Từ những thước phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng ra đời vào những năm 1946-1947, ngày15-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Từ đó ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam chính thức ra đời và từng bước phát triển. Tính từ dấu mốc đó đến nay, Điện ảnh Việt Nam cũng đã tròn “60 tuổi”.
Trong rất nhiều đề tài của cuộc sống được điện ảnh khai thác, hình ảnh Bác Hồ là đề tài lớn luôn thôi thúc nhiều nhà làm phim thực hiện. Nhưng để làm phim về Bác lại là chuyện không đơn giản. Bởi cái khó thách thức những nhà làm phim chính là làm sao thể hiện chân thực nhất, sinh động nhất hình tượng giản dị mà rất đỗi cao quý của Người. Trải qua mấy chục năm đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim về Bác. Một trong đó phải kể đến những bộ phim tài liệu. Những thước phim đó chính là những tư liệu quý giá cho bao lớp thế hệ trẻ sau này cảm nhận được sự giản dị những rất đỗi ấm áp tỏa ra từ Người.
Khởi nguồn từ bộ phim tài liệu chân dung khi Bác Hồ 70 tuổi
Bộ phim tài liệu đầu tiên về chân dung Bác Hồ được quay vào năm 1960 với tựa đề "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" do đạo diễn Quang Huy thực hiện. Bộ phim được Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương xây dựng dựa vào một số tư liệu của Việt Nam và ngoại quốc. Bộ phim kéo dài gần 50 phút đã thể hiện một cách khá hoàn chỉnh thời ấu thơ và con đường hoạt động cách mạng của Người từ khi tìm đường cứu nước đến năm 1960. Bộ phim được thực hiện nhân hai sự kiện đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba và kỷ niệm 70 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ.
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên- "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch"
Trước bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên về Bác Hồ được xây dựng, những thước phim ở từng giai đoạn hoạt động của Người đã được nhiều người thu lại bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, những hình ảnh khi Bác còn ở chiến khu Việt Bắc hay hình ảnh khi Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), hoặc những hình ảnh khi Bác tham gia chỉ đạo trong cuộc khiến cháng chống Pháp... đã được thu lại ít nhiều. Những hình ảnh ấy đã trở thành tư liệu quý giá, tạo nền tảng cho đạo diễn Quang Huy có thể thực hiện thành công bộ phim tài liệu về Người.
Hình ảnh đời sống thực trong bộ phim tài liệu đầu tiên về Bác
Thực tế, bộ phim tài liệu chân dung về Người được xây dựng lần đầu tiên nhưng mọi thông tin về việc thực hiện làm phim đều phải đảm bảo việc giấu kín với Người. Đạo diễn Quang Huy khi đó là giám đốc Hãng phim đã nhận nhiệm vụ, đảm trách vai trò vô cùng lớn đảm bảo kế hoạch sẽ được tiến hành một cách thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quay những hình ảnh thực tế về cuộc sống của Bác ở nhà sàn, đạo diễn Quang Huy đã bị Bác phát hiện. Rất may, sau khi nhắc nhở đạo diễn, Bác vẫn đồng ý để cho đạo diễn và quay phim tiếp tục thực hiện theo kịch bản phim. Để có thước phim kéo dài gần 50 phút, đạo diễn Quang Huy và những người bạn đồng nghiệp đã phải cố gắng hết sức. Làm phim vốn đã khó nhưng khi làm phim về hình tượng Bác thì gánh nặng trách nhiệm đè lên vai của đoàn làm phim càng lớn hơn.
Bộ phim này đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ duyệt cẩn thận. Sau đó, Hãng phim công chiếu cho đông đảo nhân dân miền Bắc theo dõi. Những hình ảnh giản dị về Người đã khiến bao người dân miền Bắc khi đó xúc động. Hơn thế, bộ phim đã mở đường cho việc xây dựng rất nhiều các bộ phim tài liệu chân dung khác về Bác cũng như chân dung về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn sau.
Mỗi bộ phim về Bác đều gửi trọn tình yêu của người dân Việt Nam
Sau sự thành công của bộ phim đầu tiên, các nhà làm phim đã nuôi ý tưởng để thực hiện một bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 80 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ. Tuy nhiên, ý tưởng chưa kịp hoàn thành, Bác đột ngột ra đi. Đau xót trước sự ra đi của Người, những người làm phim đã nhanh chóng hoàn thành bộ phim “Lễ tang Hồ Chủ Tịch”. Bộ phim là một câu chuyện xúc động về Bác Hồ- một con người suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng vì nhân dân lao động.
Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được in ra thành nhiều bản, chiếu ở khắp mọi miền của Tổ quốc để toàn thể đồng bào ta được nhìn được cảm nhận. Những hình ảnh từ bộ phim chính là động lực thúc đẩy con đường cách mạng còn nhiều gian truân của dân tộc ta.
Hình ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “ Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”(đạo diễn Phạm Quốc Vinh).
Mỗi đạo diễn khi thực hiện những bộ phim tài liệu về Người đều mang trong mình những xúc cảm vô cùng. Và mỗi tác phẩm khi được hoàn thành đều trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp. Như đạo diễn Phạm Quốc Vinh, hai tác phẩm “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ” và “Bác đi chiến dịch” là những bộ phim đáng nhớ nhất trong suốt gần 50 năm làm phim của ông.
Bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh” do đạo diễn Phạm Kỳ Nam bắt đầu thực hiện vào năm 1974. Bộ phim được Xưởng phim thời sự tài liệu Trung ương xây dựng nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (1930-1975), kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1975), kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1975).
Hình ảnh một người đồng nghiệp của Bác tại Pháp- trong bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1980- 19/5/1990), Hãng phim Ngọc Khánh đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”. Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ, các nhà làm phim lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu chân dung về vị lãnh tụ của dân tộc. Bộ phim đã khắc họa nhân cách lớn lao của Bác từ những trăn trở, suy nghĩ, tâm tư, sự hết lòng với sự nghiệp cách mạng gian khó của dân tộc ta. Bộ phim kéo dài 58 phút, mỗi giây mỗi phút đều là những hình ảnh vô cùng xúc động về con người giản dị mà vĩ đại- Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”( đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích).
Bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người” đã tập hợp rất nhiều tư liệu quý giá về Bác. Đặc biệt trong số đó có nhiều hình ảnh chưa được sử dụng trước đó, ví dụ như Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi lên cây sào... Mỗi hình ảnh về cuộc sống được các nhà làm phim sử dụng đều nhằm khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhất con người giản dị, luôn một lòng hướng đến cách mạng, đến giải phóng đất nước.
Ngoài những bộ phim nói trên thì cũng cần kể đến một số phim tài liệu khác như: “Bác Hồ sống mãi” (Xưởng phim Quân đội và Thời sự tài liệu Trung ương), “Mùa sen nhớ Bác”, “Bác Hồ với nông dân”, Chúng con nhớ Bác”... Mỗi tác phẩm điện ảnh này không chỉ khắc họa được hình ảnh giản dị, gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn thể hiện được tình yêu vô bờ bến của những người con Việt Nam dành cho Bác. Mỗi chi tiết được sử dụng đều khiến người xem cảm động.
Bên cạnh những thước phim đen trắng, có một vài bộ phim tài liệu màu được thực hiện như bộ phim ghi lại thời khắc Bác chúc tết năm 1968 mang tên “Tiếng gọi mùa xuân” (đạo diễn Hồng Nghi); hay như bộ phim ghi lại tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi trong ngày 1/6/1969 với tựa đề “Bác Hồ của chúng em”....
Trải qua 60 năm hình thành phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có không ít những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau khắc họa hình ảnh của Bác. Mỗi tác phẩm có những thành công riêng để lại dấu ấn trong lòng người xem. Tuy nhiên, hình ảnh Bác mãi là một thử thách không nhỏ cho những nhà làm phim... Mỗi tác phẩm khi được hoàn thành sẽ chính là những tư liệu quý giá mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới./
Thanh Huyền (tổng hợp)