6. Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung một số điều của các Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Theo đó, Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được bổ sung nội dung về thời hạn giám định như sau: Thời hạn giám định tối đa là 03 tháng và có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đã được quy định.

Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không quá thời hạn quy định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết uận giám định.

Thông tư số 03/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật được bổ sung nội dung về thời hạn giám định như sau: Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với các trường hợp khác thời hạn giám định tối đa là 02 tháng.

Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không quá thời hạn quy định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa được bổ sung nội dung về thời hạn giám định như sau: Thời hạn giám định tối đa là 02 tháng, có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đã quy định.

Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không được vượt quá thời hạn quy định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định

7. Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Thông tư quy định về phạm vi giám định tư pháp, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa.

Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa gồm: Giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật; Giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa; Giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan; Giám định tư pháp về nội dung khác thuộc phạm vi quản lý về văn hóa theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp là phải có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo: Mỹ thuật; Mỹ thuật ứng dụng; Nghệ thuật trình diễn; Nghệ thuật nghe nhìn; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Thư viện; Bảo tàng; Luật; Chuyên ngành khác về nghệ thuật và nhân văn có liên quan. Người yêu cầu bổ nhiệm phải qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên (trực tiếp làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo quy định tại khoản 2 Điều 4).

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm: Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư; Sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp; Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại địa phương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao (sau đây gọi là Sở) chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, đề nghị Chủ tịch Uy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

Thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp tại địa phương được quy định như sau: Trường hợp Sở nhận được trưng cầu giám định tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, Giám đốc Sở lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp nội dung trưng cầu giám định, quyết định hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể; trả lời cơ quan trưng cầu giám định danh sách người được cử thực hiện giám định và hình thức giám định các nội dung trưng cầu. Trường hợp nội dung giám định không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, Giám đốc Sở có trách nhiệm từ chối giám định tư pháp và trả lời bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu giám định. Người được phân công giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng thực hiện giám định các nội dung được giao, người được phân công giám định tư pháp phải từ chối bằng văn bản. Văn bản từ chối được gửi cho cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan cử người giám định.

Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2013/TT-BVHTTDL ngày 03/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

8. Thông tư số 05/2021/TT-NHNN ngày 11/6/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Theo Thông tư, Quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng vào Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu kém) theo quy định tại Điều 12Thông tư số 42/2016/TT-NHNN.

Việc thực hiện xếp hạng được sửa đổi, bổ sung như sau: Trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoàn thành xếp hạng của năm trước liền kề đối với quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Việc xếp hạng căn cứ trên tài liệu, thông tin, số liệu, dữ liệu quy định tại Điều 4 Thông tư này và giải trình, báo cáo bổ sung của quỹ tín dụng nhân dân trong quá trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xếp hạng.

Bổ sung trách nhiệm của Quỹ tín dụng nhân dân: (1) Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các tài liệu, thông tin, số liệu, dữ liệu cung cấp và có trách nhiệm giải trình, báo cáo bổ sung các nội dung liên quan tới việc xếp hạng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; (2) Quản lý kết quả xếp hạng theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan; (3) Không được cung cấp kết quả xếp hạng của mình cho tổ chức, cá nhân ngoài quỹ tín dụng nhân dân.

Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh: (1) Thực hiện xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; (2) Trên cơ sở kết quả xếp hạng, thực hiện quản lý, thanh tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; (3) Quản lý, thông báo, cung cấp kết quả xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bổ sungtrách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: (1) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn của Ngân hàng Nhà nước chi nhán; (2) Quản lý, cung cấp kết quả xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Thông tư này, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

9. Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 11, Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính), có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Theo đó, các thiết bị, dụng cụ y tế được chịu thuế suất giá trị gia tăng 5% gồm: Các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.

Ngoài ra, các dụng cụ, thiết bị y tế nếu có một trong các loại giấy tờ sau cũng được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%:

- Giấy phép nhập khẩu.

- Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

- Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT.

10. Thông tư số 05/2021/TT-BKHCN ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định yêu cầu kỹ thuật đối với dữ liệu thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Thông tư nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm các cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị chuyên môn về khoa học, công nghệ tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học, công nghệ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố; tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức khác có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức cá nhân khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, cập nhật và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ (CSDLQG về KHCN).

Thông tư quy định 4 nguyên tắc thiết kế cấu trúc dữ liệu thông tin đầu vào gồm: Bảo đảm thống nhất về cấu trúc của dữ liệu thông tin đầu vào giữa các dữ liệu thành phần của CSDLQG về KHCN; phù hợp với các mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương quy định tại Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước; Bảo đảm kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu thông suốt giữa CSDLQG về KHCN và các CSDL về KHCN của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với hệ thống thông tin điện tử một cửa, cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương, Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Cơ sở dữ liệu khác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc kết nối phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; bảo đảm quyền khai thác dữ liệu hợp pháp theo quy định của pháp luật; không làm hạn chế quyền khai thác, sử dụng CSDLQG về KHCN của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân do yếu tố kỹ thuật. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với CSDLQG về KHCN và các hệ thống thông tin kết nối với CSDLQG về KHCN. Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Việc bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu, gồm: Bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và các quy định hiện hành về an toàn, an ninh thông tin; Bảo đảm tính toàn vẹn, tin cậy, sẵn sàng khi lưu trữ, khai thác, trao đổi thông tin, dữ liệu. Áp dụng kỹ thuật mã hóa, thiết lập mật mã, ứng dụng chữ ký số và có cơ chế lưu trữ dự phòng, cơ chế phòng chống, kiểm soát mã độc tấn công dữ liệu khi được lưu trữ, trao đổi thông tin, dữ liệu quan trọng; Bảo đảm bảo mật thông tin dữ liệu trong hoạt động chuyển đổi số và lưu trữ các thành phần dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; Bảo đảm bảo mật thông tin tài khoản, người dùng được cấp tài khoản truy cập với định danh duy nhất gắn với người dùng khi sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu. Người dùng chỉ được truy cập các thông tin phù hợp với quyền hạn của mình và có trách nhiệm bảo mật tài khoản truy cập được cấp. Mật mã đăng nhập, truy cập hệ thống thông tin phải có độ phức tạp cao (có độ dài tối thiểu 8 ký tự, có ký tự thường, ký tự hoa, ký tự số hoặc ký tự đặc biệt như !, @, #, $, %,...).

11. Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, có hiệu lực từ ngày 06/8/2021

Theo Thông tư, giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

(2) Giống cây trồng được bảo hộ hoặc được công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức tại Việt Nam hoặc thuộc danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào;

(3) Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký nhằm mục đích: Bảo hộ giống cây trồng; công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; danh mục giống ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

Giống cây trồng được coi là không còn tính mới sau 12 tháng kể từ ngày được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Giống được phép sản xuất, kinh doanh gồm: Giống đã được công nhận chính thức; giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; giống tự công bố lưu hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

Hồ sơ cấp bằng bảo hộ giống cây trồng gồm Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo mẫu. Trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP.Thông tư nêu rõ, chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau: Mất, rách, hỏng, phai mờ đến mức không đọc được, thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.

Hồ sơ yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng gồm: Tờ khai yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo mẫu; tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ bằng bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ; bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp bằng bị mất); giấy ủy quyền theo mẫu đối với trường hợp nộp đơn qua đại diện.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả cho người đăng ký. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do. Trường hợp có ý kiến phản đối việc cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng của người thứ ba, việc xử lý ý kiến thực hiện theo các quy định tại Điều 184 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại được cấp sau 30 ngày kể từ ngày đăng tải quyết định cấp lại trên Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại" tại góc trái phía dưới của bằng bảo hộ.

12. Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 07/8/2021

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Viện Hàn lâm và Viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư này không quy định đối với các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp, bao gồm cả chương trình liên kết với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học: Phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả  học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo. Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác. Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn, đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực. Phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần. Phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả  năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

Đối với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo cần đáp ứng được các tiêu chí sau: Xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.

Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: Người học phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương.

Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ: Người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập.

Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ: Người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu.

13. Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 07/8/2021

Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là: (1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp cấp I) bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cấp I đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp cấp II). (3) Cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Thông tư số quy định việc xử lý về tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (trước khi tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp) như sau: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động xử lý những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10, Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3, khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7, Điều 7.

Căn cứ để doanh nghiệp lập hồ sơ và tổ chức bàn giao sang công ty cổ phần gồm có: Báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu đã thực hiện kiểm toán; quyết toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư (nếu có); quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan đại diện chủ sở hữu và báo cáo tài chính được lập lại tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa hoàn thành việc lập lại báo cáo tài chính theo quy định tại Khoản 5, Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc phối hợp đôn đốc, theo dõi công tác bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hoá và công ty cổ phần. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản kèm theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Biên bản bàn giao phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan; các nội dung cần tiếp tục xử lý sau khi bàn giao.

14. Thông tư số 04/2021/TT-BTPngày 21/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/8/2021

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bao gồm: Xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Tại Điều 10 Thông tư này đã có hướng dẫn cụ thể về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:

1. Cá nhân là chuyên gia, nhà khoa học được huy động tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 59/2012/NĐ-CP phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kỷ luật, người đang chấp hành hình phạt, đang bị quản chế hành chính.

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc đại học chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Có trình độ, kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp vói công việc mà cơ quan theo dõi thi hành pháp luật yêu cầu

2. Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên trong các hoạt động sau đây:

- Xây dựng mẫu phiếu khảo sát; xử lý kết quả điều tra, khảo sát; tổng hợp, phân tích, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và các hoạt động khác về điều tra, khảo sát.

- Thu thập thông tin; rà soát, đối chiếu tính chính xác, phù hợp của thông tin; đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá trong việc xử lý thông tin.

- Xây dựng báo cáo kết quả xử lý thông tin. Báo cáo phải đưa ra nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về tình hình thi hành pháp luật và đưa ra những kiến nghị phù hợp đối với thông tin thu thập được

3. Ký hợp đồng với cộng tác viên

- Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật ký hợp đồng theo tùng vụ việc cụ thể với những cá nhân có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Thù lao cho cộng tác viên theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi trả thù lao cho cộng tác viên căn cứ vào các hoạt động, kết quả công việc mà cộng tác viên đã thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

- Nội dung hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên tuân theo quy định của pháp luật về hợp đồng.

- Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cộng tác sau khi kết thúc công việc và làm các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư này bãi bỏ Chương 2, Chương 3 Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật và khoản 2 Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

15. Thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, có hiệu lực từ ngày 10/8/2021

Theo đó, Thông tư này quy định về việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư; trưởng chi nhánh, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh và thông báo thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài; Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc; kiểm tra, chế độ báo cáo và một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động luật sư.

Thông tư này quy định rõ giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:

- Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.

- Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.

- Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát hoặc Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

- Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.

- Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Thông tư quy định rõ các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và các trường hợp cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư:/.

Huyền Trang (tổng hợp)

 

Bài viết khác: