Trong ba ngày từ 13 đến 17 tháng 8 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta thăm chính thức Cộng hoà nhân dân Bulgaria. Trong chuyến thăm ba ngày ngắn ngủi đó, hình ảnh của một vị anh hùng huyền thoại của một dân tộc vĩ đại (theo cách gọi của báo chí Bulgaria thời đó) qua nhiều thế hệ, vẫn còn in đậm trong ký ức của những người bạn Bulgaria mến khách…
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Bulgaria từ ngày 13 đến
ngày 17 /8/ 1957. (Ảnh chụp lại từ phông tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Bác Hồ qua từng trang tư liệu
Tháng 6 năm 2010, tôi được ông Phạm Quốc Bảo, nguyên Đại sứ nước ta tại Bulgaria tặng cuốn sách “Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa Hồng”. Cuốn sách này do Đại sứ quán nước ta tại Cộng hoà Bulgaria phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật phát hành. Cuốn sách tập hợp những tư liệu quý về chuyến thăm lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bulgaria từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 8 năm 1957. Chuyến thăm được ghi vào trang vàng của lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Bulgaria.
Ông Phạm Quốc Bảo kể rằng, nhờ sự giúp đỡ tận tình của bạn bè và các cơ quan hữu quan Bulgaria và trong nước, Đại sứ quán nước ta đã sưu tầm được nhiều hình ảnh và tư liệu quý về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bulgaria và Việt Nam.
Đầu năm 2007, nhờ có mối quan hệ thân tình với một số cán bộ lãnh đạo Bộ Ngoại giao Bulgaria, Đại sứ quán ta đã nhận được một tập hồ sơ tư liệu quý về chuyến thăm Bulgaria năm 1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 62 trang bằng tiếng Bulgaria và tiếng Pháp. Trong đó có nhiều tài liệu có giá trị như các bản ''tốc ký'' ghi lại những lời phát biểu miệng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi gặp mặt với Đoàn Chủ tịch Quốc hội Bulgaria, biên bản các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước, các chỉ thị và nghị quyết đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại lộ, nhà trẻ, nhà máy ở Bulgaria...
Tháng 5 năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của Quốc hội Bulgaria, Đại sứ quán nước ta đã nhận được hai tập bản sao báo “Sự nghiệp Công nhân” – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Bulgaria và báo “Mặt trận Tổ quốc” – Cơ quan ngôn luận của Đoàn Chủ tịch Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Bulgaria (từ ngày 13 đến ngày 19/8/1957) đang lưu giữ tại Quốc hội. Trong đó, các báo đăng tải các tin, bài, văn kiện, lời phát biểu của lãnh đạo hai nước... diễn tả đầy đủ toàn cảnh chuyến thăm của Bác qua hệ thống truyền thông Bulgaria. Dựa trên những tư liệu quý bước đầu sưu tầm được, trước hết nhóm biên soạn tiến hành cuộc hành trình ''Theo dấu chân Bác Hồ'' trên tư liệu báo chí. Những tư liệu đó đã cho thấy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Bulgaria đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự đón tiếp hết sức nồng nhiệt, trọng thị, hữu nghị và thân thiết, thể hiện tình cảm chân thành với lòng kính trọng và tình yêu cao quý nhất của nhân dân Bulgaria anh em đối với nhân dân Việt Nam anh hùng. Báo chí Bulgaria mô tả nhân dân Bulgaria đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vị anh hùng huyền thoại của một dân tộc vĩ đại. Đồng thời khắc họa trong tâm khảm của người dân Bulgaria hình ảnh của “Bác Hồ” khiêm tốn, giản dị, cởi mở, chân thành và giàu lòng nhân ái.
Vào một ngày cuối thu năm 2007, lãnh đạo Cơ quan Lưu trữ quốc gia Bulgaria mời Đại sứ đến thăm. Cùng đi với Đại sứ còn có tiến sĩ Bạc Cầm Tiến, một nhà khoa học đang định cư tại Bulgaria. Sau này, Tiến sĩ Bạc Cầm Tiến được giao nhiệm vụ biên dịch những tài liệu tiếng Bulgaria sang tiếng Việt, phục vụ công tác biên soạn cuốn sách "Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa Hồng". Ông Phạm Quốc Bảo nói rằng, đây là cơ hội để nhóm biên soạn tìm kiếm các tư liệu về Bác đang được lưu giữ ở Cục Lưu trữ Quốc gia Bulgaria. Ông nói: “Điều cuốn hút chúng tôi nhất là những album ảnh và những tập tài liệu đã ố vàng bởi thời gian, nhưng được bảo quản rất chu đáo, trong đó có gần 40 bức ảnh quý, những bút tích và chữ ký nguyên gốc của Bác”.
Khám phá đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng nhất trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu này là mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Bulgaria đã có từ rất lâu, trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (tháng 2 năm 1950). Điều này đã được Bác Hồ “tiết lộ'' trong lời phát biểu khi đến thăm Đoàn Chủ tịch Quốc hội ngày 14/8/1957: ''Mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Bulgaria đã có từ lâu rồi. Hôm nay tôi mới tiết lộ điều bí mật của mối quan hệ này”. Người kể về mối quan hệ thân thiết của mình với những người con ưu tú của dân tộc Bulgaria là Georgi Dimitrov và Vasil Kolarov khi người tham dự một hội nghị bí mật của Quốc tế Cộng sản trước khi đi vào hoạt động bí mật tại Trung Quốc.
Chính mối quan hệ mang ý nghĩa lịch sử sâu xa đó đã đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Bulgaria. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp cho mối quan hệ này ngày càng nở hoa kết trái.
Ông Phạm Quốc Bảo, nguyên Đại sứ nước ta tại Cộng hoà Bulgaria.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, bước đầu tiên - như cách ông nói - theo chân Bác trên đất nước Hoa Hồng qua tư liệu báo chí cho thấy:
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là đóng vai trò to lớn trong việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Bulgaria, đồng thời góp phần củng cố sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa thời đó vì sự nghiệp hoà bình, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Một trong những mục đích quan trọng của chuyến thăm còn nhằm vào việc củng cố sự đoàn kết và thống nhất hành động giữa các nước xã hội chủ nghĩa chống chạy đua vũ trang và chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thời bấy giờ. Điều này đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung của chuyến thăm.
Trong bài xã luận ngày 18/8/1957, Báo “Mặt trận Tổ quốc” Bulgaria gọi Đoàn đại biểu ta là ''Những vị sứ giả của tình hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc''.
Phóng sự báo “Sự nghiệp Công nhân” đã ghi lại những chi tiết quý báu của hoạt động ngoại giao “Hồ Chí Minh” trong buổi đến thăm nông trang Pêruxtixa. Lúc đó, tại buổi họp mặt, khi nhận bình rượu vang từ tay đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Bulgaria, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chậm rãi đọc dòng khẩu hiệu trên tường bằng tiếng Bulgaria “Hãy củng cố sự thống nhất giữa những người cộng sản và nông dân!”, vừa rót rượu, mỉm cười mời Chủ tịch Đảng Liên minh Nông dân. Sự tinh tế, sâu sắc trong phong cách “ngoại giao nhân dân” Hồ Chí Minh đã được mọi người có mặt vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng. Như vậy, với một cử chỉ rất bình dị, thân tình trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, Người đã kịp chuyển đến các vị lãnh đạo của bạn thông điệp về tầm quan trọng và sức mạnh của sự đoàn kết và thống nhất…
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Bulgaria ủng hộ hoàn toàn đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo hai nước khẳng định sự cần thiết phải có những nỗ lực chung của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt sự chia cắt đất nước, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Sự đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dựa trên những nét tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, lý tưởng cách mạng và lập trường kiên định trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Sự kính trọng, khâm phục và đặc biệt là tình cảm nồng nhiệt, thân thiết và gần gũi mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những tình cảm đặc biệt mà nhân dân Bulgaria dành cho Bác xuất phát từ uy tín lớn lao và khả năng cảm hoá đặc biệt của Người. Ông Andey Evtimov Penchv - một nhân chứng lịch sử đã tâm sự: ''Một ấn tượng mạnh mẽ đọng lại trong tôi là chỉ qua một lần gặp mặt tại cuộc mít tinh ngắn ngủi mà Bác Hồ đã trở nên vô cùng gần gũi thân thiết với tất cả những người có mặt tại đây. Họ xem Người như một người thân. Chỉ trong khoảnh khắc Người đã chiếm được lòng tin của tất cả. Ai cũng muốn được tự mình góp phần ủng hộ đồng bào Việt Nam anh em. Sức mạnh vô hình từ Người đã lôi cuốn họ: Tính khiêm tốn giản dị, niềm mong muốn vô tận được tiếp xúc với mọi người dân bình thường, khả năng diễn đạt nội dung phong phú bằng rất ít lời và yếu tố không kém phần quan trọng là phong thái trí thức, thanh cao trong mọi cử chỉ của Người...''.
(Còn tiếp)
Nguyễn Vũ Cân
Theo cpv.org.vn
Phương Thúy (st).