Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956, tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức phong phú và sôi nổi của mình, Bác kính yêu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ và để lại cho thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới những tình cảm quí báu và những lới dạy thiết thực đối với lớp lớp con cháu.
Sau đây Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu một số bức thư Bác Hồ gửi cho thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới:
Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến
Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý!
Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành "đời sống mới".
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Việt Nam độc lập muôn năm!
Tháng 1 năm 1946
HỒ CHÍ MINH
Một tấm lòng thành thực và đau đớn
Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hi vọng của hai nước chúng ta, và đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em…
(Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Pháp Lơcléc, ngày 1 tháng 1 năm 1947 – Theo sách Lời Hồ Chủ tịch, Nhà thông tin Việt Nam, 1948, T.1, tr 17 – 18)
Thanh niên Mỹ chống chiến tranh
Bà Mácin Tô, Giám đốc một Trường Trung học Mỹ, viết trong thời báo New York : “Hiện nay thanh niên Mỹ chỉ lo phải đi lính. Những thanh niên đã đi lính trong cuộc Thế giới đại chiến thứ hai thì lo: Có phải đi lính lần nữa không?”. Những thanh niên ấy sinh trưởng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Họ thấy những việc không công bằng, rồi họ kết luận: Chỉ có những người cách mạng chống lại những sự bắt đi lính ấy. Họ xem nhiều sách quá rồi họ thất vọng và cho rằng đời sống là trống rỗng, vô ích”.
Bà Mác chỉ nói đúng một nửa. Một phần thanh niên Mỹ ghét chiến tranh, song không biết chống lại. Còn một phần thanh niên khác thì hăng hái chống đế quốc chủ nghĩa, chống chiến tranh. Họ không ở trong các Trường Trung học, cho nên bà Mác không biết họ.
(Bài viết của Bác ký bút danh Đ.X, trên báo Cứu quốc
số 1945, ngày 9-11-1951)
Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam
Trong phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, thanh niên Pháp rất hoạt động. Vì vậy, anh Hăngri Máctanh, chị Râymông Điêng và nhiều thanh niên khác đã bị tù (nhờ nhân dân Pháp đấu tranh mạnh, nay đã được tha).
Tại Đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Thủ đô nước Rumani, hồi tháng 8, có 3.500 đại biểu thanh niên Pháp, trong đó có đủ các tầng lớp và các tôn giáo. Sau một cuộc gặp gỡ rất thân mật với Đoàn đại biểu thanh niên Việt, Đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã thông qua một nghị quyết tóm tắt như sau.
“Chúng tôi có hân hạnh lớn được gặp thanh niên Việt – Miên – Lào. Trong lúc chúng tôi hôn nhau như anh em, thì chiến tranh tàn nhẫn vẫn tiếp tục ở Đông Dương.
Chúng tôi sung sướng cảm thấy rằng thanh niên Việt – Pháp rất gần gũi nhau, có thế hiểu biết nhau và lập mối quan hệ thân thiết lâu dài với nhau. Vì vậy, cuộc gặp gỡ này cũng như một hành động hòa bình, như một sự khuyến khích thanh niên Pháp phát triển đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam… Thanh niên Pháp sẽ đấu tranh không ngừng, để đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh là đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam…
Hòa bình ở Việt Nam và nối lại quan hệ kinh tế và văn hóa với Việt Nam, thì nước Pháp sẽ gây được cảm tình thân thiện với một dân tộc lớn. Hòa bình ở Việt Nam thì nước Pháp có thể xây dựng đời sống của mình với số tiền bạc khổng lồ mà hiện nay đang hoang phí vào chiến tranh. Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta, là lợi ích chung của hai Tổ quốc chúng ta”.
Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Nhân dân thế giới nhất là nhân dân Pháp đều phản đối. Quân đội thực dân Pháp không có chỗ dựa. Trái lại, cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy, địch nhất định thua, ta nhất định thắng.
(Bài báo của Bác Hồ, ký bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân, số 144, từ ngày 26 đến 31-10-1953).
Thư gửi thanh niên Pháp
Gửi các bạn thanh niên nam nữ Pháp,
Các bạn thân mến,
Các cháu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan Bucarét về đã kể lại cho chúng tôi nghe những cử chỉ thân ái thật cảm động giữ các bạn thanh niên Pháp – Việt. Chúng tôi rất cảm kích với tấm lòng của các bà mẹ và các bạn nữ thanh niên Pháp đã gửi cho các bà mẹ và các cháu nhi đồng Việt Nam những món quà xinh và những chiếc ảnh đẹp.
Chúng tôi lại biết rằng các bạn là những người thanh niên nam nữ đang cùng toàn thể nhân dân anh dũng của nước Pháp can đảm đấu tranh chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ một lần nữa rằng nhân dân hai nước chúng ta sẵn một lòng thương yêu nhau và thông cảm với nhau. Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam.
Cho nên các bạn và chúng tôi, chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta.
Hoan nghênh các bạn thanh niên Pháp đang đấu tranh cho hòa bình và dân chủ!
Tình thân ái giữa nhân dân hai nước Việt – Pháp muôn năm!
Hôn tất cả các cháu
Hồ Chí Minh
Viết cuối tháng 10-1953
Báo Nhân Dân, số 147, Từ ngày 11 đến 15-11-1953.
Bác Hồ khen ngợi thanh niên Triều Tiên
Do sự hăng hái xung phong mỗi năm làm một tháng lao động nghĩa vụ, thanh niên và học sinh đã tham gia xây dựng ngôi nhà nguy nga và đắp những con đường rộng rãi…
(Trích diễn văn trong tiệc chiêu đãi ở Bình Nhưỡng, đọc ngày 10-7-1957) – Báo Nhân Dân, số 1221, ngày 12-7-1957).
Điện gửi Tổng thống Pháp Rơnê Côty
Yêu cầu hủy bỏ án tử hình chị Giamila
Kính gửi Ông Rơnê Côty, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp,
Tôi vô cùng xúc động trước việc chị Giamila Buhirét, người nữ thanh niên yêu nước Angiêri, bị kết án tử hình. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị Ngài có biện pháp phù hợp với truyền thống yêu chuộng công lý và nhân đạo của nhân dân Pháp để cứu sống tính mạng của chị Giamila.
Kính gửi Ngài lời chào trân trọng.
Ngày 7 tháng 3 năm 1958
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 1460, ngày 11-3-1958.
Tình cảm của Bác Hồ với thanh niên
Việt Nam và Inđônêxia
Hà Nội ta có nhiều trường mà Trường Đại học của các cháu được nhiều vinh dự đón khách quý. Những khách từ các nước bạn anh em đến Việt Nam thăm các cháu.
Bác Cácnô không muốn người ta gọi Bác mà là Anh cả, là Bung Cácnô bởi vì Bác Cácnô muốn gần gũi nhiều, gần gũi mãi với thanh niên. Hôm nay Bác Cácnô đến thăm các cháu, đấy chẳng những là một vị lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc 88 triệu dân đưa đến cho các cháu tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Inđônêxia, của thanh niên Inđônêxia mà Bác Cácnô đến thăm các cháu lấy danh nghĩa là cựu sinh viên. Bác Cácnô đến đây chẳng những để nói chuyện với các cháu, nhưng mà các cháu phải xem Bác Cácnô là một tấm gương cách mạng từ lúc nhỏ, từ trong trường học ra ngoài trường học, từ lúc tự do cũng như mười mấy năm tù tội, luôn luôn hy sinh phấn đấu cho độc lập dân tộc, cho dân chủ, cho hòa bình thế giới.
Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở các cháu thanh niên – tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:
1. Phải đoàn kết chặt chẽ.
2. Cố gắng học tập cho tốt.
3. Phải lao động cho tốt.
4. Vượt mọi khó khăn đề mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX.
Muốn như thế thì phải thế nào? Bác Cácnô đã nói: Phải chiến thắng những tật xấu cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần xã hội chủ nghĩa. Các cháu đã có tinh thần xã hội chủ nghĩa, còn cá nhân chủ nghĩa cũng còn nhiều. Các cháu chắc biết trong xã hội, trong một con người cũng thế, có cái thiện và ác. Hai cái nó tranh đấu vơi nhau. Nói cái “thiện” tức là tinh thần xã hội chủ nghĩa, tinh thần chiến đấu mà thắng thì cá nhân chủ nghĩa sẽ thua, mà nếu cá nhân chủ nghĩa thắng thì tinh thần xã hội chủ nghĩa sẽ thua. Các cháu là những người tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đây là xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các cháu. Bác, đàn anh có tuổi rồi, có hưởng xã hội chủ nghĩa cũng không được mấy vì già rồi, hưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa là các cháu. Vì vậy các cháu phải ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần xã hội chủ nghĩa, muốn có tinh thần xã hội chủ nghĩa phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Các cháu có đánh bại được chủ nghĩa cá nhân không? Có quyết tâm không? Có học được gương sáng Bung Cácnô không? Thế thì Bác và Bung Cácnô chờ đợi những thành tích của các cháu trong học tập, trong lao động, trong đoàn kết, trong việc đánh bại chủ nghĩa cá nhân và trong thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Các cháu có làm được không? Có chắc chắn không?
Bây giờ đây, thay mặt các cháu, Bác gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Inđônêxia tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam.
(Bài nói chuyện của Bác Hồ với sinh viên đại học chào mừng Tổng thống Xucácnô ngày 26-6-1959 – Báo Nhân Dân, số 1929, ngày 27-6-1959)
Chế độ nào, thanh niên ấy
Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở bốn thủy thủ trẻ tuổi của Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bốn người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ có lương thực đủ cho hai ngày và hai mươi kilo khoai. Bốn người lênh đênh phiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giày ủng mà ăn. Ăn hết giày họ phải ăn cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ hứng nước mưa và mỗi ngày mỗi người chỉ được uống nửa cốc. (Để chúc mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống).
Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hung ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (Khi chiếc đàn hẵng còn) để khuyến khích lẫn nhau.
Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.
Đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
*
* *
Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở các thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ: Cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng có đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát.
Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoócni, đã giết chết năm người đàn ông, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn”.
Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau!
(Bài viết của Bác Hồ, ký bút danh T.L, đăng trên báo Nhân Dân, số 2203, ngày 30-3-1960)
Kim Yến (Tổng hợp)