1. Chính phủ: Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 4 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương tại Văn bản số 453/BC-BCT, sẽ giảm giá tiền điện cho hai đối tượng sau:

- Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố; các quận, huyện thuộc tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thời điểm 30/7/2021 với mức giảm 15% tiền điện trước thuế VAT nếu hóa đơn sử dụng đến 200 kWh/tháng và 10% tiền điện trước thuế VAT nếu hóa đơn trên 200 kWh/tháng trong hai tháng 8/2021 và tháng 9/2021.

- Miễn phí tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung không thu phí hoặc có thu phí phòng, chống dịch trong thời gian có người đang thực hiện cách ly và mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị bán lẻ điện khác trong 07 tháng từ tháng 6/2021 - 12/2021.

Các đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 của Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 về phòng, chống dịch COVID-19

P 70
Ảnh minh họa/ Internet

Công điện nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện Lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua.

- Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức đưa đón người dân.

Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

- Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trước khi quyết định.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.

Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

+ Tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vắc xin.

+ Tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Sẵn sàng chi viện cho các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam theo sự điều phối của Bộ Y tế.

Chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch. Có phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những nơi không nhất thiết cần nhân viên y tế thì hướng dẫn các lực lượng khác và nhân dân thực hiện.

+ Xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án đảm bảo sản xuất, đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.

- Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh, hiệu quả theo quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc xin, thuốc phục vụ phòng; chống dịch COVID-19; rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

3. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19

Thông báo nêu rõ, tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25 tháng 7 năm 2021, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

- Không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

- Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

- Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

- Tại các vùng có dịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung trên từ 0 giờ ngày 30 tháng 7 năm 2021; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ Y tế: Quyết định số 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 ban hành Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2

“Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2” áp dụng trên phạm vi toàn quốc cho nhân viên y tế và các đối tượng khác được nhân viên y tế phân công đánh giá nguy cơ.

Theo Tiêu chí, 19 bệnh nền có nguy cơ cao gồm:

  1. Đái tháo đường
  2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác
  3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)
  4. Bệnh thận mạn tính
  5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
  6. Béo phì, thừa cân
  7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
  8. Bệnh lý mạch máu não
  9. Hội chứng Down
  10. HIV/AIDS
  11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ
  12. Bệnh hồng cầu hình liềm
  13. Bệnh hen suyễn
  14. Tăng huyết áp
  15. Thiếu hụt miễn dịch
  16. Bệnh gan
  17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
  18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
  19. Các loại bệnh hệ thống

Các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-COV-2:

  1. Ho
  2. Sốt (trên 37,5 độ C)
  3. Đau đầu
  4. Đau họng, rát họng
  5. Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi
  6. Khó thở
  7. Đau ngực, tức ngực
  8. Đau mỏi người, đau cơ
  9. Mất vị giác
  10. Mất khứu giác
  11. Đau bụng, buồn nôn
  12. Tiêu chảy

Tình trạng cấp cứu:

  1. Rối loạn ý thức
  2. Khó thở, thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94%
  3. Nhịp tim nhanh > 120 nhịp/phút
  4. Huyết áp tụt, huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg
  5. Bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu.
  6. Bộ Y tế: Công văn số 6151/BYT-TCCB ngày 30/7/2021 về việc bảo đảm nhân lực y tế trong phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại các tỉnh phía Nam và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Để bảo đảm nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị mình và sẵn sàng hỗ trợ nhân lực y tế cho các tỉnh, thành phố có số lượng người bệnh COVID-19 gia tăng đột biến, Bộ Y tế đề nghị người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

- Xây dựng phương án huy động nhân lực y tế, kể cả nhân lực y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, những người đã nghỉ hưu, tình nguyện và đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên địa bàn để có thể sẵn sàng đáp ứng các kịch bản của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị, địa phương mình, thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

- Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổ chức tập huấn, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn, các quy trình kỹ thuật về lấy mẫu, xét nghiệm, giám sát, truy vết, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 và các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho toàn thể đội ngũ nhân lực y tế của địa phương, đơn vị mình để kịp thời tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi có nhu cầu.

- Lập danh sách bác sỹ, điều dưỡng và các nhân lực y tế khác sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương có số lượng người bệnh COVID-19 gia tăng đột biến theo sự điều phối chung của Bộ Y tế.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng người bệnh COVID-19 gia tăng đột biến thì cần xây dựng nhu cầu cụ thể về nguồn nhân lực y tế (số lượng, chủng loại, địa điểm tiếp nhận...) gửi Bộ Y tế để có thể điều động nguồn nhân lực y tế từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ thấp hơn, bổ sung kịp thời đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế của các địa phương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có nhu cầu huy động nguồn nhân lực y tế phải xây dựng kế hoạch tiếp nhận nguồn nhân lực y tế: nơi tiếp nhận, thời gian tiếp nhận, người liên hệ, phương thức phối hợp hoạt động, các biện pháp bảo đảm điều kiện ăn, ở, đi lại, đồng thời thành lập Bộ phận điều phối nguồn nhân lực y tế phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương mình để huy động và điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế được huy động.

- Bộ Y tế thành lập Bộ phận điều phối nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế phụ trách để điều phối chung nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế phòng chống dịch COVID-19 trong cả nước…

6. Bộ Y tế: Quyết định số 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”

Theo đó, các giường bệnh hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 nặng cần bảo đảm các yêu cầu sau:

-  Thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế.

- Có đầy đủ các thiết bị gồm hệ thống ô-xy trung tâm, hệ thống khí nén trung tâm, hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh.

-  Bảo đảm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

Có các thiết bị, vật tư đặc thù phục vụ đối tượng người bệnh thuộc chuyên khoa Nhi.

-  Bảo đảm biệt lập với các khoa/phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Trong trường hợp cấp bách, bệnh viện chủ động thiết lập trung tâm hoặc khoa hồi sức tích cực và tiếp tục bổ sung khắc phục các yêu cầu nếu chưa đạt ngay (ví dụ lắp đặt thang máy bổ sung).

7. Bộ Y tế: Công văn số 6058/BYT-KH-TC ngày 27/7/2021 về việc bảo đảm hậu cần phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Cụ thể, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca nhiễm mới tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, Bộ Y tế hướng dẫn về công tác mua sắm để bảo đảm công tác hậu cần trong phòng chống dịch COVID-19 như sau:

Về bảo đảm hậu cần trong phòng chống dịch COVID-19:

Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có một số kết luận, chỉ đạo về việc bảo đảm hậu cần trong phòng chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ, trong đó:

Ngày 21/7/2021, Thường trực Ban bí thư đã có Điện về tiếp tục tăng cường phòng chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu: “Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ,...; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.”

Ngày 22/7/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu: “Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch”.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Thành ủy về việc bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, oxy y tế, phương tiện để phòng, chống dịch từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương theo phương châm bốn tại chỗ.

Một số nội dung về mua sắm trong phòng chống dịch COVID-19:

Bộ Tài chính đã có Công văn số 4841/BTC-HCSN ngày 12/5/2021 hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế đã có Công văn số 4551/BYT-TB-CT ngày 05/6/2021 hướng dẫn một số nội dung về mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Đề nghị các địa phương căn cứ vào pháp luật về đấu thầu, Nghị quyết số 79/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế để tổ chức mua sắm trong phòng chống dịch theo đúng các quy định hiện hành. Bộ Y tế lưu ý một số nội dung như sau:

- Hình thức lựa chọn nhà thầu

Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ đã quy định: “...Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu”.

Nghị quyết số 79/NQ-CP của Chính phủ đã khẳng định “,... Việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu”.

Đề nghị các địa phương, đơn vị áp dụng tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật để tổ chức mua sắm, trong đó có hình thức chỉ định thầu quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu.

- Danh mục mua sắm:

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản hướng dẫn về chuyên môn, trong đó có:

+ Quyết định số 3207/QĐ-BCĐQG ngày 25/7/2021 về phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 100.000 và 200.000 người mắc COVID-19;

+ Quyết định số 277/QĐ-BCĐQG ngày 08/7/2021 về phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 30.000 người mắc COVID-19;

+ Công văn số 5583/BYT-TB-CT ngày 13/7/2021, Công văn số 5787/BYT-TB-CT ngày 20/7/2021 về danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, giấy phép nhập khẩu kèm thông tin hiệu năng;

+ Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 về việc ban hành Danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh COVID-19;

+ Quyết định số 1259/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 về việc ban hành Danh mục phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu của 01 khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19;

+ Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 về trang thiết bị, dự phòng, giám sát;

+ Công văn số 3842/BYT-DP ngày 10/5/2021 của Bộ Y tế gửi các địa phương về tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2;

+ Công văn số 1769/BYT-KHTC ngày 31/3/2020 về việc hướng dẫn các tiêu chuẩn, định mức giường cách ly tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19;

+ Quyết định số 159/QĐ-BCĐQG ngày 29/4/2020 về việc ban hành kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.

