Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Phòng, chống sự xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc đó là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thủ đoạn tinh vi, mục tiêu chống phá không thay đổi

Nhận thấy không xóa được chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, nếu không xóa được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Họ cho rằng, “quân đội do nhà nước nuôi dưỡng nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng đảng phái nào”. Họ viện dẫn thực tiễn ở các thể chế chính trị tư sản với chế độ đa đảng, quân đội không do đảng nào lãnh đạo. Dựa vào đó, họ phủ nhận nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”; đòi bỏ quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng” ở Điều 65, Hiến pháp 2013...

Mục tiêu nhất quán của những thủ đoạn trên là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò Quân đội ta là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Lý luận và thực tiễn đã bác bỏ âm mưu chống phá

Những thủ đoạn trên dù rất tinh vi, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương diện lý luận, nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, quân đội mang bản chất giai cấp của nhà nước tổ chức và nuôi dưỡng nó. Không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không có quân đội “phi chính trị”. Ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, đảng nào thắng thế sẽ đứng ra lập chính phủ, nên quân đội bao giờ cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền; đồng thời, bất cứ đảng cầm quyền nào cũng tìm cách nắm quân đội. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thường xuất hiện lời kêu gọi “quân đội không đứng về đảng phái nào”; nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu thuẫn từ quân đội.

phong chong xuyen tac
Cán bộ, chiến sĩ LLVT giúp nhân dân thu hoạch vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang.
Ảnh: qdnd.vn

Đối với các nước XHCN, Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đây là nguyên tắc được V.I.Lênin đề ra ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, để tổ chức xây dựng Hồng quân công nông. Nguyên tắc đó bảo đảm cho quân đội luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng Cộng sản, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân, là công cụ bạo lực để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Trên phương diện thực tiễn, ở Liên Xô vào cuối thế kỷ trước, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước mắc sai lầm nghiêm trọng khi tự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội. Vì thế, quân đội Liên Xô mất phương hướng chính trị, không bảo vệ được Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; mặc dù, quân số còn gần 4 triệu người với vũ khí trang bị hiện đại.

Ở Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Chánh cương vắn tắt năm 1930 của Đảng xác định “Tổ chức ra quân đội công nông”1, mà quân đội ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 14 năm sau, Đảng tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với mô hình có chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Là người xây dựng, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn yêu cầu “Xây dựng quân đội-một quân đội nhân dân thật mạnh dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”2. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”3. Lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã chứng minh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội; việc thực hiện nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là sự bảo đảm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là thực tiễn sinh động bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống

Để phòng, chống sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Trong mọi hoàn cảnh phải luôn giữ vững nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong lịch sử Đảng ta lãnh đạo quân đội, mặc dù hình thức diễn đạt ở mỗi thời kỳ có khác nhau. Theo đó, Đảng không chia sẻ, ủy quyền lãnh đạo quân đội cho bất kỳ tổ chức, lực lượng, cá nhân nào; không thông qua một khâu trung gian nào. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội tập trung vào Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là toàn diện, trên mọi mặt công tác, mọi nhiệm vụ, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của quân đội, ở đó có sự lãnh đạo của Đảng.

Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng gắn liền với sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội. Mọi hoạt động của quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng quân đội thành luật pháp, chính sách và tổ chức thực hiện trong thực tế. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quân đội đều nhằm bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ vững bản chất GCCN, tính nhân dân và tính dân tộc; có sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải kiên định nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”.

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh (TSVM). Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội chỉ được tăng cường khi bản thân Đảng TSVM. Đây là giải pháp căn cốt nhất để bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, cũng như đối với quân đội. Để Đảng luôn vững mạnh, chúng ta cần kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với chỉnh đốn, giữa xây dựng với bảo vệ Đảng; tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Vấn đề then chốt là tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội TSVM, mẫu mực, tiêu biểu, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo đảm mọi tổ chức đảng trong quân đội luôn TSVM về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi người hiểu rõ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân. Trong thời gian tới, cần tăng cường thông tin, định hướng cho mọi tầng lớp nhân dân quán triệt những quan điểm cơ bản của Đại hội XIII về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội. Làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ những nội dung cơ bản của đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân, tư duy mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng; thấm nhuần nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong thời gian tới.

Để tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời gian tới. Cần làm cho mọi quân nhân nhận thức đầy đủ hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; hiểu rõ Quân đội ta là quân đội nhân dân do Đảng xây dựng, giáo dục và rèn luyện. Trên cơ sở đó, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, không mơ hồ, mất cảnh giác trước những thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Chủ động đấu tranh, phản bác các thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhưng rất bức thiết, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực xây dựng nội bộ đơn vị mình, tổ chức mình vững mạnh toàn diện để không có ai dao động trước những thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nghiên cứu, các học viện, nhà trường; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đối với nhiệm vụ đấu tranh phản bác các thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận nòng cốt, chuyên sâu; tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền miệng và trên mạng xã hội, internet.

Phòng, chống sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò nòng cốt. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với xây dựng nội bộ vững mạnh là phương thức hữu hiệu để làm thất bại mọi mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch.

Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hồi,
nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân 
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.1.
2. Sđd, Tập 7, tr. 220.
3. Sđd, Tập 7, tr. 14.

Bài viết khác: