Sinh năm 1908 tại Việt Nam, mất năm 2000 tại Pháp, Họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm là tác giả của nhiều tranh, tượng sáng giá, được săn lùng trong các phiên giao dịch quốc tế...
Tượng Bác Hồ do Vũ Cao Đàm thực hiện năm 1946
Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (ông là em ruột của bác sĩ Vũ Đình Tụng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh; là anh ruột của dược sĩ Vũ Công Thuyết, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), năm 1946, nhân chuyến Hồ Chủ tịch sang thăm Pháp, Vũ Cao Đàm đã tới chào và xin được nặn tượng Người, trở thành nghệ sĩ Việt kiều đầu tiên và duy nhất được nặn tượng Người trong chuyến công cán năm ấy...
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bắt đầu khai giảng khóa I từ năm 1925, với 8 sinh viên đầu tiên là các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Tam, Mai Trung Thứ, Lê An Phan và George Khánh. Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa II của trường này, nhưng là khóa đầu tiên của Khoa Điêu khắc (1926-1931). Thoạt đầu, Vũ Cao Đàm tham gia cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ nhì thì ông chuyển hẳn sang điêu khắc. Về việc này, ông từng kể: "Thầy Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - NV) thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cho cha tôi, ông khen đẹp. Cho nên năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích, sau đó tôi chuyển về chân dung".
Năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp khóa học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Năm 1938, Vũ Cao Đàm kết hôn với nghệ sĩ dương cầm Pháp Renee. Trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc làm tượng trở nên hết sức khó khăn. Lý do là ở thời kỳ ấy, nhất là khi quân đội Đức chiếm đóng nước Pháp, họ sẵn sàng tịch thu những vật dụng bằng đồng để phục vụ việc đúc vũ khí. Việc đổ khuôn đồng bị cấm. Vũ Cao Đàm phải nặn tượng bằng đất nung rồi đánh bóng (như các bức ông dựng chân dung vợ chồng thi sĩ Jean Tardieu, con trai thầy dạy cũ của mình). Tình thế khiến Vũ Cao Đàm quyết định chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh. Ông vẽ, thoạt tiên là tranh lụa, rồi sơn dầu. Lý do chuyển sang sơn dầu, ngoài sự đam mê khám phá còn xuất phát từ sự bất tiện trong việc thực hiện cũng như bảo quản tác phẩm. Ông cho biết: "Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa cho nên không thể vẽ to được".
Hoạ sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm (thứ hai từ trái qua) thời là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Cùng với các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu…, bằng những sáng tác giàu tìm tòi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật truyền thống phương Đông và hội họa phương Tây, Vũ Cao Đàm đã góp phần nâng cao vị thế của người họa sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nếu như ở Pháp, từng có thời kỳ, mỗi cuộc triển lãm mở ra, tranh của Vũ Cao Đàm chỉ bán được một vài bức, thì sau này, Vũ Cao Đàm đã có thể bán tranh cho các galery ở Mỹ và Bỉ. Trong các họa sĩ từng định cư tại nước ngoài, cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm là họa sĩ có giá tranh bán luôn ở mức cao và liên tục nhiều năm. Ngoài tranh lụa, tranh sơn dầu, Vũ Cao Đàm còn tham gia sản xuất tranh in đá. Cách đây ít lâu, một bức tranh in đá của ông đã được nhà đấu giá Sothebys bán với giá lên tới 30.000 USD.
Bây giờ, xin được nói kỹ hơn về việc họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm thực hiện bức tượng và phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sang thăm Pháp năm 1946.
Chúng ta đã biết: Ngày 31/5/1946, Bác Hồ bắt đầu thực hiện chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo ông Raymond Aubrac sau này kể lại thì ngày 27/7 năm ấy, trong một cuộc chiêu đãi do các Việt kiều ở Pháp tổ chức để chào mừng người đứng đầu của nước Việt Nam mới, ông Aubrac đã mời Bác Hồ về ở nhà mình - một căn nhà được xây dựng từ thế kỷ XVIII, có vườn tược rộng rãi, nằm ở phía Bắc Thủ đô Paris và cách Paris khoảng 20 phút xe hơi. Bác vui vẻ nhận lời và ngoài ăn ở, sinh hoạt, Người còn thường xuyên tiếp khách tại nhà ông Aubrac. Ông Aubrac còn nhớ rõ, tháng 7 năm ấy, nhân ngày sinh nhật của ông, Bác đã tặng ông một bức tranh ghi cảnh một bà mẹ đang vươn cánh tay dài với những ngón mảnh dẻ vuốt đầu đứa con mới sinh của mình. Bức tranh do họa sĩ Vũ Cao Đàm thực hiện.
Trong biên niên sử về Hồ Chí Minh có ghi: Ngày 1/7/1946, họa sĩ Vũ Cao Đàm đến chào Hồ Chủ tịch, xin phép được vẽ và nặn tượng Người. Cùng ngày hôm ấy, một số văn nghệ sĩ Pháp tên tuổi như Richard Bloch, Aragon, Triolet, Moussinac, Borne, Masson cũng đến diện kiến Người.
Hiện nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có lưu giữ một bức phù điêu tròn và tấm ảnh chân dung Bác Hồ do đích thân họa sĩ Vũ Cao Đàm chụp, phía sau ảnh có chữ ký và bút tích của Bác: "Tặng vợ chồng chú Đàm và các cháu - Thân ái. Hồ Chí Minh". Hai kỷ vật này họa sĩ Vũ Cao Đàm trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân chuyến người em trai ông - dược sĩ Vũ Công Thuyết có chuyến công tác tại Pháp năm 1976.
Con gái họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm là họa sĩ Yanick Vũ, trong một bài viết đã kể lại: Sau buổi tiếp chuyện Vũ Cao Đàm, Bác Hồ đã tặng nhà họa sĩ ảnh và huy hiệu của Người. Tấm huy hiệu đó đã được Vũ Cao Đàm "nhân bản" thành nhiều bức phù điêu tại một cơ sở đúc tiền. Và những bức phù điêu này đã được phái đoàn của ta dùng làm quà tặng chính thức trong thời gian công cán ở Pháp. Có thể nói, để thực hiện công việc giàu ý nghĩa này, Vũ Cao Đàm đã gặp nhiều khó khăn. Sau khi cuộc chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, nhà của Vũ Cao Đàm thường xuyên bị nhà chức trách Pháp kiếm cớ khám xét, lục soát. Có lần, do bị người gác cổng tố giác nên cảnh sát đã ập đến khám xét nhà Vũ Cao Đàm. May mà ông kịp giấu ảnh và các tấm phù điêu chân dung Bác Hồ vào hòm đàn dương cầm nên cảnh sát không tìm ra. Tuy nhiên, họ đã bắt nhà họa sĩ đưa đi tra vấn tới gần sáng mới thả.
Năm 1950, 20 tấm phù điêu về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Vũ Cao Đàm thực hiện và giấu ở một chỗ kín trong phòng khách đã bị cảnh sát tịch thu, đem đi mất. Cũng trong năm này, do phổi yếu, Vũ Cao Đàm phải chuyển xuống sống ở miền Nam nước Pháp cho phù hợp với điều kiện dưỡng bệnh. Để bảo toàn được bức tượng mà chúng ta thấy sau này, ông đã gửi nhờ gia đình một người nông dân Pháp sống ở Béziers, một thành phố thuộc tỉnh Hérault, nằm ở miền Nam nước Pháp cất giữ. Đến năm 1967, vợ chồng tác giả trở lại tìm bức tượng. Một chuyện thật cảm động: Mặc dù đã già yếu và trong tình cảnh bệnh nặng, gần như mất trí nhớ, nhưng sau khi nghe vợ Vũ Cao Đàm gợi chuyện, người nông dân nọ đã hỏi: "Thưa bà, bà đi tìm bức tượng Hồ Chí Minh phải không?". Thì ra, bức tượng được cất giấu trong kho đồ cũ, dưới một lớp rơm. Năm sau, gia đình Vũ Cao Đàm định chuyển bức tượng này về Việt Nam thì đúng thời điểm diễn ra cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) nên không xin được hộ chiếu.
Bức tượng gốc vốn được làm bằng chất liệu thạch cao. Để lưu giữ được lâu dài tác phẩm đặc sắc này, năm 1996, họa sĩ Yanick Vũ đã mang bức tượng sang Tây Ban Nha, tìm một cơ sở đúc đồng nổi tiếng để chuyển bức tượng từ chất liệu thạch cao sang chất liệu đồng. Bức tượng nặng 35 kg, trong đó phần chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng chất liệu đồng đen, cao 45,7 cm, và phần bệ bằng đá màu ghi đen, cao 11, 8cm. Năm 1998, bức tượng đã được gia đình họa sĩ Vũ Cao Đàm tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bức tượng đã nhiều lần xuất hiện trong các cuộc triển lãm tổ chức tại đây và công chúng đã rất ấn tượng với một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện được phong thái của vị lãnh tụ kính yêu trong thời điểm vận nước hết sức khó khăn. Câu chuyện càng trở nên có ý nghĩa khi bức tượng là tác phẩm của một nghệ sĩ Việt kiều đầu tiên và duy nhất nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến Người thăm Pháp năm ấy.
Năm 2000, tức là hai năm sau khi bức tượng được tặng lại cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam, họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm qua đời. Hẳn ông rất thanh thản bởi trước khi ra đi nơi đất khách quê người, ông đã trọn nghĩa vẹn tình với quê hương yêu dấu…
Tạ Ngọc Châu
Theo http://cand.com.vn
Thu Hiền (st)