Căn cứ vào các văn bản, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát số lượng hiện có, số cần mua bổ sung để bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Về tham khảo giá:

Thực hiện Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế, các đơn vị, địa phương trên cả nước đã công khai giá trúng thầu vật tư, trang thiết bị tại địa chỉ https://congkhaiketquathau.moh.gov.vn (Bộ Y tế đã có Công văn số 4885/BYT-KH-TC ngày 18/6/2021 hướng dẫn tra cứu thông tin). Bộ Y tế cũng đã công khai giá bán do đơn vị cung ứng công bố tại địa chỉ: https://dmec.moh.gov.vn/.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị căn cứ khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 79/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tin nêu trên để xác định và quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Về hỗ trợ các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm và Oxy y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19:

Bộ Y tế đã có Công văn số 5821/BYT-TB-CT ngày 20/7/2021 về việc rà soát, có phương án đảm bảo nguồn cung ứng và sử dụng Oxy y tế cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và Công văn số 5838/BYT-KCB ngày 21/7/2021 về việc đảm bảo sẵn sàng thu dung, điều trị Covid-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương. Tuy nhiên qua thực tế phản ánh từ đơn vị tình hình triển khai tại các địa phương vẫn có vướng mắc. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo một số nội dung sau:

- Chỉ đạo đơn vị chức năng tại địa phương hỗ trợ, đảm bảo điện, nước, an ninh,... để các đơn vị sản xuất vật tư, thiết bị y tế, oxy y tế không bị gián đoạn sản xuất, cung ứng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (không đóng cửa nếu đơn vị có phương án phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu và đảm bảo sản xuất).

- Có cơ chế ưu tiên, hướng dẫn đăng ký luồng xanh về giao thông, vận tải1 và xét nghiệm nhanh cho các phương tiện vận chuyển tránh đứt gãy nguồn cung vật tư, thiết bị và oxy y tế phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế.

8. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19"

Chỉ thị nêu rõ, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để tập trung phòng, chống dịch Covid-19 theo văn bản chỉ đạo số 177-CV/TU, ngày 23-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 23-7-2021 của Chủ tịch UBND thành phố, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp đã cơ bản triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố; tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ. Việc thực hiện Chỉ thị còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình đó, nhằm tận dụng thời gian “vàng” giãn cách, kiểm soát không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn Thành phố, ưu tiên tối đa cho việc bảo đảm sức khỏe, đời sống của Nhân dân; quán triệt Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; với tinh thần xuyên suốt từ Thành phố tới cơ sở và từng cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, Nhân dân Thủ đô là phải ưu tiên bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đồng thời phải bảo vệ bằng được Thủ đô, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch Covid-19; Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện nghiêm các nội dung sau:

- Nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng Nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước. Toàn hệ thống chính trị xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc một cách thực chất, chủ động, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

Phát huy hoạt động của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng; huy động tối đa sự tham gia của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh… để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vừa giảm tải cho lực lượng chính quy, lực lượng tuyến đầu trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của Thành phố, tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn từng cơ quan, đơn vị, gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn tới quận, huyện, thị xã và toàn Thành phố.

- Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, chấn chỉnh toàn diện việc triển khai, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố trên địa bàn mình quản lý, bảo đảm thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ và toàn diện từng nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố, đặc biệt là tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban thường vụ cấp ủy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/24h và 7 ngày/tuần để kịp thời chỉ đạo giải quyết công việc trong mọi tình huống; gắn quản lý địa bàn với trách nhiệm cá nhân đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ các cấp; bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực; tăng cường các kênh giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và Nhân dân.

- Các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản tại một số quận, huyện… để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Các quận, huyện, thị xã chủ động làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của các cơ quan này với cơ sở. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo các lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng Công an, Quân đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh các khu cách ly tập trung của thành phố, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức, quyết định thành lập các khu cách ly để có thể tiếp nhận ngay công dân F1 tại địa bàn khi có yêu cầu.

Cùng với phòng, chống dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội; khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND thành phố, đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.

- Các Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU, ngày 4-6-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; các cấp, các ngành của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị (từ quận, huyện, thị xã đến tận xã, phường, thị trấn và thôn, làng, tổ dân phố, cơ sở cách ly tập trung,…); giám sát thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy; coi hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; công bố công khai để làm gương.

- Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố quyết liệt điều hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất, kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để được chỉ đạo giải quyết.

Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, kiên cường, quyết liệt, năng động, sáng tạo và tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng toàn hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở và toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ để tổ chức thực hiện.

9. UBND thành phố Hà Nội: Công văn số 2456/UBND-KGVX ngày 30/7/2021 về việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố (TP), số ca mắc mới ngoài cộng đồng liên tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Để tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách xã hội nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho Thủ đô và an toàn, sức khỏe của người dân thành phố là trên hết, trước hết; Chủ tịch UBND TP yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội thuộc TP; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Chủ tịch Tổng Giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc TP chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm.

Trong đó, yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị (bao gồm các đơn vị trực thuộc) chấp hành việc giãn cách xã hội và quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết (trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; công việc cần thiết khác theo yêu cầu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị) mới đến làm việc trực tiếp tại công sở. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị phê duyệt danh sách và cấp giấy đi đường cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng Chỉ thị số 17/CT-UBND và chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2434/UBND-KT.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: