Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Nhớ lại cách đây hơn một năm khi vừa bước chân đến Ai cập, nghe kể về việc Bác Hồ từng đặt chân lên đất nước Bắc Phi nhiều huyền thoại này không phải hai lần mà đến ba lần và ước nguyện đi theo dấu chân Bác đã bùng lên trong chúng tôi.

Theo hải trình, Bác Hồ đã rời Cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911 trên con tàu La Touche Treville, đến Singapore ngày 8/6/1911, đến cảng Columbo, Sri Lanka ngày 14/6/1911 và đã đến cảng Port Said, Ai Cập ngày 30/6/1911 ở phía bắc kênh đào Sue. Và thế là không hẹn mà gặp, hàng năm vào dịp kỷ niệm sinh nhật Người, Đại sứ quán ta lại tổ chức thăm Port Said, Kim Tự tháp Sakara…những nơi Bác đã từng đi qua và ghé thăm tại Ai Cập.

Năm nay, đoàn chúng tôi gồm các lưu học sinh, đoàn viên thanh niên và các cán bộ nhân viên Đại sứ quán, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đang công tác tại Ai cập.

Theo dau chan 1
Bức ảnh Bác Hồ đến thăm kim tự tháp Sakar năm 1946.

Bầu trời sa mạc đầu mùa hè thường trong xanh, vì sa mạc không bao giờ có mây. Sau hơn nửa ngày đường rong ruổi, vừa tìm đường vừa đi, có lúc tất cả chúng tôi ngồi nghỉ bên đường và hình dung xem hồi trước Bác Hồ kính yêu với hai bàn tay trắng đã sang tận Ai Cập như thế nào và thấy trong lòng chứa chan một tình cảm kính mến sâu lắng lạ kỳ. Con đường dường như đã ngắn lại để chúng tôi chóng được nhìn thấy những nơi Bác đã từng đi qua. Xuất phát từ sáng sớm và khoảng hai giờ chiều chúng tôi đã đến được thành phố Port Said.Thành phố Port Said là nơi có cảng biển lớn cho tàu bè các nước đi qua Kênh đào Sue đến các đại dương được thành lập năm 1859. Ngày nay, ngoài cảng cho tàu lớn các nước, ở đây còn có cảng Cá và cảng Du lịch. Từ bên này nhìn sang bên kia bờ Kênh đào Sue là những khách sạn, nhà ở, nơi ăn nghỉ cuả các thuỷ thủ khi dừng chân tại đây trước khi đi qua Kênh.

Thành phố được trang điểm một cách sáng sủa với sắc màu tươi mới, với những đường phố sạch sẽ, quang đãng, trang trí đẹp mắt với những sắc màu hiện đại. Thành phố có rất ít dân (so với Thủ đô Cairo 20 triệu dân và thành phố Alexandria bên cạnh có 6 triệu dân…). Nơi đây có khoảng 540.000 người. Người dân ở đây rất hiền hoà và mến khách. Họ chuyên sản xuất, kinh doanh xăng dầu, gạo, bông, đánh bắt thủy sản, làm du lịch, chế biến thực phẩm, thuốc lá, hóa chất, bảo dưỡng tàu thuỷ… Đây cũng là thành phố nghỉ mát vào mùa hè.

Nếu bạn đến đây và nói bạn là người Việt Nam, thì người dân điạ phương sẽ mời bạn dùng thử một loại cá mòi Điạ Trung Hải rất thơm ngon và tâm sự với bạn về tình cảm sâu lắng của họ đối với Việt Nam. Phải chăng những trái tim của hai dân tộc từng sống dưới ách thực dân đã từ lâu cùng nhịp đập, nhất là từ ngày 30/6/1911 khi Bác từ Cảng Nhà Rồng qua đây.

Theo dau chan 2
Đoàn Việt Nam trên cảng Port Said.

Thật vậy, đứng trên cảng, cạnh người bạn Ai Cập, chúng ta có cảm giác như Bác đang ở đâu đó trên bến cảng xanh biếc và nhộn nhịp này, giúp chúng tôi và những người Ai Cập gần gũi nhau hơn. Tất cả chúng tôi đều bồi hồi xúc động nghĩ về Bác, nhìn ra xa nơi những con tàu đang neo đậu và tưởng nhớ đến Bác, lòng bâng khuâng không nói nên lời. Như có duyên, Bác Hồ đã đi qua Port Said (Ai Cập), đến hai lần trong lịch sử. Lần thứ hai Bác qua đây là năm 1946, khi nhận lời mời thăm chính thức nước Pháp. Bác rời Việt Nam bằng máy bay và ghé thăm các nước: Myanmar, Ấn Độ, Ai Cập và  Angeria, trước khi đến Pháp. Trong chuyến đi này Bác đã có ba ngày ở thăm Ai Cập. Cairo, thành phố nổi tiếng trên bờ Sông Nin, một trong hai con sông dài nhất thế giới. Thành phố được người dân Ai cập gọi là En Ca-hê-ra có nghĩa là Người Chiến thắng, với hai nhánh sông Nin chảy qua, tạo nên không khí mát dịu của mùa hè Châu Phi và cảnh lãng mạn của dòng sông hiền hoà, trong xanh, thoáng đãng. Không một ngôi nhà nào được xây dựng ven sông Nin để giữ lấy môi trường nước sạch – mãi mãi là nguồn gốc của sự sống của con người trên Trái đất. Ngay giữa Thủ đô hơn 20 triệu dân này vào ban ngày ta có thể ngồi ngắm những đàn sâm cầm bơi lội, những đàn cò trắng…bay lượn, càng thấy đẹp lạ thường.

Nhưng chúng tôi đều chắc rằng những ngày ấy, đi công tác qua đây, Bác đã không có chút thời gian nào để ngắm cảnh dòng sông, vì biết rằng Bác đã dành thời gian gặp ngỡ người dân Ai Cập, thăm Thành phố cổ, thăm Kim Tự Tháp, Viện Khảo cổ Ai Cập, Thư viện, Thành cổ, Thành phố ma,… và chuẩn bị cho những ngày hội đàm đấu tranh căng thẳng sắp diễn ra ở Paris sau đó, trong cương vị Chủ tịch Nước Việt Nam vừa tuyên bố độc lập.

Đứng trên cầu Tháng Mười, nhìn xuống dòng sông Nin trong xanh, hiền hoà, chúng tôi xúc động nghĩ đến Bác, vị Lãnh tụ thiên tài, người đã lao động không mệt mỏi vì một nước Việt Nam mới, độc lập, thống nhất và thịnh vượng, có quan hệ đối tác tin cậy và chặt chẽ với các cường quốc và các nước bạn bè khắp năm Châu. Phải chăng cũng vì vậy mà ngay từ năm 1958, Bác đã cho đặt cơ quan đại diện Kinh tế của Việt Nam tại Ai Cập.

Nghĩ đến Bác, chúng tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mỗi người phải ra sức học tập, lao động tốt để đóng góp phần nhỏ bé của mình xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, có quan hệ thực sự hữu nghị với bạn bè quốc tế.

Sau những chuyến đi này, chúng tôi chẳng những không thấy mệt vì đường sá xa xôi mà thấy mình như khoẻ ra hơn nhiều như được tiếp sức sống mới… Chúng tôi tự nguyện với lòng mình luôn cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu theo tấm gương Bác.

Đại sứ Phạm Sỹ Tam (Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập)
Theo
baodatviet.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: