Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện, Người nêu rõ: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”1. Tự học chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động học, là bộ khung là nội lực quyết định chất lượng học tập, các yếu tố khác là ngoại lực. Tự học phải thường xuyên mọi lúc và người đã làm gương. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học.
Người căn dặn: “Không phải có thầy thì học, không thầy đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”2. Theo Hồ Chí Minh thì mỗi người đều cần tự học để tự khẳng định mình. Chỉ có tự học mới đánh thức dậy tiềm năng còn đang ngái ngủ ở người học, để người học bừng tỉnh dậy mà tự bộc lộ mình làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mình, tự xác lập và tự khẳng định vị trí có thể có của mình trong cuộc đời, trọng sự nghiệp tương lai. Vấn đề tự học vừa thể hiện xu hướng cơ bản của nhà trường hiện đại vừa quán triệt tư tưởng đổi mới cách dạy, cách học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”3.
Với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội, đòi hỏi quá trình dạy học ở các nhà trường phải thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học; trang bị hệ thống kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng tương ứng với một ngành nghề, một chức danh quân sự nhất định; phát triển trí tuệ; hình thành thế giới quan khoa học, lý tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng; chuẩn bị tâm lý cho người học với khối lượng nội dung tri thức nhiều và khó. Quá trình tự học giúp học viên phát triển tính tự giác, tích cực và tính độc lập nhận thức, khắc phục tính thụ động, ỷ lại vào thầy hoặc người khác. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi học viên cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu.
Thực tiễn đào tạo các trường sĩ quan trong quân đội những học viên ưu tú đều được chọn làm khóa luận tốt nghiệp. Hầu hết học viên làm khóa luận thay cho thi tốt nghiệp đều là những học viên có nhiều ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự tích lũy và có nhận thức đúng về vai trò của tự học. Tuy nhiên ý thức tự học của một số học viên vẫn còn mờ nhạt và thiếu phương pháp tự học, chưa phát huy được khả năng tư duy độc lập và sáng tạo trong học tập. Phương pháp học của học viên còn nặng về thụ động, thiếu tính tích cực trong việc xây dựng cho mình những cách thức tự học thích hợp.
Trước thực trạng đó để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo theo tư tưởng tự học của Hồ Chí Minh cần thực hiện cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về vai trò của tự học trong quá trình đào tạo.
Đây là nội dung biện pháp có vị trí, ý nghĩa quan trọng hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo, định hướng. Thực hiện tốt nội dung biện pháp này góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về sự cần thiết phải nâng cao vai trò của tự học của học viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn thực hiện có hiệu quả việc tự học, trước hết phải bắt đầu từ chủ thể đào tạo, trong đó đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và học viên có vai trò quan trọng nhất, nội dung, phương thức tăng cường chất lượng tự học của các lực lượng này là tập trung phát triển trình độ, năng lực, các phẩm chất chính trị, đạo đức, nghề nghiệp, tiêu biểu là một phẩm chất nhân cách sĩ quan đầy đủ các phẩm chất quân đội yêu cầu, tồn tại một miền nhận thức để thu hút người học khám phá, thu nhận tri thức, kinh nghiệm.
Việc nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tác dụng của tự học sẽ giúp học viên có thái độ và hành vi học tập đúng đắn, tự giác, tích cực suy nghĩ, tìm tòi, khám phá tri thức để hoàn thành các nhiệm vụ học tập, thỏa mãn nhu cầu nhận thức của bản thân và vững vàng trong công tác sau này. Chất lượng học tập, tự học của người học viên là kết quả của nhiều nhân tố tác động của cả hệ thống giáo dục đào tạo của nhà trường, kể cả giáo viên, học viên, cán bộ, các cơ quan quản lý, phục vụ… Trên cơ sở của từng bài học, môn học, thông qua thái độ, động cơ và đặc điểm nhận thức của người học viên mà đội ngũ cán bộ, giảng viên nắm bắt được những mặt mạnh, yếu của họ. Qua đó, xây dựng cho học viên có tình cảm, thái độ đúng đắn, kích thích học viên tích cực học tập và rèn luyện, đồng thời đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi về kiến thức, kĩ năng, thái độ mà học viên phải thực hiện.
