để tránh bị vạ lây theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Họ chấp nhận đối diện với thực tế đó, xem như một lẽ tự nhiên của quy luật cạnh tranh sinh tồn, phát triển... Và do đó mà cái xấu hiển nhiên nảy nở trong tổ chức; các mầm mống tiêu cực cũng vì đó mà hiện hữu ngày càng nhiều trước ánh nhìn của những người dù có lương tâm, nhưng không đủ can đảm hay ý chí đấu tranh mạnh mẽ.
Là cán bộ, đảng viên chân chính, chúng ta phải mặc nhiên trung thành với lý tưởng của Đảng, nhưng cũng an nhiên về chức trách, cương vị, mà tổ chức, nhân dân phó thác. An nhiên là bởi, có thể hôm nay anh được bổ nhiệm, ngày mai xin từ chức hay bị tổ chức giáng chức, cách chức, thải loại - hôm nay anh được thăng tiến, ngày mai bị điều chuyển, trở về vị trí cũ... thì ấy là chuyện hết đỗi bình thường. Đảng ta hiện đang rất quyết liệt vận hành công tác cán bộ theo hướng: “Có lên-có xuống, có vào-có ra” - đó sẽ là môi trường tốt để cán bộ phấn đấu một cách bình đẳng, dân chủ, trong môi trường văn hóa công vụ ngày càng sạch sẽ, thơm tho!
Vậy nên, chức tước sẽ mãi là phù vân! Dù ở vị trí công tác cao hay thấp, cán bộ hay nhân viên... thì mỗi người đều có vị thế và giá trị riêng. Cốt tử là nếu anh làm tốt phận sự, chức trách của mình thì có thể danh thơm sẽ được lưu lại, hay chí ít là lan tỏa đến đồng chí, đồng nghiệp. Vậy nên mong rằng, mỗi người đừng quá tham vọng, nhẫn tâm tranh giành, mua bán quyền lực, chức tước, vì việc làm đó đi ngược lại với luân thường đạo lý; không tuân mệnh các bậc tiền nhân, không vâng lời răn dạy của Bác Hồ kính yêu; tất yếu sẽ bị quần chúng coi thường và nhất là sẽ tự đánh mất đi những giá trị nhân cách quý nhất của đời người!
Nguyễn Tấn Tuân
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)