Đạo đức nghề nghiệp là cơ sở, nền tảng để người chiến sĩ - nghệ sĩ phát triển tài năng, nâng cao uy tín và hiệu quả công việc. Vì vậy, giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này là việc làm thường xuyên, để người chiến sĩ - nghệ sĩ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Đội ngũ nghệ sĩ Quân đội là những “chiến sĩ - nghệ sĩ” hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của Đảng trong Quân đội, lực lượng quan trọng tiến hành công tác tư tưởng cho bộ đội. Họ là người sáng tạo, lưu giữ, phát triển và đưa đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những tác phẩm văn hóa nghệ thuật cách mạng, giàu bản sắc dân tộc, có tính tư tưởng, tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội ngày càng phong phú, cao đẹp, xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang. Hoạt động của người chiến sĩ - nghệ sĩ là lao động trên lĩnh vực văn hóa, tinh thần; những tác phẩm của họ phản ánh trung thực, sáng tạo hiện thực đời sống xã hội, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội bằng ngôn ngữ nghệ thuật - ngôn ngữ của cái đẹp, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ đúng đắn, vun đắp tình cảm cách mạng cao đẹp, ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, làm lan tỏa lý tưởng sống cao đẹp, vì nhân dân, vì quê hương đất nước, cũng như những sắc màu của cuộc sống huấn luyện, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của người chiến sĩ để nhân dân cùng bạn bè quốc tế hiểu hơn về phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta.
Là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng trong Quân đội, để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, đòi hỏi người chiến sĩ - nghệ sĩ không chỉ có chuyên môn giỏi, tinh thông nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tương xứng với trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Thực tế cho thấy, người chiến sĩ - nghệ sĩ càng trung thành, càng khiêm tốn, đam mê, gắn bó với nghề, tắm mình trong đời sống, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội,… sẽ là cơ sở để họ không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng, nâng cao uy tín và hiệu quả công việc. Ngược lại, nếu đạo đức nghề nghiệp thiếu chuẩn mực, tự kiêu, tự mãn, xa rời đời sống, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội thì không thể có những tác phẩm hay, những “bài ca đi cùng năm tháng”.
Một tiết mục nghệ thuật của các nghệ sĩ - chiến sĩ
Để người chiến sĩ - nghệ sĩ hết lòng phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”1, cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này theo những chuẩn mực cơ bản sau:
Một là, trung thành, trách nhiệm. Đây là chuẩn mực cơ bản quan trọng hàng đầu, giữ vai trò định hướng suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên nói chung và quân nhân cách mạng, chiến sĩ - nghệ sĩ nói riêng. Do “Cán bộ từ Trung ương đến xã đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”2, nên hoạt động của người chiến sĩ - nghệ sĩ là phải xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đòi hỏi đội ngũ này phải có chuẩn mực đạo đức cơ bản: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Càng trung thành thì người chiến sĩ - nghệ sĩ càng có trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, Quân đội và xã hội, đem lời ca, tiếng hát, điệu múa,… của mình hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Phẩm chất trung thành, trách nhiệm của họ không chỉ thể hiện khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà cả khi đã ra đơn vị công tác. Đó là tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa, nghệ thuật, giữ vững định hướng chính trị trong nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn nghệ thuật; hăng hái tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đề cao trách nhiệm trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mọi lời nói và hành động của người chiến sĩ - nghệ sĩ đều hướng tới xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp ngay ở cơ quan, đơn vị mình, góp phần làm lan tỏa những điều tốt đẹp ấy đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Hai là, trung thực, sáng tạo. Trung thực là phẩm chất phổ quát của mỗi người; đối với người chiến sĩ - nghệ sĩ, đức tính này lại càng quan trọng. Mặc dù hoạt động nghệ thuật của họ cần phải có sự hư cấu, thăng hoa, song phải bắt nguồn từ đời sống hiện thực và trở lại phục vụ cuộc sống, do vậy, phải có phẩm chất trung thực. Phẩm chất này đòi hỏi người nghệ sĩ phải trung thực với chính bản thân mình, với tổ chức và công chúng, tôn trọng bản quyền tác giả, không “hát nhép”, “đạo nhạc”; phản ánh trung thực cuộc sống lao động, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội và nhân dân; “phải miệng nói, tay làm, phải xung phong gương mẫu”3. Trung thực của người chiến sĩ - nghệ sĩ không đồng nghĩa với sự giản đơn, máy móc mà phải sáng tạo. Đây chính là phẩm chất nổi bật nhất của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Hiện thực cuộc sống diễn ra muôn màu, đòi hỏi người chiến sĩ - nghệ sĩ phải hết sức sáng tạo để phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật - thứ ngôn ngữ rất nhẹ nhàng, tình cảm, dễ đi vào lòng người, nhưng cũng rất trừu tượng mà người nghe, người xem phải suy ngẫm, mường tượng, liên tưởng mới có thể cảm nhận hết được. Tác phẩm nghệ thuật còn là bằng chứng khách quan về thái độ và tài năng, sáng tạo của nghệ sĩ; là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng; là kiểu giao tiếp độc đáo bằng hình tượng giữa người với người mà người nghe, người xem ai cũng cảm thấy mình ở trong đó. Nó còn được thể hiện ở sự linh hoạt sáng tạo của người nghệ sĩ cả trong phong cách ứng xử, giao tiếp và giải quyết công việc hằng ngày để đem lại hiệu quả cao trong công việc. Trên thực tế, phẩm chất trung thực luôn gắn liền với sáng tạo, cả hai chuẩn mực này bắt buộc phải có ở người chiến sĩ - nghệ sĩ hiện nay.
Ba là, khiêm tốn, đam mê. “Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có”4. Có khiêm tốn thì người chiến sĩ - nghệ sĩ mới tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng; qua đó, mới trưởng thành tiến bộ. Khiêm tốn chính là khiêm nhường, mềm dẻo, nhã nhặn, lịch sự, văn hóa trong ứng xử, không phô trương; sống cởi mở, chân tình, hòa mình với tập thể, cuộc sống lao động, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội và nhân dân; tôn trọng tổ chức, công chúng, không sa ngã vào tệ nạn xã hội. Người nghệ sĩ mà tự kiêu, tự đại là bước đầu của thất bại. Khiêm tốn không đồng nghĩa với tự ti. Để gặt hái được thành công trên con đường nghệ thuật, đòi hỏi người chiến sĩ - nghệ sĩ luôn phải vững vàng, tự tin, tìm tòi, sáng tạo, phải có lòng đam mê nghề nghiệp. Chỉ có như thế mới có thể vượt qua được những khó khăn, trở ngại để không ngừng học tập, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, lăn xả vào đời sống, huấn luyện, chiến đấu để cho ra đời được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, những “đứa con tinh thần” sống mãi với thời gian. Đức tính đam mê còn giúp người chiến sĩ - nghệ sĩ ngày càng củng cố thêm tình yêu với nghề, gắn bó hơn với nghề, với mọi hoạt động của bộ đội và ngày càng có trách nhiệm cao trong hoạt động nghề nghiệp. Đây chính là ngọn nguồn của mọi sáng tạo, nền tảng của mỗi thành công của người chiến sĩ - nghệ sĩ.
Bốn là, kỷ luật, gắn bó. Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”5. Hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong Quân đội là một bộ phận của hoạt động xã hội, đòi hỏi phải có tính tổ chức, kỷ luật cao; phải tuân theo đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Quân đội. Mặc dù hoạt động văn hóa - nghệ thuật mang tính sáng tạo và mang nhiều dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ nhưng nó không thể tách khỏi tập thể, cộng đồng xã hội, cũng như trong một dàn nhạc thì phải có nhạc trưởng; sáng tác, biểu diễn phải tuân thủ những quy luật của âm thanh, ánh sáng, cái đẹp, nhận thức, tình cảm, v.v. Do đó, tính kỷ luật là một trong những phẩm chất không thể thiếu trong hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Nó đòi hỏi phải có tinh thần đoàn kết, gắn bó với đồng chí, đồng nghiệp, thương yêu bộ đội, chia sẻ với cuộc sống vất vả, gian khổ, hết lòng phục vụ bộ đội và nhân dân; cống hiến hết mình cho nghệ thuật, sẵn sàng đến những nơi khó khăn, gian khổ để phục vụ bộ đội và nhân dân, coi đó là niềm vui, trách nhiệm, vinh dự của mình. Đó chính là ngọn nguồn của mọi sáng tạo nghệ thuật và là thước đo chuẩn mực tài năng, trí tuệ, phẩm giá của người chiến sĩ - nghệ sĩ.
Sự phân chia đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ - nghệ sĩ thành những chuẩn mực trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi, nó luôn hòa quyện, đan xen và tác động lẫn nhau, tạo nên những đặc trưng chung, thống nhất trong hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ - nghệ sĩ Quân đội ta. Đây cũng chính là hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà các cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị văn hóa - nghệ thuật trong toàn quân đã và đang dày công vun đắp cho đội ngũ nghệ sĩ Quân đội để họ không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Để đạt hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho anh chị em nghệ sĩ. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Đối với người chiến sĩ - nghệ sĩ, cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu đi đầu trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội và nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đại tá, PGS, TS. Nhâm Cao Thành,
Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
________________
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 246.
2. Sđd, Tập 14, tr. 110.
3. Sđd, Tập 14, tr. 168.
4. Sđd, Tập 10, tr. 588.
5. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.