Hai là, không ngừng đổi mới nội dung chương trình theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
Nội dung chương trình là yếu tố cơ bản, cốt lõi của quá trình dạy học, nó tạo nên nội dung cơ bản của hoạt động dạy của giảng viên và tác động đến hoạt động lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng của người học viên. Nội dung chương trình quy định hệ thống những tri thức cơ bản theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo người cán bộ sĩ quan trong tương lai. Với phương pháp dạy học bậc đại học là dạy cho học viên cách tự học, tự nghiên cứu là chính, bồi dưỡng cho học viên tri thức về phương pháp làm nền tảng cơ bản cho việc nâng cao năng lực tư duy động lập, sáng tạo và năng lực nhận biết, giải quyết các vấn đề để người học viên phát huy hết khả năng nội lực của mình trong tự học. Nội dung chương trình phải bảo đảm được tính cơ bản - hệ thống - thống nhất - chuyên sâu, bao quát toàn bộ nội dung các môn học cơ bản, cơ sở, chuyên ngành phục vụ cho nâng cao năng lực tư duy của người học. Phải từ vai trò chức năng của từng môn học, ngành học tác động đến việc hình thành các phẩm chất, năng lực của họ để đảm bảo thời gian giữa các môn, ngành học, giữa lý thuyết với thực hành, thực tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học. Đổi mới nội dung chương trình phải quán triệt sâu sắc nguyên lý trong giáo dục đào tạo là: “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “giảng đường gắn với thao trường”, “nhà trường gắn với chiến trường, với đơn vị và xã hội”.
Đổi mới nội dung chương trình phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ đào tạo, có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, cân nhắc cụ thể, tỉ mỷ để xây dựng một cách hợp lý, bảo đảm là một hệ thống tri thức kỹ năng cơ bản về các khối kiến thức phù hợp với hoạt động thực tiễn nghề nghiệp tương lai, tránh không để rơi vào tình trạng quá giản đơn, nhẹ nhàng làm người học dễ dàng lĩnh hội tri thức mà chưa cần phát huy hết nội lực của mình, hoặc tình trạng nội dung chương trình quá tải, nhồi nhét đối với người học sẽ làm cho học viên ức chế trong quá trình lĩnh hội tri thức. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo sĩ phải theo hướng tăng cường thời gian tự học, thời gian thực hành, nhằm làm cho người học phát huy hết khả năng của mình trong nghiên cứu, nắm vững tri thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Đổi mới nội dung chương trình phải căn cứ sự hợp lý với thực tế của từng môn học, từng ngành đào tạo.
Muốn xây dựng, điều chỉnh nội dung chương trình trước hết phải căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên. Chính thông qua thực tiễn hoạt động của hai đối tượng này cho phép đánh giá đúng đắn chất lượng của nội dung chương trình đào tạo. Thực tiễn giảng dạy, học tập sẽ làm bộc lộ ra sự lạc hậu hay phù hợp, sự trùng lắp hay lôgíc, khoa học của kết cấu nội dung chương trình đào tạo. Đây là cơ sở, là tiêu chí để các cơ quan chức năng đánh giá chất lượng của nội dung chương trình, trên cơ sở đó mà điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp kết cấu một cách hợp lý hơn, khoa học hơn nhằm đạt mục tiêu đã được xác định.
Ba là, đội ngũ giảng viên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học viên
Giảng viên là chủ thể của hoạt động dạy, là lực lượng có vai trò trực tiếp, to lớn trong định hướng, điều khiển toàn bộ hoạt động tiếp thu lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ở người học, là lực lượng cơ bản giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo ở các trường đại học, trực tiếp tác động đến sự phát triển năng lực, phẩm chất của học viên. Cùng với hoạt động dạy - truyền đạt tri thức khoa học, giảng viên còn là người định hướng trong sự phát triển phẩm chất nhân cách của người học, đưa học viên vào các tình huống nhận thức, giúp học viên có được các hình thức, phương pháp học tập, rèn luyện và các hoạt động khác một cách tự giác chủ động. Vì vậy, nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên có ý nghĩa to lớn trong quá trình nâng cao chất lượng tự học nói riêng và chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung.
Hệ thống các phương pháp truyền thống, phương pháp giảng dạy một chiều nặng về lý thuyết, áp đặt trong quá trình dạy học, bắt người học phải tuân theo những chân lý có sẵn không còn phù hợp nữa. Vì phương pháp đó làm cho người học thụ động, máy móc trong lĩnh hội tri thức. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học hiện nay theo hướng: dạy cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu là chính, để phát huy mọi khả năng tiềm ẩn bên trong người học là phương pháp dạy học hiện đại, đáp ứng với yêu cầu phát triển của giáo dục đào tạo, yêu cầu nâng cao chất lượng tự học của người học viên.
Trong dạy học, giảng viên sử dụng nhiều phương pháp như: hệ thống, gợi mở, trực quan thông qua những dẫn chứng cụ thể, đồng thời đặt ra yêu cầu cao đối với từng nội dung dạy học là điều kiện tốt nhất để phát huy được nhân tố chủ quan của học viên hiện nay trong các hoạt động học tập, tự học, thực hiện mục tiêu biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.
Bốn là, không ngừng đổi mới công tác quản lý giáo dục, bảo đảm đủ cơ sở vật chất phục vụ cho dạy hoc tạo môi trường giáo dục thuận lợi.
Chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và chất lượng hoạt động tự học của học viên hiện nay nói riêng không chỉ phụ thuộc vào mục tiêu, sự hoàn thiện của nội dung chương trình, phương pháp dạy học của giảng viên, mà còn phụ thuộc rất lớn vào công tác quản lý, môi trường giáo dục và những điều kiện bảo đảm vật chất cho quá trình tự học tập, nghiên cứu của họ. Chính vì vậy, đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi và tạo mọi điều kiện để đáp ứng cơ sở vật chất cho quá trình tự học của học viên phải xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng và phương pháp của toàn bộ hệ thống quản lý của nhà trường; thực hiện chuẩn hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo theo quy chế, kế hoạch thống nhất, đồng bộ; xây dựng môi trường văn hoá, môi trường chính trị trong sạch, lành mạnh ở đơn vị, tạo điều kiện phát huy dân chủ, kích thích học viên phát huy cao nhất vai trò chủ quan của mình trong học tập, rèn luyện và xây dựng đơn vị. Đồng thời phải xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ, tiến tới đáp ứng đầy đủ và hiện đại hoá các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho dạy và học, tạo điều kiện cho người học thuận lợi trong nghiên cứu mở rộng tri thức rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, tạo nên sự hứng thú say mê trong hoạt đọng tự học của mình.
Đảm bảo cơ sở vật chất cho dạy học, nghiên cứu khoa học, hướng trọng tâm vào nâng cấp thư viện nghiên cứu, giảng đường chuyên dùng, phòng thí nghiệm, thao trường và in ấn giáo trình tài liệu. Đồng thời từng bước mua sắp các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy và học, tạo môi trường thuận lợi cho người học viên thực hiện kế hoạch tự học một cách có hiệu quả cao.
Năm là, phát huy tính tích cực tự giác, chủ động sáng tạo trong hoạt động tự học của học viên các trường đào tạo sĩ quan quân đội hiện nay.
Tự học của học viên các trường đại học là một khâu trong quá trình đào tạo, vừa là yêu cầu của sự phát triển nhận thức và rèn luyện các phẩm chất nhân cách theo mô hình đào tạo đã được xác định. Đó là quá trình người học lấy chính mình để làm đối tượng giáo dục, là quá trình hướng nội nhằm biến đổi các phẩm chất tâm lý nhận thức, tình cảm, ý chí của bản thân mình. Trong quá trình ấy người học viên vừa là chủ thể vừa là đối tượng giáo dục, họ vừa là người tích cực, chủ động đề ra kế hoạch, nội dung chương trình, mục tiêu, phương hướng, biện pháp tự giáo dục trên cơ sở định hướng của quá trình dạy học và mục tiêu dạy học, vừa là người thực hiện nội dung chương trình đó.
Chất lượng của hoạt động tự học của họ là kết quả của sự tác động biện chứng giữa các nhân tố khách quan của quá trình đào tạo với sự phát huy nội lực chủ quan của chính họ. Trong đó các yếu tố khách quan của quá trình đào tạo như: nội dung chương trình, mục tiêu đào tạo, chất lượng và phương pháp dạy học của giảng viên, điều kiện vật chất bảo đảm cho quá tình học tập, tự học cùng với việc quản lý giáo dục đào tạo dù tác động mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đạt hiệu quả cao, nếu như không có được sự cộng hưởng từ nội lực chủ quan của người học viên. Vì vậy, học viên phải chủ động, tích cực trong tìm tòi, sáng tạo, ý chí vượt qua khó khăn gian khổ trên con đường chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện phẩm chất nhân cách của người học viên. Có nhận thức, thái độ, động cơ đúng đắn, có niềm tin vào chính mình, say mê hứng thú để trau đồi tri thức, tìm tòi phương pháp học tập, tự học phù hợp với khả năng nhận thức của mình, không máy móc, thụ động trong hoạt động tự học, không khuất phục trước những khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động tự học, tận dụng, khai thác một cách tối ưu nhất những điều kiện, tiền đề khách quan của quá trình tự học, nâng cao chất lượng lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo.
Tích cực nghiên cứu khoa học để rèn luyện, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, lòng say mê tìm tòi trong quá trình tiếp thu lĩnh hội kiến thức tạo ra năng lực làm việc độc lập, rèn luyện tác phong làm việc chính quy, khoa học, chuyển hoá một cách có hiệu quả các tác động của nhân tố khách quan thành hành động nhận thức một cách chủ động sáng tạo của chủ thể nhận thức - người học viên.
Trong thời đại văn minh thông tin và công nghệ, của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tự học, vấn đề được đặt lên vị trí hàng đầu trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đội ngũ sĩ quan trong tương lai. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý mà việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học.
Thiếu tá, ThS, Hoàng Đình Tú
Trường Trung cấp kỹ thuật Tăng thiết giáp
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 273.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 50.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021. tr.232, 233.